Do đó, nhiều người sẽ cảm thấy bối rối khi lần đầu lựa chọn rượu sake.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu những kiến thức cơ bản bạn nên biết khi thưởng thức rượu.
Rượu sake là gì?
Rượu sake có thành phần nguyên liệu chính làm từ gạo, nước, men gạo komekouji và được nấu theo phương pháp riêng của Nhật Bản. Tuy nhiên, không ai biết chính xác rượu sake được ra đời từ bao giờ. Tương truyền rằng, từ thế kỉ 3 trước Công nguyên, nghề trồng lúa bắt đầu xuất hiện và đến thế kỉ 8, công thức sản xuất rượu của Nhật Bản được ghi chép lại, cho đến nay, kĩ thuật nấu rượu đã trở nên ngày càng phát triển.
Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 1.200 điểm sản xuất rượu.Trong đó, Nigata là tỉnh có nhiều nhà sản xuất rượu nhất trong cả nước, với 88 điểm sản xuất. Tuy nhiên, nơi có sản lượng rượu lớn nhất là tỉnh Hyogo với khoảng 26% tổng sản lượng rượu trên toàn quốc.
Người ta nói rằng Nhật Bản có khoảng 10.000 loại rượu sake. Con số này có thể sẽ làm bạn cảm thấy khó khăn để tìm được loại rượu yêu thích. Mỗi địa phương và cách thức sản xuất lại tạo ra những loại rượu có đặc trưng khác nhau, bạn nên uống thử từng loại để cảm nhận hương vị phù hợp với mình.
Rượu sake được sản xuất như thế nào?
Sau đây là quy trình sản xuất chung của rượu sake.
- Loại bỏ phần tạp chất là nguyên nhân gây mùi vị khác của rượu (mùi vị làm giảm hương vị nguyên bản của rượu), vo gạo, ngâm gạo.
- Gạo được hấp chín, sau đó cho thêm men để ủ.
- Làm men cái (shubo – loại men cần thiết để làm lên men rượu) để nuôi men.
- Cho men cái, gạo hấp chín, gạo làm men và nước vào một cái bình và làm moromi (chất ngâm lên men). Thông thường, người ta thực hiện theo phương pháp ba giai đoạn, tức là việc cho men cái, gạo hấp, gạo làm men và nước vào bình được chia thành 3 lần. Thời kì lên men rượu sẽ mất khoảng 1 tháng.
- Bóp nát moromi và chia đều moromi thành rượu và bã rượu.
- Loại bỏ phần cặn (chất rắn mịn như gạo, men…) trong rượu, điều chỉnh hương vị như thêm nước để chỉnh nồng độ cồn, thêm lửa để dừng việc lên men…, sau đó cất bảo quản.
Phương pháp phân loại rượu sake
Rượu sake có nhiều cách phân loại, nhưng bạn có thể phân loại “rượu thường” và “rượu đặc biệt” dựa vào phương pháp sản xuất và nguyên liệu. Rượu đặc biệt lại được chia thành các loại “Junmai sake” “Ginjoshu” “Honjozoshu”. Sau đây là đặc điểm của từng loại rượu đặc biệt.
・ Junmaishu
Đây là loại rượu hoàn toàn được làm từ gạo, men gạo và nước, không thêm cồn trong quá trình sản xuất. Vì rượu được làm nguyên chất từ gạo nên có hương vị nguyên bản và rất đậm đà. Tùy vào độ bóng của gạo, phương pháp sản xuất và hương vị,… loại rượu này lại được chia thành “Junmaishu”, “Junmai Ginjoshu”, “Junmai Daiginjoshu” và “Junmaishu đặc biệt”.
・Ginjoshu
Loại rượu này được làm từ nguyên liệu gạo đã làm sạch (tỉ lệ còn lại của vỏ cám) đến 60%, men gạo, nước và cồn ủ rượu; sau đó được ủ (lên men gạo từ từ bằng nhiệt độ thấp, rồi tăng tỉ lệ men để có được hương thơm đặc trưng (ginka). Rượu này có mùi vị trái cây và hương thơm nổi bật. Loại gạo làm sạch từ 50% trở xuống được gọi là “Daiginjoshu”.
・Honjozoshu
Rượu sake này được làm từ nguyên liệu gạo làm sạch dưới 70%, men gạo, cồn ủ nguyên liệu và nước. So với rượu Ginjoshu, rượu này có hương thơm không nồng bằng nên tạo cảm giác rất dễ chịu khi thưởng thức.
Phương pháp phân loại theo loại rượu
Bạn có thẻ phân biết rượu sake thành 4 loại, dựa vào hương và vị của rượu. Dưới đây là đặc điểm riêng của từng loại.
・Kunshu
Đặc trưng của loại rượu này là mùi hương đặc trưng của hoa, trái cây, mùi vị nhẹ nhàng và sảng khoái. Ví dụ như rượu Ginjoshu và Daiginjoshu,…
・Soshu
Về cơ bản loại rượu này có mùi hương nhẹ nhàng, nhưng tươi mát, sảng khoái. Nó nhẹ và rất dễ uống. Tiêu biểu là loại rượu Honjozoshu và rượu sake thông thường,…
・Junshu
Rượu này có mùi thơm và vị đậm đà từ gạo. Nổi tiếng có rượu Junmai sake, Junmai sake đặc biệt,…
・ Jukushu
Loại rượu này có hương thơm của hoa quả khô và các loại gia vị lên men, kết hợp với vị ngọt đậm đà và vị chua rõ nét. Đây là đặc trưng thường thấy ở các loại rượu lâu năm hoặc rượu cổ,…
Nếu đã tìm được loại rượu yêu thích của mình, bạn hãy ghi nhớ tên loại rượu đó để lựa chọn khi đi nhà hàng hoặc nhờ nhân viên giới thiệu đúng loại rượu mà bạn mong muốn.
Cách thưởng thức rượu sake
Hương và vị của rượu sake sẽ thay đổi khi nhiệt độ thay đổi. Do đó, bạn có thể cảm nhận được nhiều hương vị khác nhau của cùng một loại rượu chỉ bằng cách thay đổi kiểu uống.
Thưởng thức vị của rượu thay đổi theo nhiệt độ là điều hiếm thấy trên thế giới, nhưng nó lại được cho là đặc trưng của rượu Nhật Bản. Nguyên nhân là bởi rượu sake có thể thưởng thức trong khoảng nhiệt từ 5 – 60℃.
Nhiệt độ sử dụng của rượu được chia thành 4 nhóm chính như sau:
・Rượu lạnh
Đây là rượu sake được làm lạnh từ 0 – 15 ° C. Rượu khi được làm lạnh khiến cho hương và vị giảm bớt đi, nên sẽ phù hợp với người không thích hương vị đặc trưng của rượu sake và người thích đồ uống mát. Bạn có thể cảm nhận rất rõ đặc trưng này khi uống rượu Ginjoshu, cùng với sự dịu đi của hương vị rượu khi uống lạnh, hương thơm trái cây đặc trưng cũng trở nên đậm đà hơn do thay đổi nhiệt độ.
・Rượu ở nhiệt độ thường
Rượu ở nhiệt độ thường là rượu sake ở nhiệt độ 20 – 25℃. Bạn sẽ thấy chữ Hán có ý nghĩa là “冷たい (lạnh)” trong tên gọi của kiểu rượu này, nhưng thực tế nó là rượu sake ở nhiệt độ bình thường. Đây là mức nhiệt độ lí tưởng để thưởng thức hương vị nguyên bản của rượu. Hơn nữa, đây cũng là cách uống được nhiều người đề xuất nếu bạn muốn kiểm tra chất lượng rượu.
・Rượu ấm
Rượu ấm là rượu sake ở nhiệt độ 30 – 40℃. Rượu khi được làm ấm đến khoảng nhiệt độ da người thì hương, vị và độ đậm đà sẽ tăng thêm, rất vừa miệng. Do đó, đây là cách uống dành cho ai muốn thưởng thức hương thơm của rượu sake và cảm nhận vị ngọt đặc trưng của rượu. Vị ngọt của rượu sake bắt nguồn từ gạo, nên đây cách uống này dành cho rượu gạo nguyên chất để bạn nhận ra được hương vị của gạo.
・Rượu nóng
Rượu nóng là rượu sake được làm nóng từ 45 – 55℃. Khi được làm nóng, vị ngọt của rượu được cô đọng lại, độ cay tăng lên nên bạn có thể cảm nhận được hương vị rõ ràng và thơm ngon của nó. Khác với rượu lạnh, sake được làm nóng sẽ dễ uống hơn. Vị ngọt của Junmai-shu và Honjozo-shu sẽ biến đổi thành vị umami khi được làm nóng, đây là cách uống rất đáng để bạn thử.
Tìm hiểu chi tiết hơn về cách thưởng thức rượu sake tại đây.
Cách đọc nhãn rượu sake
Trên nhãn của chai rượu sake, ngoài nhãn hiệu còn ghi nguyên liệu, ngày tháng sản xuất, nồng độ cồn,… Ngoài ra, nhiều loại rượu còn có cả thông tin về nồng độ sake (※) và độ chua.
Nhãn mác rượu thường in tên loại rượu như Ginjoshu, Junmaishu, Honjozoshu, Namachojoshu,… và thông tin “特選 (đặc biệt)” “極上 (tốt nhất)” theo từng nhà sản xuất. Khi đọc nhãn dán, bạn có thể biết được hương và vị của loại rượu sake đó. Do vậy, bạn nên tìm hiểu nội dung này khi lựa chọn rượu sake.
※ Đây là thông tin về mức độ của thành phần đường trong rượu sake. Chỉ số này càng âm thì rượu càng ngọt, càng dương thì rượu càng cay.
3 Sakedokoro (điểm sản xuất rượu) lớn nhất tại Nhật Bản
Sakedokoro là vùng đất được mệnh danh là nơi sản xuất rượu sake tốt nhất. 3 sakedokoro lớn nhất Nhật Bản gồm có Nada ở tỉnh Hyogo, Fushimi ở Kyoto và Saijo ở Hiroshima.
・Nada (Hyogo)
Hyogo tự hào về sản lượng gạo Yamada Nishiki đứng đầu cả nước Nhật và đây là loại gạo rất phù hợp để nấu rượu sake. Bênh cạnh đó, nước giếng ở Nada còn có tên gọi Miyamizu là một loại nước cứng với thành phần chứa nhiều chất khoáng, rất lí tưởng để nấu rượu sake. Rượu được nấu từ nước này được gọi là “nada-no-okotozake” bởi nó có vị cay và thô. Về mặt địa lí, vùng đất này cũng có nhiều điểm thuận tiện để vận chuyển rượu từ sông ra biển, nên nó trở thành vùng sản xuất rượu nổi tiếng. Nada có rất nhiều kho sản xuất rượu nổi tiếng như “Hakutsuru”, “Kenbishi”, và “Kikumasamune”.
・Fushimi (Kyoto)
“Gokosui” là loại nước nổi tiếng, được chọn là một trong “100 loại nước hàng đầu Nhật Bản” chảy ra từ vùng đất này, biến Fushimi trở thành vùng đất thích hợp để nấu rượu sake từ xa xưa. Nước của Fushimi có độ cứng trung bình với thành phần chứa khoáng chất, kali và canxi ở mức cân bằng và có kết cấu mềm. Loại rượu gạo mới có tên gọi “Fushimi no Onnazake” ở đây có vị ngọt đặc trưng. Tại Fushimi có một vài kho sản xuất rượu sake nổi tiếng như là “Kizakura”, “Gekkeikan” và “Takara Shuzo”,…
・Saijo (Hiroshima)
Nước của Saijo là nước mềm, vốn dĩ không thích hợp để ủ rượu sake, nhưng khi phương pháp ủ rượu bằng nước mềm ra đời vào thế kỷ 19 thì việc nấu rượu sake nơi đây trở nên phát triển nhanh chóng. Đây là nơi duy nhất tại Nhật Bản có “Viện nghiên cứu rượu”, người ta tiến hành nghiên cứu và đào tạo về rượu, phổ biến công nghệ và tổ chức thẩm định rượu. Rượu của Saijo thường có vị ngọt, hơi khác với rượu làm từ nước cứng. Một số kho rượu nổi tiếng ở Saijo như là Kamotsuru Shuzo, Kamoizumi Shuzo và Fukubijin Shuzo,…
Lời kết
Rượu sake được sản xuất rộng rãi trên khắp Nhật Bản. Hương vị của rượu không chỉ phụ thuộc vào địa phương sản xuất mà cả phương pháp sản xuất và nhiệt độ của rượu. Bạn sẽ có thể cảm nhận nhiều hơn về rượu sake khi có những kiến thức cơ bản về loại rượu này. Vì vậy, chúng tôi mong rằng bài viết này sẽ mang đến thông tin tham khảo và giúp bạn tìm ra loại rượu yêu thích cho mình.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố