Tất nhiên, bạn cũng không nên dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình, nhưng việc trang bị thêm những kiến thức bổ ích sẽ giúp bạn sớm tìm được một công việc phù hợp với bản thân! Để giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành này, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ mọi điều bạn cần biết khi làm việc trong khách sạn ở Nhật Bản – cả ưu điểm và nhược điểm! Hãy cùng đọc để biết xem đâu là những thứ bạn cần trang bị khi muốn gây dựng sự nghiệp trong ngành khách sạn tại Nhật Bản nhé.
Những kỹ năng cần thiết để làm việc trong một khách sạn Nhật Bản?
Trước khi khám phá những ưu và nhược điểm của việc công tác trong khách sạn Nhật Bản, hãy cùng chúng tôi thảo luận về những kỹ năng bạn cần để có thể tham gia vào ngành này nhé.
Các kỹ năng tiếng Nhật và các kỹ năng ngoại ngữ khác
Dù làm trong ngành khách sạn hay bất cứ ngành nào khác, trình độ tiếng Nhật vẫn là kỹ năng quan trọng nhất bạn cần có. Nếu không có trình độ ngôn ngữ cơ bản, việc sinh sống và làm việc tại Nhật Bản sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tại các khách sạn, bạn sẽ thường xuyên giao tiếp với khách và mặc dù không cần phải thông thạo kính ngữ (keigo) trong tiếng Nhật, nhưng ít nhất bạn phải nắm được các từ và cụm từ lịch sự cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm việc trong các khách sạn, ryokan nổi tiếng và cao cấp, trình độ thông thạo cơ bản rõ ràng là không đủ.
Tất nhiên, nếu bạn ứng tuyển làm nhân viên quản lý thiết bị hoặc nhân viên vệ sinh – những vị trí không cần tiếp xúc nhiều với khách hàng, thì họ sẽ không đòi hỏi quá nhiều ở trình độ tiếng Nhật của bạn. Tuy nhiên, vì đang sống ở Nhật Bản nên bạn vẫn cần biết càng nhiều tiếng Nhật càng tốt. Nếu không, bạn sẽ đi làm cả ngày mà không thể nói chuyện với ai. Còn nếu đang nhắm đến một vị trí ở quầy lễ tân khách sạn hay những vị trí tương tự, bạn sẽ cần phải có năng lực tiếng Nhật nhất định. Đó là lý do vì sao bạn nên bắt đầu luyện tập ngay bây giờ!
Ngoài ra, khách lưu trú tại các khách sạn Nhật Bản là người từ khắp nơi trên thế giới và có thể không nói được tiếng Nhật. Do đó, bên cạnh tiếng Nhật, nếu bạn có thể sử dụng thêm một ngoại ngữ khác thì đó sẽ là lợi thế lớn cho bạn khi đi xin việc. Đó là lý do tại sao khi nộp đơn xin việc tại khách sạn ở Nhật Bản, bạn nên kiểm tra trước xem khách sạn đó có nhiều khách du lịch nước ngoài hay không. Nếu có thì lợi thế về ngoại ngữ ngoài tiếng Nhật ra sẽ được chú trọng.
Tư duy đúng đắn cho công việc trong ngành dịch vụ
Khách sạn là một bộ phận trung tâm của ngành dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng – Du lịch và hoạt động về cơ bản giống nhau trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, mọi việc có thể phức tạp hơn một chút khi phát sinh lỗi từ phía khách sạn hoặc khi bạn phải đối phó với những vị khách có yêu cầu phi lý.
Các khách sạn ở Nhật Bản luôn tự hào về “omotenashi” – nét văn hóa hiếu khách độc đáo của Nhật Bản. Về cơ bản, omotenashi quy định rằng khách hàng là thượng đế và nên sẽ phải được phục vụ với sự tận tâm tối đa. Dù khách hàng dễ chịu hay khó tính, trong mọi tình huống, nhân viên phải đáp ứng nhu cầu của họ một cách kịp thời với nụ cười thường trực trên môi. Đó là lý do tại sao bạn cần phải chuẩn bị trước về tâm thế nếu muốn làm trong ngành dịch vụ này. Mục đích duy nhất của bạn là làm cho khách hài lòng. Nếu không xác định rõ được điều này, bạn sẽ khó mà thành công.
Ưu điểm của ngành khách sạn ở Nhật Bản là gì?
Giúp bạn cải thiện khả năng ngoại ngữ
Một khách sạn ở Nhật Bản đương nhiên sẽ có rất nhiều nhân viên người Nhật và cũng có thể thuê những người lao động nước ngoài. Cả hai đối tượng này đều có thể giúp bạn phát triển khả năng ngoại ngữ của mình.
Vì nhân viên sẽ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, bạn sẽ có nhiều cơ hội để thực hành ngôn ngữ này. Ban đầu bạn có thể chưa giỏi, tuy nhiên theo thời gian chắc chắn khả năng tiếng Nhật của bạn sẽ được cải thiện thông qua việc trò chuyện, tương tác với người bản ngữ trong quá trình làm việc. Ngoài ra, khi giao tiếp với khách hàng bạn cũng cần phải sử dụng kính ngữ, khiêm nhường ngữ. Việc sử dụng thường xuyên cũng sẽ giúp bạn giao tiếp trôi chảy hơn với lối nói lịch sự này của người Nhật. Bản thân tôi cũng cảm thấy như vậy sau khi làm việc tại Nhật Bản trong một ryokan ở Shizuoka.
Nếu bạn biết một vài ngoại ngữ khác bên cạnh tiếng Nhật và làm việc trong một khách sạn với nhiều khách quốc tế, bạn sẽ có nhiều cơ hội giao lưu với những người từ khắp nơi trên thế giới. Và đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn rèn luyện những ngôn ngữ khác.
Thấm nhuần văn hóa hiếu khách “Omotenashi” của Nhật Bản
Ở Nhật Bản có một nền văn hóa dịch vụ độc đáo được gọi là “omotenashi”. Omotenashi không chỉ đơn thuần là lịch sự và tử tế mà còn bao hàm cả sự tận tâm, tận lực để làm cho khách cảm thấy được chào đón, thoải mái và thư thái. Tất nhiên, nơi tốt nhất để trải nghiệm điều này là tại một khách sạn ở Nhật Bản. Vì không có quốc gia nào khác có nền văn hóa giống như omotenashi, nên việc tận mắt chứng kiến văn hoá độc đáo này của Nhật Bản sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn rất nhiều nếu muốn làm việc trong ngành khách sạn tại đất nước mặt trời mọc. Bằng cách tương tác với tất cả khách hàng bằng nụ cười và thái độ tích cực, bạn sẽ hiểu omotenashi thực sự có nghĩa là gì.
Tích lũy những kinh nghiệm được đánh giá cao trên toàn thế giới
Ngày nay việc người nước ngoài làm việc tại các khách sạn Nhật Bản không còn là chuyện hiếm gặp. Trên thực tế, việc xin thị thực làm việc trong ngành khách sạn Nhật Bản thậm chí không quá khó nếu bạn đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản. Sau khi bạn được tuyển dụng, thông thường sẽ có một lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng để tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Cùng với việc cải thiện kỹ năng ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với đồng nghiệp, bạn cũng sẽ được trang bị những kiến thức về nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa Nhật Bản. Và bằng cách tương tác với khách một cách tự nhiên, bạn sẽ phát triển tư duy của người Nhật đối với công việc khách sạn, vốn được đánh giá cao trên toàn thế giới. Nếu sau này bạn quyết định tìm kiếm công việc khách sạn ở bất kỳ quốc gia nào khác, kinh nghiệm làm việc trong khách sạn Nhật Bản và tất cả những lợi ích được liệt kê ở trên sẽ là một điểm sáng trong CV của bạn.
Tiết kiệm tiền và trải nghiệm một khía cạnh mới của Nhật Bản
Mặc dù hầu hết các thông tin tuyển dụng tại khách sạn sẽ đến từ các thành phố lớn như Tokyo hoặc Osaka, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy rất nhiều công việc tại các ryokan ở thị trấn nhỏ hoặc các khu du lịch cấp tỉnh. Cái hay của những cơ sở này là họ thường cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống miễn phí hoặc chiết khấu cao cho nhân viên, điều này có thể giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn so với làm việc trong một khách sạn ở thành phố lớn. Mặc dù các thị trấn nhỏ sẽ không có nhiều hoạt động giải trí như các thành phố lớn, nhưng ngược lại bạn sẽ có cơ hội khám phá cuộc sống thanh bình ở vùng quê – những điều ít được biết đến ở Nhật Bản.
Nhược điểm của ngành khách sạn tại Nhật Bản là gì?
Công việc đòi hỏi cao về thể lực
Nhiều khách sạn phục vụ 24/24. Công việc lễ tân có thể sẽ đặc biệt vất vả, vì hầu hết khách sạn sẽ chia 2 hoặc 3 ca làm việc một ngày. Tùy thuộc vào lịch làm việc, bạn có thể phải dậy sớm hoặc làm việc đến tối muộn.
Lưu ý: Công việc nhà hàng bán thời gian thường không chia ca. Tuy nhiên, nếu bạn làm công việc chuẩn bị bữa sáng, bạn có thể sẽ cần có mặt vào khoảng 6 giờ sáng, làm việc tới 11 giờ trưa, sau đó quay lại lúc 3 giờ chiều để tiếp tục làm đến 9 giờ 30 phút tối. Nó rất khác so với công việc trong các ngành khác và thậm chí còn vất vả hơn nếu nhà hàng tổ chức tiệc hay dạ hội có thể kéo dài đến hơn 10 giờ tối. Đối với những người phải dọn dẹp sau những sự kiện như vậy, việc hoàn thành công việc muộn nhất là 11 giờ đêm không có gì lạ. Trong hầu hết các trường hợp, thời gian nghỉ giữa các khung giờ làm việc sẽ không được trả lương.
Có thể bạn đang nghĩ: “Nếu có thời gian nghĩ giữa giờ thì sẽ ổn thôi”. Nhưng từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, thời gian nghỉ này sẽ khó có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn được, và bạn sẽ luông có cảm giác là mình đã làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Ví dụ, khi làm việc tại một khu trượt tuyết, bạn có thể phải thức dậy sớm, cho khách thuê đồ vào ban ngày, và ngay sau đó phải làm ca đêm. Ngành dịch vụ nhà hàng – khách sạn chắc chắn sẽ gây những tổn hại nhất định cho cơ thể bạn. Do đó, bạn cần có một thể trạng tốt nếu muốn làm việc tại một khách sạn Nhật Bản.
Lưu ý: Giờ làm việc thực tế phụ thuộc vào vị trí và nơi làm việc của bạn. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Nhiều tình huống căng thẳng
Khi làm việc tại khách sạn, bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều vị khách trong một ngày và điều này thường khiến bạn dễ bị căng thẳng. Hãy nhớ rằng câu thần chú phục vụ của người Nhật là “khách hàng là thượng đế”. Vì vậy khi khách hàng gặp vấn đề dù là không liên quan đến bạn, thì bạn vẫn phải cúi đầu xin lỗi. Thêm vào đó, bạn sẽ phải đối phó với những tình huống éo le này bằng ngoại ngữ, khiến bạn càng căng thẳng hơn. Vì vậy, nếu muốn tồn tại tại một khách sạn Nhật Bản, bạn cần biết cách giải tỏa căng thẳng trong công việc.
Làm nhiều việc khác nhau tại các khách sạn nhỏ
Không giống như các khách sạn nổi tiếng, quy mô lớn, công việc tại các khu nghỉ dưỡng và nhà trọ nhỏ ở tỉnh lẻ có thể không được quy định rõ ràng. Bạn và những nhân viên còn lại có thể sẽ phảithay phiên nhau trông coi toàn bộ cơ sở, từ nhận phòng và trả phòng cho đến đưa khách về phòng, phục vụ bữa ăn, dọn dẹp và bất cứ việc gì khác cần làm. Ngoài việc gây hao tổn sức lực thì bạn còn khó có cơ hội được rèn luyện chuyên sâu trong một công việc nhất định.
Nếu bạn muốn thăng tiến trong ngành nhà hàng khách sạn Nhật Bản, trước tiên bạn nên xác định nhiệm vụ cụ thể của mình là gì và tìm hiểu xem khách sạn có kế hoạch thăng tiến nghề nghiệp tại vị trí đó hay không.
Các thành phố lớn vô cùng đắt đỏ còn các khu vực xa trung tâm thì lại có rất ít hoạt động giải trí
Như đã đề cập ở trên, nhiều khách sạn ở các thành phố đắt đỏ như Tokyo hay Osaka sẽ không có trợ cấp tiền ăn, ở cho nhân viên, và bạn sẽ phải tự mình chi trả những khoản tiền đó. Nếu cộng thêm tất cả các loại thuế bạn sẽ phải trả, thì bạn sẽ khó mà có được một cuộc sống xa hoa và thậm chí là một khoản tiết kiệm khiêm tốn. Tất nhiên, làm việc càng lâu thì mức lương của bạn càng ngày càng tăng, dần dần cuộc sống và tài chính của bạn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cuộc sống ban đầu sẽ rất khó khăn.
Mặt khác, làm việc trong các khách sạn nhỏ ở tỉnh lẻ sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền chi trả cho những thứ cần dùng đến. Các khu vực bên ngoài các thành phố lớn có ít hoạt động giải trí và điều đó cũng giúp bạn tích lũy được một khoản chi tiêu không cần thiết. Còn nếu bạn muốn đến những địa điểm thú vị này vào ngày nghỉ, thì chi phí cho vé tàu và các chi phí khác sẽ “ngốn” hết sạch ngân sách của bạn. Đó là lý do tại sao nhiều người làm việc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc nhà trọ nhỏ thường chọn cách hạn chế các mối quan hệ xã hội và không thường xuyên đi chơi.
Làm việc trong khách sạn Nhật Bản: Vài lời khuyên cuối cùng
Chúng tôi hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về những ưu, nhược điểm của ngành dịch vụ khách sạn ở Nhật Bản. Từ các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới đến các nhà trọ ryokan truyền thống, Nhật Bản có rất nhiều cơ sở lưu trú khác nhau, mỗi loại hình đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nếu bạn đang cân nhắc đến kế hoạch làm việc trong một khách sạn Nhật Bản, thì hãy tận dụng những thông tin trong bài viết này để tìm một nơi làm việc phù hợp với tất cả các mục tiêu bạn đã đề ra nhé.
▼Bài viết liên quan: Những kiến thức cơ bản bạn cần biết để làm việc trong ngành khách sạn tại Nhật Bản (Phần 1)
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố