Người nước ngoài mới đến Nhật Bản có thể sẽ thấy chưa quen với cuộc sống ở Nhật khi còn quá nhiều điều mới mẻ và bỡ ngỡ. Một trong những thứ đó là việc “giặt quần áo” – hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đến việc giặt quần áo tại Nhật Bản, như là các loại máy giặt, hướng dẫn sử dụng máy giặt, các loại bột giặt,…
Các loại máy giặt phổ biến được sử dụng tại Nhật Bản
Hai loại máy giặt thường được sử dụng ở Nhật là máy giặt cửa đứng và máy giặt cửa ngang. Máy cửa ngang đang dần trở nên phổ biến ở Nhật Bản trong những năm gần đây, nhưng máy cửa đứng vẫn là dòng máy chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Nhật Bản. Dưới đây là ưu và nhược điểm của hai loại máy giặt này.
【Máy giặt cửa ngang】
Ưu điểm
・So với máy giặt cửa đứng, máy cửa ngang có thể giặt với ít nước hơn nên sẽ giúp tiết kiệm hơn
・Quần áo không hay bị quấn vào nhau nên khó hư hỏng
・Thông thường, dòng máy kết hợp chức năng sấy có thể sấy nhanh hơn nên giúp tiết kiệm điện
Nhược điểm
・Kích thước lớn, thiết kế cửa mở ngang nên đòi hỏi vị trí đặt máy phải rộng, sâu
・Công suất làm sạch hơi yếu so với máy cửa đứng
・Không thể cho thêm đồ giặt bằng cách mở cánh cửa trong khi máy đang hoạt động
・Giá thành cao hơn so với máy giặt cửa đứng
【Máy giặt cửa đứng】
Ưu điểm
・Công suất giặt cao
・So với máy giặt cửa ngang, máy giặt cửa đứng có kích thước gọn, nên giúp tiết kiệm không gian đặt máy
・Giá thành rẻ hơn máy giặt cửa ngang
Nhược điểm
・Lượng nước sử dụng nhiều
・Đồ giặt dễ bị xoắn vào nhau nên nhanh bị hư hỏng
・Với những đồ giặt lớn sẽ khó khăn trong việc lấy đồ ra và cho đồ vào
Khi đã hiểu những ưu và nhược điểm của hai loại máy giặt nói trên, bạn có thể cân nhắc để lựa chọn cho mình dòng máy phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Các thuật ngữ hướng dẫn sử dụng trên máy giặt
Thông thường, bạn chỉ cần bấm nút trên bảng điều khiển của máy giặt thì máy sẽ tự động thực hiện các thao tác cần thiết. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu các thuật ngữ thường thấy trên bảng điều khiển của máy giặt.
- Nguồn (電源): bật/tắt nguồn điện của máy giặt. Bấm nút “入” để bật nguồn điện, nút “切” để tắt nguồn điện.
- Khởi động (スタート): bấm để bắt đầu giặt
- Tạm dừng (一時停止): bấm nếu muốn tạm dừng trong quá trình giặt
- Lượng nước (水量): lựa chọn lượng nước phù hợp với lượng đồ giặt
- Các bước giặt/Quy trình (行程): bạn có thể chọn quy trình giặt bằng cách bấm nút này
- Giặt (洗い): giặt đồ
- Giũ (すすぎ): giũ đồ
- Vắt (脱水): vắt đồ
- Chế độ giặt (コース): chế độ giặt đã được thiết lập sẵn trong máy
- Tự động (おまかせ): Quy trình giặt chung dành cho hầu hết các loại quần áo. Máy sẽ tự động xác định khối lượng quần áo, lượng bột giặt và mức nước cần thiết để giặt
- Giặt tay (手洗い): sử dụng đối với đồ giặt có kí hiệu giặt tay và các chất liệu dễ hư hỏng
- Giặt nhanh (お急ぎ): sử dụng với đồ ít bẩn và cần giặt trong thời gian ngắn
- Ngâm quần áo trước khi giặt (つけおき): sử dụng với các loại quần áo có vết bẩn sâu, khó đánh bật
Các loại bột giặt
Hai loại bột giặt chủ yếu được bán ở Nhật là nước giặt và bột giặt. Ngoài ra, loại chất giặt tẩy dạng viên cũng đang dần trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Nếu phân loại theo mục đích sử dụng thì có thể chia thành “Bột giặt thông thường” dành cho đồ giặt không có lưu ý đặc biệt, và “Bột giặt trang phục đặc biệt” dành cho đồ giặt dễ hư hỏng.
- “Bột giặt thông thường” có tính kiềm yếu, khả năng tẩy rửa mạnh nên thích hợp với những đồ giặt bị bẩn nhiều và khó tẩy sạch, nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến sợi vải và dễ hư hỏng quần áo.
- “Bột giặt trang phục đặc biệt” được sử dụng cho các sản phẩm làm từ chất liệu tinh tế như len, lụa,… nên khả năng tẩy rửa không bằng bột giặt thông thường. Thành phần chính của bột giặt là những chất trung tính. Ngoài ra cũng có một số loại bột giặt có tính năng ngăn ngừa mất phom đồ giặt hoặc giúp tránh bị xổ lông,… bạn có thể lựa chọn những loại này tùy theo nhu cầu sử dụng của mình.
Nước xả vải được sử dụng để làm mềm vải và tạo hương thơm cho quần áo. Ngoài ra, nước xả còn có tác dụng ngăn tĩnh điện và giúp quần áo nhanh khô hơn; do đó bạn có thể sử dụng vào mùa đông khi quần áo khó khô hoặc khi phơi quần áo trong nhà vào ngày mưa.
Cách sử dụng máy giặt thông thường
Việc giặt giũ có thể được thực hiện bằng các thao tác đơn giản, chỉ cần cho đồ giặt vào trong máy giặt và bấm nút. Tuy nhiên, nếu bạn phó thác hoàn toàn cho máy giặt thì đôi khi quần áo có thể bị co rút, phai màu. Vì vậy, trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu những điều cần làm trước khi giặt và cách thức giặt giũ cơ bản.
【Những việc cần làm trước khi giặt quần áo】
・Kiểm tra thông tin hướng dẫn giặt đồ trên sản phẩm
Trên quần áo luôn có mác ghi thông tin hướng dẫn giặt. Bạn nên kiểm tra những thông tin xem sản phẩm có thể giặt máy hay không, những điều cần lưu ý khi giặt, chất liệu vải,…
・Kiểm tra túi và các khuy trên quần áo
Nếu bạn giặt quần áo với chiếc khăn giấy còn nguyên trong túi thì các sợi khăn giấy sẽ dính vào lồng máy giặt và các quần áo khác, do đó sẽ rất khó để giặt sạch. Vì vậy bạn hãy nhớ kiểm tra đồ còn sót trong túi trước khi giặt. Ngoài ra, nếu bạn cho nguyên áo sơ mi đóng cúc áo vào máy giặt, máy cần nhiều lực hơn để giặt sạch quần áo và cúc áo sẽ dễ bị bung ra, nên bạn hãy cởi cúc áo trước khi giặt bằng máy.
・Đối với vết bẩn cứng đầu hoặc vết bẩn như thức ăn rơi vãi, bạn cần giặt qua trước để loại bỏ vết bẩn.
【Cách thức giặt cơ bản】
Sau đây là cách thức giặt đối với máy giặt cửa trên phổ biến ở Nhật Bản
① Cho đồ giặt vào lồng giặt
Lượng đồ giặt thường chiếm mức tối đa 80% lồng giặt. Nếu bạn cho quá nhiều quần áo vào lồng giặt sẽ không thể quay được và sẽ khó làm sạch vết bẩn. Quần áo lót nên được cho vào túi giặt để giặt trong máy.
② Lựa chọn chương trình giặt tương ứng với đồ giặt
Những đồ giặt thông thường như quần áo mặc hàng ngày, khăn tắm,… bạn có thể chọn “chương trình tiêu chuẩn”. Những đồ có ký hiệu giặt tay, những đồ được thiết kế cầu kỳ hoặc làm từ những chất liệu cao cấp bạn nên chọn “chương trình giặt tay”.
③ Tùy từng loại máy giặt sẽ có loại tách biệt khoang bột giặt và khoang nước xả. Trên bao bì của bột giặt thường có hướng dẫn lượng bột giặt thích hợp với từng khối lượng quần áo, bạn nên làm theo hướng dẫn trên đó.
④ Bấm nút “Khởi động”
⑤ Sau khi quần áo giặt xong nên đem phơi luôn
Quần áo sau khi giặt xong nếu cứ để trong máy giặt sẽ làm sinh sôi vi khuẩn, gây mùi khó chịu, và là nguyên nhân khiến quần áo bị nhàu. Vì vậy, bạn nên phơi ngay sau khi giặt xong.
Nếu nhà bạn không có máy giặt hoặc quần áo được làm từ chất liệu đặc biệt bạn nên giặt ở đâu?
Nếu bạn vừa chuyển nhà và chưa kịp sắm máy giặt, hoặc gặp khó khăn khi giặt đồ lông tại nhà thì bạn có thể sử dụng dịch vụ giặt là (Coin Laundry).
Đối với dịch vụ giặt là, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để vừa giặt vừa sấy khô (ước tính đồ giặt của 3 ngày là 5kg) với chi phí 500 ~ 600 yên.
Dịch vụ giặt là nhận giặt quần áo thông thường và đồ giặt lớn như chăn, rèm cửa,… Một số cửa hàng cũng cho phép bạn giặt giày dép như giày thể thao và các loại quần áo khác, nếu bạn tận dụng tốt thì có thể tiết kiệm thời gian và chi phí.
Gần đây, máy giặt được nâng cấp thêm nhiều tính năng mới nên trang phục làm từ những chất liệu cao cấp cũng có thể tự giặt tại nhà. Tuy nhiên, nếu trang phục của bạn được làm từ chất liệu đặc biệt, áo khoác, áo vest,… hoặc hướng dẫn giặt trên áo có kí hiệu “×” hoặc “P” thì bạn nên mang đến dịch vụ giặt là sẽ tốt hơn.
Nói chung, bạn nên sử dụng dịch vụ giặt là đối với những trang phục đắt tiền, quần áo dễ bị co hoặc phai màu.
Trên đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng máy giặt tại Nhật và hướng dẫn các bước giặt giũ cơ bản. Hy vọng rằng bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho những ai đang có kế hoạch mua máy giặt hoặc những ai còn đang lo lắng về cách sử dụng máy giặt tại Nhật.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố