Vậy những đối tượng nào đủ điều kiện để được cấp visa phụ thuộc ở Nhật Bản, và visa này cho phép bạn làm gì khi sinh sống tại đây? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về visa phụ thuộc, những đối tượng và cách thức để xin cấp visa phụ thuộc Nhật Bản. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những lợi ích và một số hạn chế của việc sống ở Nhật Bản bằng visa phụ thuộc (visa đoàn tụ gia đình).
Visa phụ thuộc ở Nhật Bản là loại visa gì?
Đúng như tên gọi, visa phụ thuộc là loại visa được cấp chođối tượng là vợ/chồng và con cái của người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản. Visa phụ thuộc luôn gắn liền với visa dài hạn của người bảo lãnh hoặc cha mẹ. Nếu visa dài hạn được gia hạn hoặc bị hủy bỏ, thì visa phụ thuộc cũng bị ảnh hưởng theo.
Những đối tượng nào có thể xin cấp visa phụ thuộc?
Chỉ vợ/chồng hoặc con cái hợp pháp của những người có visa lao động dài hạn hoặc du học mới có đủ điều kiện để xin cấp visa phụ thuộc tại Nhật Bản. Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản sẽ không cấp visa phụ thuộc cho những người chưa kết hôn với người bảo lãnh. Ngoài ra, vì Nhật Bản hiện không công nhận hôn nhân đồng giới nên nếu những người phụ thuộc là người kết hôn đồng giới cũng sẽ không đủ điều kiện để xin cấp visa phụ thuộc vào Nhật Bản.
Ngoài ra, con cái của người có visa dài hạn là những người thân duy nhất đủ điều kiện xin visa phụ thuộc Nhật Bản. Con riêng cần được người có thị thực chính nhận làm con nuôi mới đủ điều kiện để xin cấp visa phụ thuộc. Bất kỳ người thân nào khác, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em, đều không nằm trong nhóm đối tượng xin cấp visa phụ thuộc Nhật Bản.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đó là visa phụ thuộc không giống như visa vợ/chồng. Visa vợ/chồng chỉ được cấp cho những người kết hôn với công dân Nhật Bản. Nếu người kết hôn với bạn không phải là người mang quốc tịch Nhật Bản và bạn có ý định cùng chuyển đến Nhật Bản sinh sống thì bạn sẽ phải xin visa phụ thuộc.
Làm thế nào để xin visa phụ thuộc Nhật Bản?
Để có thể nhập cảnh vào Nhật Bản, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ yêu cầu chứng minh mối quan hệ giữa người xin visa phụ thuộc và người bảo lãnh. Họ cũng cần giấy tờ chứng minh rằng người bảo lãnh có khả năng để hỗ trợ tài chính cho người được cấp visa phụ thuộc. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn nhận được lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng ở Nhật, có thể công ty sẽ hỗ trợ bạn xin thị thực cho người phụ thuộc. Nếu điều này không được công ty đề cập đến, bạn có thể xác nhận lại thông tin với các nhà tuyển dụng ở Nhật Bản trước khi nộp đơn xin việc tại Nhật Bản.
Nếu công ty bạn đang làm việc không hỗ trợ các thủ tục để xin visa phụ thuộc hoặc nếu bạn đang sinh sống tại Nhật Bản bằng visa du học dài hạn, bạn vẫn có thể bảo lãnh vợ/chồng hoặc con cái của mình đến Nhật Bản với tư cách là người phụ thuộc. Tuy nhiên, bạn sẽ cần cung cấp những giấy tờ cần thiết để chứng minh cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh rằng bạn có thể đảm bảo về mặt tài chính cho người phụ thuộc trong suốt thời gian họ ở Nhật Bản.
Quy trình xin cấp Visa phụ thuộc
Quá trình xin visa phụ thuộc không hề phức tạp nhưng thường mất khá nhiều thời gian, có thể mất một vài tháng để hoàn tất toàn bộ thủ tục xin thị thực, vì vậy tốt nhất bạn nên chuẩn bị càng sớm càng tốt.
Đơn xin cấp visa phụ thuộc có thể được xin cùng lúc với visa lao động chính hoặc sau khi bạn được cấp visa lao động. Người có thị thực lao động hoặc có thị thực du học có thể đến Nhật Bản trước, sau đó nộp đơn xin visa phụ thuộc cho vợ/chồng hoặc con cái sau.
Để nộp đơn xin visa phụ thuộc, bạn sẽ cần hoàn thành mẫu đơn xin visa phụ thuộc và cung cấp bản sao của các tài liệu chứng minh mối quan hệ của bạn với người được bảo lãnh. Đây thường là giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy khai sinh. Những giấy tờ này sẽ cần phải được nộp cho Đại sứ quán Nhật Bản ở nước bạn hoặc Cục quản lý Xuất nhập cảnh nếu bạn đang ở Nhật Bản.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở Nhật Bản có thể cũng sẽ yêu cầu một số tài liệu nhất định phải được dịch sang tiếng Nhật. Bạn cũng sẽ cần cung cấp giấy tờ chứng nhận công việc của bạn ở Nhật Bản để chứng minh khả năng hỗ trợ tài chính cho người phụ thuộc, cũng như bản sao hộ chiếu của bạn và ảnh hộ chiếu của những người xin cấp visa phụ thuộc.
Khi tất cả các giấy tờ này đã được nộp cho Cơ quan quản lý nhập cư Nhật Bản, họ sẽ xử lý các giấy tờ và nếu bạn đáp ứng được tất cả các tiêu chí, bạn sẽ được cấp “Giấy chứng nhận tư cách lưu trú”. “Giấy chứng nhận tư cách lưu trú” này sẽ được Bộ Tư pháp cấp và xác nhận rằng các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản đã chấp thuận để bạn được cấp thị thực.
Bạn sẽ phải mang “Giấy chứng nhận tư cách lưu trú” đến Đại sứ quán Nhật Bản ở đất nước của mình để xin visa. Thời gian xét duyệt sẽ khác nhau tùy thuộc vào Đại sứ quán của mỗi nước, nhưng thường mất khoảng 1 tuần để xử lý thông tin. Bạn cũng sẽ phải trả một khoản phí để xin cấp visa (trường hợp xin visa nhập cảnh 1 lần ở Việt Nam là 650.000 VNĐ)
Nếu một người phụ thuộc chuyển đến Nhật Bản theo visa của người có visa lao động thì hai hồ sơ xin cấp visa thường được xử lý cùng nhau. Trong hầu hết các trường hợp, phía công ty quản lý người lao động ở Nhật Bản sẽ tiến hành thủ tục xin cấp visa lao động và visa phụ thuộc. Đây được xem như một phần của quá trình tuyển dụng người lao động ở nước ngoài đến Nhật Bản.
Trong trường hợp này, bạn sẽ cần cung cấp giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn, ảnh hộ chiếu và bất kỳ giấy tờ nào khác được nhà tuyển dụng yêu cầu. Sau đó, họ sẽ thay mặt bạn nộp cho Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Nhật Bản. Sau khi được chấp thuận, Giấy chứng nhận tư cách lưu trú sẽ được gửi về cho công ty và phía công ty sẽ gửi cho bạn để bạn xin cấp visa phụ thuộc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở nước mình.
Sống ở Nhật Bản bằng visa phụ thuộc – Bạn có thể (và không thể) làm gì?
Mặc dù visa phụ thuộc cho phép bạn sống ở Nhật Bản, nhưng nó cũng đi kèm với một số quy định và hạn chế. Hạn chế lớn nhất là visa phụ thuộc có thể không cho phép bạn làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu muốn bạn có thể xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” để có thể làm việc bán thời gian tối đa 28 giờ/ tuần.
Bạn cần lưu ý rằng ngay cả khi được cấp quyền làm việc, những người phụ thuộc không được phép làm việc trong một số ngành nhất định ví dụ như làm việc trong quán bar, câu lạc bộ đêm, cửa hàng pachinko hoặc trung tâm trò chơi,…
Một vài cách khác để làm việc với tư cách người phụ thuộc ở Nhật Bản
Nếu bạn muốn làm việc hơn 28 giờ/tuần với tư cách lưu trú người phụ thuộc, bạn sẽ cần tìm một nhà tuyển dụng có khả năng cung cấp cho bạn thị thực lao động. Một số nhà tuyển dụng có thể miễn cưỡng làm điều này, nhưng nếu bạn tìm thấy một nhà tuyển dụng sẵn sàng cấp cho bạn thị thực lao động, thì họ sẽ phải thay mặt bạn nộp đơn lên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để chuyển đổi thị thực của bạn sang thị thực lao động.
Bạn cần lưu ý rằng có thể có một số hạn chế đối với visa lao động chính liên quan đến visa phụ thuộc. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, phía công ty quản lý của người có visa lao động sẽ chi trả cả bảo hiểm lương hưu và bảo hiểm y tế cho cả người có visa phụ thuộc. Nhưng nếu người có visa phụ thuộc tìm được công việc toàn thời gian và chuyển đổi sang visa lao động, các khoản hỗ trợ này sẽ bị cắt.
Ngoài ra, một số nhà tuyển dụng cũng trả một khoản trợ cấp bổ sung cho người phụ thuộc. Vì vậy, nếu người phụ thuộc chuyển sang visa lao động, bạn cũng cần thông báo phía công ty quản lý, vì người phụ thuộc sẽ không còn đủ điều kiện để nhận trợ cấp từ phía chủ lao động của người có visa lao động chính nữa.
Cân nhắc đến việc tự thành lập doanh nghiệp riêng
Một cách khác để bạn làm việc mà không cần phải tìm đến nhà tuyển dụng chính là thành lập doanh nghiệp riêng và làm việc cho chính mình. Một cách để làm điều này là đăng ký quyền sở hữu doanh nghiệp tư nhân, được gọi là “kojin jigyo” (個人事業) ở Nhật Bản. Điều này về cơ bản cho phép bạn làm việc như một doanh nghiệp tư nhân và sẽ rất phù hợp nếu bạn đang muốn làm một công việc tự do.
Việc đăng ký quyền sở hữu doanh nghiệp tư nhân cũng tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần hoàn thành một mẫu đơn cung cấp thông tin chi tiết về bản thân và loại doanh nghiệp bạn dự định mở. Vào cuối năm tài khóa, bạn sẽ phải kê khai thu nhập trong năm với cơ quan thuế và nộp các khoản thuế còn nợ.
Tuy nhiên, để làm việc với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, bạn vẫn cần phải xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”, có nghĩa là bạn chỉ được làm việc tối đa 28 giờ/tuần.
Bên cạnh đó cũng có những lựa chọn khác cho người phụ thuộc về việc thành lập doanh nghiệp của riêng bạn ở Nhật Bản, chẳng hạn như thành lập một công ty cổ phần (株式会社) nhưng những lựa chọn này đòi hỏi một khoản đầu tư tài chính lớn và trong một số trường hợp phải đảm bảo việc sử dụng lao động ít nhất 2 nhân công Nhật Bản.
Người có visa phụ thuộc phải nộp những loại thuế nào?
Các công việc bán thời gian cũng phải chịu thuế. Thuế thu nhập được chủ lao động khấu trừ từ bảng lương và dựa trên số tiền kiếm được từ việc làm, trong khi thuế quốc gia dựa trên thu nhập hàng năm và người nộp thuế phải nộp từ ngày 16/2 ~ 15/3 hàng năm để xem có bất kỳ sự khác biệt nào trong số tiền đã thanh toán hay không. Việc nộp đơn kê khai thuế phải được thực hiện tại văn phòng hành chính địa phương và nếu bạn không biết đó là địa điểm nào, bạn có thể hỏi thông tin tại văn phòng quận/ thành phố nơi bạn đang sinh sống.
Bạn cũng có thể phải nộp các loại thuế của thành phố mà có thể được khấu trừ vào tiền lương của bạn hoặc bạn phải tự nộp tại cửa hàng tiện lợi hoặc văn phòng quận/thành phố.
Mở tài khoản ngân hàng ở Nhật Bản với tư cách là Người phụ thuộc
Cuối cùng, cần lưu ý rằng người phụ thuộc không thể mở tài khoản ngân hàng ở Nhật Bản cho đến khi họ sống ở Nhật sau 6 tháng. Điều này có thể gây khá nhiều rắc rối nếu bạn dự định tìm việc trong vòng 6 tháng đầu tiên khi đến Nhật Bản, vì bạn sẽ phải tìm cách nhận lương sao cho thuận lợi. Bạn cũng có thể trao đổi với nơi mình làm thêm để xem liệu họ có thể tìm cách trả lương cho bạn ngay cả khi bạn chưa có tài khoản ngân hàng ở Nhật Bản hay không.
Hãy đưa người thân của bạn đến Nhật Bản sinh sống
Mặc dù visa phụ thuộc cho phép vợ/chồng hoặc con cái của một cư dân người nước ngoài có thị thực dài hạn đến sinh sống ở Nhật Bản, nhưng đối với một số loại tư cách lưu trú có thể có một số hạn chế. Nếu những người phụ thuộc có kế hoạch làm việc trong thời gian ở Nhật Bản, họ có thể sẽ cảm thấy bị giới hạn với quy định chỉ được làm việc 28 giờ/tuần.
Để khắc phục điều này, người phụ thuộc có thể cần phải tìm cách chuyển sang tư cách lưu trú khác. Tuy nhiên, nếu người phụ thuộc là nội trợ hoặc con của người có thị thực chính còn nhỏ và không có nhu cầu làm việc, thị thực phụ thuộc sẽ cho phép họ sống thoải mái tại Nhật Bản.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố