Hướng dẫn cách thức đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Nhật Bản

bảo hiểm thất nghiệp
Nguy cơ bị mất việc do công ty phá sản là điều có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên với những người nước ngoài sinh sống ở Nhật việc bị mất thu nhập đột ngột như vậy có thể khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với những người Nhật có bạn bè, gia đình hỗ trợ.

Vậy nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh này bạn phải làm sao? Cách tốt nhất là hãy tìm đến “Bảo hiểm thất nghiệp” – một trong những hệ thống bảo hiểm công cộng dành cho người lao động ở Nhật. Cho dù bạn có đang thất nghiệp hay không thì việc tìm hiểu về loại bảo hiểm này cũng là một trong những việc cần thiết bạn nên làm nếu đang làm việc tại Nhật. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về điều kiện nhận bảo hiểm, cách thức đăng ký cũng như những điều cần lưu ý trong bài viết dưới đây!

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp có tên chính thức là “bảo hiểm việc làm”, là một trong những hệ thống bảo hiểm công được xây dựng nhằm bảo đảm đời sống người dân. Người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận “trợ cấp thất nghiệp” (tên chính thức là “trợ cấp cơ bản”) khi thất nghiệp vì lý do của doanh nghiệp hoặc lý do cá nhân.

Trợ cấp thất nghiệp được chi trả khi người tham gia bảo hiểm bị mất việc làm, nhằm giúp họ tiếp tục duy trì cuộc sống để trở lại làm việc nhanh nhất có thể. Vì vậy, có thể coi đây là chính sách hỗ trợ về mặt kinh tế trong thời gian ngắn hạn cho đến khi người thất nghiệp có việc làm trở lại.
Người chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ cho phép người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm tham gia bảo hiểm việc làm.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm tất cả những người lao động đang làm việc tại Nhật gồm cả người Nhật và người nước ngoài. Tuy nhiên, luật pháp quy định không phải tất cả những trường hợp không có việc làm đều được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, mà bắt buộc phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định.

Điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp

trợ cấp thất nghiệp
Ảnh: PIXTA

Điều kiện để được nhận trợ cấp thất nghiệp được áp dụng công bằng với cả người nước ngoài và người Nhật; do đó bạn chỉ cần đáp ứng các tiêu chí và tiến hành một số thủ tục theo quy định là có thể nhận trợ cấp thất nghiệp.

Sau đây là các điều kiện để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp:
・Thời gian tham gia bảo hiểm việc làm trong vòng 2 năm trước khi nghỉ việc phải từ12 tháng trở lên (nếu số ngày làm việc từ 11 ngày trở lên, hoặc thời gian làm việc cơ sở để trả lương là 80 giờ trở lên thì thời gian đó được làm tròn là 1 tháng).
・Đang trong tình trạng thất nghiệp

Những người có thời gian làm việc dưới 20 giờ/tuần hoặc học sinh, sinh viên đang đi học vào ban ngày sẽ không được tham gia bảo hiểm việc làm; nên cũng sẽ không thuộc đối tượng nhận bảo hiểm thất nghiệp. Người nước ngoài làm công việc bán thời gian trên 20 giờ/tuần được xem là đối tượng nhận bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn là sinh viên có tư cách lưu trú “Du học” và đang đi làm thêm thì bạn sẽ không thuộc đối tượng nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, những người có visa “Lao động kết hợp kỳ nghỉ” (Working Holiday) cũng không thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp vì mục đích đến Nhật chủ yếu là để nghỉ ngơi chứ không phải để lao động.

Nếu bạn không thể xin việc làm ngay lập tức vì các lý do như bệnh tật, bị thương, mang thai, sinh nở, nuôi con nhỏ,… thì bạn cũng không được nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, theo Luật Bảo hiểm việc làm, người thất nghiệp là “người có ý chí và khả năng làm việc nhưng không thể xin được việc làm”, nên những người chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp và không tìm kiếm việc làm (không có ý chí làm việc), và những người nước ngoài không có tư cách cư trú sẽ không được xét đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng khác nhau tùy thuộc vào lý do nghỉ việc, độ tuổi khi nghỉ việc và thời gian tham gia bảo hiểm việc làm. Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 150 ngày nếu nghỉ việc vì lý do cá nhân (nghỉ việc do hoàn cảnh hoặc ý định riêng như thay đổi công việc hoặc mở công ty riêng,…); tối đa là 330 ngày nếu nghỉ việc vì lý do công ty (công ty phá sản, tái cơ cấu hoặc bị sa thải,…)

Những hạn chế về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp

Trong trường hợp bạn nghỉ việc vì lý do công ty, bạn phải nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hello Work và có thể nhận ngay trợ cấp thất nghiệp sau “thời gian chờ” là 7 ngày. Trường hợp bạn nghỉ việc vì lý do cá nhân hoặc bị công ty sa thải do lỗi của cá nhân thì bạn phải chờ thêm 3 tháng nữa mới nhận được tiền trợ cấp.

Nếu một người có tư cách lưu trú lao động bị mất việc làm, họ có thể ở lại Nhật Bản trong khoảng thời gian cư trú còn lại, nhưng nếu người đó không làm gì trong 3 tháng kể từ khi mất việc, họ sẽ bị hủy bỏ mục đích của tư cách cư trú ban đầu (làm việc tại Nhật Bản), và trở thành đối tượng “bị hủy bỏ tư cách lưu trú”. Vì thế, nếu bạn thất nghiệp, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bạn cần cố gắng để sớm có việc làm trong 3 tháng sau khi thất nghiệp.

Thủ tục xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp

đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Hello Work
Suikotei/Wikimedia Commons

Thủ tục đăng kí nhận bảo hiểm thất nghiệp có thể thực hiện tại văn phòng Hello work nơi bạn sinh sống.
Dưới đây là các giấy tờ đăng kí cần thiết:
・Phiếu thông tin thôi việc của người đăng ký bảo hiểm việc làm (do công ty phát hành vào thời điểm thôi việc)
・Thẻ lưu trú hoặc Giấy chứng nhận đăng kí người nước ngoài
・Giấy chứng nhận người được bảo hiểm thất nghiệp (được công ty đưa cho trước khi nghỉ việc)
・02 ảnh chân dung (3×2,5cm)
・Con dấu cá nhân (nếu có)
・Sổ tài khoản hoặc thẻ ngân hàng do người đăng ký bảo hiểm đứng tên

Chúng tôi sẽ giải thích cụ thể về trình tự đăng ký như dưới đây:

Trình tự đăng ký nhận bảo hiểm

đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp
Ảnh: PIXTA

・“Đăng ký tìm việc” tại Hello work
Bạn phải điền phiếu đăng ký tìm việc tại văn phòng Hello work nơi bạn sinh sống và nộp các giấy tờ liên quan. Tại đây, cán bộ phụ trách sẽ kiểm tra xem bạn có đáp ứng điều kiện nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp hay không để quyết định tư cách nhận trợ cấp thất nghiệp của bạn.

・Tham gia buổi hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp
Sau khi được quyết định đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp, bạn sẽ được hướng dẫn tham dự buổi giải thích về bảo hiểm việc làm. Tại buổi hướng dẫn này, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hưởng bảo hiểm việc làm và giấy chứng nhận thất nghiệp. Việc tham gia buổi hướng dẫn là điều kiện bắt buộc, vì bạn sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu không tham dự.

・Nhận giấy chứng nhận thất nghiệp
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, về nguyên tắc cứ sau 4 tuần (28 ngày) kể từ buổi hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn phải đến Hello Work vào ngày quy định để được xác nhận là vẫn đang thất nghiệp. Nếu muốn được xác nhận vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp, bạn phải tích cực tham gia hoạt động tìm việc tối thiểu 2 lần mỗi tháng, cụ thể như nghe tư vấn nghề nghiệp, nhận giới thiệu việc làm,… tại quầy tư vấn của Hello Work.

・Nhận trợ cấp thất nghiệp
Tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ được chuyển khoản đến tài khoản ngân hàng bạn đã đăng ký trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày được xác nhận đang thất nghiệp. Bạn sẽ phải thực hiện lặp đi lặp lại quy trình “xác nhận đang thất nghiệp” và “nhận trợ cấp thất nghiệp” kết hợp với tìm việc làm cho đến khi đi làm trở lại hoặc kết thúc thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp là 1 năm tính từ ngày bạn chính thức thất nghiệp. Khi vượt quá 1 năm, kể cả khi bạn vẫn đang trong thời hạn nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định thì bạn cũng không được nhận tiền trợ cấp nữa.

Bên cạnh đó, trong thời gian nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, nếu bạn có hành vi bất chính nhằm cố tình nhận trợ cấp thất nghiệp như khai báo gian dối để được công nhận là thất nghiệp cho dù thực tế không hề tham gia hoạt động tìm việc, không kê khai đang làm việc mặc dù đang làm việc bán thời gian… thì hành vi đó vẫn bị coi là gian dối cho dù bạn không thực sự nhận tiền trợ cấp. Bạn sẽ không chỉ mất quyền lợi nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp mà còn phải hoàn trả số tiền trợ cấp đã nhận cùng với khoản tiền nộp phạt gấp 2 lần số tiền đã nhận do hành vi gian dối.

Những điều cần lưu ý đối với người nước ngoài thất nghiệp tại Nhật Bản

Trong mục này, chúng tôi sẽ giải thích những việc người nước ngoài thất nghiệp tại Nhật bắt buộc phải làm và những lưu ý cần thiết. Nếu bạn là người lao động nước ngoài có thị thực lao động và nghỉ việc ở công ty, bạn cần đến Cục quản lý xuất nhập cảnh và xuất trình “Thông báo về tổ chức kí hợp đồng” (契約機関に関する届出) trong vòng 14 ngày kể từ khi nghỉ việc. Thủ tục này hoàn toàn khác với thủ tục thay đổi/cấp mới tư cách thị thực/cư trú, nên cho dù thị thực của bạn vẫn còn hạn thì bạn vẫn phải thực hiện việc thông báo này. Việc nộp thông báo có thể thực hiện trực tiếp tại Cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc nộp trực tuyến.

Đối với người nước ngoài có thị thực lao động đã thôi việc hoặc mất việc cần chú ý nếu làm việc bán thời gian trong giai đoạn này. Thị thực lao động quy định rõ về nội dung công việc và ngành nghề cho phép làm việc. Nếu bạn muốn làm việc bán thời gian ngoài phạm vi đó, bạn cần phải xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” sau khi giải thích rằng bạn rời đi vì lý do công ty hoặc vì những lý do không thể tránh khỏi. Bạn cũng cần chú ý quy định về thời gian làm việc đối với trường hợp hoạt động ngoài tư cách lưu trú đó là không được vượt quá 28 giờ/tuần. Nếu bạn bỏ qua thủ tục đăng ký này và cứ thế làm việc bán thời gian thì bạn sẽ bị coi là làm việc bất hợp pháp và có thể không được xét duyệt khi làm thủ tục gia hạn/ thay đổi tư cách lưu trú sau này, với lý do “tình trạng cư trú không tốt” hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị hủy bỏ tư cách cư trú, trục xuất về nước.

Giới thiệu các tổ chức liên quan

Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy lo lắng về cuộc sống khi không thể tìm được công việc mới sau khi thất nghiệp, hoặc trong thời gian chờ để nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, bạn có thể sẽ cần đến Trung tâm dịch vụ việc làm dành cho người nước ngoài, nơi hỗ trợ người nước ngoài sớm tìm được công việc.

Trung tâm dịch vụ việc làm dành cho người nước ngoài là tổ chức công, hỗ trợ người nước ngoài có tư cách cư trú lao động tại Nhật Bản trong các hoạt động tìm làm và chuyển việc. Trung tâm hiện có cơ sở tại 4 địa điểm là Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka. Tại đây, bạn không chỉ được cung cấp thông tin việc làm, hướng dẫn làm việc, hướng dẫn trả lời phỏng vấn, tư vấn cá nhân,… mà còn được trợ giúp về các thủ tục như thay đổi tư cách cư trú,…

Trung tâm có hỗ trợ đa ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, giúp người nước ngoài có thể thoải mái trao đổi và an tâm sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi cơ sở sẽ có chương trình hỗ trợ ngôn ngữ, ngày và khung giờ làm việc khác nhau.

Trung tâm dịch vụ việc làm dành cho người nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ dành riêng cho người nước ngoài. Vì thế bạn có thể chủ động đến đây để được tư vấn về việc làm và những khó khăn đang gặp phải.

▼Thông tin về các trung tâm dịch vụ việc làm cho người nước ngoài tại Nhật Bản
https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_12638.html

Lời kết

Như chúng tôi đã đề cập, người nước ngoài có thị thực lao động tại Nhật Bản khi nghỉ việc thường gặp nhiều rủi ro khi nhận trợ cấp thất nghiệp. Vì thế, ngoại trừ những lý do về phía công ty, tốt nhất bạn không nên nghỉ việc, hoặc chỉ nghỉ việc sau khi đã tìm được công việc mới. Ngoài ra, nếu gặp bất cứ vấn đề gì khó khăn, bạn có thể tìm đến Hello Work hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm dành cho người nước ngoài để nhờ tư vấn và hỗ trợ.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: