Theo công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tại thời điểm tháng 10 năm 2019 có khoảng 1,65 triệu người lao động nước ngoài đang làm việc tại quốc gia này. Với những người lao động nước ngoài vẫn đang ngày ngày cố gắng bám trụ để làm việc tại một đất nước hoàn toàn xa lạ, chắc hẳn sẽ có nhiều tình huống khiến họ phải ngạc nhiên về sự khác biệt trong cung cách làm việc giữa các nước. Vì vậy, tôi đã quyết định phỏng vấn những người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản với câu hỏi “Điều gì khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên khi làm việc tại Nhật Bản?” và kết quả là đã nhận được rất nhiều câu trả lời thú vị!
1. Không “buôn” chuyện trong giờ, người Nhật luôn giữ yên lặng khi làm việc
“Người Nhật chẳng mấy khi buôn chuyện trong giờ làm việc nhỉ. Ở Trung Quốc, ngay cả trong giờ làm việc mọi người vẫn thoải mái bàn tán về những chủ đề không liên quan đến công việc như thời trang chẳng hạn.” (Nữ/ người Trung Quốc)
“Tôi thấy người Nhật không ăn vặt hay uống trà khi làm việc. Ở Đài Loan, mọi người thường ăn bánh kẹo trong khi làm việc, hoặc khi nghỉ giải lao giữa buổi thường hay gọi trà sữa chân trâu về cùng uống” (Nữ/ người Đài Loan)
“Mọi người ở đây không mấy khi sử dụng điện thoại di động trong giờ. Ở Hàn Quốc bạn sẽ thường xuyên bắt gặp mọi người dùng điện thoại khi làm việc.” (Nam/ người Hàn Quốc)
Ở Nhật Bản, bạn nên tránh việc nói chuyện riêng và dùng điện thoại trong giờ làm việc. Những hành động như vậy có thể gây ra ấn tượng không tốt chút nào. Tuy nhiên, những giờ nghỉ giải lao ngắn cũng có tác dụng làm tăng hiệu suất làm việc nên nghỉ ngơi một chút cũng không vấn đề gì.
2. Người Nhật làm việc quá nhiều!? Tại sao mọi người lại hay làm thêm giờ?
“Ấn tượng của tôi là người Nhật thường xuyên làm thêm giờ.” (Nữ/ người Việt Nam)
“Người Trung Quốc chúng tôi chỉ làm thêm giờ trong những tình huống bắt buộc thôi. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người Nhật lúc nào cũng làm thêm.” (Nữ/ người Trung Quốc)
“Ở Nhật, việc làm thêm giờ là chuyện đương nhiên. Còn ở Mỹ, việc tan sở đúng giờ mới là chuyện đương nhiên.” (Nam/ người Mỹ)
Có nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta phải làm thêm giờ. Nhưng ở Nhật Bản, điều đặc biệt là ở chỗ người ta thường nghĩ rằng những người làm thêm nhiều là những người chăm chỉ, biết nỗ lực và làm việc nghiêm túc. Đó có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của “văn hóa làm thêm giờ” tại đây. Hơn nữa, người Nhật còn thường nghĩ rằng “những người xung quanh vẫn đang làm việc mà mình lại về đúng giờ thì thật có lỗi”, và chính cách nghĩ này cũng là một nguyên nhân khiến họ thường xuyên ở lại làm thêm giờ.
3. Giờ ăn trưa ở Nhật đang dần thay đổi!
“Sao người Nhật lại hay đi ăn trưa một mình vậy? Ở Hàn Quốc, mọi người thường đi ăn cùng nhau.” (Nữ/ người Hàn Quốc)
“Các công ty Nhật thường không có trợ cấp ăn trưa. Nhiều công ty Hàn Quốc trợ cấp tiền ăn trưa cho nhân viên.” (Nam/ người Hàn Quốc)
“Sao người Nhật không ngủ sau khi ăn trưa nhỉ? Người Đài Loan thường có thói quen ngủ trưa.” (Nữ/ người Đài Loan)
“Nhiều công ty ở Nhật không có nhà ăn cho nhân viên.” (Nữ/ người Trung Quốc)
“Chỉ có 1 tiếng đồng hồ để nghỉ trưa. Không những thế, sau giờ nghỉ, người Nhật quay lại làm việc rất đúng giờ.” (Nữ/ người Trung Quốc)
Có thể thấy mỗi quốc gia lại có những điều ngạc nhiên khác nhau về chuyện ăn trưa ở Nhật Bản. Việc ăn trưa một mình có lẽ bắt nguồn từ tính cách hướng nội của người Nhật. Ngoài ra, người Nhật cho rằng giờ nghỉ trưa là thời gian riêng của mỗi người. Vì vậy, sau khi ăn họ có thể tận dụng thời gian này tới ngân hàng hay bưu điện để giải quyết những công việc cá nhân. Vì thế mà có những người đã lên sẵn kế hoạch làm gì vào giờ nghỉ trưa. Nếu muốn mời người Nhật ăn trưa thì bạn nên hẹn từ hôm trước.
4. Điểm cộng: được công ty trợ cấp tiền đi lại!
“Tôi cảm thấy rất biết ơn vì được công ty chi trả tiền đi lại!” (Nam/ người Thái Lan)
“Tôi rất vui vì công ty trợ cấp tiền đi lại! Ở nước tôi các công ty không có khoản trợ cấp này.” (Nữ/ người Đài Loan)
Chúng tôi nhận được rất nhiều câu trả lời đề cập tới tiền đi lại. Nếu đã từng một lần tới thăm Nhật Bản, chắc bạn cũng nhận thấy rằng chi phí đi lại ở Nhật khá đắt đỏ so với các nước khác. Đi 1 trạm tàu thôi cũng mất tới hơn 100 yên. Ở Tokyo, đi taxi khoảng 2km là bạn đã mất tới hơn 800 yên rồi. Hầu hết các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản được điều hành bởi các công ty tư nhân. Vì vậy mà mức giá cao là điều không thể tránh khỏi.
5. Có quá nhiều buổi tiệc rượu!
“Tôi thấy người Nhật rất hay tổ chức những buổi nhậu đông người. Ở Đài Loan, mọi người chỉ đi nhậu với những người thân thiết hoặc những người làm việc cùng. Tôi cũng thấy ở Nhật có rất nhiều dịp để mọi người đi nhậu, như tiệc chia tay, tiệc chào mừng người mới, v.v.” (Nữ/ người Đài Loan)
“Ở Mỹ không có tập quán đi nhậu với đồng nghiệp. Càng không có chuyện đi nhậu với sếp.” (Nữ/ người Mỹ)
“Ở nước tôi, sau giờ làm mọi người có thể rủ nhau đi nhậu. Ai đi được thì đi. Chứ không có chuyện lên lịch để tất cả mọi người cùng đi như ở Nhật.” (Nữ/ người Việt Nam)
Bên cạnh những ngạc nhiên về tiền trợ cấp đi lại, cũng có rất nhiều ý kiến về văn hóa nhậu trong môi trường công sở Nhật Bản. Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người có vô số dịp để tổ chức các buổi tiệc rượu như tiệc mừng năm mới, tiệc cuối năm, tiệc chào mừng, tiệc chia tay. Những bữa tiệc rượu này đóng vai trò vô cùng quan trọng như một dịp để mọi người cùng trò chuyện và tạo dựng các mối quan hệ thân tình.
Phải công nhận rằng vì có sự tham gia của nhiều người thuộc các phòng ban khác và cấp trên nên những buổi liên hoan như vậy thường có bầu không khí không thoải mái, khó từ chối. Thoạt tiên, nhiều người nước ngoài có thể cảm thấy ngạc nhiên về nét văn hóa này của Nhật Bản vì nó chiếm mất thời gian riêng tư của mỗi người; nhưng những dịp như vậy cũng là cơ hội tốt để tương tác nhiều hơn với người Nhật. Vậy nên đừng ngần ngại tham gia nhé!
6. Coi trọng quá trình hơn kết quả!
“Ở Nhật người ta không đánh giá dựa trên kết quả. Họ đánh giá xem cả quá trình bạn đã làm việc như thế nào.” (Nữ/ người Úc)
Tất nhiên, kết quả cũng là một phần quan trọng; nhưng ở Nhật, mọi người có xu hướng coi trọng cả quá trình làm việc, đánh giá xem bạn đã có những hành động như thế nào, tác động như thế nào tới những người xung quanh hay giải quyết những vấn đề phát sinh như thế nào.
7. Ý thức làm việc nhóm cao!
“Ở các công ty Nhật, mọi người hiếm khi coi những người xung quanh là đối thủ.” (Nữ/ người Úc)
“Người Nhật có tinh thần hợp tác rất cao khi làm việc theo nhóm. Ở Mỹ, mọi người thường làm việc độc lập nhiều hơn.” (Nữ/ người Mỹ)
“Vì làm việc theo nhóm nên họp hành cũng rất thường xuyên. (Nữ/ người Úc)
Có lẽ cũng tùy vào tính chất công việc, nhưng nhìn chung làm việc theo nhóm để xúc tiến một dự án là một xu hướng thường thấy ở Nhật Bản. Vì vậy, bạn luôn cần hợp tác chặt chẽ với những người xung quanh, khi quyết định điều gì phải cùng nhau họp bàn để thống nhất.
Những điều ngạc nhiên thú vị khác!
“Họ không hay hỏi về thông tin liên lạc cá nhân. Tôi nghĩ việc giữ khoảng cách như vậy là rất tốt.” (Nữ/ người Đài Loan)
Người Nhật phân biệt rất rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân. Vì vậy, hầu hết người Nhật khá e ngại khi hỏi về thông tin liên lạc của những người ở nơi làm việc.
“Tôi rất ngạc nhiên khi ở công ty có khám sức khỏe cho nhân viên!” (Nam/ người Mỹ)
Mỗi năm một lần, các công ty Nhật sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Ngoài việc đo chiều cao và cân nặng, người ta còn tiến hành kiểm tra các hạng mục khác như một buổi khám sức khỏe toàn diện: kiểm tra thính lực, thị lực, huyết áp, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, v.v.
“Người Nhật hay sử dụng con dấu.” (Nữ/ người Trung Quốc)
” Quá trình giảm thiểu giấy tờ ở Nhật còn khá chậm. Tôi vẫn thấy người Nhật dùng nhiều giấy. Nên đẩy mạnh số hóa thông tin hơn nữa” (Nữ/ người Mỹ)
Văn hóa sử dụng con dấu đã ăn sâu vào đời sống của người Nhật. Vì vậy mà họ luôn cần có con dấu khi làm thủ tục hay hợp đồng. Cùng với đó là việc người Nhật vẫn thường xuyên sử dụng giấy tờ. Là một nhà báo người Nhật, tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề của nước Nhật. Nếu áp dụng cách làm việc thông minh hơn, hiệu quả công việc của người Nhật sẽ cải thiện hơn.
“Ở Nhật việc sa thải một người không phải chuyện đơn giản! Còn ở Mỹ thì muốn sa thải là có thể sa thải được ngay.” (Nam/ người Mỹ)
Tại Nhật, khi sa thải nhân viên phải có đủ những điều kiện nhất định. Nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì không thể đưa ra quyết định sa thải. Sa thải nhân viên mà không đưa ra lý do thích đáng thì được coi là “sa thải vô lý”. Có trường hợp phải trả một khoản tiền bồi thường lớn. Vì vậy việc sa thải nhân viên ở Nhật Bản không phải là việc dễ dàng.
“Ở Nhật, khi đi du lịch ở đâu về là phải mua quà cho mọi người ở nơi làm việc. Ở Mỹ, chúng tôi cũng có nói chuyện về quà cáp nhưng ít khi mua quà thật.” (Nữ/ người Mỹ)
Người Nhật khi đi nghỉ thường mua quà tặng mọi người ở nơi làm việc để tỏ lòng biết ơn vì đã tạo điều kiện cho bạn nghỉ phép, hoặc để xin lỗi vì những phiền phức gây ra khi bạn nghỉ. Có lẽ đó là biểu hiện của tính khiêm tốn – một đặc trưng cố hữu của người Nhật.
“Những quy tắc trong kinh doanh của người Nhật rất chi tiết và nghiêm khắc” (Nữ/ người Mỹ)
Nhìn chung, có khá nhiều quy tắc nghiêm ngặt như: vị trí bàn tay khi trao danh thiếp, góc gập người khi cúi chào, cách sử dụng từ ngữ, v.v. Có lẽ, chỉ ở Nhật mới có chuyện nhân viên mới vào phải tham gia đào tạo về cách giao tiếp.
“Tất cả mọi người cùng đọc to tôn chỉ của công ty trong buổi họp sáng! Tôi thực sự rất ngạc nhiên về điều này!” (Nữ/ người Ý)
Đây không phải là một cảnh tượng thường thấy; nhưng những công ty lâu đời có thể vẫn giữ tập quán này. Tôi nghĩ có lẽ sẽ có nhiều người lao động nước ngoài cảm thấy ngạc nhiên khi thấy cảnh này. Có lẽ không ít người Nhật cũng không thích hoạt động này.
Từ kết quả phỏng vấn, có thể thấy rằng những thói quen cố hữu của người Nhật như làm việc trong yên lặng, hay làm thêm giờ và đi ăn trưa một mình có ảnh hưởng rất lớn tới cung cách làm việc của họ. Có lẽ khi làm việc ở nước ngoài, không chỉ Nhật Bản mà dù ở quốc gia nào đi nữa, điều quan trọng nhất là hiểu rõ đặc trưng dân tộc của quốc gia đó. Qua bài phỏng vấn này, ta có thể thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế cần khắc phục của môi trường làm việc Nhật Bản.
Hy vọng rằng tất cả mọi người có thể cùng nhau tạo ra một môi trường làm việc thoải mái nơi những người nước ngoài có thể dễ dàng làm việc cùng nhau, để vừa phát huy những ưu điểm của Nhật Bản, vừa tiếp thu những cách làm việc mới từ những nền văn hóa khác.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố