Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu về các loại chế độ phúc lợi khác nhau mà bạn có thể nhận được khi làm việc trong các công ty ở Nhật Bản. Hãy tìm hiểu kỹ nội dung này để hiểu được quyền lợi của mình khi làm việc tại Nhật Bản nhé!
Chế độ phúc lợi là gì? Những đối tượng nào được hưởng chế độ phúc lợi tại các công ty ở Nhật Bản?
Phúc lợi là một thuật ngữ chung để chỉ các quyền lợi của người lao động được pháp luật bảo hộ. Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác đã xây dựng một chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho người lao động như một cách để thu hút nhân tài cho doanh nghiệp của mình.
Chế độ phúc lợi dành cho người lao động khi làm việc tại các công ty ở Nhật Bản được chia làm 2 loại: Chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật và Chế độ phúc lợi ngoài quy định pháp luật (các chế độ riêng do từng doanh nghiệp, tổ chức quy định tùy thuộc vào khả năng kinh tế cũng như sự quan tâm của tổ chức đến nhân viên).
Những đối tượng được hưởng chế độ phúc lợi tại các công ty ở Nhật bao gồm: người lao động có quốc tịch Nhật Bản và người lao động nước ngoài có đủ tư cách làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, từ ngày 1/4/2020, Luật Lao động Nhật Bản cũng công nhận quyền được hưởng chế độ phúc lợi đối với cả nhân viên chính thức, nhân viên bán thời gian và nhân viên hợp đồng.
Chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật
Chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật là các chế độ có trong quy định của pháp luật mà các tổ chức, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng và chi trả các khoản chi phí phúc lợi này cho nhân viên. Tại Nhật Bản, các chế độ phúc lợi thuộc nhóm này bao gồm 6 loại tương đương với 6 loại bảo hiểm mà người lao động có thể được hưởng khi làm việc tại công ty. Các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ vi phạm luật nếu không tham gia đầy đủ 6 loại bảo hiểm này cho người lao động.
1. Bảo hiểm sức khỏe (健康保険)
Bảo hiểm sức khỏe là chế độ bảo hiểm để chuẩn bị cho những tình huống xấu liên quan đến sức khỏe xảy ra như ốm đau, thương tật, sinh con hoặc tử vong. Bảo hiểm sẽ chi trả trợ cấp y tế và tiền trợ cấp cần thiết cho người lao động và gia đình của người lao động trong trường hợp người lao động nghỉ sinh con, bị thương tích hoặc bệnh tật hay khi tử vong. Số tiền bảo hiểm cần đóng phụ thuộc vào độ tuổi, thu nhập, nơi làm việc của người lao động. Chế độ phúc lợi này ở công ty còn được gọi là Bảo hiểm y tế dành cho doanh nghiệp (Bảo hiểm xã hội) và các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một nửa chi phí bảo hiểm cho người lao động.
2. Bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng (介護保険)
Bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng là loại bảo hiểm được bắt đầu từ năm 2000 nên so với các loại bảo hiểm khác bảo hiểm này còn tương đối mới. Người tham gia bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng sẽ được nhà nước chi trả một phần chi phí khi sử dụng các dịch vụ y về chăm sóc điều dưỡng. Những người từ 40 tuổi trở lên và sinh sống ở Nhật trên 3 tháng là đối tượng được áp dụng loại bảo hiểm này. Chủ doanh nghiệp sẽ chi trả một nửa chi phí bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng cho người lao động.
3. Bảo hiểm lương hưu (厚生年金保険)
Bảo hiểm lương hưu là loại bảo hiểm bắt buộc dành cho tất cả các cá nhân đang sinh sống tại Nhật Bản có độ tuổi 20 đến 59 tuổi. Bảo hiểm không chỉ chi trả lương hưu tuổi già, mà còn có cả bảo hiểm cho thương tật, bảo hiểm tử tuất trong trường hợp không may gặp khó khăn về tài chính. Số tiền bảo hiểm cần đóng phụ thuộc vào độ tuổi, thu nhập, nơi làm việc của người lao động. Khi tham gia bảo hiểm, người lao động và công ty sử dụng lao động chia đôi số tiền bảo hiểm.
4. Bảo hiểm lao động (雇用保険)
Bảo hiểm lao động là cơ chế bảo hiểm hỗ trợ người lao động trong trường hợp thất nghiệp do công ty phá sản, bị sa thải hay do hoàn cảnh của bản thân phải nghỉ việc. Đối tượng áp dụng loại bảo hiểm này là tất cả những người lao động có thời gian lao động hàng tuần theo hợp đồng từ 20 tiếng trở lên bao gồm cả nhân viên phái cử, nhân viên hợp đồng, lao động bán thời gian và lao động thời vụ. Tổ chức sử dụng lao động và người lao động cùng chi trả phí bảo hiểm, trong đó phía công ty sẽ đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.
▼ Tìm hiểu cách thức đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Nhật Bản tại đây.
5. Bảo hiểm tai nạn lao động (労災保険)
Là bảo hiểm chi trả trong trường hợp người lao động bị thương hoặc xảy ra tai nạn trong quá trình làm việc từ nhà đến công ty hay từ công ty về nhà. Bảo hiểm này không chỉ chi trả cho thương tật mà còn chi trả cả trong trường hợp tai nạn gây ra bệnh tật di chứng sau này hoặc tử vong. Bên sử dụng lao động có nghĩa vụ trả toàn bộ tiền bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động.
6. Bảo hiểm chăm sóc con nhỏ (子供・子育て拠出金)
Là loại bảo hiểm dành cho các gia đình có trẻ nhỏ và đang trong thời kỳ chăm sóc con nhỏ. Người lao động sẽ được nhận tiền trợ cấp sinh con và chăm sóc con 1 lần khi sinh con, mức cố định là 420.000 yên/lần sinh con (404.000 yên nếu bạn sinh con tại cơ sở y tế hoặc bác sĩ sản khoa không phải là thành viên của “Hệ thống bảo hiểm y tế sản khoa” hoặc nếu bạn sinh con trước tuần thứ 22 của thai kỳ).
Ngoài ra, nếu bản thân người tham gia bảo hiểm sức khỏe nghỉ làm ở công ty vì lý do sinh con và không được trả lương thì trong vòng 42 ngày trước sinh và 56 ngày sau sinh sẽ được hưởng trợ cấp nghỉ sinh con bằng 67% tiền lương. Nếu người lao động xin phép nghỉ để chăm con dưới 1 tuổi và thỏa mãn một số điều kiện nhận trợ cấp thì cũng sẽ được hưởng bảo hiểm bằng 67% lương khi đi làm. Cuối cùng, đối với những gia đình có trẻ nhỏ có thể được nhận trợ cấp nhi đồng tính từ ngày 31/3 đầu tiên sau sinh nhật của trẻ đến 15 tuổi với mức trợ cấp theo quy định (dưới 3 tuổi mức 15.000 yên/ tháng, từ 3 – 12 tuổi mức 10.000 yên/ tháng). Phía doanh nghiệp sử dụng lao động có nghĩa vụ chi trả toàn bộ chi phí bảo hiểm này cho người lao động.
▼ Tìm hiểu thêm về các thủ tục và trợ cấp khi mang thai và sinh con ở Nhật tại bài viết này.
Chế độ phúc lợi ngoài quy định pháp luật
Ngoài 6 loại bảo hiểm bắt buộc dành cho người lao động tại Nhật được pháp luật quy định ở trên, các doanh nghiệp Nhật Bản thường có thêm những chính sách phúc lợi khác dành cho người lao động, do công ty quy định nhằm tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho nhân viên và khuyến khích, tạo động lực làm việc cho nhân viên. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp có nhiều chế độ phúc lợi khác nhau, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến 10 loại chế độ phúc lợi dưới đây:
1. Chế độ phúc lợi liên quan đến nhà ở
Tùy từng công ty mà hình thức trợ cấp của chế độ này sẽ khác nhau, có nơi cho phép nhân viên ở ký túc xá (hoặc nhà ở) của công ty, nhưng có những nơi sẽ trợ cấp tiền thuê nhà hoặc hỗ trợ thế chấp trong trường hợp người lao động vay nợ ngân hàng để mua nhà.
Tùy theo từng doanh nghiệp và đối tượng nhân viên mà mức độ hỗ trợ cũng như phạm vi hỗ trợ sẽ khác nhau, nhưng thường dao động từ 10.000 đến 20.000 yên/ tháng. Đây là chế độ phúc lợi được nhân viên mong chờ và đánh giá cao nhất trong số các loại phúc lợi riêng của mỗi công ty, đặc biệt là với những người nước ngoài khi mới đến Nhật thường gặp nhiều khó khăn trong việc làm các thủ tục tìm thuê nhà. Tuy nhiên số lượng công ty áp dụng chính sách này hiện nay không thực sự nhiều.
2. Chế độ phúc lợi liên quan đến đi lại
Hầu như tất cả các tổ chức, doanh nghiệp ở Nhật Bản đều có trợ cấp đi lại cho nhân viên, thậm chí ngay cả với nhân viên bán thời gian. Công ty có chính sách hỗ trợ chi phí đi lại phục vụ công việc như trợ cấp tàu xe, phương tiện công cộng hàng tháng (chủ yếu ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka), hỗ trợ chi phí tiền xăng xe cho nhân viên sử dụng phương tiện cá nhân (thường hỗ trợ đến mức tối đa là 25km cho một chiều đi lại với mức tiền từ 300-500 yên/km) cũng như phí gửi xe ở bãi đỗ xe. Trung bình chi phí cho phúc lợi này là từ 10.000 yên đến 20.000/tháng cho mỗi nhân viên.
3. Chế độ phúc lợi liên quan đến y tế/ sức khoẻ
Các doanh nghiệp Nhật Bản thường chi trả tiền khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên với mức thông thường từ 9.000 – 10.000 yên/lần khám sức khỏe. Ngoài ra, tùy từng doanh nghiệp, có thể có thêm các chính sách hỗ trợ về y tế/sức khỏe khác cho người lao động như khám sức khỏe tổng quát chuyên sâu (人間ドック Ningen-dock). Một số doanh nghiệp còn có phòng y tế để hỗ trợ y tế cũng như thành lập các phòng tập thể thao cho nhân viên để giải tỏa căng thẳng, tăng cường thể lực. Hơn thế nữa, còn có một số chính sách phúc lợi thú vị khác như xây dựng các phòng nghỉ trưa cho nhân viên, cung cấp bữa sáng miễn phí tại công ty hay trợ cấp đi lại bằng xe đạp cho nhân viên. Tất cả các chính sách đều nhằm mục đích tăng cường sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần cho nhân viên để khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn.
4. Chế độ phúc lợi liên quan đến hỗ trợ gia đình
Trợ cấp nuôi dạy con cái/ chăm sóc điều dưỡng
Ngoài chế độ nghỉ thai sản do pháp luật quy định, một số doanh nghiệp còn có thêm những chính sách khác liên quan như cho phép nhân viên có thể nghỉ thêm ngày, giảm số giờ làm với nhân viên có con nhỏ hoặc trợ cấp chi phí trông trẻ hay thậm chí thành lập cả nơi trông giữ trẻ cho nhân viên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có chính sách cho nhân viên nam có thêm thời gian nghỉ khi vợ sinh con và bố mẹ được nghỉ để chăm sóc con cái ốm. Phúc lợi này nói chung là 500 yên/ tháng cho mỗi người.
Trợ cấp gia đình
Với những người đã có gia đình thì đây là một trong chế độ phúc lợi mà bạn nên tìm hiểu trước khi lựa chọn công ty vì nó chỉ dành cho những người đã kết hôn và có con. Quy định về số tiền trợ cấp cũng khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng cũng như mức thu nhập, tuy nhiên, thông thường số tiền trợ cấp thường trung bình một tháng thường rơi vào khoảng: 10,000 yên cho đối tượng là vợ/chồng và 3,000 ~ 4,000 yên cho đối tượng là con cái. Khoản trợ cấp này nhằm mục đích hỗ trợ về tài chính cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình chỉ có 1 nguồn thu nhập
5. Chế độ phúc lợi liên quan đến thể dục thể thao/ giải trí/ văn hoá giáo dục
Các chính sách phổ biến nhất liên quan đến chế độ phúc lợi này có thể kể đến như việc hỗ trợ tiền ăn trưa, tổ chức các buổi tiệc ăn uống (nomikai) định kỳ theo tháng/quý. Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực kinh doanh, mà một số công ty có thể có thêm các chính sách phúc lợi khác như tổ chức các hoạt động thể thao, cuộc thi trong nội bộ công ty để tăng cường sự giao lưu kết nối giữa các thành viên trong công ty, hay tặng vé xem thể thao, ca nhạc,… Một số ít các doanh nghiệp khác cũng thường chức và tài trợ các chuyến đi du lịch cho nhân viên công ty, tuy nhiên so với các công ty ở Việt Nam hoạt động đi du lịch công ty ở Nhật Bản không phổ biến bằng. Chi phí cho phúc lợi này tính trung bình có thể từ vài trăm đến vài nghìn yên một tháng cho mỗi nhân viên.
6. Chế độ phúc lợi liên quan đến hiếu hỉ/ thảm hoạ
Đây là chính sách phúc lợi cho nhân viên khi có những sự kiện hiếu hỉ trong cuộc sống như mừng đám cưới, mừng sinh con, chia buồn với gia đình khi có đám tang, tai nạn, tiền lương hỗ trợ cho gia đình có người mất là nhân viên công ty. Tuỳ vào công ty còn có chính sách tiền mừng cho trẻ em khi nhập học, tiền hỗ trợ nhân viên khi bệnh tật, khi gặp tai nạn. Nói chung, tiền phúc lợi này thường rơi vào khoảng từ 10.000 yên đến 50.000 yên cho mỗi nhân viên.
7. Chế độ phúc lợi liên quan đến phát triển bản thân
Với mong muốn nhân viên có thể làm việc và cống hiến lâu dài cho công ty, bên cạnh chương trình đào tạo nhân viên mới, các công ty ở Nhật Bản thường khuyến khích nhân viên học tập, nâng cao tri thức, rèn luyện kỹ năng thông qua các khóa học trực tuyến e-learning, hoặc hỗ trợ chi phí mua tài liệu học tập, chi phí thi lấy chứng chỉ cho nhân viên. Nhiều công ty còn có chính sách hỗ trợ tiền phí tham dự hội nghị, hội thảo ở trong nước và quốc tế cũng như có những chương trình đào tạo nhân viên và hoạt động trải nghiệm ở nước ngoài. Những chính sách phát triển con người này giúp công ty thu hút và đào tạo ra nhiều nhân tài đóng góp cho sự phát triển của công ty hơn nữa. Chi phí cho khoản phúc lợi này thường từ 10.000 đến 30.000 yên tuỳ vào trường hợp cụ thể.
8. Chế độ phúc lợi liên quan đến môi trường làm việc
Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy đây là một trong những chế độ phúc lợi được nhân viên đánh giá cao nhất trong bối cảnh ngày càng có nhiều người quan tâm đến môi trường làm việc hơn là nội dung công việc hay tiền lương. Các công ty cũng rất chú trọng vào việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả cho nhân viên thông qua các hoạt động như xây dựng khu vực ăn trưa hay quầy cà phê giải khát cho nhân viên, thiết kế không gian làm việc độc lập thoải mái đặc biệt với những công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao như thiết kế, quảng cáo,…
Bên cạnh đó, nhiều công ty hiện nay còn áp dụng các chính sách khen thưởng hàng tháng cho những nhân viên có nhiều đóng góp nổi bật trong tháng đó. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều công ty cũng áp dụng chế độ làm việc từ xa (telework), hoặc làm việc theo giờ linh hoạt để nhân viên có thể dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn.
9. Chế độ phúc lợi liên quan đến ngày nghỉ
Ngoài chế độ nghỉ sinh và chăm sóc con nhỏ, một số công ty còn có chính sách cho phép nhân viên nghỉ vào ngày sinh nhật con, ngày sinh nhật của chính mình, hoặc những ngày quan trọng của mỗi cá nhân như ngày giỗ cha mẹ, ngày tổ chức sự kiện của trường con cái (ngày thi, ngày hội thể thao,…). Nhân viên nữ có thể được nghỉ trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc thú vị hơn có công ty còn cho phép nhân viên nghỉ khi bị thất tình hoặc nghỉ phép tự ở nhà chăm sóc bản thân (có nơi kéo dài lên đến 6 năm), tuy nhiên số lượng các công ty như vậy không nhiều. Mặc dù không được tính là ngày nghỉ phép có lương theo luật lao động, nhưng theo quy định công ty những ngày nghỉ này nhân viên vẫn được hưởng lương như bình thường.
10. Chế độ phúc lợi liên quan đến tài sản
Một số doanh nghiệp có chế độ cho phép nhân viên sở hữu cổ phiếu của công ty, chế độ tiền tiết kiệm tích lũy tài sản hay hình thức lương hưu đóng góp riêng bên cạnh bảo hiểm lương hưu theo pháp luật quy định. Ngoài ra, có công ty còn thực hiện các chính sách khuyến khích gia tăng tài sản cho nhân viên bằng cách sử dụng một phần tiền lương của công ty gửi cho các quỹ đầu tư tài chính, do đó khi nhân viên nghỉ việc sẽ được nhận cả phần gốc và lãi đầu tư. Trung bình chi phí cho phúc lợi này là 1500 yên/ tháng.
Những chính sách phúc lợi mới được nhiều công ty áp dụng do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 hiện nay đã khiến cho phương thức làm việc của nhiều nước thay đổi trong đó có Nhật Bản. Nhiều công ty Nhật Bản đã linh hoạt thay đổi, có chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà và song song với đó là nhiều chính sách phúc lợi mới để phù hợp với phương thức làm việc hiện tại. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên những chế độ phúc lợi trước đây như hỗ trợ tiền đi lại, tổ chức các buổi tiệc ăn uống,… không còn cần thiết nữa, thay vào đó các công ty chuyển sang các chế độ phúc lợi khác phù hợp hơn. Có thể kể đến các chế độ phúc lợi tiêu biểu như dưới đây:
1. Chế độ phúc lợi hỗ trợ làm việc từ xa
Khi nhân viên làm việc từ xa các khoản trợ cấp đi lại không còn cần thiết nữa, thay vào đó, các công ty chuyển sang hỗ trợ nhân viên các khoản chi phí phát sinh khi làm việc tại nhà như tiền điện, nước,…
Để làm việc ở nhà, người lao động cần có môi trường và trang thiết bị đầy đủ, do đó nhiều công ty có khoản trợ cấp một lần để nhân viên mua sắm thiết bị như máy tính, bàn ghế, thiết bị để kết nối internet,… để nhân viên có môi trường làm việc tốt như ở công ty. Thậm chí có những công ty còn hỗ trợ một phần tiền mua nhà để đảm bảo nhân viên có không gian làm việc tốt hơn, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.
2. Chế độ phúc lợi liên quan đến du lịch, giải trí
Do đại dịch Covid 19, các buổi tiệc của công ty không thể diễn ra như bình thường, tuy nhiên không vì thế mà người lao động bị cắt mất quyền lợi này. Nhiều công ty đã tổ chức các buổi tiệc nhậu online, đặt mua đồ ăn gửi đến nhà cho nhân viên,… như một cách để nâng cao tinh thần, giải tỏa bớt lo âu cho nhân viên trong thời gian dài làm việc tại nhà.
3. Chế độ phúc lợi liên quan đến y tế
Việc làm việc ở nhà, ít tiếp xúc với đồng nghiệp trong một thời gian dài có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm cho một số người. Ngoài ra, do ở nhà ít vận động, nhiều người sẽ gặp tình trạng tăng cân do ngồi nhiều. Để hạn chế điều này, một số công ty đã có những chính sách thú vị như cung cấp máy đo huyết áp, đồng hồ thông minh để đo năng lượng cũng như tạo ra các giải thể dục ảo giữa các nhân viên trong công ty để khuyến khích người lao động duy trì cuộc sống lành mạnh hơn.
Hãy chú ý đến chế độ phúc lợi khi đi xin việc ở công ty Nhật!
Khi bạn đi xin việc ở các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, đừng chỉ chú ý đến mức lương mà hãy chú ý đến các khoản chế độ phúc lợi đi kèm của công ty, bởi đây là yếu tố quan trọng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm việc của bạn ở công ty sau này. Dù cho mức lương có cao, công việc có hấp dẫn nhưng môi trường và chế độ phúc lợi không tốt thì cũng khó để bạn cống hiến và phát huy hết khả năng của mình đúng không nào! Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về chế độ phúc lợi trong các công ty ở Nhật Bản để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi đi xin việc.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố