Những điều (có thể) bạn chưa biết về việc sử dụng sản phẩm nhựa ở Nhật Bản

thực phẩm được đóng trong túi nhựa ở siêu thị

Trong khi nhiều quốc gia khác đang bắt đầu cuộc chiến chống lại sản phẩm nhựa như túi nhựa dùng một lần thì vấn đề này lại chưa được chú trọng tại Nhật Bản. Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị liên quan tới việc sử dụng sản phẩm nhựa tại Nhật Bản nhé.

Từng trái chuối được bọc từng quả trong lớp màng bọc thực phẩm. Táo thì được xếp trong xốp lưới, đặt trên một khay nhựa PS (khay đựng thực phẩm trong siêu thị), sau đó lại được bọc ngoài bằng màng nhựa. Đồ giải khát và hộp cơm bento của các cửa hàng tiện lợi có thể hâm nóng được đựng trong hai túi nhựa riêng biệt. Nói tóm lại, ai ai cũng biết về thói quen sử dụng các loại bao bì nhựa của người Nhật. Sẽ rất khó để bạn có thể tìm thấy những đồ thực phẩm mà không được bọc kỹ bởi các lớp nhựa tại Nhật Bản. Nhưng vì sao mà người Nhật lại yêu thích sử dụng đồ nhựa đến vậy?

Tại sao người Nhật sử dụng quá nhiều nhựa?

nho và táo được bọc trong túi nhựa ở siêu thị

Bao bì nhựa chiếm tới 68% tổng lượng rác thải nhựa tại Nhật Bản

Bộ Môi trường Nhật Bản

Hãy thử tưởng tượng việc đến dự sinh nhật của sếp bạn thì bạn đương nhiên sẽ phải gói quà cho dù giấy gói đắt rẻ ra sao. Điều tương tự cũng diễn ra trong văn hóa tặng quà ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, văn hóa “omotenashi” (sự mến khách, hay đề cao vai trò của dịch vụ chăm sóc khách hàng) khiến các nhà bán lẻ sẽ đóng gói mọi thứ, và hầu hết là bằng bao bì nhựa để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo độ bền, chắc.

Ngoài việc đảm bảo đồ vật bên trong được giữ sạch sẽ và an toàn, việc gói đồ bằng bao bì nhựa cũng giúp sản phẩm trông có vẻ cao cấp hơn. Điều đó lý giải vì sao mà bao bì nhựa chiếm tới 68% tổng lượng rác thải nhựa tại Nhật Bản.

Rác thải nhựa ở Nhật Bản

rác thải nhựa
PIXTA

Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trong năm 2018, Nhật Bản đã thải ra môi trường 9 triệu tấn rác thải nhựa, và xuất khẩu khoảng 1.5 triệu tấn rác này sang các quốc gia đang phát triển như Malaysia và Việt Nam. Các quốc gia này không có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn việc xả thải trái phép, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 80% lượng ô nhiễm nhựa trên biển là bắt nguồn từ châu Á.

Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhiều thứ hai trên thế giới

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc

Theo nghiên cứu của Bộ môi trường Nhật Bản, hàng năm có khoảng 60,000 tấn rác thải nhựa của Nhật Bản xả ra các đại dương. Tất cả những nguồn ô nhiễm nhựa trên đại dương đã tác động xấu tới cuộc sống dưới đáy biển và biến một phần của đại dương thành một “bát súp nhựa”.

30 tỷ túi nhựa được sử dụng mỗi năm

túi nilon đựng thực phẩm
PIXTA

Những khách hàng mua sắm tại Nhật Bản tiêu thụ tới hơn 30 tỷ túi nhựa một năm – gấp 17 lần số túi nhựa được sử dụng tại Vương quốc Anh, cho dù dân số Nhật Bản chỉ gấp đôi so với số dân ở Anh. Thêm vào đó, con số này mới chỉ thống kê những chiếc túi lớn được dùng trong các siêu thị. Nếu tính thêm những chiếc túi nhỏ tại các cửa hàng tiện lợi thì hàng năm trung bình một người Nhật Bản sử dụng tới 450 chiếc túi nhựa.

Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần của chính phủ Nhật Bản, kể từ ngày 1/7/2020, tất cả các cửa hàng bán lẻ, bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các trung tâm thương mại trên khắp Nhật Bản sẽ buộc phải yêu cầu khách hàng trả tiền cho những chiếc túi mua sắm bằng nhựa. Một số nhà bán lẻ như McDonald’s hay Yoshinoya còn áp dụng chính sách sử dụng túi nhựa sinh học vì người tiêu dùng sẽ không phải trả phí nếu sử dụng loại túi có chứa 25% thành phần từ thực vật.

Mỗi giây người Nhật mua tới 740 chai nhựa

máy bán hàng tự động ở Akihabara
501room / Shutterstock.com

Tính trung bình mỗi người Nhật mua tới 183 chai nhựa (thường là chai PET) một năm và tổng số chai nhựa được người Nhật sử dụng lên tới 23 tỷ chai một năm, số tiền mua chai tương đương với số tiền để bạn có thể đi du lịch vòng quanh thế giới 126 lần!

Trong năm 2018, tỷ lệ tái chế chai nhựa PET được báo cáo là 85%, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Mặc dù tỷ lệ tái chế cao nhưng sự xuất hiện của những chai, lọ ở bờ biển, bãi biển và các vùng biển xung quanh Nhật Bản vẫn không hề giảm. Theo một cuộc khảo sát của Bộ môi trường vào năm 2016 cho thấy 23% số chai nhựa được thu gom trên bờ biển của đảo Tsushima ngoài khơi tỉnh Nagasaki có nguồn gốc từ Nhật Bản, một số có nguồn gốc từ người láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

Có thật sự Nhật Bản tái chế tới 84% lượng rác thải nhựa hay không?

túi đựng rác trên đường phố Tokyo
cowardlion / Shutterstock.com

Nhật Bản vẫn luôn được biết đến là quốc gia có tỷ lệ tái chế sản phẩm nhựa ở mức cao, theo một số báo cáo thì con số này lên tới 84%. Nhưng nếu bạn nghĩ 8/10 lượng rác thải nhựa sẽ trở thành những sản phẩm nhựa mới thì hãy suy nghĩ lại.

Một lưu ý quan trọng thường bị bỏ qua hoặc không được nhắc đến đó là có tới 70% lượng nhựa “tái chế” này được đốt làm năng lượng. Việc “tái chế nhiệt” xử lý tới 56% tổng chất thải nhựa, mặc dù tạo ra điện năng nhưng cũng tạo ra khí carbon dioxide có hại cho môi trường. Chỉ có duy nhất 23% chất thải nhựa được tái sử dụng làm nguyên liệu, trong khi 4% được đưa vào tái chế hóa học để chuyển hóa nhựa trở lại dạng thô dùng trong công nghiệp.

Số tiền người Nhật bỏ ra để mua chai nhựa trong một năm đủ để một người đi vòng quanh thế giới 126 lần.

Nhật Bản là một trong những quốc gia từng gửi rất nhiều rác thải nhựa sang Trung Quốc nhưng kể từ khi Trung Quốc ban bố lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2017, các hệ thống tái chế của Nhật Bản đang ngày càng trở nên quá tải với khối lượng nhựa quá lớn. Các cơ sở chứa chất thải cũng đạt đến giới hạn, điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều rác thải bị đốt hoặc đưa đến bãi chôn lấp, làm gia tăng ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và biển.

dọn dẹp bãi biển Fujisawa ở Kanagawa
Dọn dẹp làm sạch bãi biển Fujisawa, tỉnh Kanagawa

Những hạt vi nhựa nguy hiểm

Rất có thể bạn đã từng nghe nói hoặc đã sử dụng các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa. Bạn có thể thậm chí đã đọc về việc một số quốc gia trên thế giới trong đó có Canada, Pháp, Đài Loan, Hoa Kỳ và Anh đã cấm các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa.

hạt vi nhựa trong sản phẩm vệ sinh

Các hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ (thường có đường kính nhỏ hơn 5mm) được thêm vào các sản phẩm làm đẹp và vệ sinh như thuốc đánh răng và sữa rửa mặt để tẩy đi tế bào chết. Vấn đề là ở chỗ, những hạt vi nhựa này quá nhỏ nên các nhà máy xử lý nước thải không thể lọc chúng ra và ngăn chúng chảy ra sông hồ và đại dương, và cuối cùng các động vật biển sẽ hít hoặc ăn vào, sau đó chúng sẽ đi theo chuỗi thức ăn đến với con người.

Thật đáng tiếc là không có quy định nào liên quan đến việc xử lý hạt vi nhựa ở Nhật Bản, các công ty ở Nhật có quyền tự quyết định việc có sử dụng chúng vào các sản phẩm của mình hay không. Một số thương hiệu lớn như Kao và Shiseido đã ngừng bán các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa nhưng một số công ty khác vẫn sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm của họ.

Nhưng mà tôi rất thích món cơm nắm của các cửa hàng tiện lợi

cơm nắm onigiri được bọc trong túi nhựa
Mohd Syis Zulkipli / Shutterstock.com

… Và tất nhiên là cả snack vị pizza, bánh gạo hương nhím biển, và cả kẹo Kit Kat vị rượu mơ nữa! Một số thực phẩm phải cần được bọc vỏ lại. Các nhà sản xuất và các nhà cung cấp thực phẩm trên khắp nước Nhật đang dần đáp ứng nhu cầu thay đổi – cho dù đó là giảm sự phụ thuộc vào bao bì nhựa và tăng cường nỗ lực tái chế hoặc thay thế nhựa truyền thống bằng các chất thay thế không dùng nhiên liệu hóa thạch.

Vào tháng 7/2019, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã thay thế vỏ bọc nhựa nilon cho món cơm nắm của mình bằng một sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ đường mía. Với 2.2 tỷ miếng cơm nắm tiêu thụ mỗi năm, điều này giúp tiết kiệm khoảng 260 tấn nhựa và giảm thiểu 403 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

túi nhựa được sử dụng ở cửa hàng tiện lợi
PIXTA

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác cũng nỗ lực để giảm thiểu lượng túi nhựa được sử dụng. Ví dụ như Family Mart hiện đang sử dụng nhựa tái chế cho các hộp đựng mì lạnh. Hay Lawson đã loại bỏ việc sử dụng ống hút nhựa và cốc nhựa để uống đồ lạnh tại cửa hàng Maichi Café của họ và thay thế bằng cốc giấy, điều này giúp giảm thiểu 1.830 tấn nhựa mỗi năm.

Hệ thống siêu thị Seico cũng có nhiều sáng kiến để giảm tải lượng tiêu thụ nhựa của họ. Kể từ tháng 7/2020, họ đã sử dụng túi được làm bằng ít nhất 30% vật liệu có nguồn gốc thực vật và sinh học thay vì những túi nhựa sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các sáng kiến khác bao gồm thu gom các hộp giấy đựng trứng để tái chế (38 tấn được thu gom trong năm 2019) và giảm độ dày của túi nilon sử dụng để đựng rau và các món ăn phụ khác (điều này giúp giảm thiểu được 11% việc sử dụng nhựa). Năm 2019, công ty Kit Kat cũng bắt đầu sử dụng bao bì giấy thay cho bao bì nhựa.

Hãy thay đổi

chai thủy tinh và túi vải

Nhật Bản có công nghệ, ý thức cộng đồng và quyết tâm phân loại và giải quyết các loại rác thải ở mức cao. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự ảo tưởng về sự an toàn và khiến nhiều người không lường trước được mối nguy hiểm và sự ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Điều thực sự quan trọng hơn là phải giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

Việc sử dụng bao bì nhựa và các sản phẩm tiêu dùng đã khiến cho lượng rác thải nhựa gia tăng và hơn ai hết người tiêu dùng chúng ta sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để hạn chế những tác hại này.

thẻ yêu cầu không dùng túi nhựa tại siêu thị
PIXTA

Việc đầu tiên bạn có thể làm là tự đem theo túi đựng đồ mua sắm, cốc, chai nước và bộ đồ ăn (dao, kéo, thìa, đũa) của riêng mình. Hãy nói “không” với túi nhựa và bộ đồ ăn dùng một lần, đồng thời sử dụng ứng dụng miễn phí “mymizu” để xác định được những trạm cung cấp nước miễn phí trên khắp nước Nhật

Hãy ủng hộ các thương hiệu sử dụng bao bì có nguồn gốc thực vật và các sản phẩm không chứa hạt vi nhựa (chú ý đến các chất polyethylene ポリエチレン, polypropylene ポリプロピレン và copolymer コポリマー, đấy chính là dấu hiệu sự hiện diện của các hạt vi nhựa.)

Cuối cùng, nếu bạn không thể tránh được việc sử dụng bao bì nhựa, hãy cố gắng làm sạch và phân loại rác thải nhựa có thể tái chế được ra khỏi những loại rác khác

Hãy theo dõi bài viết sắp tới của chúng tôi để biết thêm các mẹo về lối sống không sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhé!

Ảnh tiêu đề: tsukat / PIXTA

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: