Chi phí ban đầu để thuê nhà tại Nhật là bao nhiêu?

Real Estate broker or sale agent giving consultation to customer about buying house sign agreement document contract. Home loan concept

Khi quyết định lưu trú tại Nhật Bản, điều khiến nhiều người đau đầu nhất là vấn đề tiền bạc. Chi phí sinh hoạt ở mỗi quốc gia và khu vực lại rất khác nhau. Nếu ở Nhật Bản, bạn cần chuẩn bị trước nhiều loại chi phí như chi phí để kí kết hợp đồng thuê nhà, chi phí chuyển nhà hay phí mua sắm những món đồ sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống mới. Trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu từng khoản chi phí ban đầu khi chuẩn bị cuộc sống mới ở Nhật, tập trung vào đối tượng những người sống một mình. Hãy cùng tìm hiểu những khoản chi phí cơ bản và mức giá trung bình trên thị trường để có thể chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống mới tại Nhật Bản nhé.

Những khoản chi phí ban đầu khi thuê nhà không thể bỏ qua

Bạn đã quyết định đến sống ở Nhật! Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu những khoản chi phí ban đầu để bắt đầu cuộc sống mới. Mức giá trung bình cho khoản chi phí ban đầu để sống ở Nhật thường giao động trong khoảng từ 5 ~ 6 tháng tiền thuê nhà. Trong đó bao gồm 3 khoản lớn là “phí hợp đồng thuê nhà”, “phí chuyển nhà” và “phí mua sắm đồ dùng sinh hoạt”.

“Phí hợp đồng thuê nhà” chiếm tỉ lệ lớn nhất, khoảng 60% trong tổng chi phí ban đầu. Nói đến chi phí, bạn có thể chỉ nghĩ đến tiền thuê hàng tháng; nhưng Nhật Bản có quy định riêng về việc kí hợp đồng thuê nhà. Điều này khiến cho chi phí này lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Vì vậy, để không bị bất ngờ về một khoản tiền không được dự tính trước, bạn hãy tìm hiểu kĩ trước khi quyết định chuyển nhà nhé.

Chi phí ban đầu khi kí hợp đồng thuê nhà để sống một mình

Một căn hộ tai Nhật Bản

Tiền đặt cọc
Tiền đặt cọc là “tiền đảm bảo” được gửi cho chủ nhà. Khoản tiền giữ hộ này sẽ được sử dụng trong các trường hợp quá hạn trả tiền nhà, phí vệ sinh khi chuyển đi, chi phí sửa chữa hỏng hóc đồ đạc do người thuê gây ra. Bạn không được thay đổi cấu trúc căn nhà như khoan lỗ trên tường, thay giấy dán tường,… Nếu bị phát hiện, tiền đặt cọc sẽ sử dụng để khôi phục lại như thời điểm cho thuê. Đây là nội dung bạn cần chú ý khi thuê nhà.

Nếu bạn sống một mình thì khoản tiền đặt cọc thường tương đương khoảng 1 ~ 2 tháng tiền nhà. Mức giá tùy theo loại nhà và khu vực thuê. Tiền đặt cọc sau khi trừ những khoản tiền bắt buộc sẽ được hoàn trả lại khi bạn chuyển đi. Vì vậy đừng quên lấy lại nhé!

Tiền lễ
Tiền lễ là khoản tiền bạn biếu chủ nhà khi kí kết hợp đồng. Khoản tiền này để cảm ơn vì họ đã đồng ý cho bạn thuê nhà. Điều này đã trở thành một thói quen khi thuê nhà tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải quy định của pháp luật. Vì thế, quảng cáo cho thuê nhà sẽ ghi rõ bạn có phải trả tiền lễ hay không. Nếu sống một mình, tiền lễ trung bình tương đương khoảng 1 ~ 2 tháng tiền thuê nhà; nhưng gần đây nhiều hợp đồng thuê không yêu cầu trả loại phí này. Khác với tiền đặt cọc, tiền lễ không được hoàn trả lại. Vì thế, nếu có thể cắt được khoản này sẽ giúp giảm chi phí đáng kể khi thuê nhà đó.

●Phí môi giới
Phí môi giới là phí trả cho việc giới thiệu nhà thuê. Thông thường, nếu đơn vị giới thiệu nhà thuê cho bạn không phải là người cho thuê (chủ nhà) thì bạn phải trả khoảng 1 tháng tiền thuê nhà. Mỗi công ty bất động sản quy định mức phí môi giới khác nhau. Do đó bạn nên tham khảo trước khi lựa chọn công ty môi giới.

●Tiền nhà trả trước (tiền thuê 1 tháng)
Tiền nhà trả trước là phần tiền thuê của tháng đầu tiên khi bạn vào ở hoặc tháng sau đó. Thông thường, trước khi vào ở, bạn sẽ phải trả trước tiền nhà của tháng kế tiếp. Nếu thời điểm vào ở không phải là đầu tháng, mà là giữa tháng hoặc nửa sau của tháng thì tiền nhà sẽ được tính theo ngày để trả.

●Các loại phí bảo hiểm
Thường thì khi vào ở, người thuê có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm như bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hỏa hoạn, để đảm bảo cho tài sản trong nhà và ngôi nhà bạn ở khi có tổn thất xảy ra sau khi vào ở. Phí bảo hiểm hàng năm khoảng 3.000 ~ 7.000 yên. Hợp đồng thuê bất động sản ở Nhật Bản thường được kí 2 năm. Người thuê sẽ trả luôn khoản phí bảo hiểm của 2 năm khi nhận nhà. Tùy từng loại bất động sản mà loại hình bảo hiểm sẽ khác nhau. Vì vậy bạn nên tìm hiểu trước loại bảo hiểm và phí tương ứng.

●Chi phí vệ sinh
Chi phí vệ sinh nhà cửa khi chuyển đi thường được trừ vào tiền đặt cọc sau khi rời đi, nhưng cũng có trường hợp thanh toán riêng khi vừa dọn đến. Lí do chủ nhà yêu cầu trả khi chuyển đến là bởi có trường hợp bạn không phải trả tiền đặt cọc khi thuê nên khoản này có thể coi như thay cho tiền đặt cọc, hoặc có trường hợp muốn tránh những rắc rồi phát sinh liên quan đến chi phí khi chuyển đi. Phí vệ sinh đối với 1 phòng dành cho 1 người ở thường khoảng trên dưới 30.000 yên. Đây là khoản phí khá lớn so với bình thường. Vì vây, bạn đừng quên xác nhận thời điểm trả là khi bắt đầu vào ở hay khi dọn đi lúc kí hợp đồng nhé.

●Thay chìa khóa mới
Nhiều người thuê sẽ thấy không yên tâm khi sử dụng lại chìa khóa nhà của người thuê trước. Trong trường hợp đó, bạn có thể thoải mái thay chìa khóa mới. Chi phí này trong phần lớn hợp đồng thuê sẽ do người thuê chịu, tốn khoảng 18.000 yên nếu là khóa thường hoặc 20.000 ~ 30.000 yên nếu là khóa tự động. Hầu hết chúng ta đều không biết người thuê trước là ai. Vì vậy, việc thay chìa khóa mới là điều nên làm phòng chống rủi ro mất đồ.

●Tiền hợp đồng với công ty bảo lãnh
Khi thuê nhà ở Nhật Bản, việc phải có “người bảo lãnh” đứng tên có trách nhiệm chi trả thay nếu người thuê không có khả năng thanh toán tiền thuê nhà là một quy định bắt buộc. Để người nước ngoài có thể thuê nhà ở Nhật thì người bảo lãnh bắt buộc phải là người Nhật. Tuy nhiên, trong trường hợp không có người Nhật bảo lãnh, bạn có thể nhờ các công ty bảo lãnh. Cũng có trường hợp, ngay cả khi đã có người bảo lãnh, bạn vẫn phải kí hợp đồng với công ty bảo lãnh.

Mức phí trung bình khi sử dụng dịch vụ của công ty bảo lãnh thường rơi vào khoảng 40% ~ khoản tiền thuê một tháng tùy theo giá thuê và giá trị căn nhà. Ngoài ra, bạn có thể phải trả chi phí gia hạn hợp đồng bảo lãnh (thường là 2 năm/lần).

Trên thị trường có rất nhiều công ty bảo lãnh. Do đó tốt nhất là bạn nên hỏi thăm những người có kinh nghiệm để biết thêm thông tin. Bạn có thể hỏi thông tin cụ thể từ những người Nhật quen biết, hoặc bạn bè đồng hương đã có kinh nghiệm thuê nhà, những người cùng công ty hoặc bạn cùng trường,… Hoặc bạn có thể sử dụng dịch vụ của những công ty bất động sản chuyên phục vụ cho các đối tác từ nước bạn hay các công ty bảo lãnh chuyên dành cho người nước ngoài, khi đó sự tận tâm, đồng hành trong dịch vụ của họ sẽ giúp bạn yên tâm hơn.

Chính phủ Nhật có chính sách hỗ trợ bảo lãnh chi phí thấp dành cho đối tượng du học sinh. Mức phí tự trả 1 năm là 4.000 yên hoặc 2 năm là 8.000 yên). Để nhận được chính sách ưu đãi này, bạn phải đáp ứng điều kiện như phải xác thực rằng mình đang hoặc sẽ vào học tại một trong những trường được chỉ định và có tư cách lưu trú “Du học”. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết trên website JEES (Hiệp hội hỗ trợ đào tạo quốc tế Nhật Bản).

Tháng 3~4 là khoảng thời gian giá thuê nhà tăng cao! So sánh chi phí chuyển nhà với giá thị trường

Căn hộ ở Nhật
Ned Snowman / Shutterstock.com

Phí chuyển nhà

Khi nói đến việc bắt đầu cuộc sống mới, nhiều người thường chỉ chú tâm đến hợp đồng thuê nơi ở mới, nhưng thực tế thì chúng ta cũng không nên xem nhẹ chi phí chuyển nhà. Nếu bạn chuyển từ nước ngoài đến Nhật Bản thì chi phí này sẽ chênh lệch khá lớn tùy theo khoảng cách vận chuyển và số lượng đồ.

Do đó, cách tốt nhất là bạn nên giảm thiếu tối đa lượng đồ. Hãy lựa chọn thật kĩ và chỉ mang theo những món đồ thực sự cần thiết như là những đồ dùng không thể mua tại Nhật Bản thôi nhé! Gần đây, xu hướng thuê nhà có sẵn đồ đạc đang trở nên phổ biến. Đây cũng là điều để bạn cân nhắc có nên mang theo đồ đến hay không dựa vào theo thời gian dự kiến lưu trú và ngân sách.

<Chi phí chuyển nhà>
Chi phí chuyển nhà sẽ thay đổi tùy theo lượng đồ và khoảng cách di chuyển; nhưng nếu bạn đang sống ở Nhật, chuyển từ kí túc xá hoặc nhà trọ cũ ra ở riêng lần đầu thì chi phí chuyển nhà trung bình khoảng 30.000 yên. Còn nếu bạn đang sống một mình ở Nhật và chuyển đến một nơi khác thì mức phí bình quân là 40.000 yên. Nếu bạn định chuyển toàn bộ đồ dùng gia đình và đồ điện khi sống một mình trước đó thì chi phí vận chuyển đồ đạc sẽ cao hơn.

<Thời gian>
Điều quan trọng để tiết kiệm tiền chuyển nhà là thời gian chuyển nhà. Ở Nhật Bản, mọi người thường chuyển nhà vào thời điểm nhập học và khi vào công ty mới. Vì vậy, khoảng thời gian chuyển đổi năm tài chính vào tháng 3~4, phí chuyển nhà thường tăng cao đến 60.000 yên, tăng gấp 1,5 lần. Do đó, nếu bạn có định chuyển nhà thì hãy cố gắng tránh khoảng thời gian này ra. Ngoài ra, có những đơn vị cung cấp sẽ đưa ra chương trình giảm giá với chính sách không cố định thời gian xếp đồ lên xe và đưa đồ đến nơi ở mới.

Do chi phí chuyển nhà thay đổi tùy theo lượng đồ và khoảng cách sinh sống của từng khách hàng nên không có bảng phí chính xác. Bạn nên hỏi giá từ nhiều công ty cung cấp dịch vụ để so sánh và thương lượng trực tiếp.

Phí tùy chọn và các chi phí khác khi thuê nhà

Mỗi nhà cung cấp dịch vụ chuyển nhà sẽ có danh sách dịch vụ tùy chọn theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó có các dịch vụ cụ thể như đóng gói các đồ vật nhỏ, xử lý các đồ dùng không cần thiết, lắp đặt máy giặt, điều hòa, ti vi, đường điện,… Tất cả các dịch vụ này đều mất phí với bảng chi phí và nội dung công việc cụ thể khác nhau tùy theo công ty cung cấp dịch vụ.

Giá đóng gói đồ đạc cho người sống một mình thông thường là 20.000 ~ 50.000 yên tùy theo số người làm và lượng đồ dùng. Chi phí lắp đặt ti vi và máy giặt khoảng 3.000 ~ 5.000 yên. Chi phí xử lý đồ không sử dụng sẽ tùy thuộc vào loại đồ và kích thước đồ dùng. Mức giá trung bình rời vào khoảng 10.000 yên mỗi món đồ.

<Vứt bỏ đồ điện gia dụng>
Luật pháp Nhật Bản quy định, khi vứt bỏ đồ điện gia dụng như ti vi, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt,… sẽ phải nộp phí theo quy định để được xử lý đúng cách. Do đó, bạn nên ủy thác cho các công ty vận chuyển để không phải mất thời gian cho những thủ tục này. Hoặc khi bạn mua đồ dùng mới thay thế đồ bỏ đi thì cửa hàng bán đồ điện mới cũng nhận vứt đồ dùng không cần thiết của bạn, bạn có thể hỏi lại chi phí vứt đồ và nhờ họ xử lý.

<Tiền boa>
Bạn không cần trả thêm tiền cho nhân viên dịch vụ chuyển nhà. Bạn chỉ cần tặng chai nước uống lạnh hoặc lon cà phê cho nhân viên đã làm việc chăm chỉ để thể hiện sự biết ơn của mình với họ là đủ.

Có thể tiết kiệm chi phí mua đồ dùng sinh hoạt tùy vào sự lựa chọn của bạn

Đồ gia dụng
Ismail Sadiron / Shutterstock.com

●Đồ điện gia dụng (tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng,…)
Hầu hết tủ lạnh bán tại Nhật Bản đều có chức năng làm đông. Tủ 200L có giá khoảng 30.000 yên. Nếu bạn không tự nấu ăn thì tủ lạnh dung tích 100L với giá từ 10.000 yên là vừa đủ. Máy giặt loại 5kg ~ 7kg có giá khoảng 30.000 ~ 40.000 yên. Tivi 27 inches giá khoảng 20.000 ~ 30.000 yên. Lò vi sóng dành cho một người có giá khoảng 10.000 yên. Bạn có thể tìm thấy loại giá 5.000 yên nếu giảm bớt một số tính năng.

Thông thường, đồ điện gia dụng sản xuất tại Nhật Bản rẻ hơn hàng xuất xứ từ nước ngoài. Vì thế, nếu không có yêu cầu gì đặc biệt, bạn chỉ cần mua đồ từ các hãng lớn trong nước là đủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm chi phí hơn nữa bằng cách mua đồ ở cửa hàng đồ cũ hoặc chọn mua “Bộ đồ điện gia dụng dành cho một người” được bán tại các cửa hàng điện máy.

Mặc dù một số nhà cho thuê có kèm theo đồ dùng và đồ điện sinh hoạt; nhưng thông thường bạn vẫn phải mua sắm thêm một số món đồ. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người và khu vực sống khác nhau, mà cũng có trường hợp người dùng thấy sử dụng dịch vụ giặt là trả xu ở gần nhà là đủ và không cần phải có máy giặt, hoặc lò vi sóng ở cửa hàng tiện lợi đã đáp ứng được hết nhu cầu của họ rồi. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kĩ xem đâu là những món đồ thật sự cần thiết với mình để tránh sử dụng tiền một cách lãng phí nhé.

●Đồ ngủ
Giường ngủ có giá 30.000 yên và nệm kiểu Nhật (Futon) có giá khoảng 10.000 yên. Giường sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian thu gọn hơn. Mặt khác, lại đòi hỏi không gian và rất phiền phức khi mua. Trong khi đó, sử dụng futon bạn có thể dễ dàng gấp gọn lại. Loại này rất thích hợp nếu phòng của bạn không rộng lắm. Gần đây, mọi người có xu hướng sử dụng đệm thông thường thay cho giường. Đệm thường rẻ hơn giường và êm hơn futon, cũng dễ xử lý khi cần mua hay chuyển nhà. Do đó bạn có thể thử cân nhắc đến phương án này khi lựa chọn đồ ngủ.

●Rèm cửa
Khi thuê nhà ở Nhật, người thuê thường phải tự chuẩn bị rèm cửa. Giá rèm giao động khoảng trên dưới 30.000 yên tùy thuộc vào chất liệu, thiết kế và kích thước. Bạn cần quyết định lựa chọn nhà thuê trước, sau đó xác định số lượng cửa sổ và kích thước để chuẩn bị rèm.

●Thiết bị chiếu sáng (thường được gắn sẵn trong phòng)
Bạn có thể mua thiết bị chiếu sáng, bao gồm cả đèn trần LED giá khoảng 4.000 yên. Đèn trần được gắn trực tiếp lên trần nhà, chiếu sáng cho toàn bộ phòng. Vì vậy, bạn nên chọn mua loại này nếu muốn căn phòng trông rộng hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà thuê hiện nay cũng đều gắn sẵn đèn chiếu sáng. Trước khi chuyển đến, bạn hãy kiểm tra kĩ xem có cần mua hay không nhé!

●Bàn
Bạn có thể mua một chiếc bàn nhỏ vừa đủ cho một người với giá khoảng 2.000 ~ 3.000 yên. Bạn nên mua trước một chiếc bàn tốt. Nếu không kịp chuẩn bị thì có thể thay thế bằng hộp bìa các-tông cứng sử dụng lúc chuyển đồ. Mua bàn sau khi sắp xếp đồ đạc trong nhà cũng là phương án hợp lý.

[Chi phí khác khi thuê nhà] Mạng internet

Phòng 1 người ở Nhật

Internet có loại có dây và không dây. Nếu chọn loại có dây, nhà cung cấp phải thi công. Chi phí thi công thường rơi vào khoảng 15.000 ~ 40.000 yên. Đôi khi, bạn có thể được miễn phí nếu gặp chương trình khuyến mãi hoặc mua theo gói dịch vụ. Tuy nhiên, tháng 3~4 là thời điểm nhiều người đăng ký sử dụng. Vì vây, bạn khó có thể lắp đặt mạng theo đúng ngày mong muốn. Bạn sẽ có thể phải chờ 1~2 tháng sau đó mới được lắp. Chính vì vậy, đây cũng là một điểm bất lợi của internet có dây.

Tùy một số khu vực, cũng có những nơi đã thiết lập sẵn đường dây chờ internet. Bạn thậm chí còn có thể sử dụng ngay với thủ tục rất đơn giản. Bạn nên xác nhận trước thông tin này với công ty bất động sản và chủ nhà. Chi phí internet hàng tháng phụ thuộc vào dung lượng sử dụng và gói cước đăng ký; nhưng một người dùng thường sẽ tốn khoảng 4.000 ~ 5.000 yên.

Loại internet không dây, không cần thi công sẽ có loại bộ phát tại nhà (home router) và bộ phát di động (mobile router) có mức giá khoảng 4.000 ~ 5.000 yên. Sử dụng loại này, bạn sẽ không phải trả phí thi công, có thể sử dụng ngay; nhưng bạn sẽ tốn chi phí mua thiết bị ban đầu khoảng 15.000 yên. Nếu là bộ phát wifi di động thì bạn có thể sử dụng tại nhà hoặc mang theo đến bất kì đâu và cũng có thể sử dụng kết hợp cho wifi điện thoại di động. Khi đó, nếu kết hợp sử dụng, bạn có thể tiết kiệm kha khá chi phí liên lạc đó.

Nhiều công ty cung cấp dịch vụ áp dụng giảm giá sử dụng mạng internet thông qua các chương trình như giảm giá khi kết hợp sử dụng cho điện thoại di động hoặc giảm giá khi chuyển đổi sử dụng nhà mạng của các công ty đối thủ,… Các công ty còn đưa ra nhiều chương trình phù hợp với lưu lượng sử dụng khác nhau. Bạn chỉ cần hỏi thăm vài người bạn nước ngoài đang sử dụng dịch vụ hay đến quầy tư vấn ở các cửa hàng điện máy gia dụng là có thể thu thập được những thông tin có ích để sau đó đưa ra quyết định phù hợp.

Tiết kiệm khôn ngoan! Phương pháp giảm thiểu tối đa chi phí khi thuê nhà

Bạn nên đến công ty bất động sản để hỏi về khoản chi phí ban đầu khi chuyển nhà. Các khoản phí này sẽ chiếm phần lớn trong chi phí thuê nhà. Do đó, bạn nên thông báo chính xác mức phí có thể chi trả khi quyết định nhà thuê. Điều này giúp công ty bất động sản có thể giới thiệu nhà thuê phù hợp cho bạn. Sau khi chọn nhà thuê, những nội dung thương lượng sẽ được thu hẹp lại.

Về nguyên tắc, bạn sẽ trao đổi về các khoản phí như tiền đặt cọc và tiền lễ,… trước khi kí hợp đồng. Ngoài ra, sẽ rất có lợi nếu bạn biết được thông tin từ những người bạn đang sống tại Nhật. Những người có kinh nghiệm thuê nhà là những người biết rõ thông tin nhất. Vì vậy, cách tốt nhất là hãy tham khảo thông tin từ họ.

Để giảm thiểu chi phí ban đầu, bạn cần xử lý những vấn đề có thể tự giải quyết được. Có nhiều người tự vệ sinh nhà cửa, lắp đặt máy giặt, điều hòa trước khi vào ở, hay tự thuê xe và vận chuyển đồ đạc nếu khoảng cách không quá xa. Hãy sử dụng ngân sách giới hạn của mình một cách thông minh!

Phòng 1 người ở Nhật
画像:PIXTA

Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu những khoản chi phí ban đầu khi chuyển nhà; nhưng chi phí kí hợp đồng thuê nhà và chuyển nhà đều không có bảng giá định mức chung. Bạn hoàn toàn có thể cắt giảm chi phí dựa trên nhu cầu và năng lực đàm phán của mình. Dựa trên bài viết này, hãy tính toán các khoản chi phí và thương lượng trước để có cuộc sống mới trong mơ tại Nhật Bản nhé.

※ Bạn có thể tham khảo các mức giá đưa ra trong bài để so sánh. Chi phí thực tế có thể thay đổi tùy theo khu vực sinh sống, lượng đồ dùng bạn sở hữu và những thay đổi của thị trường,…

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: