Nhật Bản được biết đến là quốc gia an toàn nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể mất cảnh giác khi ở đây. Bạn có thể trở thành nạn nhân của nạn trộm cắp hay loại hình tội phạm nào đó ở ngay chính tại Nhật Bản nếu bạn không cẩn thận và tuân thủ theo những quy tắc an toàn trong suốt hành trình. Đây là 8 điểm mà bạn phải luôn ghi nhớ và cẩn thận trong thời gian ở Nhật Bản.
1. Nạn trộm ô để bên ngoài cửa hàng tiện lợi rất phổ biến
Ô là một trong những món đồ dễ bị ăn cắp ở Nhật. Một lí do là vì ô ở đây khá rẻ, bạn có thể mua với giá khoảng 300 ~ 500 yên. Cũng vì rẻ và có sẵn ở mọi nơi (và cũng bởi chất lượng những chiếc ô này không quá cao) nên người ta không cảm thấy có tội khi “nẫng” chiếc ô của người khác.
Một lí do khác nữa là ô bán ở cửa hàng tiện lợi đều khá giống nhau nên nhiều khi bạn không thể nhận ra đâu là ô của mình giữa một loạt ô được đặt trước cửa hàng hay tòa nhà. Chính điều này khuyến khích nạn trộm cắp ô vì khi bị phát hiện, họ chỉ cần nói vô ý cầm nhầm ô của người khác là xong.
Đặc biệt, cửa hàng tiện lợi ở Nhật là nơi phổ biến của nạn trộm ô. Người ta nói rằng người lấy trộm ô có những động cơ rất dễ hiểu như họ bất ngờ gặp cơn mưa rào và ô của họ bị hỏng; hoặc là họ vô ý lấy nhầm ô; thậm chí có nhiều người có những lí do bất chính hơn.
Khi ở Nhật, sử dụng các biện pháp phòng tránh việc bị trộm ô là điều rất quan trọng. Một mẹo nhỏ cho bạn là hãy sử dụng những chiếc ô có thể gập gọn và luôn mang theo mình. Nếu bạn buộc phải sử dụng chiếc ô theo kiểu cổ điển thì một cách khôn ngoan là đánh dấu chiếc ô theo các riêng của mình như dán nhãn, dùng bút đánh dấu hoặc thậm chí là buộc vài chiếc dây quanh cán ô. Mọi người có xu hướng lấy trộm chiếc ô không có dấu hiệu đặc biệt thay vì những chiếc ô được đánh dấu riêng.
2. Đừng cho tiền các “nhà sư giả”
Nếu bạn ở Shinjuku, Asakusa, Akihabara, Ginza hay một vài quận nổi tiếng khác ở Tokyo, bạn có thể sẽ bắt gặp hình ảnh “nhà sư giả” (tiếng Nhật gọi là “nise-soryo”), là những kẻ đóng giả nhà sư và đi xin tiền du khách. Nhiều người nói rằng họ quyên tiền để xây chùa, còn nhiều người khác thì bán rong những tràng hạt cầu nguyện và bùa bùa hộ mệnh giả. Nhiều du khách nước ngoài cho rằng đây là một phần trong văn hóa Nhật Bản và họ thường cho tiền những người sư giả này.
Nếu nhìn bề ngoài làm bạn không thể nhận ra đâu là sư thật và sư giả thì chúng tôi có vài mẹo giúp bạn tránh gặp sư giả khi ở Nhật như sau:
・Thông thường, sư giả thường mặc đồ màu xám, be hoặc những màu không làm họ nổi bật;
・Sư thật thường không đi bộ quanh các nhà ga và khu vực xung quanh đó;
・Sư thật thường mang theo giấy chứng nhận xin khất thực theo mình khi họ đi xin tiền.
Khi nhìn vào mục đích và ý đồ của họ, bạn sẽ dễ dàng nhận diện những sư giả giữa đám đông trên phố. Bạn không nên đến gần những người mà bạn cảm thấy nghi ngờ.
3. Cẩn thận hơn khi qua đường ở nơi không có đèn giao thông
Theo nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội ô tô Nhật Bản ở 94 điểm giao nhau trên toàn nước Nhật, tỉ lệ ô tô không dừng xe khi có người đi bộ chờ qua đường ở nơi không có đèn giao thông là 92,4%. Tỉ lệ này đặc biệt nổi bật ở những thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Không chỉ những lái xe cá nhân mà rất nhiều lái xe taxi và xe buýt cũng đi ngay qua giao lộ không có đèn giao thông để có thể đến đích nhanh chóng.
Mặc dù người đi bộ được coi là ưu tiên ở Nhật Bản, nhưng theo quy định của pháp luật thì ô tô không có nghĩa vụ phải dừng xe; bởi lẽ luật giao thông quy định đơn giản rằng “ô tô phải đi với tốc độ có thể dừng được”. Vì vậy, việc người lái xe có dừng xe nhường đường cho người đi bộ qua đường trước mũi xe của họ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự suy xét chủ quan của họ.
Trong mọi trường hợp, bạn nên hết sức cẩn thận khi qua đường ở nơi không có đèn giao thông. Có nhiều ô tô dừng xe và nhường đường cho bạn, nhưng điều này cũng không phải là một sự đảm bảo.
4. Cẩn thận với các chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ người nước ngoài
Ngày càng có nhiều người nước ngoài trở thành nạn nhân của các vụ chèo kéo tại Nhật Bản, đặc biệt là ở khu mua sắm hoặc khu giải trí đông người. Kế sách chung của những người lôi kéo là thu hút người nước ngoài với những lời hứa về các chương trình ưu đãi và giảm giá đặc biệt, sau đó tính giá cắt cổ khi thanh toán. Các khu giải trí bận rộn có nhiều người chèo kéo đến mức bạn cảm thấy phiền phức vì cứ liên tục phải từ chối họ khi đi ngang qua. Nếu ở Tokyo, bạn nên cẩn thận ở các khu Shinjuku, Ikebukuro, và Roppongi; hoặc ở những khu như Namba, Shinsaibashi và Umeda nếu bạn ở Osaka.
Việc chèo kéo khách là hoàn toàn phi pháp ở Nhật Bản theo luật điều chỉnh kinh doanh giải trí dành cho người lớn; thậm chí nhiều chính quyền thành phố đã đề ra các biện pháp chống chèo kéo khách bổ sung trong quy định của thành phố. Mặc dù các quy định ngày càng được tăng cường mỗi năm nhưng những hoạt động chào mời vẫn tràn lan ở Nhật Bản.
Bạn nhớ tuyệt đối không để bị chèo kéo bởi những người lạ mặt cho dù họ đưa ra bất kì lời đề nghị nào khi ở Nhật Bản nhé!
5. Đừng hút thuốc khi đi bộ trên đường
Quy định hút thuốc ở Nhật ngày càng nghiêm khắc qua mỗi năm, đặc biệt là khi hút thuốc ngoài đường. Gần đây, hút thuốc lá khi đi bộ bên ngoài được xem là hành vi vi phạm bị phạt trên toàn nước Nhật và bạn có thể bị phạt khi hút thuốc bên ngoài khu vực được phép hút thuốc ở một số địa phương. Mức phạt phụ thuộc vào từng địa phương và dao động trong khoảng từ 2.000 yên (Chiyoda, Tokyo) đến 20.000 yên (Maebashi, Gunma).
Bạn cần lưu ý rằng luật cấm hút thuốc dự kiến sẽ nghiêm khắc hơn ở Tokyo khi thành phố này chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020. Vào tháng Sáu năm 2018, Tokyo đã ban hành qui định Phòng tránh hút thuốc thụ động và vào thời điểm Thế vận hội bắt đầu. Việc hút thuốc trong nhà sẽ bị cấm tại tất cả các cơ quan y tế, phương tiện giao thông công cộng (bao gồm cả taxi và xe buýt) và các quán ăn. Người vi phạm quy định này hoặc các cơ sở cố ý cho phép khách hàng hút thuốc có thể bị phạt lên đến 50.000 yên.
6. Nạn móc túi ở nơi đông người hoặc trên tàu điện
Mặc dù Nhật Bản có tỉ lệ trộm cắp tương đối thấp nhưng nó vẫn xảy ra và là điều mà bạn nên cảnh giác. Bạn nên đặc biệt cẩn trọng với nạn trộm cắp khi ở trên tàu điện hoặc phố xá đông đúc. Những món đồ thường bị trộm như va li, máy tính xách tay và máy ảnh đắt tiền, hộ chiếu, ví và thẻ tín dụng. Dưới đây là những biện pháp bạn có thể thực hiện để phòng tránh bị trộm cắp:
・Cẩn thận khi mặc quần áo thời trang hàng hiệu;
・Đeo ba lô và túi ở phía trước thay vì ở phía sau khi ở những nơi đông người;
・Đừng để ví hay những món đồ giá trị cao trong túi quần;
Mặc dù đang hướng đến mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt trong tiến trình chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và Expo 2025 ở Osaka, Nhật Bản vẫn là một xã hội “chuộng tiền mặt”. Vì vậy, bạn vẫn nên có chút tiền mặt trong túi. Tuy nhiên, cho dù tiền mặt rất quan trọng nhưng bạn chỉ nên mang theo một lượng giới hạn khi ra ngoài để tránh bị móc túi hay trộm cắp.
7. 3.000 vụ trộm xe mỗi năm ở Nhật Bản
Mỗi năm, Nhật Bản có khoảng 3.000 vụ mất xe được trình báo. Tuy con số này không phải là lớn so với các quốc gia khác nhưng bạn vẫn nên cẩn thận và có những cách đề phòng để không mất những đồ dùng giá trị cất trong xe. Bạn nhớ phải luôn khóa xe và cất kĩ đồ dùng tránh xa tầm nhìn từ bên ngoài.
8. Nạn trộm xe đạp rất phổ biến – Bạn nhớ cẩn thận tìm nơi để xe nhé!
Năm 2018, Nhật Bản có 35.394 vụ mất trộm xe đạp được trình báo, tương đương khoảng gần 100 xe đạp bị đánh cắp mỗi ngày. Nếu bạn lơ là để xe đạp không khóa trên phố, đây chính là cơ hội tốt cho những tên trộm xe. Bạn nên nhớ những điểm sau khi đi xe đạp ở Nhật nhé!
・Sử dụng khóa ổ cho xe đạp vì khóa này khó phá;
・Xem xét việc sử dụng nhiều hơn 2 loại khóa khác nhau;
・Để xe ở nơi có camera an ninh giám sát;
・Khóa xe vào một vật cố định;
・Cân nhắc việc mua một chiếc khóa ghế xe;
Điều quan trọng là phải đảm bảo loại khóa bạn sử dụng chắc chắn và khó phá. Mặc dù khóa xe vào vật cố định là một trong những biện pháp chống trộm tốt nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng có một số nơi ở Nhật Bản không cho phép để xe. Vì vậy, bạn cần phải chắc chắn về quy định ở khu vực để xe trước khi khóa xe ở đó.
Hãy ghi nhớ những điều này để có một chuyến đi vui vẻ nhé!
Dù là Nhật Bản được coi là quốc gia có mức độ trị an rất tốt trên thế giới, tại đây vẫn có rất nhiều loại hình tội phạm đang diễn ra hàng ngày. Điều quan trọng là bạn phải cảnh giác với nạn gian lận, chèo kéo, trộm cắp và nhiều vấn nạn khác trong suốt quãng thời gian ở Nhật. Bạn có thể không cần cẩn thận quá mức nhưng hãy coi bài viết này như một chút tham khảo để giữ an toàn tại Nhật Bản nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố