Kỹ sư cầu nối (BrSE) có thể xem là một nghề đang rất “hot” trong giới IT, được nhiều bạn trẻ yêu thích công nghệ thông tin theo đuổi. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều công ty công nghệ thông tin ở Nhật Bản đang muốn tận dụng nguồn kỹ sư trẻ ở Việt Nam để phát triển các dự án, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cầu nối Việt-Nhật ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, con đường để trở thành một kỹ sư cầu nối không hề đơn giản như nhiều người nghĩ.
Kỹ sư cầu nối (BrSE) là gì?
Kỹ sư cầu nối hay còn được biết đến với tên gọi BrSE viết tắt của từ Bridge System Engineer. Hiểu một cách đơn giản kỹ sư cầu nối là một kỹ sư IT đứng ở giữa làm công việc kết nối giữa khách hàng (customer) và đội phát triển (offshore) để truyền tải những yêu cầu của khách hàng đến đội ngũ phát triển, đảm bảo cho dự án đi đúng tiến độ và chất lượng.
Kỹ sư cầu nối có thể đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau từ phân tích yêu cầu của khách hàng (Business Analyst), viết tài liệu thiết kế, phát triển, cho đến vận hành hệ thống,…. Tuy nhiên không phải lúc nào BrSE cũng làm hết tất cả các việc trên. Tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng dự án mà công việc của BrSE sẽ khác nhau.
Ngoài ra, do nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cầu nối tiếng Nhật ở Việt Nam khá cao nên mọi người thường nghĩ công việc này chỉ giới hạn trong các công ty outsourcing của Nhật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều BrSE cho các ngôn ngữ và thị trường khác ví dụ như Mỹ, Singapore,…
Đặc trưng công việc! Công việc cụ thể của một kỹ sư cầu nối là gì?
Vì là người trung gian nên kỹ sư cầu nối có thể làm việc tại công ty khách hàng hoặc tại công ty mình, điều này tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng dự án. Nếu dự án yêu cầu tính bảo mật cao hoặc cần trao đổi thường xuyên với khách hàng thì các BrSE sẽ phải làm việc tại công ty khách hàng. Còn nếu công việc có thể trao đổi online thì có thể ngồi làm việc cùng đội ngũ phát triển tại công ty mình. Ngoài ra, chi phí onsite (đưa các BrSE sang Nhật làm việc cũng khá cao) nên nhiều công ty sẽ e ngại khi tính đến phương án này).
Tùy từng dự án và công ty mà công việc của BrSE có thể khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm những công việc cơ bản như sau:
Giải thích về dự án (nội dung, kế hoạch) với đội ngũ phát triển (offshore)
Các BrSE là người trực tiếp làm việc với khách hàng nên họ sẽ là người nắm rõ nhất những yêu cầu của khách hàng về dự án. Nhiệm vụ của họ sau khi hiểu được yêu cầu của khách hàng là phải truyền tải những điều đã nghe được cho đội ngũ phát triển để họ hiểu về dự án mà mình sắp tham gia.
Viết tài liệu thiết kế cho đội ngũ phát triển (thông thường sẽ là dịch từ tài liệu nước ngoài sang tiếng Việt và bổ sung thêm nếu cần thiết)
Các tài liệu do phía khách hàng cung cấp được viết bằng tiếng nước ngoài dựa trên cách hiểu của người nước ngoài do đó cần phải dịch ra tiếng Việt và chỉnh lý, bổ sung sao cho các kỹ sư người Việt có thể hiểu và nắm được thông tin một cách nhanh nhất.
Giải thích nội dung phát triển và nội dung thiết kế cho đội ngũ offshore
Sau khi viết các tài liệu thiết kế ra tiếng Việt các BrSE sẽ phải giải thích trực tiếp nội dung của tài liệu cho các kỹ sư IT trong đội hiểu. Tại đây nếu có câu hỏi hoặc thắc mắc các BrSE có thể giải đáp trực tiếp luôn.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành
Các BrSE cũng kiêm luôn vai trò của một Tester, họ sẽ là người kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bàn giao cho khách hàng. Nếu có bug họ sẽ yêu cầu các kỹ sư trong đội xử lý hoặc suy nghĩ phương án giải quyết để đề xuất với phía khách hàng.
Báo cáo tiến độ, chất lượng của dự án cho công ty khách hàng
Trong khi dự án được triển khai BrSE cũng đóng vai trò như một PM (Project Manager) kiểm tra tiến độ làm việc cũng như báo cáo lại cho phía khách hàng về tình hình thực tế. Vì là người đứng ở giữa nên sẽ phải chịu áp lực từ cả hai phía, do đó công việc này thường đòi hỏi các cá nhân phải mềm mỏng, linh hoạt để cân bằng giữa nhu cầu của hai bên.
Tổ chức, điều hành các cuộc họp để trao đổi các vấn đề về dự án giữa phía khách hàng và đội ngũ lập trình viên
Dù làm onsite hay offshore các BrSE cũng thường xuyên phải tổ chức các cuộc họp để trao đổi giữa hai bên. Lúc này họ phải phát huy năng lực ngoại ngữ của mình để cuộc họp diễn ra trôi chảy và hai bên hiểu được ý của nhau.
Ngoài ra, có một số BrSE lâu năm, có nhiều kinh nghiệm có thể kiêm luôn công việc của một BA (Business Analyst) trong giai đoạn đầu, đó là trực tiếp liên hệ với khách hàng, phân tích yêu cầu, lên kế hoạch, code và test sản phẩm demo, để lấy dự án về phía công ty.
Nhìn chung, một BrSE sẽ tham gia từ đầu cho đến cuối dự án vào tất cả các giai đoạn. Họ có thể không trực tiếp tham gia vào code hay test sản phẩm nhưng vẫn luôn phải nắm được toàn bộ mọi quá trình để báo cáo và xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
Những kỹ năng, tố chất cần thiết để trở thành BrSE
Kiến thức chuyên môn về kỹ thuật IT
BrSE vốn là một kỹ sư nên dù thế nào đi nữa bạn cũng phải hiểu biết và có kiến thức về kỹ thuật. Nhiều người nói rằng không cần code cũng có thể trở thành BrSE. Điều này không sai, nhưng BrSE có thể không cần phải code nhưng không có nghĩa là họ không biết code. Để có thể viết được các tài liệu kỹ thuật hay test họ cần phải có kiến thức về kỹ thuật, phải hiểu được các mã code thì mới có thể làm được. Ngoài ra, họ cũng cần phải có kiến thức rộng và chắc về IT để có thể đề xuất giải pháp và phương án xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Khả năng ngoại ngữ
Vì đa phần làm việc trong các công ty outsourcing cho nước ngoài nên các BrSE được yêu cầu phải có khả năng ngoại ngữ tốt, có thể nghe hiểu và giao tiếp tốt. Đối với các công ty outsourcing của Nhật, trình độ ngoại ngữ tối thiểu của các BrSE thường là N2. Ngoài ra, các tài liệu liên quan đến IT đa phần được viết bằng ngoại ngữ nên nếu bạn có thể đọc hiểu các tài liệu này bằng tiếng Anh thì đây cũng là một lợi thế.
Kỹ năng giao tiếp tốt
Đây cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng nếu bạn muốn trở thành một BrSE giỏi. Vì là cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ phát triển nên BrSE luôn phải truyền tải thông tin qua lại giữa hai phía. Ngoại ngữ giỏi là một lợi thế nhưng nếu bạn không có khả năng giao tiếp tốt, bạn khó có thể truyền đạt một cách chính xác và dễ hiểu thông tin giữa hai bên được. Ngoài ra, vì làm offshore nên các BrSE thường sẽ phải trao đổi online qua email, tin nhắn, các cuộc họp trực tuyến,… vì vậy việc sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn xử lý công việc một cách nhanh chóng hơn.
Tinh thần trách nhiệm cao
BrSE đôi khi kiêm luôn công việc của một PM (quản lý dự án) do đó họ sẽ phải tự mình đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Họ cũng là người duy nhất vừa hiểu được mong muốn của khách hàng vừa hiểu được năng lực lập trình thực tế của nhóm nên luôn phải cố gắng làm sao để dung hòa giữa hai bên, kết nối hai phía để dự án có thể tiến hành thuận lợi. Có thể nói một dự án có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào vai trò của một BrSE.
Khả năng tự học hỏi, tiếp thu kiến thức mới
Là một kỹ sư cầu nối bạn phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực IT do đó luôn phải học hỏi không ngừng nghỉ bởi khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh. Càng có nhiều kiến thức về kỹ thuật bạn sẽ càng có cơ hội được tham gia vào nhiều dự án mới, đa dạng.
Mức lương trung bình của BrSE tại Nhật là bao nhiêu?
Mức lương trung bình của BrSE tại Nhật tính đến thời điểm tháng 1/2021 là từ 4 triệu~8 triệu yên/năm. Mức lương trung bình của một kỹ sư IT bình thường là khoảng 4,5 triệu yên/năm và các BrSE thường có mức lương cao hơn các kỹ sư IT thông thường.
Thông tin tuyển dụng kỹ sư cầu nối Việt-Nhật
Hiện tại trên tsunagu Local Jobs có một vài tin tuyển dụng cho vị trí kỹ sư cầu nối Việt-Nhật. Bạn có thể tham khảo thông tin như dưới đây:
KỸ SƯ CẦU NỐI BRSE NGƯỜI VIỆT
[Nội dung công việc]
1. Quản lý các hoạt động lập trình phần mềm của công ty con ở Việt Nam
・Hiểu nội dung của các thông số kỹ thuật / tài liệu thiết kế do phía người Nhật viết và truyền đạt lại một cách dễ hiểu cho phía Việt Nam.
・Quản lý tiến độ của các dự án được ủy thác cho công ty con ở Việt Nam, kiểm tra mã nguồn và các hạng mục Unit test, thực hiện nghiệm thu, kiểm định chất lượng.
2. Hỗ trợ cho công ty con ở Việt Nam
・Giải đáp các câu hỏi của công ty con ở Việt Nam.
・Trong trường hợp không thể trả lời được thì sắp xếp nội dung và hỏi ý kiến kỹ sư người Nhật.
・Các hoạt động cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hiệu suất lao động và năng lực kỹ thuật của công ty con ở Việt Nam.
・Chủ động liên lạc với công ty con ở Việt Nam và thực hiện các chuyến công tác dài hạn đến Việt Nam (khoảng 1-2 lần/năm cho các chuyến công tác dài 2 tháng).
3. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực và cải tiến nghiệp vụ
[Yêu cầu bắt buộc]
・Kinh nghiệm lập trình Web (bất kể ngôn ngữ)
・Kinh nghiệm quản lý, vận hành dự án
・Năng lực tiếng Nhật và tiếng Việt: trình độ thương mại ※N2 trở lên
[Ưu tiên]
・Có kinh nghiệm làm BrSE
・Có kinh nghiệm trong các hoạt động cải tiến và giải quyết vấn đề
・Kinh nghiệm đi công tác nước ngoài
・Kinh nghiệm phát triển hoặc vận hành hệ thống trong nội bộ công ty / công ty kinh doanh SaaS
[Mức lương] 430 man ~ 630 man/năm
[Địa điểm] Tokyo, Osaka
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố