Bạn nghĩ đâu là phần quan trọng nhất trong một buổi phỏng vấn xin việc? Có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng kiểu như “Lý do gì bạn lại ứng tuyển vào công ty chúng tôi?”. Đó có thể là một câu hỏi cần nhiều sự chuẩn bị, nhưng phần mình nghĩ quan trọng hơn cả khi tham gia phỏng vấn đó chính là việc giới thiệu bản thân – điều mà nhiều người nghĩ là đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm đúng và hay. Vậy đâu là điều bạn nên chú ý khi giới thiệu bản thân trong một buổi phỏng vấn ở công ty Nhật? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để xem cách bạn đang làm có thực sự gây ấn tượng với nhà tuyển dụng không nhé!
Mục đích của việc giới thiệu bản thân
Trên thực tế, có rất nhiều tình huống bạn phải giới thiệu bản thân khi gặp những người mới quen, đó có thể là tại trường học, khi tham gia một câu lạc bộ mới, buổi đầu đi làm thêm ở một cửa hàng,… Tùy mỗi hoàn cảnh mà lời giới thiệu có thể khác nhau, nhưng về cơ bản đều tập trung đưa ra những thông tin cơ bản và khái quát nhất về bản thân để đối phương có thể hiểu được.
Đối với việc giới thiệu bản thân khi đi phỏng vấn xin việc, mục đích của bạn là thông báo cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, đến từ đâu, là người như thế nào. Đồng thời thông qua việc giới thiệu, bạn cũng có thể gián tiếp tạo ra bầu không khí thoải mái, cởi mở cho cuộc nói chuyện tiếp theo. Chỉ vài giây ngắn ngủi đầu tiên thôi nhưng nó có thể quyết định kết quả của cả buổi phỏng vấn, bởi đó sẽ là ấn tượng đầu tiên của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Những thông tin cơ bản cần có trong phần giới thiệu bản thân
Phần giới thiệu bản thân là nội dung đầu tiên của buổi phỏng vấn, và phần này thường chỉ chiếm khoảng 1 phút. Do đó bạn cần phải chắt lọc những thông tin thật ngắn gọn để truyền tải đến nhà tuyển dụng sao cho vẫn đầy đủ và không được quá thời gian.
Về cơ bản, trong phần giới thiệu, bạn nên đề cập đến những thông tin sau đây:
- Họ tên
- Tên trường đại học, khoa, chuyên ngành đang hoặc đã học
- Các hoạt động tình nguyện, công việc làm thêm đã từng làm trong thời gian là học sinh/sinh viên (đối với sinh viên mới tốt nghiệp đi phỏng vấn)
- Kinh nghiệm làm việc (đối với người đã có kinh nghiệm làm việc)
- Kỹ năng, bằng cấp, khả năng ngoại ngữ
- Sở thích, tính cách
Tùy từng trường hợp bạn có thể rút gọn hoặc bỏ bớt một số phần.
Ngoài ra, bạn cũng nên phân biệt rõ giữa việc giới thiệu bản thân và PR bản thân. Giới thiệu bản thân là cách bạn trình bày những thông tin cơ bản nhất về bạn cho đối phương biết bạn là ai, đến từ đâu, còn PR bản thân là bạn thể hiện cho họ thấy những thế mạnh, sở trường của mình để khiến họ có suy nghĩ muốn tuyển dụng bạn. Thường thì sau phần giới thiệu bản thân, một số công ty có thể yêu cầu bạn PR về bản thân mình, khi này bạn có thể thoải mái cho họ thấy những điểm mạnh của mình. Nên hãy chú ý chỉ nêu những thông tin chính trong phần này thôi nhé.
Một vài bí quyết giới thiệu bản thân để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng
Mở đầu và kết thúc bằng lời cảm ơn
Trước khi bắt đầu giới thiệu về chính mình, bạn nên mở đầu buổi phỏng vấn bằng một lời chào, hoặc lời cảm ơn thay vì đi thẳng luôn vào việc nói “Tôi tên là….”. Bạn có thể nói một cách đơn giản như 本日お時間をいただきありがとうございます。(Rất cảm ơn quý công ty đã dành thời gian phỏng vấn tôi hôm nay). Câu nói này có thể giúp bạn thể hiện mình là một người khiêm tốn và cầu thị trong mắt nhà tuyển dụng.
Sau đó, trước khi kết thúc phần giới thiệu bạn cũng nên có một lời cảm ơn ngắn gọn: 本日よろしくお願い致します。hoặc どうぞよろしくお願い致します。Câu cảm ơn này như một lời thông báo rằng phần giới thiệu bản thân của bạn đã hết, đồng thời nó cũng cho thấy thái độ lịch sự và chuyên nghiệp của bạn.
Nên nói rõ cách gọi tên nếu bạn là người nước ngoài
Nếu bạn là người nước ngoài, người Nhật sẽ rất khó để nghe và phát âm chính xác tên gọi của bạn, đó là còn chưa kể đến trường hợp một số quốc gia thường có họ và tên rất dài, quy định gọi theo họ hoặc gọi theo tên cũng khác nhau. Do đó, sau khi nói tên đầy đủ của mình bạn nên nói với nhà tuyển dụng luôn tên thường gọi (hoặc bí danh) của bản thân theo cấu trúc ○○をお呼びください (“Hãy gọi tôi là…”) để mọi người biết cách xưng hô với bạn trong buổi phỏng vấn. Ngoài ra, việc này cũng góp phần khiến bầu không khí trở nên thoải mái hơn, giúp thu hẹp khoảng cách giữa bạn và nhà tuyển dụng hơn.
Không nên chỉ liệt kê sở thích đơn thuần mà nên kể cùng một câu chuyện, có dẫn chứng cụ thể
Thay vì nói đơn giản là tôi thích chơi thể thao, tôi thích lập trình máy tính,… bạn có thể dẫn chứng thêm những việc làm cụ thể liên quan đến sở thích đó, ví dụ như: Tôi rất thích chơi thể thao nên hồi đại học đã từng tham gia đội tuyển bóng đá của trường hoặc hiện tại tôi tham gia câu lạc bộ cầu lông ở khu vực đang sinh sống. Hay từ nhỏ tôi đã thích máy tính, đó cũng chính là lý do và động lực để tôi lựa chọn ngành lập trình máy tính khi vào đại học.
Việc dẫn chứng một câu chuyện, hành động cụ thể liên quan đến sở thích sẽ giúp bạn thể hiện rõ hơn cho đối phương biết đấy thực sự là sở thích của bạn và nó cũng có thể giúp bạn mở rộng đề tài nói chuyện hơn với nhà tuyển dụng.
Nên hay không nên đưa sở thích cá nhân vào phần giới thiệu?
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp mọi người phân vân không biết có nên đưa sở thích của mình vào phần giới thiệu đầu tiên hay không? Việc này tùy thuộc vào vị trí công việc và sở thích cá nhân của bạn.
Nếu sở thích của bạn có liên quan đến công việc, ví dụ như bạn thích đọc sách và đến phỏng vấn cho một công ty trong lĩnh vực biên tập và xuất bản sách, thì chắc chắn bạn nên kể ra để tăng điểm cho buổi phỏng vấn của mình. Hoặc nếu bạn có những sở thích cá nhân độc đáo khác có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì cũng nên đưa vào phần giới thiệu. Tuy nhiên, những sở thích không liên quan hoặc những sở thích bình thường không có dẫn chứng cụ thể, không thể tạo ra chủ đề cho cuộc nói chuyện thì bạn có thể giữ lại cho riêng mình.
Khi nói về tính cách của bản thân nên sử dụng lời nhận xét của người thứ ba để miêu tả
Đa phần mọi người sẽ nói tôi là người chăm chỉ, tôi là người tiếp thu nhanh,…. Nhưng nếu chỉ đưa ra những tính từ miêu tả đơn giản như vậy thôi thì không biết sẽ có bao nhiêu người giống như bạn. Bạn có thể đặt những tính cách đó trong bối cảnh cụ thể như trường học, câu lạc bộ, chỗ làm thêm hoặc công ty cũ,… Ví dụ như tại công ty cũ sếp cũ nhận xét tôi là một người tiếp thu và học hỏi nhanh, hoặc bạn bè nói tôi là một người vui tính, hòa đồng. Cách nói mang tính khách quan này sẽ giúp cho câu chuyện của bạn thuyết phục người nghe hơn, đồng thời giúp bạn tránh được việc trở thành kẻ tự mãn trong mắt những nhà tuyển dụng người Nhật.
Có thể kết hợp giới thiệu bản thân với lý do ứng tuyển
Thông thường phần lý do ứng tuyển sẽ được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi riêng, nhưng bạn cũng có thể lồng ghép nội dung này vào trong phần giới thiệu nếu như ngành học, hoặc công việc làm thêm của bạn trước đây có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Ví dụ như: Tại đại học, tôi theo học chuyên ngành thiết kế Web. Tôi hy vọng sau này có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng mình đã học để thiết kế ra nhiều trang Web đẹp mắt và có tính ứng dụng cao.
Chú ý là bạn chỉ nên nói qua chứ không nên sa đà quá nhiều vào phần này vì thông thường nhà tuyển dụng sẽ hỏi câu này sau. Tuy nhiên, chỉ cần khéo léo lồng ghép như vậy thôi, bạn cũng đã phần nào thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một học sinh chăm chỉ, một nhân viên tương lai giàu kiến thức và nhiệt huyết. Điều này chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tốt cho buổi phỏng vấn của bạn.
Lựa chọn những thông tin có giá trị, những điều nhà tuyển dụng muốn nghe để đưa vào phần giới thiệu
Về cơ bản phần giới thiệu bản thân là phần để bạn cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tên tuổi, học vấn, sở thích,… cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, nhưng không có nghĩa là bạn phải liệt kê tất cả những thông tin về bản thân mình cho đối phương biết. Để có một phần giới thiệu ngắn gọn nhưng vẫn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn nên biết cách chắt lọc những thông tin có giá trị nhất, tìm xem đâu là điều nhà tuyển dụng cần và muốn biết về bạn.
Nếu bạn là người đã có nhiều năm đi làm, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hãy chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp với vị trí đang ứng tuyển để trình bày trong phần giới thiệu. Không nên kể hết tất cả những việc bạn làm ra, vì nếu không liên quan chúng sẽ chả giúp ích gì cho bạn, ngược lại chỉ khiến phần giới thiệu bản thân của bạn trở nên lan man và dài dòng hơn mà thôi.
Còn nếu bạn là sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể tập trung vào sở thích, các hoạt động đã từng tham gia khi còn là sinh viên để cho nhà tuyển dụng thấy bạn có những tố chất, sở thích liên quan đến công việc. Ví dụ khi đi phỏng vấn cho một công ty lập trình Game, bạn có thể nói về sở thích chơi game của mình, hoặc nếu công việc yêu cầu một người năng động, nhiệt tình bạn có thể kể về các hoạt động tình nguyện, tập thể đã từng tham gia thời sinh viên,… bởi đây là những điều vị trí tuyển dụng mà bạn đang phỏng vấn tìm kiếm.
Để làm được điều này trước khi bước vào buổi phỏng vấn bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, nghiên cứu kỹ thông tin tuyển dụng đặc biệt là phần yêu cầu về kỹ năng, tính cách,… để xem vị trí ứng tuyển đó yêu cầu những người như thế nào, và bạn đáp ứng được bao nhiêu phần trăm trong đó. Hãy nhớ đừng chỉ nói những gì mình thích hãy nói những gì mà người khác muốn nghe.
Chú ý tư thế và dáng ngồi khi giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn
Nội dung và cách bạn nói khi giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn là điều vô cùng quan trọng, nhưng bên cạnh đó bạn cũng nên chú ý tư thế ngồi và biểu cảm gương mặt của mình để làm sao gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng: Việc giao tiếp bằng ánh mắt cũng quan trọng không kém giao tiếp bằng lời nói. Việc nhìn vào mắt đối phương khi đang nói chuyện sẽ cho họ thấy bạn đang thật sự chú tâm vào cuộc nói chuyện và nó cũng phản ánh phần nào mức độ thành thật của bạn trong lời nói. Đừng vì ngại, lo lắng hay run sợ mà bỏ qua điều này nhé. Hãy cố gắng giao tiếp bằng ánh mắt với nhà tuyển dụng để ghi điểm trong mắt họ hơn.
Mỉm cười: Bạn nên cố gắng giữ biểu cảm khuôn mặt thoải mái, tươi cười để thu hẹp khoảng cách với nhà tuyển dụng và cũng là để tạo một bầu không khí thoải mái cho chính bạn.
Ngồi thẳng và thả lỏng cơ thể: Không chống tay, tì tay hay dựa lưng vào ghế khi đang phỏng vấn, hãy cố gắng ngồi thẳng và thả lỏng người để cho họ thấy tính chuyên nghiệp cũng như sự tự tin của chính bạn.
Một vài đoạn giới thiệu bản thân mẫu bằng tiếng Nhật
Sinh viên mới tốt nghiệp
本日は貴重なお時間をいただき、ありがとうございます。 ○○大学○○学部4年の△△と申します。 大学時代は、フットサルサークルの活動に力を入れました。サークルでは代表を務め、日々の練習・試合の運営から、新入生の勧誘など、幅広い活動に取り組みました。大人数の組織をまとめ上げる経験にやりがいを感じてきたので、そういった長所を活かせる仕事を志しています。 本日は宜しくお願いします。 Cảm ơn công ty đã dành thời gian sắp xếp buổi phỏng vấn hôm nay cho tôi. Tôi tên là △△, sinh viên năm 4 khoa ○○, trường Đại học ○○ Thời sinh viên, tôi đã từng tham gia câu lạc bộ bóng đá. Tôi đã từng đảm nhiệm vị trí chủ tịch câu lạc bộ, tham gia vào các hoạt động như tập luyện hàng ngày, tổ chức các trận đấu và chiêu mộ các thành viên mới. Tôi đã từng có kinh nghiệm làm việc trong các tập thể lớn, đông người và hy vọng có thể tìm được một công việc phát huy các thế mạnh đó của tôi. Hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ phía công ty.
本日は貴重なお時間をいただき、ありがとうございます。 ○○大学○○学部4年の△△と申します。 私は大学時代、どこの企業でも活躍できる力をつけたいと思い、ベンチャー企業での営業インターンに取り組んでいました。インターンとして学んだ営業の力や、学生リーダーとしてチームを率いた経験を活かし、御社で活躍したいと思っています。 本日は宜しくお願いします。 Cảm ơn công ty đã dành thời gian sắp xếp buổi phỏng vấn hôm nay cho tôi. Tôi tên là △△, sinh viên năm 4 khoa ○○, trường Đại học ○○ Thời sinh viên tôi muốn thử sức mình nên đã từng đi thực tập kinh doanh cho một công ty mới thành lập. Tôi hy vọng với những kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được khi đi thực tập, cùng khả năng lãnh đạo nhóm khi còn là sinh viên tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho quý công ty. Hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ phía công ty.
Người đã từng đi làm
本日は貴重なお時間をいただき、ありがとうございます。 ○○と申します。○○大学を卒業後、△△システム開発会社でウェブシステム開発を4年間担当していて、金融系のシステム開発をしていました。人員増員の顧客への提案と実績が認められ、小集団をまとめるリーダーになりました。リーダーの仕事は設計書、コーディングのレビュー 進捗管理などです。私は以前より組み込み系開発に興味を持っていました。このたび御社が組み込み系開発のリーダー職を募集されているのを知り、応募させてもらいました。リーダーの経験は1年間でありますが、これまでの開発経験を活かし、利益を上げるために働きたいと考えています。 どうぞよろしくお願い致します。 Cảm ơn công ty đã dành thời gian sắp xếp buổi phỏng vấn hôm nay cho tôi. Tôi tên là ○○. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học ○○, tôi đã làm việc 4 năm tại Công ty lập trình △△, phụ trách lập trình các hệ thống tài chính. Sau đó, nhờ những đề xuất và thành tích trong việc nâng cao số lượng khách hàng, tôi đã được lên làm nhóm trưởng quản lý một nhóm nhỏ. Công việc của một nhóm trưởng chủ yếu là kiểm tra tài liệu kỹ thuật, kiểm tra code và quản lý tiến độ làm việc của các thành viên. Từ trước tới nay tôi luôn có hứng thú với công việc lập trình nhúng, nên sau khi biết công ty tuyển vị trí trưởng nhóm lập trình nhúng tôi đã ứng tuyển ngay. Mặc dù chỉ có 1 năm kinh nghiệm làm nhóm trưởng, nhưng tôi tin có thể phát huy được những kinh nghiệm đã có để đóng góp vào sự phát triển của công ty. Hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ phía công ty.
Trên đây là một vài bí quyết nho nhỏ bạn có thể áp dụng để giới thiệu bản thân trong các cuộc phỏng vấn xin việc ở Nhật. Trên tất cả những điều đó, hãy cố gắng thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự chân thành, khao khát muốn được làm việc và cống hiến của chính bạn. Sự tự tin và thái độ chủ động, tích cực trong buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn có được công việc mà mình mong muốn.
Ảnh tiêu đề: pixta.jp
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố