Nếu bạn nào đã từng ở Nhật hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên, vì mặc dù được biết đến là một quốc gia chăm chỉ, nơi người dân có thể làm việc thâu đêm suốt sáng thậm chí là “làm đến chết”, nhưng Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có số lượng ngày nghỉ lễ nhiều nhất trên thế giới. Tính ra trung bình mỗi tháng ở Nhật đều có một ngày nghỉ, chưa kể đến những kỳ nghỉ kéo dài 4-5 ngày. Vậy tại sao Nhật Bản lại có nhiều ngày nghỉ lễ như vậy, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từng ngày nghỉ lễ để biết được lý do tại sao bạn lại được nghỉ nhé!
Số lượng các ngày nghỉ lễ ở Nhật! “Ngày nghỉ quốc gia” là gì?
Hiện nay ở Nhật Bản có tất cả 16 ngày nghỉ lễ chính thức được quy định vào các tháng 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11. Trong số các ngày nghỉ lễ ở Nhật có một ngày là “Ngày sinh nhật Thiên Hoàng” thường sẽ thay đổi vào thời điểm chuyển giao quyền lực, khi Thiên hoàng mới lên ngôi, còn lại những ngày nghỉ lễ khác hầu như không thay đổi.
Ngoài ra, bạn có thể để ý thấy bên cạnh những ngày lễ riêng, ở Nhật còn có ngày gọi là “Ngày nghỉ quốc gia” (国民の休日). Tùy thuộc vào lịch của từng năm, mà năm đó có thể có “Ngày nghỉ quốc gia” hoặc không, bởi ngày này không có quy định cụ thể là ngày nào trong năm. Theo Luật ngày lễ Nhật Bản, “Ngày nghỉ quốc gia” được quy định là ngày nằm giữa hai ngày nghỉ lễ. Ví dụ: năm 2019, “Ngày nghỉ quốc gia” rơi vào ngày 30/4 do trước và sau ngày này đều là ngày lễ: ngày Chiêu hòa (29/4) và ngày Thiên Hoàng thoái vị (1/5). Điểm khác nhau giữa “Ngày nghỉ quốc gia” và những ngày lễ khác là nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày Chủ nhật thì sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ Hai sau đó, nhưng nếu “Ngày nghỉ quốc gia” rơi vào ngày Chủ nhật sẽ không có ngày nghỉ bù.
1. Ngày đầu năm mới (1/1)
Ngày 1/1 được viết bằng chữ Hán 元旦 (Nguyên đán), cũng có nghĩa là Tết Nguyên đán giống như ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo phong tục của người Nhật từ xa xưa ngày 1/1 là ngày họ chào đón vị thần Toshigami-sama – vị thần bảo hộ cho mùa màng, sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật ghé thăm nhà. Chính vì thế vào dịp này, người Nhật thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang trí Kadomatsu (giống như một chậu cây cảnh, được làm từ ống tre và cành thông xếp theo số lẻ) trước cửa, làm bánh dày,… như là một cách để chào đón thần Toshigami đến thăm nhà, với hy vọng thần sẽ đem đến nhiều tài lộc, sự ấm no cho gia đình.
Cho đến trước thời kỳ Edo, người dân Nhật Bản chỉ có một ngày nghỉ đầu năm mới là ngày 1/1. Tuy nhiên, sau đó quy định về ngày nghỉ năm mới được thiết lập lại, cho phép người dân có thể nghỉ 3 ngày từ ngày 1/1 đến 3/1 và 3 ngày nghỉ này được gọi là “sanganichi”. Vào năm 1873, chính quyền Minh Trị đã chuyển sang sử dụng lịch Dương thay thế cho lịch Âm trước đó, do đó ngày đầu năm mới của Nhật Bản cũng được thay đổi theo và trùng với ngày đầu năm mới của các quốc gia phương Tây khác. Đến năm 1948, luật pháp Nhật Bản chính thức quy định ngày 1/1 hàng năm trở thành “ngày lễ chào đón năm mới” và là một trong các ngày nghỉ lễ quốc gia ở Nhật Bản.
Mặc dù ngày nghỉ Tết theo quy định chỉ có 3 ngày từ 1/1 đến 3/1, nhưng hiện nay cũng có nhiều công ty cho phép nhân viên nghỉ từ ngày 29/12, cộng thêm 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thông thường người dân Nhật Bản sẽ được nghỉ khoảng 5 ngày trong dịp lễ đặc biệt này. Đây được xem là một trong những kỳ nghỉ dài trong năm của người dân Nhật Bản.
2. Ngày lễ trưởng thành (Thứ Hai tuần thứ 2 của tháng Một)
Ngày lễ trưởng thành là ngày lễ thứ hai trong năm của Nhật Bản. Ngày này được quy định là ngày nghỉ lễ quốc gia ở Nhật Bản vào năm 1948 nhưng trên thực tế nó có nguồn gốc từ năm 714, khi Thái tử Nhật Bản cắt tóc và mặc một bộ quần áo mới, đánh dấu bước chuyển mình thành người lớn. Sau này vào thời Minh Trị, do có chế độ nghĩa vụ quân sự, những thanh niên muốn gia nhập đều phải trải qua một cuộc tuyển chọn, và dần dần những cuộc tuyển chọn này biến thành lễ trưởng thành như ngày nay. Đến năm 1948 sau khi chế độ nghĩa vụ quân sự kết thúc, chính phủ quyết định lấy ngày 15/1 hàng năm là “Ngày lễ trưởng thành” để khuyến khích những người trẻ nhận thức rõ về sự trưởng thành của bản thân, đồng thời khích lệ, động viên họ mạnh mẽ và tự lập hơn nữa trong cuộc sống. Từ năm 2000 đến nay, Ngày lễ trưởng thành đã được đổi sang ngày thứ Hai tuần thứ 2 của Tháng Một dựa trên Luật Ngày thứ Hai vui vẻ (Happy Monday)*.
Vào ngày này, các địa phương thường tổ chức lễ kỷ niệm cho những thanh niên vừa bước qua tuổi 20 (tuổi trưởng thành theo quy định ở Nhật Bản), hoặc những người sắp đến tuổi trưởng thành tính đến ngày 1/4 năm đó. Những thanh niên người Nhật tham dự buổi lễ sẽ mặc kimono, đặc biệt với nữ giới, họ sẽ mặc một loại kimono đặc biệt với ống tay dài gọi là “furisode”, trong khi đó nam giới thường mặc vest hoặc hakama có khoác áo haori ở ngoài. Sau khi trải qua buổi lễ trưởng thành này, những thanh niên 20 tuổi ở Nhật sẽ được phép uống rượu bia, hút thuốc cũng như có quyền đi bầu cử. Tuy nhiên, quan trọng hơn là sau ngày này họ sẽ ý thức được rằng mình đã lớn và sẽ có trách nhiệm hơn với những việc làm của bản thân.
*Một luật được thiết kế để tạo 3 ngày nghỉ cuối tuần cho dân trong bối cảnh người dân Nhật Bản đang làm việc quá nhiều.
3. Ngày Quốc khánh (11/2)
Ngày Quốc khánh 11/2 là ngày đánh dấu sự thành lập của đất nước Nhật Bản và sự lên ngôi của Thiên hoàng Jimmu vào năm 660 TCN. Ngày này được quy định lần đầu tiên vào năm 1872 dưới thời kỳ Minh Trị với tên gọi “Kigensetsu” (ngày Đế quốc), nhằm hợp pháp hóa sự cai trị của Thiên hoàng sau sự tan giã của Tướng quân Tokugawa.
Ngày Đế quốc đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/1/1872, vì theo truyền thuyết Thiên hoàng Jimmu đã lên ngôi vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên. Vì lúc bấy giờ Nhật Bản vẫn còn sử dụng Âm lịch, nên ngày này tương ứng với ngày 29/1 trên lịch Dương. Cũng chính vì do sử dụng lịch Âm nên Ngày Đế quốc thường trùng với khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, do đó ý thức của người dân về ngày này cũng không cao. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, tên gọi “Ngày đế quốc” cũng không còn phù hợp, nên sau khi chiến tranh kết thúc, “Ngày Đế quốc” đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, do nguyện vọng của người dân muốn có một ngày kỷ niệm thành lập đất nước, “Ngày Đế quốc” đã được phục hồi lại vào năm 1966 với tên gọi “Ngày Quốc khánh” và được tổ chức vào ngày 11/2 hàng năm.
4. Ngày Xuân phân (20 hoặc 21/3)
Không chỉ riêng Nhật Bản mà đa số các quốc gia khác đều có ngày xuân phân, tuy nhiên, ở Nhật ngày này lại được coi là một ngày nghỉ lễ chính thức. Theo quy luật, ngày xuân phân là ngày đầu tiên chính thức của mùa xuân, là ngày mà thời gian ban ngày bằng với thời gian ban đêm ở vị trí xích đạo. Tùy thuộc vào từng năm, ngày xuân phân có thể thay đổi nhưng thường rơi vào ngày 20 hoặc 21 tháng 3.
Tại Nhật Bản theo quan niệm của người xưa, Xuân phân là dịp để con người bày tỏ lòng cảm tạ với thời tiết đã đem mùa xuân đến cho con người và vạn vật sau một thời gian dài phải ẩn mình trong mùa đông lạnh giá. Ngoài ra vào dịp này, người Nhật thường có tập quán đi tảo mộ (giống với Tết thanh minh ở Việt Nam) để sửa sang lại các ngôi mộ cũng như bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Chính vì thế mà khoảng thời gian này cũng được gọi là “Higan” có nghĩa là thế giới bên kia, cõi bồng lai.
Vào thời Minh Trị, ngày Xuân phân được quy định là “Ngày lễ mùa xuân của Thiên hoàng”, và từ đó nó cũng trở thành ngày lễ của tất cả dân chúng. Năm 1948, Xuân phân chính thức được công nhận là một trong những ngày lễ ở Nhật Bản với ý nghĩa là ngày để người dân tôn vinh và cảm tạ thiên nhiên.
Vào ngày này, người Nhật thường ăn bánh gạo Botamochi – loại bánh gạo nếp có nhân đậu đỏ ở giữa. Mọi người cho rằng màu đỏ của đậu azuki có trong bánh Botamochi có tác dụng bảo vệ họ tránh khỏi thiên tai và những điều xấu xa.
5. Ngày Chiêu hòa (29/4)
Ngày Chiêu hòa (ngày Showa) là ngày để tưởng nhớ cố Thiên hoàng Hirohito – hoàng đế của triều đại Showa và cũng là vị hoàng đế cuối cùng được quyền nắm giữ quyền lực về kinh tế, chính trị của Nhật Bản trước khi Hiến pháp mới được áp dụng sau chiến tranh. Ông chính là người đã tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, mở ra một thời kỳ mới, nơi mà thiên hoàng bị hạn chế quyền lực và chỉ còn mang tính biểu tượng.
Ngày Chiêu hòa được ấn định là ngày 29 tháng 4 vì đây là ngày sinh của cố Thiên hoàng Hirohito, người đã lên ngôi Thiên hoàng từ năm 1926 đến năm 1989. Việc lấy ngày 29/4 là ngày Chiêu hòa nhằm để tưởng niệm và ghi nhớ một giai đoạn với nhiều biến động trong lịch sử Nhật Bản cận đại, trong đó quan trọng nhất là sự sụp đổ của nền Dân chủ Taisho, hai cuộc đảo chính quân sự, Chiến tranh thế giới thứ hai, hậu chiến, chiếm đóng, phá bỏ sự thống trị của Đế quốc, và giai đoạn thần kỳ vươn lên trở thành nền kinh tế số 2 thế giới của Nhật Bản.
Ngày Chiêu hòa cũng là ngày đầu tiên trong đợt nghỉ Tuần lễ vàng (Golden Week) của Nhật Bản kéo dài từ 29/4 đến 5/5. Đây là một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật, do đó họ thường tranh thủ đi du lịch trong và ngoài nước vào khoảng thời gian này.
6. Ngày Kỷ niệm hiến pháp (3/5)
Ngày kỷ niệm hiến pháp là một trong những ngày nghỉ lễ quốc gia được quy định vào năm 1948. Đây là ngày Nhật Bản chính thức thi hành hiến pháp mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, để dân chủ hóa nước Nhật, tướng Douglas MacArthur người Mỹ đã thành lập hội đồng để thảo ra bản Hiến pháp mới cho nước Nhật. Trong đó, nội dung của hiến pháp mới gồm có ba trụ cột chính là “chủ quyền quốc gia”, “chủ nghĩa hòa bình” và “tôn trọng các quyền cơ bản của con người”. Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất so với những bản hiến pháp trước chiến tranh được ghi trong điều 9, đó là nhân dân Nhật Bản “vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh khỏi chủ quyền của quốc gia, vĩnh viễn không sử dụng vũ lực hay đe dọa bằng vũ lực khi giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Bản hiến pháp sau đó đã được ban hành vào ngày 3/11/1946 và được đưa ra thử nghiệm vào ngày 3/5/1947.
Hiến pháp trong tiếng Nhật được viết bằng từ Kenpo (憲法) và có một sự trùng hợp là những đứa trẻ sinh năm 1948 thường được đặt tên với chữ Hán “憲” đi kèm như Kenji (憲司), Kentaro (憲太郎) hay Keiko (憲子). Điều đó cho thấy sự tin tưởng và đồng thuận của người dân Nhật Bản vào bản hiến pháp mới, cũng như niềm tin của người dân vào những thay đổi của đất nước trong thời kỳ tái thiết.
7. Ngày cây xanh (4/5)
Ban đầu Ngày cây xanh được biết đến với tên gọi là “Ngày sinh nhật Thiên hoàng Showa” (29/4). Tuy nhiên, sau đó vào năm 1989 sau khi Thiên hoàng từ trần nó được đổi tên thành “Ngày cây xanh” với ý nghĩa là dịp để con người bày tỏ lòng cảm tạ những gì mà thiên nhiên đã ban tặng. Ngoài ra, tên gọi “Ngày cây xanh” cũng xuất phát từ việc Thiên hoàng Showa vốn là một nhà nghiên cứu sinh học, am hiểu và có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, cây cối.
Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 2007, “Ngày cây xanh” được đổi tên thành “Ngày Chiêu hòa” để nhắc nhở người dân nhớ về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử cũng như về một thời kỳ phục hưng và phát triển của đất nước.
Vậy “Ngày cây xanh” là ngày nào trong năm?
Trong lịch sử, ngày cây xanh được quy định là ngày 29/4 trong giai đoạn từ năm 1989 – 2006. Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, “Ngày cây xanh” được quy định là ngày 4/5. Điều này do sửa đổi Luật ngày lễ năm 2005 quy định. Ngày 4/5 vốn là một ngày thường nằm giữa hai ngày lễ là 3/5 (Ngày Kỷ niệm hiến pháp) và 5/5 (Ngày thiếu nhi). Với mục đích gia tăng số ngày nghỉ trong một xã hội mà người dân đang làm việc quá sức, những ngày giữa các ngày lễ sẽ được tính là “Ngày nghỉ quốc gia”, và như thế ngày 4/5 đã ra đời. Vẫn giữ nguyên ý nghĩa như ban đầu, “Ngày cây xanh” là dịp để người dân bày tỏ lòng cảm tạ và sự trân trọng với thiên nhiên.
8. Ngày thiếu nhi (5/5)
Ngày Thiếu nhi là một ngày lễ đặc biệt dành cho thiếu nhi không chỉ có ở Nhật mà còn có ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Nhật Bản, ngày Thiếu nhi được quy định là ngày 5/5 và là ngày nghỉ cuối cùng trong Tuần lễ vàng (Golden week) ở nước này.
Từ thời xa xưa, ngày 5/5 theo Âm lịch là ngày Tết Đoan ngọ, là dịp để mọi người cầu chúc cho các bé trai khỏe mạnh và phát triển. Tuy nhiên, đến năm 1948, ngày này đã được đổi tên thành “Ngày thiếu nhi” (Kodomo no Hi).
Mặc dù được biết đến là ngày lễ dành cho các bé trai, song những gia đình chỉ có con gái, hoặc những gia đình có cả trai cả gái cũng đều tổ chức lễ kỷ niệm chung vào ngày này. Vào dịp này các gia đình có con nhỏ thường treo “cờ cá chép” (koi nobori). Số lượng cờ cá chép nhiều hay ít phụ thuộc vào số thành viên trong gia đình. Theo truyền thống, mọi người thường treo một lá cờ koinobori màu đen “magoi” (真鯉) đại diện cho người cha ở trên đỉnh cột, tiếp đến là lá cờ koinobori màu đỏ “higoi” (緋鯉) đại diện cho người mẹ, tiếp theo là lá cờ koinobori màu xanh đại diện cho con trai đầu lòng. Nếu gia đình có con trai thứ, có thể tiếp tục treo những lá cờ khác lên. Màu sắc và vị trí của cá chép sẽ biểu thị độ tuổi của người con trai. Ngoài Koinobori, búp bê Kintarou với hình ảnh cậu bé cưỡi cá chép đội mũ samurai cũng được trưng bày tại các gia đình có con trai thể hiện cho sức sống và sự khỏe mạnh của con cái họ.
Món ăn phổ biến được ăn trong Ngày thiếu nhi là Kashiwa mochi (柏餅), bánh mochi bọc lá sồi có nhân đậu đỏ ở trong. Bởi lá của cây sồi thường không rụng cho đến khi những chiếc lá mới mọc lên, nên loài cây này mang ý nghĩa biểu tượng cho sự tiếp nối của các thế hệ, thể hiện một cuộc sống gia đình sung túc, đông con đông cháu.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố