Nhật Bản luôn tự hào với cả thế giới về văn hóa ẩm thực, văn hóa anime-manga, với các thiết bị điện tử và xe hơi của mình. Có lẽ cả thế giới đều phải công nhận những nét độc đáo riêng trong nền văn hóa Nhật Bản. Mặc dù không phải là quốc gia rộng lớn về lãnh thổ và dân số, nhưng bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình đất nước này luôn biết cách sáng tạo nên những điều mới mẻ, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc. Tuy vậy, cũng giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, tại Nhật Bản cũng tồn tại sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán giữa các khu vực. Một ví dụ tiêu biểu nhất đấy là sự khác nhau giữa khu vực Kanto với đại diện là thủ đô Tokyo và Yokohama với khu đô thị lớn thứ hai Nhật Bản – Kansai với đại diện là Osaka và Kyoto.
Sơ lược về sự khác nhau giữa Kanto và Kansai
Theo như tên gọi, Kanto là khu vực phía Đông Nhật Bản, còn Kansai nằm ở khu vực phía Tây. Cả hai đều là hai khu vực hạt nhân chính của Nhật Bản. Đi sâu vào lịch sử của hai khu vực này, ta có thể thấy, Tokyo sau khi trở thành thủ đô của Nhật Bản vào năm 1869, đã hoạt động với tư cách là trung tâm kinh tế, chính trị của Nhật Bản. Ngược lại, với khu vực Kansai, Kyoto chính là trung tâm của Nhật Bản trong hơn 1000 năm cho đến khi Tokyo trở thành thủ đô và nơi này cũng chính là nơi tập trung các cơ quan đầu não về kinh tế, chính trị, cái nôi của nền văn minh Nhật Bản trong một thời gian dài trước khi chuyển đến Tokyo. Cho đến ngày nay những dấu ấn đậm nét của khu vực này vẫn còn được lưu lại. Ngày nay, cả Tokyo và Kyoto đều được biết đến như là hai thành phố phát triển thịnh vượng nhất ở Nhật Bản, và là hai khu vực được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hai khu vực này tồn tại những khác biệt rất lớn về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán cho đến tính cách con người. Hãy cùng xem cụ thể những khác biệt đó là gì nhé! Đây cũng chính là hai khu vực nổi tiếng được nhiều người nước ngoài ghé thăm, nên bạn hãy tìm hiểu kỹ những thông tin này vì chúng rất hữu ích cho những ngày tháng ở Nhật của bạn đấy!
Tính cách con người: người Kanto lịch thiệp và người Kansai thẳng thắn
Trước tiên, hãy cùng nhìn vào những đặc điểm chung trong tính cách của người Nhật. Đặc trưng nổi bật nhất của người Nhật đó là việc “họ rất để ý đến cái nhìn của những người xung quanh”, nói một cách dễ hiểu là người Nhật luôn muốn “bản thân đẹp hơn trong mắt người khác”, đây là một tập quán kỳ lạ được gọi là “tatemae”. Điều này xuất phát từ lòng tốt hơn là sự chân thành, bởi vì họ luôn muốn được người khác nhìn nhận là người tốt. Trong những cuộc đối thoại của người Nhật hầu hết đều có “tatemae”, “tôi cố tỏ ra như vậy nhưng thực tế là tôi không hề nghĩ như thế”.
Trên cơ sở những đặc điểm chung này giờ chúng ta sẽ cùng nhìn vào sự khác biệt trong nét tính cách của người Kanto và Kansai. Điểm khác biệt lớn nhất là, Kanto (đại diện là Tokyo) là khu trung tâm của Nhật Bản – nơi tập trung hầu hết những người Nhật ở khắp mọi nơi trên cả nước đến học tập và làm việc, và đối lập với nó thì Kansai lại là khu vực tập trung những người sống ở phía Tây Nhật Bản. Điều này là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến văn hóa và lối sống của hai khu vực. Dân cư khu vực Tokyo ngoài người Tokyo thì phân nửa là những người có xuất thân ở những tỉnh thành lân cận, họ đến và mang theo những đặc trưng văn hóa, phong tục nơi mình sinh ra. Chính vì thế, họ luôn giữ khoảng cách nhất định với những người họ gặp. Tại nơi giao lưu, hòa trộn của nhiều nền văn hóa, văn minh, những người ở đây sẽ không tham gia vào chuyện của người mà họ không biết. Đấy chính là đặc trưng của những người Tokyo.
Sẽ không quá khi nói rằng họ đang cố gắng nghĩ cho đối phương cũng như đang cố bảo vệ chính mình. Những người ở khu vực Kanto và ngoài Kansai thường sử dụng “tatemae” như đã đề cập đến ở trên. Vì quá để ý đến suy nghĩ của người khác, luôn cố tạo ra hình ảnh đẹp trước mắt người khác, nên họ luôn khách sáo và không đưa ra suy nghĩ thật của bản thân. Do đó, nếu bạn muốn trở thành một người Tokyo chính hiệu thì hãy cố gắng thực hiện đúng những quy tắc, phong tục và thói quen này, đồng thời hãy luôn nỗ lực để tạo ra môi trường thoải mái trong không gian sinh hoạt chung.
Ngược lại những người Kansai lại vô cùng thẳng thắn. Họ có thể dễ dàng bắt chuyện với những người lạ, không thể nói là họ không “tatemae”, nhưng phần đông thường thẳng thắn đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Bạn có thể dễ dàng được cho kẹo từ một bác gái không hề quen biết khi bạn ngồi cạnh họ trên tàu hoặc từ một người mà bạn vô tình gặp trên phố. Cảnh tượng này khá thường xuyên và là một câu chuyện điển hình khi nói về người Kansai (Osaka) của người Nhật. Ngoài ra, Osaka cũng được biết đến như là quê hương của những câu chuyện cười, nên những người dân ở đây có hiểu biết rất sâu sắc về nghệ thuật hài kịch. Chẳng hạn, khi một người chơi trò “boke” bằng cách nói điều gì đó kỳ lạ hoặc hài hước thì một người khác sẽ trả lời và phản ứng với “tsukkomi” bằng cách đưa ra ví dụ chỉ trích để tạo hiệu ứng hài hước. Điều này thường xảy ra không chỉ giữa gia đình và bạn bè, mà còn với những người qua đường ngẫu nhiên hoặc ở nơi công cộng với những người lạ ngồi cạnh nhau. Cả Osaka và Kyoto đều là nơi tụ hội của những người sống ven khu vực Kansai hoặc những người đến từ phía Tây Nhật Bản, mặc dù có những khác biệt về văn hóa nhưng có thể nói rằng sự gần gũi tương đối về mặt địa lý giữa các tỉnh và sự tôn trọng lẫn nhau, sự yêu mến đối với hài kịch đã giúp họ vượt qua mọi rào cản để thu ngắn khoảng cách với nhau hơn.
Người Kanto kín đáo và người Kansai cởi mở
Như đã đề cập ở trên, Tokyo chủ yếu tập trung những người sống ở các tỉnh lân cận, nên họ rất tôn trọng không gian riêng của đối phương, sử dụng “Tatemae” và tránh đưa ra ý kiến thẳng thắn của mình. Điều này có lẽ liên quan nhiều đến bản tính rụt rè và quan tâm quá nhiều đến cách nhìn nhận của người khác của người Nhật. Do đó, ở Tokyo ngoại trừ những trường hợp thật sự cần thiết, mọi người thường ngại nói chuyện với nhân viên trong các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng hoặc quán bar, và đương nhiên, việc nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ trên đường phố là điều không bình thường tí nào. Những trường hợp cần thiết phải bắt chuyện là khi bạn gọi đồ, thanh toán hoặc có câu hỏi liên quan, và đương nhiên những cuộc nói chuyện này vẫn đặc biệt phải giữ khoảng cách. Ngược lại, ở Kansai bạn không khó để bắt gặp cảnh một người bắt chuyện với nhân viên cửa hàng về những chủ đề chả liên quan, hay những câu chuyện được bắt đầu bằng chủ đề về thời tiết. Nhiều khách hàng nói lời cảm ơn một cách rất thân thiện với nhân viên sau khi thanh toán tiền, và thậm chí ở quán bar hay quán cà phê, họ sẽ bắt chuyện với các khách hàng khác và trở nên thân thiết chỉ sau vài phút.
Một đặc điểm nữa thường thấy ở những người Kansai vui vẻ và thẳng thắn là họ thích giá rẻ. Bạn sẽ hiếm khi thấy một người mặc cả giá khi mua hàng ở Tokyo thì ngược lại ở Osaka, đây là chuyện hết sức bình thường. Người Tokyo thường dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu nhất thời, nhưng người Osaka thì nghĩ rằng chỉ cần nó rẻ thì đó là món hời, đó chính là lý do tại sao họ rất thoải mái và chẳng ngại ngần mặc cả giá thấp hơn khi mua bán. Có thể nói rằng người Kansai là những người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn thể hiện những bản chất vốn có của một con người. Tuy nhiên, có một ngoại lệ ở khu vực này là những người Kyoto – những người nổi tiếng với tính cách dè dặt. Trong tất cả mọi trường hợp sẽ đều có ngoại lệ, vì vậy thật khó để khái quát đặc điểm của toàn bộ khu vực.
Vị trí đứng trên thang cuốn: Kanto bên trái, Kansai bên phải
Khi sử dụng thang máy, người Kanto thường sẽ đứng về phía bên trái và người Kansai sẽ đứng về phía bên phải, phía còn lại họ sẽ để cho những người muốn leo bộ sử dụng. Đây là điểm khác biệt tiêu biểu giữa Đông và Tây. Ngay cả người Nhật, những người từ Tokyo đến Osaka, hay những người từ Osaka khi mới đến Tokyo cũng không ít lần phải ngạc nhiên và giật mình “Ồ, ngược hướng mất rồi!”. Tuy vậy, không phân biệt Đông hay Tây, ở những vùng nông thôn thường không có quy định cho việc này, tất cả có thể đứng lẫn lộn theo ý thích.
Thời trang: Kanto sành điệu và Kansai cá tính
Nếu nói đến thế hệ millennials (những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980-2000) thì thời trang khu vực Kanto và Kansai hầu như không có gì khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung những người Kanto thường đề cao sự sành điệu, ngược lại những người Kansai thích những thứ màu mè, nổi bật và cá tính, họ thường có xu hướng thể hiện cái “tôi” cá nhân qua phong cách thời trang. Tất nhiên có sự khác nhau giữa các cá nhân nhưng xu hướng chung thường như vậy. Ấn tượng về phong cách thời trang của Kansai từ ngày xưa đó là hình ảnh người phụ nữ trung niên trong những bộ trang phục rộng lớn có in họa tiết các loài động vật to lớn như hổ. Những người Kansai thường được cho rằng luôn yêu thích những món đồ rẻ, nên những bộ quần áo có in hình những chú hổ nhìn bề ngoài có vẻ khá đắt và sành điệu nhưng thực ra lại vô cùng rẻ trở thành sự lựa chọn của họ. So với những người dân ở Kansai và những khu vực khác, những người phụ nữ lớn tuổi ở Kansai có xu hướng thời trang khá táo bạo.
Màu sắc xe taxi: Kanto nhiều màu sắc, Kansai màu đen
Ngược lại với thời trang, phần lớn xe taxi ở Kansai chỉ có một màu đen. Trong khi đó, những chiếc xe trên đường phố ở Kanto lại rực rỡ, nhiều màu sắc từ vàng, da cam, trắng, cho đến màu đen. Tuy nhiên, bạn yên tâm là giá thành của chúng thì hoàn toàn giống nhau.
Ngay đến cả đồ ăn cũng khác nhau?
1. Độ mỏng của bánh mì
Trong vô vàn những món ăn trên thế giới, có lẽ bánh mì là thứ được hầu hết mọi người biết đến và yêu thích. Từ sở thích bánh mì cho đến những kiến thức cơ bản về chúng có sự khác nhau rõ nét giữa hai vùng Kanto và Kansai. Nổi bật nhất có lẽ là độ dày bánh mì được yêu thích giữa hai khu vực này. Ở Kansai thường là 4-5 lát, trong khi ở Kanto là 6-8 lát.
Bánh mì mỏng rất dễ ăn và bạn có thể thưởng thức nhiều lần với một ổ bánh. Ngược lại với miếng bánh mì dày bạn có thể cảm nhận được rõ hơn hương vị của bánh, mặc dù số lượng lát bánh ít, nhưng chỉ một lát là bạn đã có thể no bụng. Tất nhiên, cho dù ở Kanto hay Kansai bạn cũng có thể mua được cả hai loại tùy vào sở thích của từng cá nhân, gia đình.
2. Mì udon: Nước dùng đậm được làm từ cá ngừ khô (鰹だし) ở Kanto và nước dùng vị thanh, nhẹ được làm từ tảo bẹ (昆布だし) ở Kansai
Mì chính là cốt lõi trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Trong số đó, loại mì từ xa xưa được người dân Nhật Bản yêu thích nhất chính là mì udon. Được làm từ lúa mì, sợi mì dai và có cảm giác chui tọt xuống cổ họng khi cho vào miệng này được những người Nhật ở mọi lứa tuổi yêu thích và được coi là một trong những món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc. Tuy nhiên, tùy những vùng khác nhau mà nguyên liệu làm chúng và hương vị cũng có sự khác nhau.
Mì udon của Kanto: Màu sắc và hương vị đậm đà mang hương vị cá ngừ khô
Ở Kanto, người ta chủ yếu dùng cá ngừ khô bào mỏng (katsuobushi 鰹節) để chế biến nước dùng, do đó nước dùng thường mang hương vị đậm đà đặc trưng. Bạn có thể cảm nhận được hương vị thanh nhẹ nếu những miếng katsuobushi này mỏng, hoặc cảm nhận toàn bộ hương vị nếu chúng được thái dày. Để cho màu sắc của nước dùng trở nên sánh và đậm hơn, người ta thường cho thêm nước tương đậm đặc (shouyu) và mirin (một loại gia vị riêng ở Nhật), tuy nhiên vị của chúng thì không đậm như những gì bạn nhìn thấy đâu. Kansai là nơi mà rau được trồng rất nhiều, do đó người dân ở đây thường nêm nếm gia vị đậm hơn một chút để ăn cùng với rau. Điều này cũng giải thích vì sao họ sử dụng cá ngừ khô để chế biến nước dùng udon.
Mì udon của Kansai: Màu sắc và hương vị thanh nhẹ trong sự kết hợp đơn giản của tảo bẹ
Ở Kansai, nước dùng được chế biến chủ yếu từ tảo bẹ, mang lại vị ngọt rất thanh tao. Tùy vào vùng trồng tảo bẹ mà hương vị có thể biến đổi, ngoài ra do chỉ sử dụng nước tương nhạt (shouyu) nên so với ở Kanto nước dùng có màu nhạt hơn, tuy nhiên hương vị vẫn rất đậm đà nhờ cho thêm muối. Kanto với đặc trưng là vùng đất tơi xốp và dễ dàng thu hoạch rau, nên người dân ở đây có xu hướng ăn nhạt để có thể cảm nhận hết hương vị của nguyên liệu. Đó cũng có thể là nguyên nhân làm nên món nước dùng udon đặc trưng này.
3. Cùng một món ăn nhưng tên gọi khác nhau: Nikuman và Butaman (Bánh bao nhân thịt)
Ngoài những đồ ăn kể trên có sự khác biệt về hương vị và cách thưởng thức, thì giữa hai vùng này còn tồn tại những món ăn giống nhau nhưng lại khác nhau về tên gọi, có thể kể đến như món bánh bao nhân thịt. Ở vùng Kansai, thay vì là Nikuman (bánh bao thịt) thì chúng được gọi là Butaman (bánh bao thịt lợn).
Ở Kansai có nhiều vùng sản xuất thịt bò nổi tiếng như thành phố Matsuzaka ở tỉnh Mie với thịt bò Matsuzaka, hay thành phố Kobe ở Hyogo với thịt bò Kobe, nên nếu bạn nói từ “thịt” ở đây thì mọi người sẽ hiểu đó là thịt bò. Chính vì lý do đó, để tránh hiểu lầm về món bánh bao nhân thịt (không phải thịt bò nhé) nên người dân ở đây đã gọi đích danh nó là Butaman, có nghĩa là bánh bao sử dụng nhân thịt lợn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cửa hàng tiện lợi thường bán món bánh này và đề tên là Nikuman. Người dân Kansai cũng dần quen và ý thức hơn về tên gọi này.
Bí mật trong ngôn ngữ Kanto và Kansai: Những từ mang cùng ý nghĩa nhưng lại có sắc thái khác nhau
Không chỉ riêng tiếng Nhật mà với những ngôn ngữ khác cũng vậy, tùy mỗi vùng sẽ có cách sử dụng từ khác nhau. Cả “aho” và “baka” đều là những từ được sử dụng để chế giễu người khác, tuy nhiên ở Kansai sắc thái ý nghĩa của từ này có tương đối khác. Thay vì mang hàm ý chế giễu, từ này được dùng để chỉ những hành động ngờ nghệch, bất cẩn của đối phương, đã bao hàm trong đó sự gần gũi và tình cảm của người nói.
Những từ hoàn toàn mang ý nghĩa khác nhau
Tại Kansai, bạn sẽ phân loại sinh viên bằng cách gọi kaisei kèm với số năm (ví dụ sinh viên năm nhất sẽ là ikkaisei (一回生)). Hầu hết các khu vực khác, ngoài Kansai thường gọi nensei cộng với số năm (ví dụ: ichinensei (一年生). Ở Kansai chỉ có sinh viên đại học mới có cách gọi riêng biệt như vậy, còn từ học sinh tiểu học đến phổ thông đều theo cách gọi phổ biến chung là nensei. Hiện nay vẫn chưa rõ tại sao lại như vậy, nhưng có tin đồn cho rằng cách gọi này bắt nguồn từ các sinh viên của Đại học Kyoto, sau đó dần dần lan sang các khu vực lân cận khác.
Ngoài ra, có một vài từ địa phương ở Kansai khác có thể bạn muốn biết thêm (※bên phải là các từ Kansai)
- 片づける Katadukeru (dọn dẹp) = なおす naosu (sửa chữa)
- 捨てる Suteru = 放る(ほる) houru (vứt bỏ)
- おつまみ Otsumami = あて ate (đồ nhắm)
- 友達 Tomodachi = ツレ tsure (bạn bè)
- 鳥肌が立つ Torihada ga tatsu = サブイボが立つ sabuibo ga tatsu (nổi da gà)
- かっこいい Kakkouii = シュッとしてる shuttoshiteru (đẹp, lôi cuốn)
Sự khác nhau về phong tục ăn uống: Người Kansai ăn Okonomiyaki cùng cơm trắng?!
Không kể hình dạng, nguyên liệu và mùi vị, Okonomiyaki – món ăn bắt nguồn từ Osaka được hầu hết người dân Nhật yêu thích. Cùng với Takoyaki (bánh bạch tuộc) đây là món ăn tinh thần, đại diện của người Nhật. Tuy nhiên, có sự khác nhau rất lớn trong cách ăn của hai khu vực.
Một bữa ăn Nhật Bản truyền thống thường chú trọng sự cân bằng dinh dưỡng bên cạnh sự hài hòa, cân đối về màu sắc. Một bữa ăn điển hình luôn bao gồm cơm trắng, đi kèm với 3 món phụ và súp miso. Okonomiyaki là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như thịt, rau, cùng các thành phần khác như nước sốt, mayonnaise, katsuobushi (cá ngừ khô) tạo nên một màu sắc bắt mắt và tất nhiên cũng không thể thiếu độ cân bằng dinh dưỡng. Người dân Kansai, đặc biệt là Osaka – quê hương của món ăn này thường có thói quen ăn chúng cùng với cơm. Những người Kanto và khu vực ngoài Kansai thường rất kỵ cách ăn này. Tuy nhiên, nếu nhìn từ thói quen ăn gyouza (há cảo) cùng với cơm của người Nhật, khác với cách ăn gyouza như một món chính của người Trung Quốc, thì phong tục ăn uống này mang đậm dấu ấn Nhật Bản đấy chứ.
Sự khác nhau về phong tục ăn uống: Luôn có một chiếc máy làm Takoyaki trong mỗi gia đình ở Kansai! Vậy ở Kanto có những món ăn độc đáo làm từ bột?
Người Kansai đặc biệt thích những món ăn được làm từ bột như Okonomiyaki, Negiyaki (một loại bánh tương tự như Okonomiyaki nhưng thay bắp cải bằng hành), Akashiyaki (gần giống với takoyaki nhưng vỏ bánh được làm từ trứng gà) và Takoyaki. Có thể thấy rõ điều đó, vì trong bất kỳ một gia đình nào ở Kansai cũng đều có một chiếc máy chuyên làm takoyaki.
Ngược lại, ở Kanto cũng có một món ăn gần giống với Okonomiyaki bắt nguồn từ Tokyo, nó được gọi là Monjayaki. Đó là món ăn địa phương ở khu vực Tokyo – Shitamachi, phần bột được hòa tan trong nước, sau đó đổ lên một tấm sắt lớn đã được làm nóng để nướng. Món ăn này khá giống với Okonomiyaki, nhưng khác ở điểm là tỉ lệ bột lỏng trong vỏ bánh ít, các loại gia vị như nước sốt đã được trộn lẫn vào trong đó, nên sau khi nướng chín bánh cũng không hề bị cứng lại. Người ta sử dụng một chiếc muôi dẹt vừa để ấn bánh xuống khi nướng vừa để ăn, phần tiếp xúc với tấm sắt thường hơi cháy một chút, nhưng ăn rất giòn, mềm và hương vị lan tỏa trong miệng.
Tổng kết
Cả Kanto và Kansai nơi có các thành phố Tokyo, Yokohama, Osaka, Kyoto đều là những khu vực có lịch sử lâu đời và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Trên thực tế thì hầu hết các du khách đến Nhật đều sẽ đến thăm hai khu vực này. Cho dù bạn là người đã đến cả Kanto và Kansai, là người mới chỉ đến một trong hai khu vực, hay là người sắp tới chuẩn bị đến Nhật, thì tôi nghĩ bài viết này thực sự rất hữu ích, giúp bạn hiểu hơn về sự khác biệt giữa Kanto và Kansai, cảm nhận những điều thú vị đôi khi kỳ lạ của văn hóa. Chắc chắn những trải nghiệm cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố