Những lý do khiến bạn thất bại khi phỏng vấn trực tuyến ở Nhật (và bí quyết để phỏng vấn thành công!)

Các cuộc phỏng vấn! Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là phần căng thẳng nhất của quá trình xin việc. Thêm vào đó, đối với những người không phải là người bản xứ, các cuộc phỏng vấn tiếng Nhật lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để nắm bắt được những bí quyết phỏng vấn thành công và những điều tối kỵ cần lưu ý khi tham gia phỏng vấn, hãy tham khảo ngay bài viết này nhé!

Điểm khác biệt của những cuộc phỏng vấn vào công ty Nhật

Buổi phỏng vấn tại công ty Nhật Bản
PIXTA

Mặc dù chỉ có kinh nghiệm với các cuộc phỏng vấn xin việc tại Mỹ – nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng tôi có thể khẳng định rằng phỏng vấn xin việc tại Nhật Bản (thật may là) dễ dàng hơn và ít căng thẳng hơn. Trong khi ở Mỹ, người ta thường hỏi ứng viên một loạt các câu hỏi hóc búa nhằm kiểm tra kiến thức thực tế và kỹ năng phán đoán, thì ở Nhật Bản, đa số các câu hỏi thiên về cá nhân ứng viên cũng như đánh giá tính cách của họ.

Mặc dù các cuộc phỏng vấn ở Nhật cũng có những câu hỏi khó, nhưng việc chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn ở Nhật nhìn chung sẽ dễ dàng hơn. Bạn chắc chắn sẽ vượt qua nếu lưu ý những điều dưới đây.

*Mặt khác, hãy lưu ý rằng phỏng vấn trực tiếp ở Nhật cũng có những điểm phức tạp hơn vì bạn cần phải nắm vững những phép tắc, chẳng hạn như khi nào nên ngồi xuống, cách đóng cửa, cách rời khỏi phòng, v.v. Để có cái nhìn tổng quát hơn về phỏng vấn xin việc ở Nhật Bản, hãy đọc bài viết: Những lưu ý để có buổi phỏng vấn thành công tại công ty Nhật Bản.

Những lý do khiến bạn thất bại khi đi phỏng vấn ở Nhật

Nếu bạn phạm phải bất cứ sai lầm nào sau đây, khả năng trượt phỏng vấn của bạn là khá cao. Hầu hết những điều này đều là những phép tắc cần biết hàng ngày, nhưng hãy luôn lưu ý nhé!

1. Đến muộn giờ

Muộn giờ phỏng vấn

Đây có lẽ là điều không nên làm ở bất cứ đâu, nhưng ở Nhật Bản, đúng giờ là điều cực kỳ quan trọng. Đi làm muộn mà không báo trước là điều tối kỵ và nhất là gặp mặt khách hàng, việc đến muộn là không thể chấp nhận được. Cũng tương tự như khi tham gia một buổi phỏng vấn, bạn phải đến đúng giờ — năng lực của bạn chắc chắn cũng sẽ được đánh giá chỉ dựa trên điều này.

Nói chung, bạn nên đến sớm khoảng 10 phút trước khi buổi phỏng vấn gặp mặt trực tiếp bắt đầu. Tuy nhiên, đối với một cuộc phỏng vấn trực tuyến, hãy đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra trước kết nối Internet và đường truyền hình ảnh/âm thanh cũng như sẵn sàng tham gia vào cuộc phỏng vấn đúng theo kế hoạch.

Nếu kết nối của bạn có vấn đề và có thể bạn sẽ muộn, hãy nhắn tin cho người phỏng vấn qua email hoặc bất kỳ phương thức nào khác nhanh nhất có thể (tốt nhất là trước thời gian dự kiến của cuộc phỏng vấn để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã có sự chuẩn bị).

2. Khung cảnh lộn xộn đằng sau và ăn mặc không lịch sự

Khung cảnh lộn xộn phía sau

Nhật Bản là một quốc gia khá bảo thủ và đánh giá cao sự trang nghiêm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Cách bạn thể hiện trong một cuộc phỏng vấn có thể được coi là một ví dụ về cách bạn thể hiện trước khách hàng và đồng nghiệp tại công ty nếu bạn được nhận vào làm. Vì vậy, bạn cần tạo ấn tượng thật tốt khi phỏng vấn.

Ngày nay, nhiều phần mềm gọi video có chức năng xóa phông, nhưng bạn vẫn nên đảm bảo rằng khung hình đằng sau lưng bạn trông gọn gàng và sạch sẽ. Bạn không cần phải mặc hẳn một bộ vest, nhưng ít nhất hãy mặc đồ công sở (áo sơ mi có cổ hoặc tương tự), làm sao để người phỏng vấn thấy rằng bạn đã dành thời gian chuẩn bị.

Tất nhiên, bạn nên ứng biến trong từng trường hợp. Chẳng hạn, hãy mặc vest nếu bạn có cuộc phỏng vấn với một công ty lớn vì những công ty đó có thể có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về trang phục.

3. Không quan tâm tới kính ngữ, chỉ sử dụng tiếng Nhật thông thường

Không sử dụng kính ngữ

Cách nói lịch sự (“teineigo”) và kính ngữ (“keigo”) là thách thức lớn nhất mà nhiều người nước ngoài nói tiếng Nhật phải đối mặt khi học tiếng Nhật. Tuy nhiên, đây lại là phần ngôn ngữ rất quan trọng mà bạn cần phải làm quen vì bạn chắc chắn sẽ cần phải sử dụng teineigo và keigo hàng ngày nếu làm việc tại một công ty Nhật Bản.

Khi tham gia một cuộc phỏng vấn, bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có thể giao tiếp một cách lịch sự, sử dụng các thể ~ desu ~ masu và tránh tiếng lóng hoặc các kiểu nói thiếu lịch sự khác. Bạn không cần phải ăn nói một cách lịch thiệp — ngay cả người Nhật cũng gặp khó khăn với keigo — nhưng hãy cố gắng hết sức để thể hiện rằng bạn đang tôn trọng đối phương.

4. Không hiểu một vấn đề gì đó, nhưng vẫn giả vờ như mình hiểu

Hỏi lại người phỏng vấn khi không hiểu

Một trong những điều quan trọng nhất khi tham gia một cuộc phỏng vấn chính là thể hiện năng lực giao tiếp của mình. Để thể hiện điều này, bạn nên hỏi rõ khi không hiểu (tin tôi đi, đây hoàn toàn là một điều bình thường khi đi làm).

Có người lo lắng rằng nếu thừa nhận mình không hiểu điều mà nhà tuyển dụng đang đề cập đến thì sẽ bị đánh giá thấp về năng lực tiếng Nhật. Vì nghĩ vậy nên họ cứ gật đầu lia lịa và hy vọng rằng nhà tuyển dụng sẽ không phát hiện ra. Đây là một sai lầm lớn.

Nếu có điều gì đó bạn không hiểu, hãy hỏi lại người phỏng vấn (một cách lịch sự, không nói những câu như “Eh!?”). Hãy yêu cầu họ nhắc lại hoặc diễn đạt lại câu hỏi cho đến khi bạn hiểu. Ví dụ,

Nếu bạn không thể hiểu người phỏng vấn nói gì:

申し訳ございません。聞き取れませんでしたので、もう一度おしゃって頂けませんか?
(Xin lỗi. Tôi chưa hiểu anh/chị nói gì, anh/chị có thể vui lòng nhắc lại được không?)

Nếu bạn đã mang máng hiểu câu nói của nhà tuyển dụng, nhưng vẫn muốn xác nhận lại:

すみません。vấn đề này の解釈で問題なかったでしょうか?(Xin lỗi. Không biết cách hiểu của tôi về vấn đề này đã đúng hay chưa?)

Hoặc nếu bạn nghe hết câu hỏi của người phỏng vấn nhưng không biết ý nghĩa của một cụm từ:

すみません。Điều gì đó とはどういう意味でしょうか?(Tôi xin lỗi, điều gì đó có nghĩa là gì?)

Xác nhận thông tin qua những câu hỏi như vậy sẽ cho thấy bạn có khả năng giao tiếp hiệu quả và là người đáng tin cậy chứ không hề khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Đừng giả vờ rằng mình hiểu hết trong khi thật ra bạn lại không hiểu – chắn chắn bạn sẽ bị loại nếu họ phát hiện ra.

5. Không có bất kỳ câu hỏi nào cho nhà tuyển dụng

Không đưa ra câu hỏi cuối buổi phỏng vấn

Vào cuối buổi phỏng vấn, bạn chắc chắn sẽ nhận được câu hỏi 質問はありますか? (Bạn có câu hỏi nào không?). Khi đó, hãy đưa ra một vài câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị trước. Đây không chỉ là cơ hội để tìm hiểu thêm về nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn mà còn là lúc họ đánh giá kỹ năng giao tiếp và sự quan tâm của bạn đối với vị trí đó. Hãy tránh những câu hỏi có thể dễ dàng tra cứu trên trang web của công ty hoặc những câu hỏi đã được trả lời trong cuộc phỏng vấn. Điều đó sẽ có tác dụng ngược lại và khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn thiếu chú ý trong cuộc phỏng vấn.

6. Đưa ra những câu trả lời quá ngắn

Trả lời quá ngắn và mơ hồ

Một trong những nguyên nhân khiến bạn thất bại khi phỏng vấn xin việc chính là đưa ra những câu trả lời quá ngắn và mơ hồ. Đặc biệt là đối với những người nước ngoài, việc đánh giá kỹ năng giao tiếp là mục đích chính của một cuộc phỏng vấn. Người phỏng vấn thích nghe những câu trả lời với các ví dụ cụ thể chứ không phải những câu nói chung chung. Vì vậy hãy chuẩn bị trước ý tưởng cho những câu trả lời mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra.

Sau đây là một số câu hỏi thường gặp, kèm theo ví dụ về câu trả lời tốt và chưa tốt. Tôi không phải là người Nhật bản xứ nên phần tiếng Nhật có thể chưa chính xác, nhưng hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn.

(自己紹介をして下さい) Hãy giới thiệu về bản thân

Giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn

Đây là một câu hỏi mà bạn chắc chắn sẽ được hỏi khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn. Hãy chuẩn bị kỹ phần giới thiệu bản thân. Câu trả lời như sau là không đạt:

こんにちは。スミスと申します。私は現在英語教師として働いています。よろしくお願いいたします。
Xin chào. Tên tôi là Smith. Tôi hiện đang làm giáo viên tiếng Anh. Mong nhận được sự giúp đỡ của anh chị.

Đây được coi là phần giới thiệu bản thân không đạt vì nó quá ngắn. Nếu bạn không biết nên nói gì trong phần tự giới thiệu của mình, đây là danh sách những điều bạn cần nói khi được hỏi câu hỏi này:

  1. Họ và tên
  2. Tuổi tác
  3. Quốc gia/ Thành phố ( Quốc gia/ Thành phố nơi bạn sinh ra)
  4. Trình độ học vấn cao nhất mà bạn đã đạt được
  5. Công việc đã từng làm cho đến thời điểm hiện tại (hoặc thông tin chi tiết về chuyên ngành/hoạt động tại trường đại học nếu bạn là sinh viên mới ra trường)
  6. Sở thích
  7. Lý do bạn ứng tuyển công việc này

Dưới đây là một ví dụ về câu trả lời tốt:

こんにちは。スミスと申します。今年29歳になりました。出身はアメリカのシアトルで、シアトルにあるワシントン大学でコンピューターサイエンスを勉強しました。卒業後はシアトルにあるITスタートアップ企業で4年ほどエンジニアとしてアプリ開発をしていました。そして3年前ぐらいに、日本に引っ越す機会があったため、初めて来日をしました。日本に来た頃はまだ日本語能力が足りなかったため、エンジニアではなく、英語教師として働いていました。その時、夜は日本語学校に通って、日本語の勉強もしていました。そして、最近日本語能力試験のN2を取得できましたので、改めてエンジニアとして働きたいと思います。趣味はRPGゲームなので、御社が作るスマートフォンゲームにとても興味があり、応募しました。本日はよろしくお願いいたします。

Xin chào. Tên tôi là Smith. Tôi năm nay 29 tuổi. Tôi đến từ Seattle, Hoa Kỳ và theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Washington ở Seattle. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm kỹ sư phát triển ứng dụng tại một công ty khởi nghiệp Công nghệ thông tin ở Seattle trong khoảng bốn năm. Tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên vào khoảng ba năm trước. Khi ấy, tôi không có đủ khả năng tiếng Nhật nên đã làm giáo viên tiếng Anh thay vì kỹ sư. Trong thời gian đó, tôi học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ vào buổi tối. Và gần đây tôi đã đạt chứng chỉ N2 trong kỳ thi Năng lực tiếng Nhật, vì vậy tôi muốn quay lại làm kỹ sư. Sở thích của tôi là game RPG, vì vậy mà tôi rất hứng thú với những trò chơi trên điện thoại thông minh mà quý công ty tạo ra. Chính vì thế mà tôi đã đăng ký ứng tuyển vào vị trí này. Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của anh/chị trong buổi phỏng vấn hôm nay.

(日本に来た理由を教えて下さい) Tại sao bạn đến Nhật Bản?

Trả lời câu hỏi tại sao bạn đến Nhật Bản

Là một người nước ngoài nộp đơn xin việc tại Nhật Bản, đây là một câu hỏi mà rất hay gặp phải dưới nhiều dạng hỏi khác nhau. Mặc dù đây có vẻ là một câu hỏi nhẹ nhàng, nhưng nó thường được đưa ra để đánh giá mức độ cam kết làm việc lâu dài tại Nhật Bản của ứng viên. Bạn nên trả lời thành thật về lý do đã đưa bạn đến Nhật Bản, nhưng cố gắng tránh nói điều gì đó có thể khiến họ hiểu rằng bạn chỉ có ý định ở Nhật trong một khoảng thời gian ngắn, ví dụ:

少しの間、外国に住んでみたかったから日本に来ました。
Tôi đến Nhật Bản vì tôi muốn thử sống ở nước ngoài một thời gian.

Câu trả lời này tạo ấn tượng rằng bạn sẽ có khả năng về nước sau một hai năm, điều này có thể khiến công ty không muốn tuyển bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn thích về Nhật Bản và đưa ra câu trả lời ngụ ý rằng bạn sẽ còn ở lại đây lâu:

昔から日本の文化に興味を持っていましたので、ずっと日本に引っ越したかったです。実際に住んでみたら、とても住みやすい国だと気づきましたので、今は日本でキャリアを築いて行きたいと思っています。
Tôi có một sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa Nhật Bản, vì vậy tôi luôn muốn đến sống tại Nhật Bản. Khi tới đây, tôi nhận ra rằng Nhật Bản là một đất nước rất phù hợp với mình, vì vậy, tôi muốn xây dựng sự nghiệp ở đây.

(当社を選んだ理由を教えてください) Tại sao bạn chọn công ty của chúng tôi?

Trả lời câu hỏi phỏng vấn tại sao bạn chọn công ty của chúng tôi?

Khi được hỏi câu hỏi này, bạn cần đưa ra câu trả lời thể hiện rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty và có ý định làm việc nghiêm túc ở đây. Tuyệt đối không nên tập trung vào những điều tiêu cực của công việc trước, càng không nên nói về lương thưởng và các lợi ích khác của công việc này mà không nêu chi tiết lý do tại sao bạn nghĩ mình phù hợp với vị trí. Sau đây là ví dụ về một câu trả lời bạn không nên đưa ra:

今の会社は結構ブラックで、残業がとても多いです。御社は給与が高く、残業が少ないので選びました。
Công ty hiện tại của tôi có mức lương khá thấp và phải tăng ca nhiều. Tôi ứng tuyển vào vị trí này của quý công ty vì lương cao và ít tăng ca.

Thay vào đó, hãy tập trung vào các kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể của bạn phù hợp với vị trí và đưa ra lý do bạn nghĩ rằng bạn sẽ thích công việc này:

私の趣味がゲームなので、御社が作るスマートフォンゲームに興味があります。仕事としてゲームを開発したことはありませんが、アメリカの会社でスマートフォンアプリ開発の経験はあって、個人でゲームを作ったことはありますので、このポジションに必要なスキルは十分あると感じます。
Tôi thích các trò chơi điện tử và tôi rất quan tâm đến các trò chơi trên điện thoại thông minh mà quý công ty đã tạo ra. Tôi chưa có kinh nghiệm phát triển phần mềm trò chơi, nhưng đã từng phát triển ứng dụng điện thoại thông minh tại một công ty Mỹ và từng tạo ra một ứng dụng game nhỏ, vì vậy tôi cảm thấy mình có đủ kỹ năng cho vị trí này.

(前の仕事ではどんな業務をしていましたか?) Công việc trước đây của bạn là gì?

Trả lời câu hỏi phỏng vấn về công việc trước đây của bạn là gì?

Khi trả lời câu hỏi này, ngoài nêu chi tiết về những nhiệm vụ của bạn, hãy kể lại cả những câu chuyện thành công và kết quả trong công việc nếu có thể. Câu trả lời sẽ không được đánh giá cao nếu không nêu được chi tiết gì khác ngoài những đầu việc bạn từng làm:

現在英会話教師として働いています。日常英語を日本人の生徒に教えます。前の会社ではフロントエンドエンジニアとして働いていました。
Tôi hiện đang làm giáo viên tiếng Anh. Tôi dạy tiếng Anh giao tiếp cho học viên người Nhật. Trước đó tôi từng làm việc với tư cách là một kỹ sư lập trình giao diện website.

Câu trả lời ở trên không được đánh giá cao vì bạn chỉ đơn thuần nêu những gì mình đã làm mà không đi sâu về cách bạn thực hiện công việc đó hoặc những thành tựu mà bạn đã đạt được. Dưới đây là một câu trả lời tốt hơn:

英会話の仕事で、1対1のレッスンを行って、子供から大人までの生徒たちに英語の日常会話スキルを教えています。自分でレッスンの内容も企画して、楽しい英語のゲームも考えて作っています。アメリカの会社で自社の金融アプリを開発しました。入社した頃はテストやコーディングなどの作業を4人いるチームで行ましたが、最後の一年間ぐらいは上流工程を担当していました。その年、開発していたアプリはアップストアで金融カテゴリで3位まで人気になりました。
Là một giáo viên dạy giao tiếp tiếng Anh, tôi mang đến cho học viên của mình những bài học giao tiếp 1-1 để họ có những kỹ năng giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. Tôi cũng tự lên kế hoạch nội dung cho các bài học và nghĩ ra những trò chơi tiếng Anh vui nhộn. Khi còn làm việc cho công ty ở Mỹ, tôi đã tự phát triển ứng dụng tài chính cho công ty đó. Khi tôi gia nhập công ty, tôi làm việc trong một nhóm bốn người để tạo ra những bài kiểm tra và viết code. Nhưng trong khoảng 1 năm cuối cùng, tôi phụ trách những dự án lớn hơn. Năm đó, ứng dụng tôi phát triển đã trở thành ứng dụng phổ biến thứ ba trong danh mục tài chính trên App Store.

(これまでで一番の成功体験は何ですか?) Thành tựu lớn nhất mà bạn từng đạt được là gì?

Trả lời câu hỏi phỏng vấn về thành tựu lớn nhất mà bạn từng đạt được

Một sai lầm phổ biến khi trả lời câu hỏi này là chỉ nêu thành tích của bạn mà không chia sẻ cụ thể từng bước bạn đã thực hiện để đạt được thành tựu đó:

アメリカの会社で開発したアプリがアップストアで人気になったことがこれまでで一番の成功体験です。
Trải nghiệm thành công nhất mà tôi từng đạt được là phát triển một ứng dụng cho công ty tôi từng làm tại Mỹ và đưa nó lên vị trí top đầu về độ phổ biến trên App Store.

Câu trả lời này quá ngắn và không mô tả những hành động bạn đã thực hiện để đạt được thành công. Một ví dụ tốt hơn có thể là:

先ほども言いましたが、開発していたアプリがアプストアの金融カテゴリで3番まで上がったことがこれまで一番の成功体験でした。アプリをそこまで成長させるには、ユーザのフィードバックを重視して、小さい改善をPDCAのサイクルで積み重ねるのが大事でした。チームの構成も大切で、皆が自分の役割をきちんと把握して、責任をとることで生産性をあげることが出来ました。
Như tôi đã nói trước đó, trải nghiệm thành công nhất mà tôi từng có là ứng dụng tôi phát triển đã đứng vị trí thứ 3 trong danh mục tài chính trên App Store. Để ứng dụng phát triển đến mức đó, điều quan trọng là phải tập trung vào phản hồi của người dùng và tích lũy các cải tiến nhỏ trong chu trình PDCA. Việc tổ chức các thành viên trong nhóm cũng rất quan trọng và chúng tôi đã tăng hiệu suất làm việc bằng cách đảm bảo rằng mỗi người đều hiểu và phải chịu trách nhiệm với vai trò của mình.

(仕事で失敗をしたエピソードを教えてください) Hãy kể cho chúng tôi nghe về lần bạn mắc sai lầm trong công việc

Trả lời câu hỏi phỏng vấn về sai lầm trong công việc trước đây

Cũng giống như câu hỏi trước, điều quan trọng khi trả lời câu hỏi này là đảm bảo rằng bạn không chỉ giải thích lỗi của mình là gì mà còn nêu các bước bạn đã thực hiện để sửa lỗi và đảm bảo rằng nó không xảy ra nữa. Câu trả lời dưới đây sẽ không được đánh giá cao:

あメリカの会社である時同僚にコードの修正を頼みました。本当はメールやチャットで残せばよかったのに、口頭だけで伝えました。結果として、彼が依頼の内容を勘違いして、リリースに間に合いませんでした。大変でした。
Khi tôi còn làm việc ở công ty cũ tại Mỹ, tôi từng nhờ một đồng nghiệp sửa code. Đáng lẽ tôi nên để lại lời nhắn qua email hoặc tin nhắn, nhưng tôi chỉ nói miệng với người đồng nghiệp đó. Kết quả là anh ta đã hiểu sai yêu cầu của tôi khiến công việc không kịp tiến độ. Lỗi này đã gây ra rất nhiều phiền toái.

Câu trả lời này có nói về chi tiết lỗi, nhưng không nói bất cứ điều gì về cách bạn xử lý lỗi. Dưới đây là một câu trả lời tốt hơn:

アメリカの会社で、ある時、同僚にコードの修正を口頭で頼みました。リリースが翌日でしたので、急いで修正する必要がありました。しかし、彼はその修正が次回のリリースのためだと勘違いしたので、すぐにやりませんでした。その結果、コードが修正されなくて、リリースに間に合いませんでした。その時以降、誤解が起こらないように、口頭だけじゃなくて、必ずしもメールやチャットで残すようにしていました。
Có lần khi tôi còn làm việc tại công ty bên Mỹ, tôi đã nhờ một đồng nghiệp sửa code nhưng tôi chỉ nói miệng. Bản code đó phải phát hành ngay ngày hôm sau, cần sửa gấp. Nhưng đồng nghiệp của tôi đã không làm ngay vì hiểu nhầm rằng bản sửa lỗi sẽ áp dụng cho bản phát hành tiếp theo. Vì thế mà chúng tôi không kịp phát hành theo đúng kế hoạch. Kể từ đó, không chỉ bằng lời nói, tôi luôn để lại lời nhắn bằng email hoặc tin nhắn cho đồng nghiệp để tránh hiểu lầm.

(今後どういうキャリアを歩んでいきたいですか?) Mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của bạn là gì?

Nêu dự định tương lai

Nhìn qua, đây là một câu hỏi có vẻ khá bình thường, nhưng thực tế thì nó được sử dụng để xác định tham vọng của ứng viên, cũng như khả năng biến kế hoạch của họ thành hiện thực. Câu trả lời như sau sẽ không được đánh giá cao:

正直に言うと、そこまでは考えていますん。とりあえず御社みたいな会社で働きたいと思います。
Thành thật mà nói, tôi vẫn đang suy nghĩ về điều này. Trước mắt, tôi chỉ muốn làm việc cho một công ty như quý công ty đây.

Câu trả lời này tuy trung thực nhưng sẽ không để lại ấn tượng tốt cho người phỏng vấn. Họ đang mong chờ một câu trả lời thể hiện rằng sở thích và tham vọng của bạn phù hợp với công việc mà bạn sẽ làm tại công ty. Ngay cả khi bạn không có mục tiêu cụ thể, hãy cứ đưa ra một mục tiêu tốt nhất mà bạn có thể nghĩ tới:

数年御社みたいなゲーム会社に配属して、経験を沢山積み重ねてから、将来は自分のゲーム会社を作りたいと思います。
Sau khi làm việc cho quý công ty trong vài năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tôi muốn thành lập công ty trò chơi của riêng mình trong tương lai.

Đừng mắc những sai lầm trên và bạn thành công khi đi phỏng vấn!

Tuy những lời khuyên trên đây có thể khá đơn giản nhưng hy vọng chúng sẽ hữu ích cho bạn. Chúc bạn may mắn trên con đường tìm việc làm tại Nhật Bản!

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: