7 điều bạn cần lưu ý trong phong tục tang lễ của Nhật Bản

Japanese Funerals

Lễ tang tại Nhật Bản là một sự kiện vô cùng quan trọng và người Nhật có rất nhiều nghi lễ thủ tục để đảm bảo buổi lễ tiễn đưa người đã khuất diễn ra một cách trang trọng. Vì thế, nếu bạn được mời tham dự lễ tang ở Nhật thì có thể bạn sẽ thấy lo lắng khi không biết mình có bỏ qua nghi lễ nào quan trọng hay không. Để giúp các bạn có thể trang bị những kiến thức cần thiết khi tham gia tang lễ, trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết để bạn có thể hiểu rõ hơn có những nghi lễ gì và cần phải làm những gì ở nghi lễ quan trọng này.

1. Bạn nên mặc gì khi dự tang lễ ở Nhật Bản

Trang phục dự lễ tang
buritora / Shutterstock.com

Theo quan niệm của người Nhật, tang lễ là cơ hội cuối cùng để bạn bày tỏ lòng kính trọng và nói lời từ biệt tới người đã khuất, do đó màu đen xám là màu được lựa chọn để thể hiện sự tôn trọng với người mất và tang quyến của họ. Đối với người Nhật, tang lễ nên được tổ chức vào ngày Chủ Nhật. Nam giới khi tham dự tang lễ nên mặc áo sơ mi trắng gọn gàng cùng bộ vest đen chỉnh tề và trang nghiêm. Tương tự như vậy, phụ nữ nên mặc một chiếc váy đen không hở hang, kimono hoặc bộ vest đen. Đối với phụ nữ, mặc dù bạn không bắt buộc phải đeo trang sức nhưng nếu bạn là người thích sử dụng phụ kiện để làm đẹp, bạn có thể đeo một chuỗi ngọc trai. Ngọc trai được coi là loại trang sức tiêu chuẩn cho tang lễ ở Nhật Bản, rất nhiều phụ nữ Nhật Bản đeo một chuỗi ngọc trai hay khuyên tai ngọc trai vì chúng biểu tượng cho sự thuần khiết của con người.

Tất cả đồ đạc mà bạn mang theo tới lễ tang cũng đều phải có màu đen, bao gồm ô, cặp xách, túi xách tay và giầy. Nói tóm lại, đừng mặc thứ gì có màu sáng hoặc màu sắc sặc sỡ vì điều này có thể gây phá vỡ bầu không khí trang trọng của lễ tang ở Nhật.

2. Bạn nên mang gì đến tang lễ

Tiền phúng viếng (koden) khi tham dự tang lễ ở Nhật
Lia_t / Shutterstock.com

Để tỏ lòng cảm thông và chia sẻ nỗi buồn mất mát với gia đình người đã khuất, tiền phúng viếng (koden) là một lựa chọn tuyệt vời vì chi phí tổ chức tang lễ ở Nhật Bản rất tốn kém. Bạn cần lưu ý rằng ở Nhật, người ta cho tiền phúng viếng vào một loại phong bì đặc biệt mà bạn có thể dễ dàng mua được ở các cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng 100 yên hoặc thậm chí là cả cửa hàng tiên lợi khác. Loại phong bì dùng cho dịp này là phong bì trắng có dải băng màu trắng đen hướng lên trên. Bạn nhớ đừng bao giờ mua loại phong bì màu đỏ và trắng dành cho các dịp lễ mừng nhé.

Chiếc phong bì dành cho tiền phúng viếng sẽ có một chiếc phong bì khác ở bên trong để đựng tiền phúng viếng. Theo lệ, bạn càng gần gũi với người đã khuất thì khoản tiền phúng viếng sẽ càng lớn, nhưng số tiền hợp lý thường rơi vào khoảng từ 5000 yên tới 30.000 yên. Số lẻ thường được sử dụng cho những sự kiện buồn, vì vậy, bạn nên để vào phong bì số tiền phúng viếng là con số lẻ. Thêm vào đó, bạn cũng nên lưu ý tránh để số tiền phúng viếng không có số “bốn” vì trong tiếng Nhật số bốn được phát âm là “shi” cùng âm với từ chỉ cái chết.

Sau khi đã đút tiền vào phong bì bên trong, bạn nên viết số tiền phúng viếng của mình ở mặt trước phong bì, và điền tên và địa chỉ của mình ở mặt sau phong bì. Sau cùng, bạn sẽ đút chiếc phong bì này vào bên trong của chiếc bì thư trang trí và có kích thước lớn hơn. Việc ghi chi tiết thông tin cá nhân vào phong bì phúng viếng sẽ giúp gia đình của người đã khuất ghi chép được chính xác số tiền mà họ nhận được từ những người đi viếng.

Fukusa
Koden in a fukusa | PIXTA

Thêm vào đó, theo tục lệ thì người ta thường gói chiếc phong bì phúng viếng vào bên trong một tấm vải có tên là “fukusa” để phong bì không bì cong hay bị bẩn. Các màu đen, nâu và tím là những màu thường được dùng cho những dịp này và bạn có thể mua các phong bì này tại các trung tâm thương mại. Bạn cũng lưu ý rằng có những quy tắc cụ thể về cách gói phong bì vào trong miếng vải fukusa nên nếu bạn không biết thì hãy hỏi một người Nhật bản xứ về cách sử dụng miếng vải này nhé.

3. Những hoạt động ở lễ viếng (Otsuya)

nhà sư Phật giáo niệm kinh Phật
SAND555UG / Shutterstock.com

Các tang lễ ở Nhật thường được chia thành hai phần, phần đầu được gọi là buổi lễ viếng (otsuya) được tổ chức vào buổi tối trước khi lễ tang chính thức diễn ra. Nếu bạn không quá gần gũi với người đã khuất, bạn chỉ cần tham dự lễ viếng chứ không cần tham dự lễ tang. Lễ viếng thường kéo dài 1 – 2 giờ đồng hồ, với sự tham gia của bạn bè, người thân và gia đình của người đã khuất để nghe các nhà sư Phật giáo niệm kinh Phật xoa dịu nỗi đau mất người thân. Nếu tới viếng, bạn nhớ hỏi những người quen của mình về giờ viếng để tới đúng giờ, đừng tới giữa lúc mọi người đang nghe kinh Phật để tránh làm ngắt quãng lễ viếng.

Khi bạn tới địa điểm trước giờ viếng, bạn sẽ được xếp vào các hàng để đi viếng người đã khuất và chia sẻ nỗi buồn và mất mát với thân nhân của họ. Tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với người đã khuất mà bạn sẽ đứng vào hàng dành cho những thành viên trong gia đình hoặc hàng dành cho bạn học, đồng nghiệp và người quen. Nếu bạn biết chút tiếng Nhật thì bạn sẽ thấy người ta dùng bảng có chữ “Gokazokusama” (ご家族様) dành cho gia đình còn “Goyujinsama” (ご友人様) dành cho bạn bè thân hữu. Tuy nhiên, nếu bạn không biết tiếng Nhật cũng đừng lo lắng vì những người khác dự lễ viếng sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn đứng vào đúng hàng dành cho mình.

Dù bạn có thể rời lễ viếng giữa lúc buổi niệm kinh đang diễn ra nhưng thường người Nhật sẽ không làm như vậy. Do đó, bạn cũng đừng rời lễ viếng giữa chừng để tránh làm phiền người tham gia tang lễ. Những nhà sư Phật giáo sẽ thường niệm kinh lớn và trầm để giúp người đã khuất có thể đi về cõi vĩnh hằng một cách suôn sẻ. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để ngồi im lắng nghe kinh và đừng sốt ruột nhé.

4. Lễ tang gồm những nghi lễ nào?

Lễ tang tại Nhật
SAND555UG / Shutterstock.com

Lễ tang thường được cử hành một ngày sau lễ viếng và thường bao gồm các nghi lễ Phật giáo cầu kỳ hơn. Nếu bạn dự lễ tang, bạn sẽ phải tham gia vào các thủ tục nhằm thể hiện sự kính trọng dành cho người đã khuất. Một nghi lễ truyền thống là nghi lễ thắp hương (oshoukou) để mọi người cầu chúc cho linh hồn của người đã khuất. Để thực hiện nghi lễ này, bạn sẽ đi đến ban thờ, lấy một que hương và đặt lên trán. Sau đó châm hương tại một cái “bát đựng lửa”. Tùy thuộc dòng đạo Phật nào cử hành nghi lễ thì bạn có thể phải thực hiện nghi thức này một hoặc lặp lại nhiều lần.

Thêm vào đó, bạn sẽ có cơ hội tiễn biệt người đã khuất, đi qua quan tài của họ và nói lời vĩnh biệt vào cuối của lễ tang. Khi bạn xếp hàng chờ nói lời vĩnh biệt, bạn sẽ được người tổ chức lễ tang đưa cho một bông hoa (thường là hoa ly và hoa cúc) để khi tới lượt của mình, bạn sẽ đặt bông hoa đó vào trong quan tài của người đã khuất. Bạn cũng có thể chuẩn bị những dòng lưu bút ngắn để đặt vào trong quan tài cùng với hoa của mình. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn tới gần quan tài, bạn có thể lựa chọn chứng kiến nghi lễ này từ xa. Nếu ai đó đến gần và đề nghị bạn tới viếng quan tài, bạn có thể từ chối một cách lịch sự rằng mình “đang nói lời từ biệt với người đã khuất trong tâm của mình”. Thường thì người Nhật đều tới gần quan tài, nhưng bạn không cần phải thực hiện điều này nếu bạn không thấy thoải mái.

5. Sau tang lễ sẽ có những gì?

Linh cữu của người đã khuất
NKM999 / Shutterstock.com

Sau khi lễ tang kết thúc, giờ là lúc tới nhà hỏa táng địa phương vì hầu hết người Nhật đều lựa chọn được hỏa táng sau khi chết. Vào lúc này, linh cữu của người đã khuất thường được di chuyển trên một xe tang (reikyusha) thường là một chiếc limousine màu đen với thiết kế nóc rất cầu kỳ theo phong cách Nhật Bản. Gia đình của người đã khuất sẽ di chuyển trên những chiếc xe riêng còn người thân sẽ được chở trên những chiếc xe buýt. Thường thì lễ hỏa táng chỉ có người nhà và họ hàng của người đã khuất tham dự nhưng nếu bạn là người bạn rất thân, bạn có thể xin phép gia đình của người đã khuất để cùng đi tới lễ hỏa táng.

Điều khiến bạn có thể ngạc nhiên là trước khi xuất phát, tài xế của xe tang sẽ ấn còi liên tục trong vòng  5 đến 10 giây đồng hồ. Điều này là để thông báo với mọi người rằng người đã khuất chuẩn bị rời khỏi cõi trần. Nếu bạn ở những nước không có tục lệ này, tiếng còi xe ing ỏi có thể sẽ khiến bạn giật mình. Vì thế, bạn nhớ chuẩn bị tinh thần cho chuyện này nhé.

6. Nghi lễ hỏa táng

Đũa
Yellow Cat / Shutterstock.com

Nếu bạn kết hôn với một người Nhật, sẽ có lúc bạn tham dự một lễ tang của người thân trong gia đình. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ có vai trò quan trọng trong việc hiện diện và tham gia vào nghi lễ hỏa tang. Tại đó, đầu tiên bạn sẽ cùng với những người thân trong gia đình chờ đợi ở phòng chờ khi thi thể của người đã khuất được hỏa tang. Sau khi việc hỏa tang kết thúc, bạn sẽ theo các thành viên trong gia đình và đi lần lượt vào căn phòng mà quan tài được lấy ra từ lò hỏa táng. Sau đó, bạn sẽ cầm một đôi đũa đặc biệt và gắp xương của người đã khuất từ quan tài vào trong. Khi tất cả các thành viên trong gia đình đã thực hiện điều này, nhân viên tại nhà hỏa táng sẽ nhặt những phần còn lại vào trong lọ đựng cốt rồi niêm phong nó lại.

Bạn cần lưu ý rằng ở Nhật Bản người ta chỉ lưu lại xương chứ không giữ lại phần tro của người đã khuất. Điều này có thể khá lạ lẫm với nhiều người nước ngoài đến từ quốc gia có phong tục giữ lại phần tro của người đã khuất với ý nghĩa khép lại một kiếp người.

7. Những nghi lễ phải làm trước khi về nhà

Kodengaeshi
takayan/ Shutterstock.com

Dù bạn chỉ tham dự lễ viếng hay lễ tang hay cả hai, bạn đều phải xếp hàng và chuyển tiền phúng viếng tới khu vực lễ tân đã được chỉ định từ trước. Sau đó, nhân viên lễ tân sẽ đưa cho bạn mọt chiếc túi được gọi là “kodengaeshi” có đựng muối, trà và một số đồ ăn nhẹ. Trong văn hóa Nhật Bản, quan niệm có đi có lại là điều vô cùng quan trọng. Tang lễ cũng không nằm ngoài quan niệm đó, và kodengaeshi giống như một món quà đáp lễ thể hiện lòng biết ơn của gia đình tang quyến đối với bạn khi đã chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát của họ. Hãy chắc chắn rằng bạn không quên muối, vì bạn cần ném muối ra sau vai để xua đuổi linh hồn trước khi bước vào nhà.

Lời kết

Các lễ tang là nơi cùng sẻ chia nỗi buồn đau với gia quyến khi mất đi người thân của mình. Vì thế, việc nắm rõ các quy tắc lễ nghi trong lễ tang ở Nhật sẽ giúp bạn có thể phần nào an ủi nỗi đau mất mát với gia đình người đã khuất đúng cách. Nếu bạn cần tham dự một lễ tang ở Nhật, tốt nhất là bạn nên đi cùng những người Nhật cũng đến dự lễ tang để họ có thể hướng dẫn cho bạn. Nếu không, chúng tôi cũng hi vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho các bạn các thông tin cần thiết để bạn có thể thực hiện đúng các nghi lễ trong buổi tiễn đưa người đã khuất tới nơi an nghỉ.

Ảnh tiêu đề: akiyoko / Shutterstock.com

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: