Những món đồ đánh rơi ở Nhật Bản sẽ thực sự quay về? Sự thật đằng sau 10 “tin đồn” về Nhật Bản

Ấn tượng của bạn về Nhật Bản là gì? Có lẽ nhiều người đã từng nghe những tin đồn khó tin về sự nồng hậu của người Nhật cũng như vấn đề an ninh rất tốt ở đất nước này. “Tàu điện và xe buýt ở Nhật dù chỉ muộn vài phút thôi cũng phải xin lỗi ư?”, “Ở Nhật Bản, những món đồ bạn đánh mất chắc chắn sẽ tìm lại được?”. Những điều này liệu có thực sự đúng hay chỉ là tin đồn không có thực và lý do là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết này nhé!

1. Ngủ gật trên tàu điện trong khi để điện thoại trên đùi có thực sự an toàn ở Nhật?

cô gái ngủ gật trên tàu
DutchMen / Shutterstock.com

Tàu điện ngầm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại Nhật Bản, đặc biệt là các đô thị lớn như Tokyo và Osaka. Một hình ảnh quen thuộc mà bất cứ ai khi đã có trải nghiệm đến xứ sở anh đào đều từng bắt gặp có lẽ là hình ảnh những người Nhật đang ngủ gật trên tàu. Có rất nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi trong quãng thời gian từ nhà đến chỗ làm hay từ chỗ làm về nhà giữa những ngày làm việc bận rộn. Họ có thể ngủ gật trong khi vẫn để nguyên điện thoại trên đùi, khi túi xách vẫn mở, khi đứng giữa tàu điện chật kín người hay thậm chí là ở nhà ga tấp nập. Nếu ở nước ngoài, đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến những vụ trộm cắp. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy đó là hình ảnh biểu tượng cho sự an toàn trong trị an của Nhật Bản.

Đương nhiên, chính bởi Nhật Bản là một đất nước an toàn nên người ta có thể yên tâm ngủ gật tại nơi công cộng, nhưng ngoài ra chúng ta cũng có thể nghĩ đến một lý do đặc biệt khác. Đó là không gian trên tàu điện của Nhật rất dễ chịu. Ở các nước trên thế giới, ghế trên tàu điện thường là ghế cứng thì ở Nhật, người ta lại trang bị hệ thống ghế có đệm rất thoải mái và dễ chịu. Thêm vào đó là hệ thống điều hòa điều chỉnh phù hợp với thời tiết. Điều này khiến tàu điện ở Nhật trở thành môi trường lý tưởng để thư giãn, khiến nhiều người vô tình ngủ gật trên tàu. Đương nhiên, việc ngủ gật trên tàu điện có thể còn là do công việc bận rộn khiến người ta phải thức khuya dậy sớm làm việc – một hình ảnh gắn liền với xã hội Nhật Bản. Thế nhưng, việc người Nhật có thể ngủ gật trên tàu đã khẳng định phần nào ý thức xã hội của con người nơi đây, do đó mọi người thường không lo trộm cắp, cũng như không gian thoải mái, dễ chịu của tàu điện.

2. Đồ thất lạc sẽ quay trở lại – “Chiếc ví bị rơi có thể về với chủ ư?”

đường phố Nhật Bản
Shawn.ccf / Shutterstock.com

Một bằng chứng nữa cho thấy trị an của Nhật Bản rất tốt, đó là việc người dân trên khắp thế giới truyền tai nhau về câu chuyện “Ở Nhật, nếu bạn làm rơi ví, nhất định nó sẽ tìm lại về được với chủ sở hữu”.

Theo số liệu của thành phố Tokyo trong báo cáo của Cục Cảnh sát năm 2019, số tiền bị đánh rơi được trả về cho sở cảnh sát và đồn công an trong thành phố trong năm 2018 lên tới 3.839 triệu yên. Đây là số tiền nhiều nhất mà Sở cảnh sát thu nhận được từ trước đến nay. Điều này đồng nghĩa với việc trong tổng số tiền được báo mất từ chủ sở hữu tương đương 8.408 triệu yên thì có tới 45,7% được giao lại cho cảnh sát trên danh nghĩa là đồ thất lạc, và thực tế có khoảng 2.82 tỷ yên tiền mặt được trả lại cho chủ nhân của chúng. Số tiền không tìm thấy chủ sở hữu, được giao lại cho người nhặt được là khoảng 500 triệu yên. Ngoài ra còn có khoảng 560 triệu yên tiền người nhặt được từ chối quyền sở hữu, được xung vào công quỹ của thành phố Tokyo. 

hai cô gái đang tra cứu điện thoại
Wei Ling Chang / Shutterstock.com

Nói cách khác, “truyền thuyết” thực sự tồn tại. Trong sự hối hả và nhộn nhịp của Tokyo, nơi mà công nghệ kĩ thuật phát triển và con người dường như rất thờ ơ với nhau, thì những giá trị đạo đức và chuẩn mực của con người vẫn luôn được gìn giữ.

Bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về sự an toàn của Nhật Bản bằng cách tham khảo các số liệu thực tế. Việc giao lại cho cảnh sát khu vực hoặc trung tâm đồ thất lạc ở nhà ga những món đồ bị đánh rơi hay bỏ quên đã trở thành một chuẩn mực trong cách cuứng xử Nhật Bản bất kể cho món đồ đó là ví, bằng lái xe, bảo hiểm sức khỏe, điện thoại, thẻ tín dụng, thẻ IC, chìa khóa, túi xách hay quần áo,… Tuy nhiên, với những món đồ chỉ đáng giá vài xu và bạn có thể dễ dàng mua thứ khác thay thế, chẳng hạn như những chiếc ô, thì có tới 343.725 trường hợp nhặt được nhưng chỉ có 6.154 trường hợp báo mất. Người ta cho rằng điều này đơn giản là bởi những thứ này hoàn toàn dễ dàng thay thế nên chủ sở hữu đã từ bỏ chúng khi đánh mất.

3. Người Nhật xì xụp ăn mì – Tại sao họ lại phát ra âm thanh trong lúc ăn?

người đàn ông ăn mỳ

Ở Nhật Bản tồn tại rất nhiều quy tắc trong bữa ăn, nhất là cách sử dụng đũa. Trong số đó có một quy tắc đặc biệt liên quan đến việc ăn mì phát ra tiếng động.

Có nhiều người nước ngoài khi đến Nhật chứng kiến việc người Nhật ăn như vậy đều thắc mắc “Mình cũng phải làm thế sao?”, “Ăn như vậy sẽ ngon hơn sao?”. Thế nhưng, thực tế thì bạn không cần phải tạo ra âm thanh xì xụp như vậy khi ăn mì. Đây không phải là quy tắc cư xử gì, dù bạn có không phát ra âm thanh khi ăn thì cũng không phải điều thất lễ. Bên cạnh đó, việc tạo ra âm thanh có khiến cho món mì ngon hơn hay không là tùy thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người. 

Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng việc húp mì như vậy khiến cho mì và nước dùng được kết hợp hoàn hảo hơn giúp bạn có thể cảm nhận được hương vị nước dùng. Đó là lý do tại sao có nhiều người húp mì như vậy.

Tìm hiểu kỹ hơn về cách ăn này của người Nhật, nhiều ý kiến cho rằng nó có liên quan đến việc người Nhật đang ngày càng thích “giản lược hóa”. Họ luôn cố đơn giản hóa và rút ngắn mọi thứ nếu có thể. Chẳng hạn như, thay vì nói “smartphone” (điện thoại thông minh), họ sẽ chỉ nói “sumaho”, “Sutaba” thay vì Starbucks,… Có lẽ chính vì người Nhật thích rút ngắn mọi thứ nên không chỉ ở từ ngữ mà ngay cả việc ăn mì cũng vậy. Để việc ăn những sợi mì dài trở nên nhanh hơn, thay vì việc gắp từng gắp mì lên thì việc húp mì dần trở nên phổ biến. Đây cũng có thể là một trong những lý do giải thích cho hành động húp mì xì xụp của người Nhật.

Thực tế, có nhiều phụ nữ Nhật không thích hành động húp mì như vậy. Bản thân việc xì xụp ăn mì không phải là một nét văn hóa cư xử cần được gìn giữ, cũng không phải cách giúp hương vị món ăn trở nên ngon hơn. Nếu bạn cảm thấy không biết phải ăn mì ở Nhật thế nào cho đúng thì hãy cứ yên tâm ăn theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất nhé!

4. Đường phố Nhật Bản rất sạch sẽ – Dù không có thùng rác nhưng xung quanh cũng không có rác

hai cô gái đi bộ trên phố
Morn Stock / Shutterstock.com

Một trong những ấn tượng đầu tiên của người nước ngoài khi đến với Nhật Bản là ở các con phố của Nhật không có thùng rác. Thế nhưng, người ta cũng không thấy rác trên đường. Loại thùng rác duy nhất mà bạn có thể thấy có lẽ chỉ là loại thùng rác chuyên dụng để vứt chai, lon nước ở máy bán nước tự động. Điều này khiến chúng ta không khỏi thắc mắc: Người Nhật xử lý rác thế nào khi sống giữa một thế giới không có thùng rác như vậy?

Ở Nhật Bản, ngoài vị trí cạnh máy bán nước tự động như đã nói ở trên thì bạn còn có thể thấy thùng rác ở các cửa hàng tiện lợi, nhà ga, trong công viên, nhưng người Nhật có một thói quen chung là nếu không tìm thấy thùng rác ở gần mình, họ sẽ cất rác vào túi của mình và mang theo đến khi tìm được chỗ vứt hoặc nếu không có thì họ sẽ mang về nhà. Đây là lý do tại sao dù không có thùng rác nhưng “xứ sở anh đào” vẫn luôn sạch sẽ. Thế nhưng, việc người Nhật có thể giữ được thói quen tốt như vậy có liên quan đặc biệt đến hệ thống giáo dục, mà trước hết là quan điểm giáo dục của đất nước này. Ở các trường học của Nhật, ngoại trừ các trường đại học và trường chuyên môn, tất cả đều không có nhân viên dọn vệ sinh, công việc này sẽ do chính học sinh tự phụ trách. Hệ thống giáo dục bắt buộc 12 năm quy định về thời gian dọn dẹp vệ sinh của học sinh, chẳng hạn như sau giờ nghỉ trưa. Điều này đã nuôi dưỡng ý thức của mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ nơi mình dùng. Với quan điểm “Phải làm cho nơi mình dùng sạch sẽ hơn khi mình đến”, mỗi người lại mang trong mình bài học đạo đức phải luôn luôn giữ gìn vệ sinh đường phố và những nơi công cộng. Ngoài ra, người Nhật cũng được dạy về việc coi trọng ý kiến của số đông. Điều này cũng áp dụng đối với cả việc vứt rác. Vì phần lớn mọi người không vứt rác ra đường nên đã tạo ra tư tưởng bản thân cá nhân cũng không được vứt rác bừa bãi.

Ngoài ra, có một sự kiện cũng giải thích cho việc ở Nhật không có thùng rác công cộng, đó là vào năm 1995, Nhật Bản đã từng xảy ra cùng lúc nhiều vụ khủng bố ở các ga tàu điện ngầm với các vật dụng gây án được giấu trong các thùng rác. Để đối phó với vấn đề này, các thùng rác trong thành phố đã đồng loạt bị gỡ bỏ. Kể từ đó trở đi, người ta đã dần quen với cuộc sống không có thùng rác và mỗi người có ý thức quản lý rác thải nghiêm ngặt hơn.

5. Quy tắc cư xử mà bất cứ người Nhật nào cũng tuân thủ – Dù là việc gì cũng nghiêm chỉnh xếp hàng theo thứ tự

người Nhật xếp hàng mua đồ
AMMLERY / Shutterstock.com

Khi đến các nhà hàng hay quán cà phê đông khách, hoặc khi lên tàu, xe buýt ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy hình ảnh người ta nghiêm chỉnh xếp hàng. Tại đây, nếu nhiều người cùng sử dụng chung một thứ gì đó, họ sẽ xếp hàng theo thứ tự từ trước đến sau. Quy tắc cư xử này bắt nguồn từ tư tưởng giáo dục coi trọng hành động của đám đông ở người Nhật. Tất nhiên, bản thân việc xếp hàng thì ở bất cứ đâu trên thế giới cũng đều có, nhưng tuân thủ nó tuyệt đối thì có lẽ chỉ có ở người Nhật. Khi đi tàu điện, người ta sẽ xếp hàng ở vị trí quy định có ghi dòng chữ “Xếp hàng lên tàu”, theo thứ tự từ người đến sớm nhất. Khi sử dụng thang cuốn người ta cũng sẽ dành một bên cho những người đứng bình thường và một bên cho những người đang vội có thể đi trước. Người Nhật sẽ luôn xếp hàng cũng như tuân thủ quy định để tạo sự thoải mái cho những người xung quanh và cả chính bản thân họ cho dù là đến cửa hàng ramen, cửa hàng đồ ngọt đông khách, buổi trình diễn của một nghệ sĩ nổi tiếng, hay xếp hàng để mua vé vào cửa của công viên giải trí,… Người nước ngoài khi đến Nhật chắc chắn sẽ gặp nhiều tình huống phải xếp hàng như chờ tàu điện, ở trước của hàng ramen được yêu thích hay chờ đến lượt đi vệ sinh ở khu vệ sinh công cộng.

6. Đi muộn vài phút cũng phải xin lỗi? – Tàu điện và xe buýt ở Nhật Bản vận hành theo thời gian biểu quy định

ga tàu điện ở Nhật
Jheng Yao / Shutterstock.com

Hệ thống giao thông công cộng ở Nhật Bản được thế giới ca ngợi về chất lượng và độ chính xác. Việc tàu điện hay xe buýt trễ giờ là một việc hết sức bình thường ở mọi quốc gia và nó không có gì là lạ. Thế nhưng, ở xứ sở anh đào, dù tàu chỉ muộn 2 – 3 phút thôi nhân viên nhà ga và trưởng tàu cũng sẽ xin lỗi, họ còn phát hành cả giấy chứng nhận muộn tàu cho hành khách trên chuyến tàu đó. Xã hội Nhật có một quy tắc bất thành văn, đó là bạn luôn phải đến sớm hơn 5 phút, việc không thể tuân thủ thời gian được coi là điều cấm kị. Vì thế nên, khi các phương tiện giao thông công cộng không thể hoạt động đúng như thời gian biểu, người ta sẽ phải đưa ra thông báo xin lỗi người sử dụng phương tiện cùng với lí do giải thích vì sao tàu lại trễ. Bất kể lý do thời tiết, có người tự sát hay trên tàu có người gặp vấn đề sức khỏe thì các công ty đường sắt đều nhận trách nhiệm về phía mình và xin lỗi khách hàng.

Phần lớn các thông báo ở hệ thống giao thông tại Nhật là tiếng Nhật, nhưng đối với các thành phố lớn có nhiều người nước ngoài thì các bảng thông tin trên tàu sẽ hiển thị nhiều ngôn ngữ để họ có thể hiểu được tình hình khi có bất cứ điều gì bất thường xảy ra, chẳng hạn như tàu bị muộn giờ.

7. Tất cả người Nhật đều bị bệnh sao? Tại sao họ luôn đeo khẩu trang?

ASkwarczynski / Shutterstock.com

Có nhiều người cho rằng, ấn tượng của họ đối với đất nước mặt trời mọc là “Rất nhiều người đeo khẩu trang ở Nhật Bản”

Ngoại trừ lý do phòng chống dịch bệnh gần đây và không kể đến một số quốc gia châu Á thì văn hóa đeo khẩu trang thường ngày hầu như không có ở các nước trên thế giới. Ở các nước không có thói quen đeo khẩu trang thường ngày, nơi mà bạn có thể thấy người ta đeo khẩu trang có lẽ chỉ có trong bệnh viện hoặc trong các bộ phim.

Ở Nhật Bản, đeo khẩu trang thường ngày là một việc hết sức bình thường. Tất nhiên cũng có nhiều người đeo khẩu trang vì bị bệnh như cảm cúm hoặc để tránh việc bị cảm cúm, một số khác đeo để chống dị ứng phấn hoa vào khoảng thời gian đầu mùa xuân đến đầu hè. Tuy nhiên, một số khác lại đeo khẩu trang để che đi gương mặt chưa trang điểm hoặc những người nổi tiếng cũng đeo khẩu trang để không bị lộ danh tính. Ngoài ra, những năm gần đây, nhu cầu đeo khẩu trang như một phụ kiện thời trang cũng ngày càng tăng. Cũng giống như việc đeo kính thời trang, nếu bạn không đeo khẩu trang thì cũng chả có gì ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, tuy nhiên, nếu bạn muốn trông thật phong cách hơn thì bạn có thể học cách đeo chúng. Khẩu trang được bán ở rất nhiều nơi như các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hiệu thuốc. Có lẽ chính vì lý do đó mà người Nhật cảm thấy khẩu trang rất gần gũi trong đời sống của mình.

8. Hình ảnh người Nhật làm việc quá sức và thực trạng

rweisswald / Shutterstock.com

“Người Nhật luôn làm việc quá sức”. Chắc hẳn ai cũng đã từng một lần nghe đến cụm từ “Karoshi” (tạm dịch: làm việc đến chết) trên các phương tiện truyền thông khi nói về cách làm việc của người Nhật.

Mặc dù những năm gần đây, Nhật Bản đang xem xét lại về cách làm việc của người dân trong nước nhưng nhiều công ty tại Nhật vẫn tồn tại một lối suy nghĩ cổ hủ khi cho rằng việc người lao động làm thêm ngoài là điều hiển nhiên. Những quy định này tùy thuộc vào quy mô công ty và tính chất công việc. Cụ thể là những công ty có số thời gian tăng ca dưới 40 tiếng/tháng được cho là những công ty tốt. Không ít người phải làm việc đến đêm khuya, đến khi chỉ còn chuyến tàu cuối cùng mới được trở về và rồi sáng hôm sau lại phải đến công ty từ 6-7 giờ. Tình trạng như vậy kéo dài liên tục dẫn đến những hệ quả như tử vong vì làm việc quá sức hoặc áp lực, căng thẳng khiến nhiều người nhảy tàu tự sát. Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản thì ngày thứ Hai đầu tuần là ngày có tỉ lệ tự sát cao nhất. Nhìn vào số liệu một năm gần đây bạn sẽ không khỏi kinh ngạc, chỉ riêng một ngày thứ Hai trung bình có khoảng 80,7 người nam và 27,3 người nữ kết thúc sinh mệnh của mình. Bên cạnh đó, mùa xuân – khoảng thời gian bắt đầu một năm hoạt động mới của các doanh nghiêp cũng là thời gian có nhiều người tự sát hơn hẳn các mùa khác trong năm. Đó là lý do mà nhiều người cảm thấy môi trường làm việc của Nhật Bản thực sự khốc liệt. Mặc dù thời gian gần đây, Nhật Bản đã cố gắng thay đổi môi trường lao động, nâng cao khẩu hiệu “Cải cách cách làm việc” nhưng tập quán làm việc quá sức vẫn còn in sâu trong văn hóa của nhiều công ty.

9. Hết sức lịch sự – Người Nhật luôn cúi chào dù trong bất kì hoàn cảnh nào

cửa hàng tiện lợi của Nhật
Luke W. Choi / Shutterstock.com

Ở một đất nước coi trọng quy tắc ứng xử như Nhật Bản thì “cúi chào” là hành động mà bạn sẽ bắt gặp thường xuyên. Việc cúi chào này không liên quan đến hành lễ trong tôn giáo mà nó mang ý thể hiện sự kính trọng đối với người đối diện. Hành động này thường được thực hiện khi chào hỏi hoặc biểu đạt mong muốn cảm ơn.

Có rất nhiều tình huống cần phải cúi chào, tuy nhiên bạn có biết rằng tùy từng tình huống mà mức độ cúi sẽ khác nhau? Trong tình huống chào hỏi người quen thông thường, người ta thường cúi đầu nghiêng 15 độ (tiếng Nhật gọi là “Eshaku”, tạm dịch: gật đầu chào). Khi chào hỏi cấp trên, xin lỗi hoặc thể hiện thái độ cảm ơn sâu sắc đến người khác, người Nhật sẽ cúi đầu sâu hơn chừng 30 độ (tiếng Nhật là “Keirei”, tạm dịch: kính lễ). Thậm chí, để thể hiện thành ý hơn nữa, người ta còn cúi gập người đến 45 độ (tiếng Nhật là “Choukeirei”: rất kính lễ). Tùy vào từng hoàn cảnh mà người Nhật sẽ áp dụng những cách cúi chào khác nhau.

Gật đầu chào “eshaku” là cách chào hỏi đơn giản mà người nước ngoài khi đến Nhật có thể thực hiện. Đây là cách cúi chào thường được sử dụng trong đời sống thường ngày của người Nhật. Người ta thường cúi đầu như vậy để chào khách hàng sau khi tính tiền xong, hoặc để cảm ơn người đã nhặt giúp bạn món đồ bị rơi. Đặc biệt là khi đi mua đồ, thay vì nói lời cảm ơn, có rất nhiều người sẽ cúi đầu chào như vậy.

10. Người nước ngoài ngạc nhiên vì dịch vụ chu đáo – Văn hóa hiếu khách tuyệt vời của Nhật Bản

người bán hàng và khách mua hàng
dekitateyo / Shutterstock.com

Ở Nhật Bản có một câu nói “Khách hàng là thượng đế”. Câu nói này xuất phát từ một ca sĩ enka (loại hình âm nhạc truyền thống của Nhật Bản) nổi tiếng một thời ở Nhật Bản. Người này cho rằng: “Việc tiếp đãi khách đối với một nghệ sĩ chính là xem họ như thượng đế, đem những điều tốt đẹp nhất của mình để gửi gắm vào những bản nhạc”. Câu nói và suy nghĩ của người ca sĩ này cùng với nét tính cách cởi mở, nhiệt tình đã nhanh chóng lan rộng và trở nên phổ biến trên khắp xứ sở anh đào.

Ngày nay, có rất nhiều các ngành hàng buôn bán và ngành ẩm thực đều chú trọng và lan tỏa quan điểm: “Các khách hàng sử dụng dịch vụ đều vô cùng thiêng liêng và cao quý, chúng ta cần phải hết sức chu đáo chăm sóc khách hàng bằng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất”.

Một nguyên nhân khác kiến suy nghĩ này trở nên phổ biến ở Nhật Bản đó là người Nhật có xu hướng coi trọng ấn tượng đầu tiên. Để gây ấn tượng tốt với khách hàng, nhiều cửa hàng tại Nhật còn đưa những quy định về trang phục, kiểu tóc hay cách trang điểm vào quy định chung khi làm việc. Mặc dù các công ty hàng không, khách sạn trên thế giới đều có những quy tắc cơ bản, nhưng tại đất nước mặt trời mọc, để khách hàng có được cảm giác thoải mái, thư giãn và cảm nhận được rằng “Đây quả thực là một dịch vụ tuyệt vời”, người ta luôn rất chú trọng đến ngoại hình, sử dụng lời nói nhẹ nhàng, lịch sự.

Ngoài ra, ở các nhà hàng, chỉ cần thực khách bước chân vào quán, nhân viên sẽ đồng loạt chào “Irasshaimase” (tạm dịch: “Kính chào quý khách”) với gương mặt tươi cười rạng rỡ. Họ thể hiện tinh thần hiếu khách qua từng chi tiết như chuẩn bị cả chiếc giỏ to dưới ghế ngồi cho khách để túi để không phải đặt đồ dưới sàn; cung cấp khăn lau tay nhằm đảm bảo vệ sinh cho bữa ăn; phục vụ nước uống có đá,…

Người nước ngoài khi đã trải nghiệm dịch vụ tại Nhật Bản đều phải thốt lên rằng “Người Nhật thật chu đáo” và có rất nhiều ví dụ cho thấy sự tuyệt vời trong chất lượng dịch vụ của Nhật Bản. Chắc chắn rằng bạn cũng sẽ gặp rất nhiều tình huống cho bạn cảm nhận được sự nồng hậu và tinh thần hiếu khách của con người xứ sở anh đào.

Lời kết

cô gái đi dạo phố
Ned Snowman / Shutterstock.com

Có những thói quen đời thường tưởng chừng như hết sức hiển nhiên đối với người Nhật nhưng lại là nét văn hóa đặc trưng khiến nhiều người nước ngoài khi đến Nhật phải ngạc nhiên. Có thể ban đầu bạn sẽ chưa quen với điều này và cảm thấy shock văn hóa nhưng hãy thử cố gắng làm quen với những nét văn hóa độc đáo chỉ có tại Nhật Bản này nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: