Hướng dẫn đăng ký “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”! Những quy định về việc làm thêm ở Nhật mà bạn cần biết

nhân viên người nước ngoài làm việc tại cửa hàng tiện lợi

Hầu hết các sinh viên Việt Nam sang Nhật đều tham gia làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cũng như để có cơ hội tiếp xúc giúp hiểu hơn về cuộc sống ở Nhật. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp trong số đó lại xem việc làm thêm là công việc chính của mình, mải mê kiếm tiền dẫn đến kết quả học tập sa sút, thậm chí còn vi phạm những quy định về luật làm thêm dẫn đến việc bị thu hồi visa và trục xuất về nước. Vậy làm thế nào để có thể làm thêm ở Nhật mà không vi phạm những quy định được đề ra. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

1. Những đối tượng không được phép làm thêm ở Nhật

Rất nhiều bạn sinh viên, thực tập sinh sang Nhật và nghĩ rằng mình có thể làm thêm ở bất kỳ đâu để kiếm thêm thu nhập như mong muốn. Tuy nhiên, về vấn đề này, Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản đã quy định rất rõ những đối tượng được và không được phép làm thêm ở Nhật. Theo luật, có 5 nhóm tư cách lưu trú không được phép làm thêm ở Nhật đó là:

  • Hoạt động văn hóa: người nghiên cứu văn hóa Nhật Bản
  • Lưu trú ngắn hạn: khách du lịch, người tham gia hội nghị
  • Du học: sinh viên các trường đại học, trường chuyên môn, trường tiếng Nhật
  • Thực tập: nghiên cứu sinh
  • Lưu trú gia đình: vợ/chồng, con cái của người nước ngoài lưu trú tại Nhật, ngoại trừ một số tư cách

Ngoài ra, cách nhanh nhất để bạn kiểm tra xem mình có được phép lao động ở Nhật hay không đó là kiểm tra thẻ lưu trú (zairyu card). Trường hợp trên thẻ có ghi “就労不可” có nghĩa là bạn không được phép làm việc, và khi đó bạn phải xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” để có thể đi làm thêm.

Thẻ lưu trú (mặt trước)

2. Hướng dẫn thủ tục xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”

Với những nhóm tư cách lưu trú không được phép làm thêm ở trên, nếu muốn làm thêm bạn phải xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”. 

Những giấy tờ cần chuẩn bị

  • Đơn xin giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
  • Tài liệu chứng minh nội dung hoạt động liên quan đến đơn yêu cầu
  • Xuất trình thẻ lưu trú (bao gồm cả giấy chứng nhận đăng ký người nước ngoài)
    ※ Trường hợp người khác đi nộp giấy tờ hộ, bạn cần photo thẻ lưu trú và gửi người đó mang đến
  • Hộ chiếu hoặc Giấy chứng nhận tư cách lưu trú (COE)
  • Trường hợp không thể xuất trình Hộ chiếu hoặc Giấy chứng nhận tư cách lưu trú (COE) thì cần có bản tường trình trình bày rõ lý do
  • Xuất trình giấy tờ xác nhận nhân thân (trường hợp nộp qua công ty ủy thác)

Chi phí: miễn phí
Địa chỉ nộp hồ sơ: Phòng quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú ở địa phương nơi bạn cư trú. Hoặc Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (thông tin tiếng Việt tham khảo tại đây
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Các ngày trong tuần từ 9:00 ~ 12:00 và 13:00 ~ 16:00
Thời gian xử lý hồ sơ: 2 tuần ~ 2 tháng

Có hai loại “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú:
① Giấy phép phổ thông: “Cho phép làm việc (tối đa 28 tiếng/tuần, không làm việc trong lĩnh vực công nghiệp tình dục)”. Những người có tư cách lưu trú “Du học”, “Lưa trú gia đình” thường được cấp loại giấy phép này.
② Giấy phép đặc biệt: “Cho phép làm việc (làm việc trong phạm vi ghi trên giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú)”. Với trường hợp này, người được cấp phép chỉ được làm việc trong phạm vi những công việc được quy định. Trường hợp bạn thay đổi công việc bạn sẽ phải xin lại giấy phép này.

Thẻ lưu trú (mặt sau)
Thẻ lưu trú (mặt sau)

Thời hạn của “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”

“Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” có thời hạn giống với thời hạn của tư cách lưu trú in trên thẻ lưu trú, nên khi bạn gia hạn tư cách lưu trú bạn cũng phải xin cấp lại “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”. Hãy ghi nhớ điều này nhé, vì có rất nhiều trường hợp người nước ngoài quên làm thủ tục này đó.

3. Những quy định về việc làm thêm ở Nhật đối với du học sinh người nước ngoài

đồng hồ
garagestock/Shutterstock.com

Sau khi lấy được “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” hãy kiểm tra kỹ thông tin in trên mặt sau của thẻ để hiểu rõ được phạm vi công việc cũng như thời gian bạn được phép làm thêm. Với mỗi tư cách lưu trú sẽ có quy định về thời gian được phép làm thêm khác nhau. Trong giới hạn bài viết lần này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến đối tượng là các du học sinh có tư cách lưu trú “Du học”.

Không làm quá 28 tiếng/tuần

Đối với du học sinh, nhiệm vụ chính là việc học, nên cho dù được phép làm thêm thì số giờ làm thêm theo quy định trong kỳ học chỉ được tối đa là 28 tiếng/tuần. Trường hợp bạn làm nhiều công việc cùng một lúc, số giờ này sẽ được tính bằng tổng thời gian của tất cả các công việc mà bạn làm thêm. Lưu ý là 28 tiếng này đã bao gồm cả thời gian làm thêm giờ rồi bạn nhé.

Ngoài ra, theo Luật tiêu chuẩn lao động Nhật Bản, những người dưới 18 tuổi không được phép làm thêm giờ, làm việc khuya và làm việc vào ngày nghỉ lễ theo quy định. Đây là điều ít được nhắc đến, nên những bạn nào dưới 18 tuổi cần hết sức chú ý để tránh vi phạm.

Trong các kỳ nghỉ dài như nghỉ hè, nghỉ đông có thể làm 8 tiếng/ngày

Luật tiêu chuẩn lao động Nhật Bản quy định 1 ngày lao động tối đa là 8 tiếng, 1 tuần 40 tiếng. Nếu bạn trên 18 tuổi và đã ký Hiệp định 36 (Hiệp định liên quan đến việc làm thêm giờ/ngày nghỉ) và thông báo đến cho Phòng kiểm tra Tiêu chuẩn lao động, bạn sẽ được phép làm thêm 1 ngày 8 tiếng và tối đa 40 tiếng/tuần, không những vậy bạn còn có thể làm việc vào cả những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong những kỳ nghỉ dài của trường như nghỉ hè, nghỉ đông thôi bạn nhé!

※Lưu ý : trường hợp trường học cho học sinh/sinh viên nghỉ do ảnh hưởng của Covid-19 không được tính là kỳ nghỉ dài, nên trong thời gian này bạn cũng không được phép đi làm thêm quá 28 tiếng/tuần.

Du học sinh thôi học có thể tiếp tục làm thêm hay không?

Theo luật quy định trước đây, trong khoảng thời gian từ sau khi tốt nghiệp cho đến khi về nước, bạn không được phép làm thêm. Công việc làm thêm của du học sinh chỉ được chấp nhận trong thời gian vẫn là học sinh và thuộc quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã có những biện pháp nới lỏng chính sách nhập cư, cho phép các du học sinh gặp khó khăn do dịch như không thể về nước, chưa thể kiếm được việc làm ngay có thể chuyển đổi tư cách lưu trú sang “Hoạt động đặc định (thời hạn 6 tháng, được làm thêm không quá 28 tiếng một tuần)” để tiếp tục ở lại Nhật Bản và làm thêm trong thời gian nửa năm. Thông tin chi tiết các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.

Nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Nếu vi phạm những quy định về thời gian và công việc trên, hậu quả trước mắt mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhất là sẽ bị trường cho thôi học, tước tư cách lưu trú “Du học” và bị trục xuất về nước. Bạn cũng sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản trong vòng ít nhất 5 năm.

Trường hợp bạn vi phạm quy định nhưng không bị phát hiện ngay. Bạn đừng vội nghĩ rằng mình có thể “chót lọt” cho qua vụ này. Bởi sau đó khi bạn gia hạn hoặc chuyển đổi tư cách lưu trú, cục xuất nhập cảnh sẽ điều tra hồ sơ của bạn và có thể phát hiện ra bạn làm quá giờ hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh không được phép. Khi này khả năng cao là bạn sẽ không gia hạn hoặc chuyển đổi được visa, những sai phạm bị phát hiện cũng sẽ trở thành căn cứ để trục xuất bạn khỏi Nhật Bản.

Về phía người sử dụng lao động nếu họ có những nhân viên vi phạm những quy định trên, họ sẽ có nguy cơ bị phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 3 triệu yên.

4. Những công việc được/không được phép làm thêm

Những công việc phổ biến có thể làm thêm

Làm việc tại quầy thu ngân ở cửa hàng tiện lợi

nhân viên tại cửa hàng tiện lợi
pixta.jp

Đây có lẽ là công việc làm thêm mơ ước của nhiều bạn bởi mức lương trung bình khá ổn, ngoài ra còn có cơ hội giao tiếp và nói tiếng Nhật với khách hàng. Cửa hàng tiện lợi có mặt ở hầu như khắp mọi nơi trên nước Nhật, do đó bạn có thể tìm kiếm công việc ở những khu vực gần trường học hoặc nơi mình đang sinh sống để có thể dễ dàng đi lại. Bên cạnh việc tính tiền cho khách, làm việc tại cửa hàng tiện lợi cũng có nghĩa là bạn phải làm những công việc khác như tiếp nhận các đơn hàng chuyển phát, làm nóng đồ ăn nhanh tại quầy (bánh bao, gà rán,…) xếp hàng lên giá ở trong quầy. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được dạy cách sử dụng máy ATM, máy photo copy tại quầy để phòng trường hợp sẽ có khách hàng hỏi cách sử dụng.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của công việc này là hầu hết các cửa hàng tiện lợi đều hoạt động 24/24, do đó có khả năng là bạn sẽ bị xếp vào làm ca đêm. Mặc dù thu nhập sẽ cao hơn so với ca ban ngày, nhưng nếu làm trong thời gian dài việc này có thể ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sức khỏe của bạn đó. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nhận công việc nhé, hoặc bạn cũng có thể trao đổi thẳng thắn với chủ cửa hàng để có thể thu xếp giờ làm hợp lý.

Nhân viên phục vụ tại cửa hàng ăn uống (quán cà phê, nhà hàng,…)

nhân viên phục vụ bàn và khách hàng
pixta.jp

Đây là công việc làm thêm được khá nhiều du học sinh và những bà nội trợ lựa chọn vì có thể giao tiếp với người Nhật cũng như tìm hiểu về ngành dịch vụ ăn uống của Nhật Bản. Số lượng các cửa hàng ăn uống tại Nhật rất nhiều và đa dạng từ quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng đồ ăn nhanh, cho đến các nhà hàng gia đình,… nên sẽ không khó để bạn có thể tìm cho mình một địa điểm lý tưởng để làm thêm. Với những bạn du học sinh mới sang Nhật, nếu vẫn cảm thấy chưa tự tin khi giao tiếp với người Nhật bạn có thể tìm kiếm công việc tại một cửa hàng phục vụ đồ ăn của nước bạn. Tại đó, bạn có thể bắt gặp chủ quán, những nhân viên làm cùng, hoặc khách hàng có cùng quốc tịch, việc giao tiếp và làm quen với công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thông thường tại các nhà hàng ăn uống, có hai công việc phổ biến bạn có thể đăng ký làm là làm trong khu bếp (nấu ăn, rửa bát) hoặc làm bồi bàn. Công việc trong bếp thường được cho là nặng nề và vất vả hơn nhưng ít phải dùng tiếng Nhật hơn nên những bạn có vốn tiếng Nhật chưa tốt lắm có thể xem đây là sự lựa chọn an toàn khi tìm việc. Còn với những bạn muốn có nhiều cơ hội trò chuyện bằng tiếng Nhật hơn hãy tìm cho mình vị trí phục vụ bàn tại một nhà hàng nào đó để thử sức. Mặc dù vậy, cũng có nhiều nơi không tách biệt hai công việc mà bạn sẽ bắt buộc phải làm cả hai tùy vào tình hình công việc.

Công nhân làm việc tại các nhà máy

công nhân tại nhà máy
pixta.jp

Công việc làm thêm tại nhà máy thường ít cần giao tiếp, trao đổi nên rất phù hợp với những người mới sang Nhật, tiếng Nhật còn kém. Tại đây bạn sẽ có cơ hội được tận mắt quan sát quy trình sản xuất, chế biến công nghiệp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, có thể coi đây là công việc vất vả nhất trong những việc làm thêm ở Nhật, bởi làm ở nhà máy bạn bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời gian, trang phục, đầu tóc,… khi làm việc. Đặc biệt là các nhà máy chế biến thực phẩm có khi bạn sẽ phải làm việc trong kho lạnh, hoặc mặc quần áo kín mít vào mùa hè giữa thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, các nhà máy thường ở xa trường học nên việc đi lại cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức.

Dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài

giáo viên đang dạy tiếng Anh cho học viên
Keisuke_N/Shutterstock.com

Đừng nghĩ là ở Nhật bạn chỉ có thể đi dạy tiếng Anh thôi nhé, trên thực tế cũng có rất nhiều người nước ngoài trong đó có người Nhật thích và muốn học tiếng Việt. Nhìn qua chắc nhiều người sẽ nghĩ đây là “việc nhẹ, lương cao”, tuy nhiên để có thể dạy được tiếng Việt cho người nước ngoài đòi hỏi bạn phải có trình độ tiếng Nhật (hoặc tiếng Anh) kha khá, cùng với đó là khả năng truyền đạt và quan trọng là phải “giỏi tiếng Việt”. Công việc kiểu này thực tế không dễ tìm như bạn nghĩ bởi nó chưa quá phổ biến và các kênh thông tin đăng tải cũng chưa có nhiều. Nếu bạn mong muốn có thể tìm được một công việc như vậy hãy tích cực tham gia các hoạt động giao lưu Việt-Nhật, đến các cộng đồng ở địa phương nơi mình sinh sống, biết đâu sẽ gặp được người Nhật nào đó yêu thích Việt Nam và có mong muốn học thêm tiếng Việt. 

Những công việc không được phép làm

pachinko
 Ned Snowman/Shutterstock.com

Du học sinh không được phép làm việc tại các cửa hàng thuộc ngành công nghiệp tình dục như quán bar, karaoke, câu lạc bộ, cửa hàng mạt chược, pachinko, game center,… Bất kể bạn làm việc gì tại đó, đơn giản chỉ là quét dọn hay nấu bếp cũng là vi phạm quy định, nên hãy chú ý điều này trước khi tìm việc nhé.

Trên đây là một vài thông tin cơ bản về việc làm thêm ở Nhật bạn nên tìm hiểu trước khi có ý định làm thêm tại đây. Việc nắm rõ và tuân thủ những quy định của luật pháp Nhật Bản là điều vô cùng quan trọng nếu bạn có ý định sống ở đây trong thời gian dài. Có thể có nhiều trường hợp khó khăn, cần phải đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt và học tập, nhưng hãy cố gắng đừng để việc đó ảnh hưởng quá nhiều đến việc học tập của bạn. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý và cân đối để vừa có thể đi học đi làm mà vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật để không rơi vào những tình huống đáng tiếc các bạn nhé!

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: