Nhật Bản qua những con số: Thu nhập bình quân theo tháng, theo giờ, độ tuổi kết hôn trung bình của người Nhật

Khi nhắc tới người Nhật, bạn thường có ấn tượng như thế nào? Chắc hẳn mọi người thường nghĩ người Nhật là một dân tộc sống thọ, có vóc dáng mảnh mai và có điều kiện kinh tế khá giả đúng không nào? Những suy nghĩ này có thể bắt nguồn từ những luồng thông tin chính thống cũng như những lời đồn đại muôn màu muôn vẻ. Vậy thì người Nhật thực chất là những người như thế nào? Liệu có phải ai trong số họ cũng sống lâu, thon thả và có điều kiện kinh tế hay không? Trong bài viết này, hãy cùng đi làm rõ những đặc điểm của người Nhật thông qua những con số nhé.

Thu nhập trung bình của người Nhật thấp hơn mức trung bình của thế giới: Kém 2,86 triệu yên so với Iceland, quốc gia đứng đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người

ngã tư shibuya
Peter Austin / Shutterstock.com

Nhật Bản có phải là một cường quốc kinh tế hay không? So sánh GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của các quốc gia trên thế giới dựa trên dữ liệu của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), Nhật Bản đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc (tính đến năm 2018). Nếu nhìn vào chỉ số GDP, có thể nói rằng đây là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, “tiềm lực kinh tế quốc gia” và “sự giàu có của người Nhật” không đồng nghĩa với nhau. Lý do là các quốc gia có dân số lớn sẽ tăng GDP tự nhiên. Một chỉ số phản ánh dễ dàng hơn sự giàu có của người dân là GDP bình quân đầu người. Nhìn vào bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người dựa trên dữ liệu của IMF, Nhật Bản đứng thứ 2 vào năm 1988, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 26 trên thế giới vào năm 2018. Nói cách khác, người Nhật đang ngày càng trở nên nghèo hơn.

Kết quả trên được phản ảnh từ mức lương của người dân. Nhìn vào bảng xếp hạng thu nhập trung bình hàng năm của các quốc gia thành viên do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, vị trí đầu tiên thuộc về Iceland với 66.504 đô la (khoảng 7.324.204 Yên), vị trí thứ hai là Luxembourg 65.449 đô la (khoảng 7.225.569 yên), vị trí thứ ba Thụy Sỹ 64.109 đô la (khoảng 7.077.763 yên), vị trí thứ tư là Mỹ 63.093 đô la (khoảng 6.695.467 yên) và vị trí thứ năm là Đan Mạch 55.253 đô la (khoảng 6.099.993 yên). Nhật Bản xếp thứ 19 ở mức 40.573 đô la (khoảng 4.379.259 yên), dưới mức trung bình của tất cả các quốc gia thành viên OECD là 466.686 đô la (khoảng 5.154.134 yên).

đường phố Nhật Bản
WildSnap / Shutterstock.com

Có nhiều lý do giải thích cho việc tại sao người Nhật có thu nhập bình quân thấp hơn thế giới. Ví dụ như thiếu nhân tài do sự suy giảm trình độ học vấn. Cũng có ý kiến cho rằng phong cách làm việc cứng nhắc của Nhật Bản như chế độ lương thâm niên hay trả lương theo độ tuổi đã dẫn đến sự suy giảm năng suất lao động. Các công ty Nhật Bản thường trả lương theo thâm niên và nuôi nhân viên của họ cho đến khi nghỉ hưu, sự ràng buộc chặt chẽ như một gia đình và rất khó sa thải nhân viên theo luật. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về chế độ việc làm của Nhật Bản, tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào những con số, rõ ràng người lao động Nhật Bản đang không được khá giả lắm.

Tình trạng chệnh lệch thu nhập nam nữ tại Nhật: Thu nhập của đàn ông cao hơn phụ nữ tới 25%?

phụ nữ Nhật Bản
Olivier Guiberteau / Shutterstock.com

Theo bảng xếp hạng OECD về chênh lệch thu nhập theo giới tính, Hàn Quốc đứng đầu với 34,1%, tiếp theo là Nhật Bản với 24,5%. Điều này có nghĩa là đàn ông kiếm được nhiều hơn 25% so với phụ nữ. Giả dụ, tại Nhật Bản nếu một người đàn ông kiếm được 1 triệu yên mỗi tháng thì phụ nữ chỉ kiếm được khoảng 750.000 yên. Sự chênh lệch thu nhập theo giới tính cũng được ghi nhận tại các quốc gia khác như Israel (21,8%) hay Hoa Kỳ (18,9%).

Ngoài ra, theo báo cáo về bất bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2018 (tháng 12/2018), các chỉ số chênh lệch giới tính được ghi nhận tại mỗi quốc gia theo bốn lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, chính trị và bảo hiểm. Trong đó, Nhật Bản được xếp hạng 110/144 và được coi là một xã hội có sự bất bình đẳng giới tương đối lớn. Đặc biệt, Nhật Bản có chỉ số bất bình đẳng giới rất lớn trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, chẳng hạn như các vị trí quản lý hầu hết đều do nam giới đảm nhận và phụ nữ ở nước này cũng thường có mức thu nhập thấp hơn nam giới.

Vậy tại sao bất bình đẳng giới lại xảy ra tại Nhật Bản? Một trong những lý do phổ biến là bởi rất ít phụ nữ muốn được thăng tiến ngay từ đầu vì rất để họ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình, dẫn đến kết quả là thu nhập trung bình hàng năm của phụ nữ thấp hơn nam giới. Lý do thứ hai là việc nghỉ việc để chăm sóc con cái là rất phổ biến ở Nhật, nhiều phụ nữ thường nghỉ việc khi có con, và sau khi nghỉ việc, họ sẽ rất khó có thể đi làm lại, dẫn đến sự suy giảm thu nhập trung bình của phụ nữ. Cả hai lý do trên đều được cho là có liên quan mật thiết tới phong tục truyền thống của Nhật Bản, rằng “chăm sóc con cái là việc của nữ giới”. Mặc dù gần đây, xã hội đã bắt đầu thay đổi cái nhìn về vấn đề này, tuy nhiên các công ty Nhật Bản vẫn chưa đủ linh hoạt trong việc tạo ra một môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ.

Mức lương trung bình mỗi giờ của người Nhật: 790 yên (khu vực nông thôn), 1.013 yên (Tokyo)

tàu điện tại Nhật
Morumotto / Shutterstock.com

Theo bảng xếp hạng mức lương tối thiểu thực tế trên toàn thế giới của OECD năm 2016, vị trí đầu tiên thuộc về Pháp với 11.1 đô la (khoảng 1.208 yên), vị trí thứ 2 là Úc cũng 11,1 đô la (khoảng 1.208 yên) và vị trí thứ 3 là Luxembourg 11 đô la (khoảng 1.197 yên). Vị trí thứ 4 là Đức 10,3 đô la (khoảng 1.121 yên), vị trí thứ 5 là Bỉ 10,2 đô la (khoảng 1.110 yên) và Nhật Bản đứng vị trí thứ 11 với 7,4 đô la (khoảng 805 yên), thấp nhấp trong nhóm các quốc gia phát triển. Tuy nhiên so với các quốc gia châu Á như Hàn Quốc 5,8 đô la (khoảng 631 yên), Thượng Hải 2,2 đô la (khoảng 239 yên), Thâm Quyến 2,0 đô la (khoảng 218 yên), Thái Lan 1,7 đô la (khoảng 185 yên), Manila 1,6 đô la (khoảng 174 yên), thì Nhật Bản vẫn nằm ở nhóm trên (theo số liệu năm 2016).

Mức lương tối thiểu trung bình ở Nhật Bản là 7,4 đô la (khoảng 805 yên), tuy nhiên có sự khác biệt tương đối lớn theo vùng ở Nhật Bản. Ví dụ, theo thông cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tokyo có mức lương tối thiểu cao nhất với 1.013 yên/giờ, trong khi ở 15 thành phố khác như Aomori, Iwate và Akita, mức lương tối thiểu thuộc vào hàng thấp nhất Nhật Bản, rơi vào khoảng 790 yên/giờ (số liệu tính đến tháng 10/2019).

Có phải tất cả người Nhật đều gầy và thấp? Hãy thử so sánh với thế giới!

người đi bộ trên đường phố Nhật
Ned Snowman / Shutterstock.com

Bạn nghĩ gì về chiều cao và cân nặng trung bình của người Nhật? Theo BELCY, một kênh truyền thông chuyên cung cấp thông tin về sắc đẹp và thời trang, chiều cao trung bình của đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 20 là 171,5 cm, cân nặng trung bình là 67,6 kg. Trong khi đó, chiều cao trung bình của phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 là 158,1 cm, cân nặng là 52,3 kg. Tìm hiểu chiều cao và cân nặng trung bình của những quốc gia khác, đàn ông Mỹ ở độ tuổi 20 có chiều cao trung bình là 177,6 cm và cân nặng trung bình là 85,4 kg, trong khi đó, chiều cao trung bình của phụ nữ Mỹ ở độ tuổi 20 là 163,2 cm và cân nặng trung bình là 70,7 kg, lớn hơn một cỡ so với Nhật Bản. Tương tự, các quốc gia phương Tây như Hà Lan, Đan Mạch, Iceland, Đức, Vương quốc Anh và Hy Lạp được ghi nhận là có đặc điểm thể chất cao lớn hơn Nhật Bản. Tuy nhiên, so với các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Malaysia và Philippines thì người Nhật có vóc dáng to cao hơn.

Vậy tại sao người Nhật có chiều cao và cân nặng trung bình thấp hơn so với các nước phương Tây? Người ta thường nói rằng vóc dáng của một người được quy định bởi các yếu tố bên trong như di truyền và các yếu tố bên ngoài như dinh dưỡng, chế độ tập luyện và giấc ngủ. Nhìn vào sự khác biệt trong môi trường phát triển giữa người Mỹ và người Nhật, ngoại trừ di truyền, chế độ ăn uống là một trong những khác biệt mang tính quyết định. Ví dụ, người Mỹ tập trung vào chế độ ăn nhiều calo khi sử dụng các sản phẩm từ sữa như khoai tây, thịt và phô mai, trong khi Nhật Bản lại tập trung vào chế độ ăn ít calo như cá và rau. Ngoài ra, trong khi lượng calo trung bình hàng ngày của người Nhật là 2500 kcl, thì người Mỹ là 4000 kcl, đây là một sự khác biệt lớn về lượng thực phẩm tiêu thụ trong một bữa ăn. Ngoài ra, những khác biệt trong văn hóa ẩm thực cũng có thể được coi là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến sự khác biệt về vóc dáng.

Tuổi thọ trung bình của người Nhật là 84,1 tuổi, xếp thứ hai thế giới!

người già Nhật Bản

Nhật được biết đến là một “Đất nước trường thọ”, tuy nhiên trên thực tế có  đúng là có nhiều người sống lâu như vậy không? Theo “Bảng xếp hạng tuổi thọ trung bình của thế giới” trên trang phân phối dữ liệu thống kê (GLOBAL NOTE), quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới là Hồng Kông với 84,68 tuổi, vị trí thứ 2 là Nhật Bản 84,10 tuổi, thứ 3 là Macao 83,99 tuổi, thứ 4 là Thụy Sĩ 83,6 tuổi và vị trí thứ 5 là Tây Ban Nha với 83,33 tuổi. Dựa theo kết quả của bảng xếp hạng này thì Nhật Bản là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (số liệu tính đến tháng 12/2019).

Các yếu tố phổ biến khiến Nhật Bản và các quốc gia trên có tuổi thọ trung bình cao như vậy là bởi hệ thống y tế và hệ thống phúc lợi xã hội tốt, người dân chỉ phải chịu một khoản chi phí rất nhỏ với các vấn đề liên quan đến y tế. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ là thói quen ăn uống, và đây là yếu tố quan trọng giải thích tại sao người Nhật lại sống thọ đến như vậy. Người dân Nhật Bản chủ yếu ăn cá – một thực phẩm rất giàu DHA, giúp máu lưu thông, có tác dụng hạ huyết áp và giảm tỷ lệ mắc bệnh tim. Ngoài việc tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ đậu nành như natto và đậu phụ, người Nhật cũng thường xuyên uống trà xanh, một thức uống có tác dụng chống oxy hóa giống như vitamin C và catechin. Người ta cho rằng chính nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Nhật Bản đã góp phần kéo dài tuổi thọ cho người dân nước này.

Tuổi kết hôn trung bình tại Nhật: đàn ông 31,1, phụ nữ 29,4

lễ cưới Nhật Bản
Worapol Thipmaneemongkol / Shutterstock.com

Tiếp tục tìm hiểu về tình trạng kết hôn tại Nhật, theo trang phân phối dữ liệu thống kê (GLOBAL NOTE) về độ tuổi kết hôn của phụ nữ trên thế giới, các quốc gia có độ tuổi kết hôn muộn nhất đứng đầu là Thụy Điển với 33,8 tuổi, vị trí thứ 2 là Tây Ban Nha 33,2 tuổi, vị trí thứ 3 là Đan Mạch 32,4 tuổi và Nhật Bản xếp vị trí 22 với độ tuổi kết hôn trung bình của nữ giới là 29,4.

Mặt khác, theo bảng xếp hạng độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới, vị trí thứ nhất thuộc về Thụy Sĩ 36,6 tuổi, vị trí thứ 2 là Tây Ban Nha 35,4 tuổi, vị trí thứ 3 là Ý và Na Uy 35 tuổi và Nhật Bản xếp thứ 31 với 31,1 tuổi. Một so sánh khác giữa nam giới và nữ giới cho thấy đàn ông thường kết hôn muộn hơn phụ nữ và Nhật Bản mặc dù được coi là một xã hội có xu hướng kết hôn muộn, nhưng nếu bạn nhìn vào những con số ở trên thì có thể thấy Nhật Bản cũng không có quá nhiều khác biệt so với các quốc gia khác.

Bạn thấy sao về những con số thống kê trên? Sau khi đọc bài viết này chắc hẳn bạn đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về Nhật Bản rồi đúng không? Mặc dù vậy thì những con số này chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về một đất nước, còn rất nhiều điều đang chờ đợi bạn khám phá tiếp đó!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: