Doanh nghiệp đen – Mặt tối của văn hóa làm việc Nhật Bản

black company japan

Với nhiều người làm việc tại Nhật Bản là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Một công việc tại Nhật Bản sẽ giúp họ được trải nghiệm nền văn hóa và ẩm thực phong phú, cũng như khám phá những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước này. Bên cạnh đó, việc nhận được những ưu đãi từ chế độ phúc lợi của công ty như tham gia bảo hiểm y tế, khám sức khỏe miễn phí càng khiến nhiều người mong muốn được sinh sống và làm việc tại quốc gia này. 

Tuy nhiên, bạn cần phải biết không phải công ty nào ở Nhật cũng đối đãi tốt với nhân viên của họ, một phần trong số đó thường có những chính sách làm việc hà khác, chế độ phúc lợi không tương xứng. Những công ty như vậy thường được biết đến với tên gọi “Doanh nghiệp đen” (Black Company). Vậy đâu là dấu hiệu để biết bạn có đang làm việc cho một “Doanh nghiệp đen” hay không, và nếu đang làm việc trong một công ty như vậy thì bạn nên làm gì? Hãy đọc bài viết dưới đây của chúng tôi để trả lời những câu hỏi này nhé!

“Doanh nghiệp đen” nghĩa là gì?

nhân viên nam đang nói chuyện điện thoại

“Doanh nghiệp đen” (Black company) là một thuật ngữ chung dùng để chỉ những công ty hoạt động với tính chất bóc lột sức lao động của nhân viên. Tuy nhiên, một công ty có thể bị gắn mác là “doanh nghiệp đen” vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phổ biến nhất là việc lạm dụng quyền lực, quấy rối tình dục, bắt nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương ngoài giờ và gây nên sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên.

Người ta đồn rằng thuật ngữ “doanh nghiệp đen” được đưa ra cách đây khoảng 20 năm bởi các nhân viên văn phòng làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thuật ngữ này lan truyền rộng rãi hơn khi bộ phim “A man on the verge at a BLACK company” (tạm dịch: Giới hạn của chàng trai làm việc tại công ty ĐEN) được công chiếu vào năm 2009, xoay quanh một chủ đề lan truyền trên mạng internet được viết ra bởi một chàng trai đang làm việc tại một công ty đen. Kể từ đó, thuật ngữ này dần trở nên phổ biến hơn trong xã hội.

“Karoshi” nghĩa là gì?

nhân viên làm việc tại công ty vào ban đêm

Cho dù thuật ngữ “doanh nghiệp đen” mới xuất hiện cách đây khoảng 20 năm nhưng trên thực tế các công ty như thế này đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Kể từ nửa cuối của thập niên 1970, khi Nhật Bản bước vào giai đoạn bong bóng kinh tế, “karoshi” (chết vì làm việc quá sức) đã trở thành một vấn nạn quốc gia tại Nhật Bản. Vấn nạn này là con dao hai lưỡi. Một mặt, tình trạng này khiến Nhật Bản trở thành một siêu cường kinh tế trên thế giới nhưng cái giá phải trả là tác động xấu tới chất lượng cuộc sống thường ngày của người Nhật và trong trường hợp xấu nhất còn khiến họ mất đi mạng sống của mình.

Thậm chí cho tới tận ngày nay, “karoshi” vẫn còn là một vấn đề xã hội mà Nhật Bản vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết.. Theo một báo cáo năm 2016 kiểm tra các trường hợp “karoshi” và nguyên nhân tử vong của người lao động, có tới hơn 20% trong tổng số 10,000 người lao động Nhật Bản tham gia khảo sát cho biết họ đã từng ít nhất một lần làm thêm 80 giờ trở lên trong một tháng.

Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới các cái chết “karoshi” bao gồm đau tim và đột quỵ, bắt nguồn từ tình trạng làm việc vô cùng căng thẳng. Vì thế, điều quan trọng nhất là bạn đừng bao giờ đặt mình vào tình huống để điều đó có thể xảy ra. Muốn tránh điều tồi tệ xảy ra với mình, điều bạn có thể làm là cần phải biết cách nhận diện các doanh nghiệp đen và tránh vào làm việc tại đó.

Làm sao để biết đâu là một “doanh nghiệp đen”?

doanh nghiệp đen ở Nhật

Luật tiêu chuẩn lao động

Cách chắc chắn nhất để nhận biết một công ty có phải công ty đen hay không là đối chiếu với các văn bản pháp luật ban hành bởi Chính phủ Nhật Bản. Theo nguyên tắc chung của Luật tiêu chuẩn lao động Nhật Bản, các doanh nghiệp tại Nhật Bản phải tuân theo các quy tắc và luật lệ sau đây:

LUẬT TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG NHẬT BẢN

  1. Nghiêm cấm việc phân biệt đối xử với người lao động vì lý do quốc tịch.
  2. Khi ký kết hợp đồng lao động, những điều khoản làm việc phải được làm rõ với người lao động.
  3. Nghiêm cấm việc ép buộc lao động và sử dụng vũ lực, hăm dọa để bóc lột sức lao động.
  4. Người chủ lao động không được phép sửa đổi hợp đồng ở những điều khoản bồi thường đã được quy định rõ từ trước trong trường hợp hợp đồng lao động bị vi phạm.
  5. Không được phép sa thải người lao động bị thương tật hoặc ốm đau liên quan tới công việc và đang được chăm sóc y tế trong thời gian họ vắng mặt và 30 ngày sau đó.
  6. Người chủ lao động cần phải thông báo cho người lao động biết trước về quyết định sa thải ít nhất là 30 ngày.
  7. Việc thanh toán tiền lương cho người lao động phải được thực hiện mỗi tháng một lần vào một ngày cố định.
  8. Người lao động phải được nhận tiền lương ở mức cao hơn so với mức lương quy định trong Luật tiền lương tối thiểu.
  9. Thời gian làm việc theo quy định là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần
  10. Nếu người lao động phải làm việc ngoài thời gian lao động quy định nêu trên, người chủ lao động phải trả lương làm việc ngoài giờ cho người lao động (*tuy nhiên, nhiều công ty thêm khoản làm việc ngoài giờ vào hợp đồng lao động nên điều này khá khó để phát hiện ra).
  11. Những người lao động đã làm việc ít nhất 6 tháng tại công ty có quyền được hưởng lương trong thời gian nghỉ phép.
  12. Tiền và các tài sản khác phải được hoàn trả cho nhân viên khi họ nghỉ việc.
  13. Phải có các biện pháp bảo đảm an toàn lao động và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Bạn cần phải nắm bắt các quy định pháp luật nêu trên để đảm bảo cho sự an toàn cho chính mình khi thương thảo hợp đồng lao động với các công ty. Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã trang bị đầy đủ những kiến thức này cho mình thì bạn vẫn có thể sẽ không may vào làm việc tại một doanh nghiệp đen nào đó. Lý do là vì mỗi công ty sẽ có môi trường làm việc khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản có sự phân chia giữa các phòng ban. Cho dù một công ty nhìn tổng thể có vẻ ổn nhưng có thể có sự khác nhau giữa các phòng ban và trong đó có thể có tính chất “đen”. Đây quả là một điều đáng sợ và khiến bạn hoang mang không biết làm sao để có thể tránh được “những chiếc bẫy” như vậy. Để giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn, trong phần sau của bài viết, chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn những biện pháp giúp bạn bảo vệ bản thân nếu chẳng may phải làm việc ở một doanh nghiệp đen nào đó.

Nghiên cứu

doanh nghiệp đen

Một trong những hành động cần thiết nhất mà bạn nên thực hiện trước khi ký hợp đồng lao động là nghiên cứu thật kỹ về công ty đó. Cho dù điều này nghe có vẻ tầm thường, nhưng bạn cần nghiên cứu những điểm quan trọng để xác định xem một công ty có tính chất “đen” hay không. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 5 cách để thực hiện việc nghiên cứu này.

  • Hỏi thông tin từ những nhân viên khác đang làm việc tại công ty
  • Đọc các đánh giá của các nhân viên về công ty
  • Kiểm tra tỷ lệ nghỉ việc
  • Kiểm tra thời gian làm việc tại công ty
  • Kiểm tra và so sánh mức lương

Điều đầu tiên bạn có thể làm để đánh giá liệu một công ty có phải công ty đen hay không là trao đổi với những người lao động khác đang làm việc tại công ty này. Những thông tin này vô cùng đáng giá vì đây là những thông tin xuất phát từ chính nội bộ công ty nên sẽ có tính xác thực cao. Tuy nhiên, bạn không phải lúc nào cũng có thể dựa vào ai đó đủ thân thiết với bạn để chia sẻ chi tiết về điều kiện làm việc tại công ty mà mình đang định vào làm việc.

Bốn cách còn lại cũng rất hữu ích. Ví dụ, nếu bạn đọc đánh giá của nhân viên về công ty, bạn sẽ có thể hình dung được công ty đó có phải công ty đen hay không. Bạn có thể tìm kiếm các thông tin này tại các trang web tìm việc làm. Mỗi công ty sẽ được đánh giá dựa trên mức độ cân bằng giữa cuộc sống/công việc, mức lương và chế độ đãi ngộ, mức độ an toàn khi làm việc và cơ hội thăng tiến, phong cách quản lý và văn hóa làm việc. Mặc dù thông tin này khá hữu ích nhưng bạn cũng cần phải cẩn trọng với nguồn thông tin này. Một vài đánh giá tệ về công ty đôi khi sẽ không đủ sức thuyết phục để bạn biến nó thành lý do không làm việc tại công ty đó, vì thông thường các đánh giá của cá nhân về công ty thường theo xu hướng tiêu cực.

Giải thưởng “Doanh nghiệp đen”

doanh nghiệp đen

Một cách khác để tìm ra liệu một công ty có bị gắn mác doanh nghiệp đen hay không là xem Giải thưởng doanh nghiệp đen (tiếng Nhật). Giải thưởng doanh nghiệp đen được trao hàng năm. Giải thưởng này xuất hiện lần đầu vào năm 2012 do một nhóm phóng viên, luật sư và các giáo sư các trường đại học nghĩ ra. Các công ty ứng viên sẽ được thông báo bởi hội đồng đánh giá và những người này sẽ tạo ra một danh sách những công ty đen trong năm. Công ty nhận được nhiều bình chọn nhất sẽ được phong danh hiệu “Công ty xấu xa nhất”. Bên cạnh đó, công chúng cũng có thể bình chọn công ty theo ý kiến của riêng mình và công ty thắng giải sẽ nhận giải “Lựa chọn của công chúng”.

Các yếu tố được xét đến trong quá trình đánh giá xem một công ty có nằm trong danh sách này hay không bao gồm thời gian làm việc, không trả lương ngoài giờ, bắt nạt, quấy rối và các vấn đề khác liên quan tới môi trường làm việc. Những công ty thắng giải sẽ được nhận phần thưởng là một cuốn từ điển về Luật lao động, nhưng tất nhiên là chẳng công ty nào muốn được tôn vinh ở giải thưởng này.

Năm 2019, công ty Mitsubishi Electric Co. lần thứ hai liên tiếp ẵm giải thưởng “Công ty xấu xa nhất” vì tại đây có vài vụ karoshi ở cả công ty mẹ lẫn công ty con, 2 trong số 5 nhân viên nam giới ở công ty có dấu hiệu bị chèn ép và có các cáo buộc rằng một nhân viên phụ trách đào tạo bị nghi ngờ xúi giục tự sát.

Bạn cần phải làm gì nếu đang làm việc cho một doanh nghiệp đen?

doanh nghiêp đen

Nếu bạn nhận ra rằng mình đang vào ở hoàn cảnh không may mắn khi làm việc cho một doanh nghiệp đen thì bạn có thể thực hiện một vài biện pháp sau đây. Trước tiên, điều quan trọng là bạn phải xác định vấn đề ở đây là gì và bạn muốn giải quyết vấn đề này ra sao. Nạn nhân của môi trường làm việc tại các doanh nghiệp đen đôi khi sẽ cảm thấy bất lực. Các bước tiếp theo sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, nên điều quan trọng là bạn phải cân nhắc hết các lựa chọn của mình để có thể lựa chọn các giải pháp thích hợp sau đây.

Trao đổi với chủ lao động

nhân viên công ty đang trao đổi

Bước đầu tiên bạn có thể làm là trao đổi trực tiếp với sếp của mình hoặc với phòng nhân sự ở công ty bạn đang làm việc. Để bạn không quá bi quan về hoàn cảnh của mình thì đây là lựa chọn đầu tiên dành cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự đang làm việc cho một doanh nghiệp đen thì khả năng cao là ý kiến của bạn sẽ không được tiếp nhận. Trong trường hợp xấu nhất cả hai sẽ phải đưa nhau ra tòa để phân xử.

Bạn cần biết rằng chỉ có hai lý do hợp lệ để chủ lao động có thể sa thải bạn một cách hợp pháp. Trường hợp một là bạn có năng lực làm việc quá kém. Nếu bạn nêu ý kiến phản hồi của mình chống lại công ty của bạn thì họ không có căn cứ nào để sa thải bạn vì lý do này.

Lý do thứ hai là nếu công ty bị thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, công ty sẽ cần cung cấp bằng chứng trong trường hợp này. Nếu ở tình huống này, công ty sẽ phải thông báo trước cho bạn 30 ngày, cũng như cho bạn quyền lựa chọn tự nguyện thôi việc. Trên hết, điều bạn cần biết là những điều khoản này đều có thể thỏa thuận và không quyết định nào có thể được đưa ra trên cơ sở đơn phương từ một phía.

Sau khi đã trao đổi với chủ lao động, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục làm việc tại công ty thì điều này tùy vào quyết định của bạn. Trong trường hợp này, đừng ngần ngại đề xuất thay đổi, trình bày rõ những mong muốn của bạn cũng như hãy cố gắng đàm phán để được hưởng điều kiện lao động tốt hơn trong tương lai.

Tìm kiếm công việc mới

nhân viên công ty đang trao đổi với nhau

Lựa chọn tốt nhất dành cho bạn nếu bạn làm việc tại một doanh nghiệp đen là thôi việc. Nếu bạn quyết định thực hiện điều này, bạn sẽ cần phải tìm một công việc mới. Chúng tôi nghĩ rằng bạn nên bắt đầu tìm việc sớm nhất có thể nhưng chỉ nên từ bỏ công ty mình đang làm việc sau khi bạn đã vượt qua tất cả các vòng phỏng vấn và nhận được thư mời làm việc chính thức từ chỗ làm mới. Các “đồng minh giá trị” cho bạn trong công cuộc tìm việc là các trang web tìm việc làm và các nhà tuyển dụng hỗ trợ người nước ngoài.

Thêm vào đó, bạn có thể tham khảo Hello Work, một dịch vụ nhân sự của chính phủ chuyên hỗ trợ tìm việc làm tại Nhật Bản. Bạn có thể liên lạc với họ về các vấn đề liên quan tới lạm dụng tại các công ty đen. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin trên trang web của họ (tiếng Nhật) để biết các hướng giải quyết khi lâm vào một hoàn cảnh như thế.

Tiếp theo là gì?

Nếu bạn có kế hoạch chuyển tới Nhật Bản, hãy nhận thức rõ vấn đề là ở Nhật tồn tại rất nhiều các doanh nghiệp đen. Cho dù vấn nạn này và các vấn đề tương tự như karoshi sẽ còn tiếp tục diễn ra trong văn hóa lao động ở Nhật Bản, nhưng điều quan trọng là bạn đừng để mối đe dọa của các doanh nghiệp đen ngăn cản bạn tới làm việc và sinh sống tại quốc gia này. Có nhiều cách để bạn có thể tránh xa các doanh nghiệp đen và nếu bạn trang bị đủ kiến thức cho mình, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng là mình sẽ dính dáng với một công ty như vậy.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: