Sự khác nhau giữa Yochien, Hoikuen và Nintei-kodomoen ở Nhật

Tại Nhật Bản, giáo dục bắt buộc bắt đầu từ bậc tiểu học. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trẻ em đang theo học ở trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận trước khi vào học lớp 1. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn đặc điểm của mỗi cơ sở giáo dục trên, điều kiện nhập học và những điều cần lưu ý khi lựa chọn trường. Đây chắc chắn sẽ là những thông tin hữu ích mà rất nhiều người nước ngoài có con nhỏ ở Nhật Bản quan tâm.

Từ năm 2019 giáo dục tại nhà trẻ và trường mẫu giáo sẽ được miễn phí

bố mẹ và con cái

Trước khi đi vào chi tiết về từng loại trường, có một thông tin mà các bạn cần phải biết đó là bắt đầu từ ngày 1/10/2019 giáo dục mầm non và các cơ sở trông trẻ sẽ được miễn phí. Học phí thông thường tại các trường mẫu giáo thường lên tới 25.700 yên/tháng, tại các nhà trẻ không được cấp phép là 37.000 yên/tháng (※) và chi phí trông trẻ ở trường mẫu giáo khoảng 11.300 yên/tháng (※). Tuy nhiên, từ tháng 10/2019, tất cả các khoản chi phí này đều sẽ được miễn phí. Chính phủ cũng hỗ trợ để miễn phí chi phí chăm sóc ở trường mẫu giáo được chứng nhận, cơ sở giáo dục trẻ em được cấp phép, trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, phụ huynh phải tự trả phí đưa đón, tiền ăn uống, chi phí tổ chức sự kiện tại trường,… Do đó, để tránh bị bất ngờ bạn nên xác nhận trước các khoản chi phí đó trước khi quyết định nhập học cho con.

(※) Chỉ những hộ gia đình đã đăng ký và được chứng nhận là có nhu cầu chăm sóc trẻ em tại thành phố nơi họ sinh sống

Trường mẫu giáo (Yochien)

trẻ em ở trường mẫu giáo

Sự khác biệt lớn nhất giữa trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở giáo dục trẻ em là trường mẫu giáo và nhà trẻ không có yêu cầu đối với công việc của phụ huynh, ngay cả những người không đi làm cũng có thể gửi con đến đây. Nhiều trường mẫu giáo có thời gian trông giữ trẻ ngắn, chỉ từ 9:00 đến 14:00 và thường tổ chức nhiều sự kiện vào ngày trong tuần, yêu cầu sự tham gia của phụ huynh. Ngoài ra, trường sẽ không nhận trông trẻ vào kì nghỉ hè (21/7 ~ 31/8), kì nghỉ đông (20/12 ~ 7/1) và kì nghỉ xuân (20/3 ~7/4), nên điều này có thể gây khó khăn cho các phụ huynh đang đi làm.

Tùy từng trường mẫu giáo sẽ quy định có cung cấp bữa ăn hay không, nên ở một số nơi sẽ có trường hợp học sinh đi học phải mang theo cơm hộp đi. Nếu con bạn là người ăn kiêng theo tôn giáo hoặc không hợp đồ ăn Nhật thì bạn nên chọn trường mẫu giáo tự mang cơm hộp đi.

Các trường mẫu giáo sẽ tự quyết định nội dung chương trình dạy học. Có trường tập trung dạy các nội dung như chữ Hiragana, chữ Katakana, tính toán, thể dục, tiếng Anh, âm nhạc,… nhưng cũng có trường lại chủ trương cho trẻ chơi tự do như tham gia các hoạt động ngoài trời. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kĩ để lựa chọn trường phù hợp với phương châm giáo dục của gia đình và tính cách của chính đứa trẻ.

Khái quát về trường mẫu giáo
・Mục đích: giáo dục tiền tiểu học
・Cơ quan quản lí: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản
・Đối tượng trẻ tiếp nhận: trẻ 3~5 tuổi
・Thời gian nhận giữ trẻ: 9:00 ~ 14:00 (tùy từng trường thời gian này có thể kéo dài hơn)

Lịch trình dự kiến đến thời điểm nhập học
・Từ tháng 6: Ngày hội tham quan trường
・Từ tháng 9: Ngày hội giới thiệu về trường và phát đơn xin nhập học
・Từ tháng 10: Nộp đơn xin học và phỏng vấn nhập học
・Từ tháng 11: Phát đơn xin nhập học, nộp đơn, tuyển chọn
・Tháng 12 ~ 1: Ngày hội giới thiệu nhập học
・Tháng 4: Nhập học

Nhà trẻ (Hoikuen)

trẻ em ở nhà trẻ

Nhà trẻ thường có thời gian giữ trẻ dài hơn trường mẫu giáo, rất phù hợp với những bậc phụ huynh đang đi làm. Nhà trẻ thường được chia thành 2 loại là Nhà trẻ được cấp phép (ninka-hoikuen) và Nhà trẻ không được cấp phép (muninka-hoikuen). Nhà trẻ không được cấp phép không có nghĩa là chất lượng không tốt, vì vậy bạn cần hiểu rõ đặc trưng của từng loại trường để có lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Dưới đây là một số đặc trưng của từng loại trường mà bạn cần biết:
【Nhà trẻ được cấp phép】
Là kiểu nhà trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn quy định trong Luật Phúc lợi Trẻ em và được chính phủ công nhận.
Chính phủ quy định số lượng giáo viên, quy mô trường, trang thiết bị cần thiết,… tương ứng với số lượng trẻ được chăm sóc. Chính quyền địa phương sẽ tính toán để lựa chọn trẻ được nhập học bằng cách tính điểm mức độ cần thiết chăm sóc của đứa trẻ (= chỉ số giữ trẻ).

【Nhà trẻ không được cấp phép】
Là kiểu nhà trẻ không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia nhưng đã thỏa mãn các tiêu chuẩn của tỉnh, thành phố và được phê duyệt bởi tỉnh trưởng. Tuy nhiên, trường hợp trường ở Tokyo đã đạt đủ các tiêu chuẩn công nhận của thành phố thì được gọi là “Nhà trẻ được cấp phép”. Bạn phải đăng kí xin học để được nhập học vào trường đó.

・Có thể đăng kí học tại cả 2 loại trường
Đối với Nhà trẻ được cấp phép, cơ quan chính quyền địa phương sẽ tuyển chọn học sinh; còn Nhà trẻ không được cấp phép sẽ quy định chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển chọn học sinh theo thứ tự ưu tiên người đến trước. Ở một số địa phương, có rất nhiều trường hợp bố mẹ đều đi làm toàn thời gian và ông bà ở xa nhưng con họ vẫn không được nhập học. Do đó, nếu bạn mong muốn cho con vào học tại nhà trẻ thì tốt nhất bạn nên đăng kí cả 2 loại trường để tỉ lệ đỗ cao hơn. Trước tiên, bạn hãy tìm hiểu về thời gian diễn ra buổi giới thiệu của các nhà trẻ trên website của từng trường, gọi điện để đăng kí tham dự, sau đó đến tham quan trường để sớm chọn được cho con mình ngôi trường phù hợp và ưng ý.
Các bạn nên kiểm tra thời hạn đăng ký nhập học với chính quyền địa phương nếu chọn nhà trẻ được cấp phép và với chính các trường nếu chọn nhà trẻ không được cấp phép.

【Khái quát về nhà trẻ】
・Mục đích: thực hiện việc chăm sóc trẻ thay cho phụ huynh đang đi làm
・Cơ quan quản lí: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi
・Đối tượng trẻ tiếp nhận: trẻ 0~5 tuổi, có nhà trẻ chỉ nhận trẻ 0~2 tuổi
・Thời gian nhận giữ trẻ: 7:30 ~ 18:00 (có trường có thể trông lâu hơn và có phục vụ bữa tối)

Lịch trình dự kiến đến thời điểm nhập học
・Từ tháng 10: bắt đầu phát đơn xin nhập học
・Tháng 11 ~ 12: Đăng kí nhập học (thông qua văn phòng hành chính địa phương hoặc đăng ký trực tiếp với nhà trẻ)
・Từ tháng 1: Nộp giấy thông báo tình trạng công việc của phụ huynh
・Cuối tháng 2 ~ tháng 3: Điện thoại thông báo kết quả tuyển sinh, phỏng vấn riêng tại nhà trẻ, khám sức khỏe
・Tháng 4: Nhập học

※Đối với nhà trẻ không được cấp phép, bạn sẽ trao đổi và hỏi đáp trực tiếp với trường để đăng ký nhập học.

Cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận (nintei-kodomoen)

trẻ em và phụ huynh
Nguồn ảnh: PIXTA

Do sự thiếu hụt nhà trẻ bởi sự gia tăng số lượng các gia đình có cả bố và mẹ đi làm, năm 2006, loại hình “cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận” đã ra đời, kết hợp những đặc trưng của cả trường mẫu giáo và nhà trẻ, giúp giảm bớt gánh nặng cho các phụ huynh đang đi làm. Tuy nhiên, số lượng trường chưa nhiều nên một số khu vực vẫn chưa có loại trường nay. Ưu điểm của loại trường này so với nhà trẻ là con bạn không phải chuyển trường ngay cả khi bạn thay đổi công việc. Trường hợp bạn đang gửi con tại nhà trẻ, nếu bạn nghỉ việc thì con bạn sẽ buộc phải nghỉ học. Nhưng nếu bạn gửi con tại cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận thì con bạn vẫn có thể theo học cho dù bố mẹ không còn đi làm. Ngay cả trong trường hợp người mẹ “đang mang thai và vẫn tiếp tục làm việc, nhưng sẽ nghỉ việc khi sinh con” bạn cũng không cần phải chuyển trường cho con, và con bạn cũng sẽ không phải chịu nhiều tác động của việc chuyển trường gây nên. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận sẽ tổ chức nhiều sự kiện vào ngày trong tuần, đòi hỏi phụ huynh phải tham gia. Vì vậy, nếu bố mẹ đang làm việc toàn thời gian và khó xin nghỉ thì nên xin cho con vào nhà trẻ sẽ tiện hơn.

【Khái quát về cơ sở đào tạo】
・Mục đích: nuôi và dạy trẻ tiền tiểu học
・Cơ quan quản lí: Văn phòng Nội các (hợp tác với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi)
・Đối tượng trẻ tiếp nhận: trẻ 0~5 tuổi (※)
・Thời gian nhận trông trẻ: 9:00 ~ 18:00 (có trường nhận trông trẻ lâu hơn và có phục vụ bữa tối).

※Đối tượng trẻ được chia thành 3 nhóm, với độ tuổi và thời gian nhập học khác nhau.
・Nhóm 1 (trẻ 3~5 tuổi, không được chứng nhận là cần chăm sóc)
・Nhóm 2 (trẻ 3~5 tuổi, được chứng nhận là cần chăm sóc)
・Nhóm 3 (trẻ 0~2 tuổi, được chứng nhận là cần chăm sóc)

Lịch trình dự kiến đến thời điểm nhập học
・Đối với nhóm 1:
Tháng 9~10: phát đơn xin xác nhận thuộc nhóm 1
Tháng 10~11: nộp đơn, tham gia phỏng vấn hoặc tuyển chọn
Tháng 11: làm thủ tục nhập học
Tháng 12~2: ngày hội giới thiệu nhập học, bắt đầu chuẩn bị đồ dùng, trang phục đi học tại trường
Tháng 2~3: trải nghiệm học tập tại trường
Tháng 4: nhập học

・Đối với nhóm 2,3:
Nộp đơn đăng kí đến văn phòng thành phố, quận, huyện
Đầu tháng 12 ~ đầu tháng 1: phỏng vấn tại trường có nguyện vọng 1
Giữa tháng 2 ~ đầu tháng 3: giấy chấp nhận nhập học, thông báo xác nhận thanh toán
Đầu ~ giữa tháng 3: ngày hội giới thiệu nhập học, bắt đầu chuẩn bị đồ dùng, trang phục đi học tại trường
Tháng 4: nhập học

Nên lựa chọn trường nào? Tham khảo 3 ví dụ cụ thể dưới đây

① Phụ huynh có thể chăm sóc trong ngày
・Trường mẫu giáo
Nếu bạn có thể tham gia các sự kiện vào ngày trong tuần thì chúng tôi khuyên bạn nên cho con vào trường mẫu giáo. Khi đó, bạn có thể quan sát được tình trạng của con mình ở trường, hiểu về tính cách cũng như quá trình lớn lên của con. Ngoài ra, so với nhà trẻ, tại đây bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều phụ huynh khác, để trao đổi và tìm hiểu thêm thông tin trước khi con vào học tiểu học.

・Cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận
Bạn có thể đăng kí nhập học theo diện nhóm 1 với thời gian trông giữ trẻ ngắn. Tuy nhiên, những phụ huynh đang đi làm thường được ưu tiên hơn. Nếu hiện tại bạn ở trong trường hợp “không đi làm, nhưng khi con đã quen đi nhà trẻ thì sẽ bắt đầu đi làm” thì cơ sở trông trẻ nhỏ này là một lựa chọn tốt.

② Bố hoặc mẹ đang đi làm toàn thời gian, một người làm bán thời gian 3 ngày/tuần
・Trường mẫu giáo
Nếu bạn làm công việc bán thời gian với thời gian ngắn và giờ làm việc linh hoạt, bạn có thể cho con đi học mẫu giáo. Trường mẫu giáo sẽ chăm sóc con bạn và việc có ít các sự kiện yêu cầu phụ huynh tham gia sẽ là một lựa chọn tốt.

・Nhà trẻ
Ở nhiều địa phương nhà trẻ không có quá nhiều trẻ đăng kí học bạn có thể xin cho con vào học, cho dù bạn chỉ làm công việc bán thời gian. Những trường có thời gian trông trẻ ngắn từ 9:00 ~ 17:00 sẽ có ít người xin học hơn nhà trẻ thông thường, nên bạn có thể cân nhắc đăng ký cho con vào học tại đây.

・Cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận
Chúng tôi cũng khuyến khích bạn lựa chọn cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận, để cảm nhận được ưu điểm của cả trường mẫu giáo và nhà trẻ. Khi con đã vào học tại đây, cho dù bạn có thay đổi hình thức công việc sang toàn thời gian hay nghỉ việc thì con bạn vẫn có thể theo học, mà không bị ảnh hưởng.

Bố và mẹ đều làm việc toàn thời gian và không có người trông trẻ trong ngày
・Nhà trẻ

Nếu cả bố và mẹ đều làm việc toàn thời gian thì bạn nên suy nghĩ về việc cho con theo học tại nhà trẻ. Ở đó hầu như không có các sự kiện được tổ chức vào ngày trong tuần, thời gian chăm sóc trẻ cũng dài hơn nên bạn có thể yên tâm gửi con để đi làm. Trong trường hợp bạn chỉ có thể đón con sau 7:00 tối mỗi ngày thì hãy lựa chọn nhà trẻ có thời gian trông trẻ dài hơn và có phục vụ bữa ăn tối.

Cơ sở giáo dục trẻ em được công nhận
Nếu con bạn thuộc nhóm 2 hoặc 3 thì có thể đăng kí nhập học tại đây. Tuy nhiên, kiểu trường này đôi khi sẽ tổ chức sự kiện vào ngày thường nên nếu công việc của bạn khó xin nghỉ thì bạn nên cho con đi nhà trẻ sẽ tốt hơn.

Giải pháp cho các phụ huynh đi làm nhưng lại không thể xin học cho con tại nhà trẻ được cấp phép

cha mẹ và con đang ôm đầu

Tính đến thời điểm ngày 1/4/2020, số “trẻ em phải xếp hàng” vì chưa thể vào được nhà trẻ dù đã đăng kí là 12.439 em. Điều này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản. Nếu cả bố và mẹ đều làm việc toàn thời gian và con không được vào học nhà trẻ được cấp phép thì bạn phải làm gì để có thể tìm được nơi giữ trẻ? Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 2 giải pháp cho bạn.

① Lựa chọn trường mẫu giáo có dịch vụ trông giữ trẻ
Nhiều trường mẫu giáo có dịch vụ nhận trông và chăm sóc trẻ trong thời gian dài đến khoảng 18:30, dành cho các phụ huynh làm việc toàn thời gian. Bạn hãy thử tìm một trường mẫu giáo như vậy gần nơi bạn sống để gửi con. Nhưng bạn cũng đừng quên kiểm tra xem trường đó có nhận trông trẻ trong đợt nghỉ dài như nghỉ xuân, nghỉ hè, nghỉ đông hay không nhé.

② Gửi con tại nhà trẻ không được cấp phép và hàng tháng gửi đơn đăng ký vào chỗ trống trong nhà trẻ được cấp phép
Bạn còn một phương pháp khác là gửi con vào nhà trẻ không được cấp phép trong thời gian chờ một chỗ trống ở nhà trẻ được cấp phép. Tùy cách thức của mỗi địa phương, tình trạng chỗ trống của nhà trẻ được cấp phép sẽ được công bố trên trang web chính thức của trường nên nếu bạn thấy có chỗ trống thì hãy đăng kí học ngay.

Còn nếu bạn chỉ đăng kí cho con vào nhà trẻ được cấp phép nhưng không trúng tuyển thì hãy nhanh chóng đăng kí ngay vào nhà trẻ không được cấp phép trong khu vực đó. Một số người sau khi được chấp nhận nhập học vào nhà trẻ được cấp phép có thể rút đơn xin học vào nhà trẻ không được cấp phép. Do đó bạn cần phải nhanh chóng nắm bắt thông tin và đăng ký ngay vì số lượng người như vậy sẽ không có nhiều.

Lời kết

Trên đây là một số đặc trưng khác nhau giữa trường mẫu giáo (Yochien), nhà trẻ (Hoikuen) và cơ sở giáo dục trẻ em được cấp phép (Nintei-kodomoen). Trên thực tế, các trường có thể có hình thức tổ chức giống nhau nhưng mỗi trường sẽ có đặc trưng và phương châm giáo dục riêng. Ngoài ra, nhiều địa phương còn có trường quốc tế hoặc trường dạy song ngữ,… bạn cũng có thể cân nhắc cho con mình theo học tại đó.

Điều quan trọng khi chọn trường không chỉ là thời gian trông và chăm sóc trẻ, bạn còn nên xem xét phương châm hoạt động của trường có phù hợp với tính cách của trẻ hay không. Để làm điều đó, hãy tìm hiểu về đặc trưng, phương châm đào tạo trên website của trường trong khu vực, tham dự các buổi học thử và giới thiệu về trường để có thể đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất cho con bạn.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: