Ở Nhật Bản, không chỉ có ngày Valentine (14/2) mà ngày 14 tháng 3 (được gọi là “Ngày lễ tình nhân trắng”) cũng được người Nhật rất xem trọng. Trong các bộ phim truyền hình tình cảm của Nhật Bản, người Nhật được khắc họa và gây ấn tượng với người xem là tuýp người khá lãng mạn. Nhưng trên thực tế, hẹn hò với người Nhật không phải lúc nào cũng lãng mạn và ngọt ngào như trên phim; Theo một cuộc khảo sát trực tuyến, tỷ lệ ly hôn của các cuộc hôn nhân quốc tế ở Nhật Bản là 70%, một con số vô cùng kinh ngạc phải không nào! Vậy, đâu là những điểm khác nhau trong văn hóa hẹn hò ở Nhật Bản? Có cách nào để tránh xung đột khi hẹn hò với người Nhật hay không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về những điểm khác biệt trong văn hóa hẹn hò của người Nhật nhé!
*Bài viết này chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của một số người và không đại diện cho toàn thể người Nhật.
Không liên lạc quá thường xuyên
Công ty quảng cáo hàng đầu của Nhật Bản – Mynavi đã từng phỏng vấn một số người Nhật về câu hỏi “Tần suất liên lạc lý tưởng với người yêu của bạn qua LINE (một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Nhật) là bao nhiêu?”. Trong khi 52% đàn ông và 53,7% phụ nữ trả lời “mỗi ngày”, thì có 18,4% và 13,5% trong số họ cho rằng 2-3 lần liên lạc mỗi tuần là đủ. Người Nhật được biết đến là rất nghiêm túc trong công việc; họ không thường xuyên kiểm tra điện thoại trong giờ làm, chứ đừng nói gì đến việc chờ tin nhắn từ người yêu hoặc trả lời tin nhắn ngay lập tức mỗi khi tin nhắn đến. Hơn nữa, sau giờ làm việc họ cũng thường dành thời gian cho các buổi nhậu với đồng nghiệp trong công ty, và để thể hiện sự tôn trọng với mọi người, họ cũng có xu hướng không đọc hay trả lời tin nhắn.
Vì không gian cá nhân luôn được coi trọng ở Nhật Bản, những cặp đôi người Nhật không thường xuyên gọi điện hay gọi video cho nhau, điều này khác hẳn với các cặp đôi ở Việt Nam. Hơn nữa, người Nhật thường tránh làm phiền người khác và điều này vốn đã ăn sâu vào trong suy nghĩ và văn hóa của họ, nên các cặp đôi người Nhật thường không hay chia sẻ mọi chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cho nhau. Ngay cả khi trong trường hợp khẩn cấp, người Nhật vẫn thường nhắn tin trước cho nửa kia để đảm bảo rằng họ có thể bắt máy và hiếm khi gọi điện mà không báo trước.
Đối với những người nước ngoài, điều này có thể khiến họ cảm thấy bối rối vì không hiểu đối phương nghĩ gì, nhưng với người Nhật, giữ một khoảng cách thoải mái là cách để đi đến một mối quan hệ lâu dài.
Rất ít khi đi hẹn hò
Không chỉ ít liên lạc, mà người Nhật còn rất ít đi hẹn hò. Một phần nguyên nhân là do chi phí đi lại khá cao nếu như các cặp đôi sống xa nhau hoặc ở các thành phố khác nhau, nhưng ngay cả những cặp đôi sống trong cùng một thị trấn cũng hiếm khi gặp nhau hàng ngày! Tần suất gặp nhau thường là một hoặc hai lần/ tuần (không tính những cặp đôi học cùng trường hoặc đồng nghiệp làm việc cùng công ty).
Không phải do các cặp đôi người Nhật không thích hẹn hò mà họ thường tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của nhau và thường sống khá khép kín. Đối lập với văn hóa hẹn hò của người Nhật, các cặp đôi nước ngoài không mong muốn gì hơn là có thể dành nhiều thời gian cho nửa kia của mình, trong khi đó, nếu không đi hẹn hò người Nhật sẽ tập trung vào công việc, hoặc dành thời gian chuẩn bị cho một buổi hẹn hò tiếp theo. Họ cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình và làm những điều mà cả hai đều thích trong buổi hẹn hò. Với người Nhật, những hoạt động như đi thẩm mỹ viện hoặc mua sắm đều có thể thực hiện một mình mà không cần có người đồng hành.
Bẹn sẽ không bị ép buộc phải đến những nơi hoặc làm những việc mà mình không có hứng thú, vì vậy cả hai bên đều có thể tận hưởng buổi hẹn hò một cách trọn vẹn nhất – đây có thể là một trong điểm thú vị khi hẹn hò với người Nhật!
Không đón, đưa người yêu về nhà
Đưa đón nửa kia của bạn đi làm và đón họ sau giờ làm, đợi ở tầng dưới trước một buổi hẹn hò, sau đó tiễn nửa kia về nhà,… Đây là đều là những hành động khá phổ biến của các cặp đôi khi hẹn hò, nhưng lại không phổ biến ở Nhật Bản.
Nếu mối quan hệ đang ở giai đoạn đầu hoặc chưa rõ ràng, hoặc nếu những cặp đôi vẫn còn là sinh viên, thì họ sẽ luôn cùng nhau về nhà sau một buổi hẹn hò, điều này cũng phổ biến nếu hai người sống gần nhau và những người có ô tô sẽ chở người yêu của mình về nhà. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu bạn sinh sống ở vùng ngoại ô Nhật Bản, còn nếu ở Tokyo mọi thứ sẽ hơi khác một chút. Mọi người thường sẽ hẹn gặp nhau tại một nhà ga ở giữa hoặc tại một điểm nào đó. Họ hiếm khi đến nhà đón người yêu và cũng không đưa người yêu về sau đó. Những cảnh chia tay ở nhà ga có vẻ khá phổ biến ở Tokyo và điều này đã truyền cảm hứng cho những phân cảnh lãng mạn trong phim hoạt hình và phim truyền hình Nhật Bản. Điều này ngày càng được áp dụng vào thực tế ở Nhật Bản – một quốc gia rất an toàn và việc di chuyển qua lại có thể mất hơn một giờ trong khu vực Tokyo. Đây là một hành động thực tế hơn là tình yêu hay phép lịch sự.
Ưu tiên dành thời gian cho người yêu hơn là tụ tập đông người
Tư tưởng “bạn của bạn cũng là bạn của mình” thường khá phổ biến ở nước ngoài nhưng lại không được áp dụng ở Nhật Bản. Dù người yêu của bạn có giới thiệu bạn bè của họ với bạn, nhưng việc đi chơi cùng nhau lại là chuyện khác. Việc các cặp đôi đi hẹn hò cùng với nhau là chuyện không mấy phổ biến vì người Nhật cực kỳ chú trọng đến ý kiến và cảm nhận của những người xung quanh. Ví dụ, nếu có người dẫn theo người yêu đi chơi cùng nhưng do họ không quen biết nhau nên bầu không khí sẽ trở nên không mấy thoải mái, thậm chí trong một số trường hợp, mặc dù tất cả mọi người đã cố gắng hòa đồng nhưng tình hình vẫn “không thể cứu vãn được”.
Dù bất kể là giới tính nào, người Nhật luôn giữ khoảng cách và có suy nghĩ rằng tốt hơn hết là nên quan tâm đến việc riêng của mình và giữ khoảng cách với người khác. Do đó, họ rất khó kết bạn – bởi ngay cả sau nhiều lần đi ăn và đi chơi mà họ vẫn không thực sự mở lòng với nhau, thì mối quan hệ cũng khó mà bền lâu và phát triển được.
Thậm chí, người Nhật cũng mất khá nhiều thời gian để kết thân với những người bạn của mình, chưa nói gì đến việc kết bạn và làm quen với bạn của nửa kia. Trừ khi tất cả các bên đều là bạn của nhau, nếu không thì việc các cặp đôi đi hẹn hò cùng với nhau là điều không thể.
Ngại công khai bày tỏ tình cảm
Các cặp đôi người Nhật thường tôn trọng sự riêng tư cá nhân nên họ thường không công khai mối quan hệ của mình ngay từ lúc đầu hay đặt ảnh của nửa kia làm ảnh màn hình khóa trên điện thoại. Đối với họ, sự riêng tư cá nhân là điều “bất khả xâm phạm” và họ sẽ không công khai tình cảm của mình lên mạng xã hội nếu mối quan hệ của họ chưa thực sự ổn định.
Ngay từ nhỏ, người Nhật đã được giáo dục để luôn cư xử phải phép cũng như không làm phiền người khác. Chính vì vậy, việc thể hiện tình cảm tại những nơi công cộng được cho là những hành động đáng xấu hổ. Tương tự, một ví dụ khác là xăm mình – dù thế hệ trẻ ngày nay khá thoáng về việc xăm mình nhưng thế hệ đi trước thường không chấp nhận điều này. Tóm lại, Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng vẻ bề ngoài và có tính thẩm mỹ cao.
Hầu hết, phần lớn người Nhật đều quan tâm nhiều đến cách người khác nhìn nhận về họ. Họ sẽ tránh các cuộc xung đột bằng mọi giá và không bao giờ muốn mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Tương tự với việc mặc quần áo đôi, họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi mặc chúng vì sẽ bị nhiều người chú ý. Đây có thể là lý do tại sao các cặp đôi người Nhật không thoải mái khi thể hiện tình cảm của mình ở nơi công cộng, thậm chí họ còn tỏ ra xa cách với đối phương khi ở những nơi công cộng ở Nhật Bản?
Chú trọng tẩy lông trên cơ thể
Khi đến Nhật, có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao trên các khoang tàu ở Nhật lại treo nhiều biển quảng cáo “tây lông toàn thân” như vậy không? Ngoài vùng lông dưới cánh tay thông thường, người Nhật dù là nam hay nữ, thường rất quan tâm đến lông cơ thể như trên lưng, cánh tay, đường bikini, bắp chân, mặt, cổ và cả trên ngón tay. Gần đây, thậm chí còn có phương pháp tẩy lông mũi và đường chân tóc!
Phải chăng điều này có liên quan đến quan niệm về cái đẹp của người Nhật? Đặc biệt là đối với phụ nữ, việc tẩy lông trên cơ thể là một phần trong công đoạn chăm sóc cơ thể và họ quan niệm rằng, nếu không làm thì có thể sẽ gây ấn tượng không tốt cho những người xung quanh. Nhưng quan niệm này cũng có thể hình thành do lối suy nghĩ của người Nhật thường dựa theo tiêu chuẩn và ý kiến của số đông, “nếu mọi người cho rằng một điều gì đó là đúng thì hiển nhiên điều đó là đúng”. Dần dần tư tưởng này được lan rộng và trở thành tiêu chuẩn chung về cái đẹp của người Nhật.
Đây chỉ là phỏng đoán, nhưng phải chăng việc phụ nữ quá chú trọng đến lông cơ thể phần nào cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nhận thức của đàn ông Nhật Bản về vấn đề này?
Ngại thể hiện thẳng thắn quan điểm của mình
Người Nhật luôn lo lắng về việc làm phiền người khác, đến nỗi họ vô tình bị ám ảnh và miễn cưỡng khi chia sẻ thẳng thắn suy nghĩ của bản thân. Họ thường nói ra những điều hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của họ, vì lo sợ sẽ làm tổn thương người khác. Chẳng hạn, họ có thể nói “Thỉnh thoảng hãy đi uống rượu cùng nhau nhé!”, nhưng sau đó, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy họ mời bạn đi uống rượu. Có thể, họ không thực sự có ý đó và chỉ đang cố tỏ ra lịch sự để giữ quan hệ tốt với bạn. Hay thậm chí đôi khi nếu bạn mời họ đi chơi nhưng lại bị họ phớt lờ – người Nhật lựa chọn phớt lờ thay vì thẳng thắn từ chối để tránh làm tổn thương đối phương, hoặc cũng có thể họ không có ý định phát triển mối quan hệ với bạn và đang cố gắng từ chối một cách lặng lẽ.
Người Nhật được giáo dục là phải luôn biết quan sát những người xung quanh, nhờ đó họ có khả năng cảm nhận và kiểm soát được bầu không khí trong một cuộc nói chuyện và có thể tạo cho mọi người ấn tượng tốt rằng họ là người ấm áp và dịu dàng. Khả năng này càng được bộ lộ rõ hơn khi họ tiếp xúc với một người nước ngoài chưa quen biết và cách tiếp cận của mỗi người Nhật có thể khác nhau khi được người nước ngoài tỏ ý định muốn kết thân với họ. Vì người Nhật đặc biệt chú trọng đến cách nhìn nhận của người xung quanh nên bạn rất hiếm khi bắt gặp cặp đôi nào tranh cãi ở nơi công cộng. Tuy nhiên, nhược điểm của việc không giải quyết vấn đề ngay lập tức chính là họ sẽ bị dồn nén và có thể sẽ “phát điên” khi đi quá giới hạn, nhưng nếu để mọi chuyện đi đến mức đó thì cũng không còn gì để cứu vãn nữa.
Không quá gần gũi với gia đình
Khi bạn quen dần với văn hóa của người Nhật, bạn sẽ khám phá ra rằng có vẻ như họ không mấy gần gũi với gia đình của mình như các quốc gia khác. Ngoại trừ những ai quyết định lập nghiệp ở nơi họ sinh ra và lớn hơn, thì hầu hết thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay đều đến một thành phố khác để làm việc và thường sống xa nhà. Vé tàu và vé máy bay tại Nhật cũng khá đắt, nên việc về thăm bố mẹ vào mỗi cuối tuần là điều không thể và một số có thể không về thăm gia đình ngay cả vào những kỳ nghỉ dài như dịp năm mới.
Không phải là do người Nhật không quý trọng và yêu thương gia đình của mình, mà bởi vì, theo thời gian, họ trở nên khép kín hơn và không còn gần gũi với cha mẹ nữa. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chị em hoặc mẹ và con gái có thể ít bị ảnh hưởng và vẫn gắn bó, thậm chí có thể cải thiện khi cha mẹ già đi. Tuy nhiên, cha mẹ thường quan tâm quá sâu vào những vấn đề cá nhân của con cái, khiến họ có cảm giác không thoải mái khi bị dồn dập hỏi những câu hỏi như “Con đã có người yêu chưa?”, “Khi nào con định kết hôn?” hay “Bố mẹ muốn có cháu” khiến cho những người Nhật trẻ tuổi (và độc thân) không còn đặt gia đình lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của họ nữa.
▼Bài viết liên quan: 10 điều tôi học được sau khi lấy chồng Nhật
Tình yêu rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng sự riêng tư
Người Nhật rất coi trọng quyền riêng tư. Họ sẽ không tiết lộ mật khẩu điện thoại của mình cho người yêu và những cặp đôi yêu nhau thường không yêu cầu nửa kia phải thông báo cho họ biết rằng họ đang ở đâu. Nhiều cặp đôi thậm chí còn không biết nửa kia của mình kiếm được bao nhiêu tiền trước khi kết hôn!
Sau trò chuyện với những người dân sinh sống tại đây, chúng tôi đã đưa ra kết luận rằng: người Nhật vốn không quen chia sẻ nên trong các mối quan hệ tình cảm, họ cũng thấy không cần thiết phải chia sẻ vấn đề của mình với người khác. Chắc chắn cũng có những người sẵn sàng trải lòng với nửa kia của mình, tuy nhiên, phần lớn người Nhật coi trọng quyền riêng tư của bản thân hơn. Chỉ cần nhớ điều này – tôn trọng và tin tưởng luôn là chìa khóa để duy trì một mối quan hệ và dù bạn có mang quốc tịch nào đi chăng nữa thì điều đó cũng luôn đúng.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố