Người Nhật đón năm mới như thế nào?

Mỗi quốc gia thường đón năm mới theo một cách khác nhau. Khi chuyển tới sống tại Nhật Bản, chúng ta sẽ đón năm mới như thế nào? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc những nét đặc trưng trong cách ăn Tết của người Nhật: từ những câu chúc mừng năm mới cho tới những việc cần phải làm trong ngày Tết, cũng như các món ăn truyền thống đặc trưng trong dịp đầu năm ở Nhật Bản. Hãy cùng tsunagu Local trải nghiệm cách ăn Tết của người Nhật và so sánh xem có điều gì khác biệt với văn hóa của quốc gia mình nhé.

asakusa vào ngày đầu năm mới ở Nhật
PJ_Photography / Shutterstock.com

Tết của Nhật Bản là ngày nào?

Người Nhật chỉ ăn Tết theo lịch Dương, từ ngày ngày 29/12 đến ngày 3/1. Đa phần các công ty ở Nhật thường lấy ngày 28/12 làm ngày làm việc cuối cùng trong năm, để tổng vệ sinh công ty hoặc tổ chức tiệc tất niên. Bên cạnh đó, nhiều người Nhật sẽ tận dụng thời gian nghỉ Tết để về quê đoàn tụ với gia đình trong dịp cuối năm. Vì thế mà tàu Shinkansen và máy bay sẽ thường đông khách vào thời gian này.

Cũng vào tháng 12, nhiều bữa tiệc được tổ chức được gọi là “tiệc tất niên”, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ để tiễn năm cũ, đón năm mới. Thông thường, cứ vào dịp cuối năm là nhiều nhà hàng sẽ kín chỗ vì nhiều khách đặt tiệc tất niên. Vậy nên nếu muốn tổ chức tiệc cho nhiều người tham gia vào thời điểm này, bạn nên phải đặt chỗ từ sớm.

Người Nhật thường làm gì vào dịp cuối năm?

◆Lời chúc cuối năm
よいお年を。(Chúc một năm mới tốt lành!)
Đây là câu chúc mà người Nhật thường trao nhau vào dịp cuối năm, là cách nói ngắn gọn của câu 良いお年をお迎えください (Chúc bạn có một năm mới tốt lành). Bạn có thể dùng mẫu câu này để nói với mọi người trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 đến ngày 30/12. Đối với đồng nghiệp, bạn bè hoặc người ít tuổi hơn, bạn hãy nói よいお年を. Còn đối với cấp trên hay đối tác kinh doanh, hãy dùng cách nói lịch sự hơn: 良いお年をお迎えください. Lưu ý rằng với người đang để tang (có người thân qua đời trong một năm trở lại đây), bạn không nên dùng cách chúc này. Thay vào đó, bạn chỉ cần nói: 来年もよろしくお願いします (Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của bạn trong năm sau).

Còn một lưu ý nhỏ nữa là vào ngày 31/12, có lẽ vì đều đã chuẩn bị sẵn sàng để đón năm mới nên thay vì nói よいお年を thì mọi người sẽ nói 来年もよろしくお願いします.

đồ trang trí năm mới ở Nhật: shimekazari và kagami mochi
Nguồn ảnh: PIXTA

Viết thiệp mừng năm mới
Thiệp mừng năm mới là cách để người Nhật gửi lời chúc mừng tới những người đã giúp đỡ họ trong suốt năm qua và thể hiện mong muốn tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp trong năm tới. Các loại thiệp này thường được bày bán tại các bưu điện và cửa hàng tiện lợi. Để thiệp tới tay người nhận đúng dịp Tết, bạn cần gửi thiệp ở bưu điện trong khoảng từ ngày 15 tháng 12 đến 25 tháng 12 (trừ trường hợp gửi tới vùng hải đảo xa xôi).

Tổng vệ sinh nhà cửa
Vào dịp cuối năm, người Nhật sẽ dành thời gian dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để làm sạch những bụi bẩn tích tụ suốt một năm, đặc biệt là những chỗ ít khi được động tới thường ngày. Nếu ở công ty có tổ chức tổng vệ sinh cuối năm thì bạn cũng nên nhiệt tình tham gia. Vào dịp năm hết Tết đến, lịch thu gom rác sẽ không thường xuyên như ngày thường, vì vậy bạn nên dọn dẹp nhà cửa sớm, trước ngày thu gom rác cuối cùng trong năm.

Chuẩn bị đồ trang trí năm mới
Ở Nhật Bản, từ dịp Giáng sinh mọi người đã bắt đầu treo đồ trang trí năm mới khắp mọi nơi trong thành phố. Bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những món đồ trang trí Tết tại các siêu thị trong thời gian này. Đây thường là những đồ trang trí trang trọng để đón vị thần năm mới (Toshigami-sama 年神様) tới với người người, nhà nhà. Bạn có thể dễ dàng mua những món đồ trang trí này tại siêu thị và mang về trang trí ở nhà.

Có hai món đồ trang trí quan trọng không thể thiếu đó là shimekazari (món đồ thể hiện rằng mọi công tác chuẩn bị đón thần linh đã xong và ngôi nhà đã trở thành một không gian linh thiêng) và kagami mochi (món đồ trang trí mang ý nghĩa cầu mong một vụ mùa bội thu trong năm mới và đánh dấu một khởi đầu mới).

Shimekazari thường được treo phía trên cửa ra vào còn Kagami mochi được bày trong nhà. Tuy mỗi vùng một khác nhưng những món đồ này thường được bài trí trong nhà từ ngày 28/12 đến ngày 7/1. Sau Tết, người Nhật còn có nghi lễ ăn bánh kagami mochi hay còn gọi là lễ Kagami Bikari vào ngày 11/1 ở Kanto và 15/1 ở Kansai. Còn với Shimekazari, người ta sẽ dùng muối để làm sạch và bọc bằng giấy, sau đó cho vào một túi riêng, không chung đụng với các loại rác thông thường và đem đổ đi vào ngày thu các loại rác thải đốt được.

mì Toshikoshi soba ăn vào đêm tất niên

◆Làm gì vào ngày cuối cùng trong năm (31/12)
・Chuẩn bị Osechi – mâm cỗ tất niên
Osechi là những món ăn truyền thống vào dịp năm mới tại Nhật Bản. Mỗi hộp Osechi có từ 20 – 30 món khác nhau, mỗi món lại mang một ý nghĩa chúc mừng đặc biệt. Dưới đây là một vài ví dụ về ý nghĩa của các món ăn osechi.

hộp osechi ăn vào dịp năm mới ở Nhật

– Tôm: vì hình dáng con tôm cong lại khi gặp nhiệt nên nó biểu trưng cho lời cầu mong được sống trường thọ cho tới khi lưng còng.
– Đậu đen: màu đen là biểu tượng của sức mạnh chống lại cái ác. Còn “mame” trong cái tên kuromame (đậu đen) có nghĩa là sự siêng năng, khỏe mạnh.
– Kazunoko: là món trứng cá trích với ý nghĩa cầu mong cho con đàn cháu đống, sinh sôi nảy nở.

・Rung chuông đón năm mới
Việc rung chuông đón năm mới là một tục lệ trong Phật giáo Nhật Bản, người ra thường đánh 108 tiếng chuông vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 nỗi khổ của con người. Tại Nhật có những ngôi chùa cho phép khách thập phương được rung chuông tại chùa. Nếu muốn thực hiện nghi lễ này, bạn có thể tìm đến những ngôi chùa gần nơi mình sinh sống đê xem họ có đồng ý cho bạn rung chuông hay không.

・Ăn mì Toshikoshi soba
Người Nhật thường ăn mì soba vào trưa hoặc tối ngày 31/12 để cầu mong được trường thọ giống như độ dài của sợi mì soba. Bên cạnh đó, vì loại mì này rất dễ cắt nên người mọi người quan niệm ăn mì sẽ giúp họ cắt đứt mọi khó khăn, xui xẻo của năm cũ để đón năm mới an lành.

・Xem những chương trình truyền hình cuối năm đặc sắc
Từ ngày 1/12 đến ngày 1/1, nhiều chương trình đặc biệt khác nhau sẽ được phát sóng vào lúc nửa đêm. Đặc biệt phải kể đến chương trình Kohaku Uta Gassen của đài NHK, cuộc thi hát giữa những ca sĩ nổi tiếng chia thành hai đội đỏ (nữ) và trắng (nam).

Người Nhật thường làm gì vào ngày đầu năm mới?

người Nhật đi viếng đền vào ngày đầu năm mới

Lời chúc đầu năm
明けましておめでとうございます。(Chúc mừng năm mới)
Đây là lời chúc đầu năm phù hợp với mọi đối tượng, từ gia đình, đồng nghiệp tới cấp trên. Tại nơi làm việc, nhiều người sẽ nói:「明けましておめでとうございます。今年もよろしくお願いいたします。(Chúc mừng năm mới. Hy vọng năm nay sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ anh/chị). Tùy từng vùng miền nhưng nhìn chung bạn có thể dùng câu chúc này cho tới ngày 7/1.

Làm gì trong ngày Tết dương lịch (mùng 1/1)
・Ngắm bình minh đầu tiên trong năm
Hatsuhinode là cụm từ chỉ hiện tượng mặt trời ló lên từ đường chân trời trong ngày 1 tháng 1. Ở Nhật, hiện tượng bình minh trong ngày đầu năm mới là một điều đáng mừng. Nhiều người còn cất công đi tới những địa điểm ngắm bình minh đẹp như ở núi hay biển trong dịp này.

・Thưởng thức các món osechi và ozoni
Ozoni là món canh bánh dày ninh. Nguyên liệu, hình dạng của bánh dày, cách nêm nếm nước dùng có thể khác nhau tùy từng vùng miền. Thật thú vị khi được thưởng thức món ozoni được chế biến theo cách truyền thống của địa phương nơi bạn ở hoặc học cách nấu món này từ một người bạn tại nhà của họ.

・Đi lễ đầu năm (Hatsumode)
Nhiều người Nhật đi lễ đầu năm từ lúc giao thừa. Vào dịp này, các đền chùa nổi tiếng thường rất đông khách tới khấn bái. Tuy nhiên, bạn có thể đi lễ đầu năm tại những đền chùa nhỏ gần nơi mình sinh sống. Sau khi làm lễ, bạn có thể rút quẻ để xem vận hạn năm mới và mua bùa cầu may.

Lời kết

Tại Nhật Bản, mỗi vùng miền lại có những món ăn và tập tục đón Tết riêng. Hỏi han bạn bè và đối tác người Nhật về cách họ ăn Tết cũng là một ý tưởng thú vị. Vào cuối năm, bạn có thể dễ dàng mua được những món ăn truyền thống hay đồ trang trí Tết tại các siêu thị ở Nhật. Đây là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cảm giác đón năm mới tại xứ sở anh đào đó.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: