Bạn là nhân viên chính thức hay nhân viên hợp đồng? Có thể bạn không quan tâm đến điều này lắm và nghĩ rằng dù là nhân viên gì thì chỉ cần nhận lương đầy đủ là được. Vậy thì bạn sẽ cần phải suy nghĩ lại sau khi đọc bài viết dưới đây, bởi ở Nhật với mỗi hình thức tuyển dụng khác nhau, mức lương và chế độ phúc lợi đi kèm cũng sẽ khác nhau. Cho dù bạn là nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng, nhân viên phái cử, hay nhân viên thời vụ, bán thời gian thì những thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của bạn dưới đây là những điều cơ bản bạn nên biết khi làm việc ở Nhật Bản. Hiểu rõ được sự khác nhau giữa các hình thức tuyển dụng sẽ giúp bạn có cái nhìn sáng suốt hơn khi lựa chọn công việc.
Các hình thức tuyển dụng ở Nhật
Bạn có thể đã từng nghe thấy những cụm từ như nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng ngắn hạn, nhân viên phái cử, nhân viên bán thời gian, hay nhân viên thời vụ,… nhưng không nhiều người trong chúng ta có thể giải thích rõ ràng sự khác nhau giữa chúng. Trên thực tế, đó chính là sự khác nhau về hợp đồng kí kết giữa công ty và nhân viên. Nói cách khác, đó chính là sự khác nhau về hình thức tuyển dụng.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 loại hình tuyển dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản cùng với thông tin về quy trình tuyển dụng, ưu nhược điểm, và sự khác nhau về mức lương cũng như điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội giữa các hình thức.
Mọi người dân, bao gồm cả người nước ngoài đều phải có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội Nhật Bản
Bảo hiểm xã hội Nhật Bản bao gồm bảo hiểm lương hưu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm lao động (bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm thất nghiệp); trong đó, người lao động bắt buộc tham gia đồng thời bảo hiểm lương hưu và bảo hiểm sức khỏe. Đối tượng tham gia 2 loại bảo hiểm này không phân biệt quốc tịch (trừ những người nước ngoài đến từ các nước có kí kết “Hiệp định an sinh xã hội ※1”) và nếu công ty làm việc là “Đơn vị thuộc đối tượng cưỡng chế tham gia ※2” thì nhân viên công ty bắt buộc phải tham gia. Khi đó, cho dù bạn là người nước ngoài, bạn vẫn sẽ được nhận lương hưu từ 65 tuổi giống như người Nhật nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, một số người có thể nói rằng “tôi dự định sau này sẽ về nước, nên tôi không muốn tham gia bảo hiểm lương hưu…”. Trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn yêu cầu hoàn trả lại tiền bảo hiểm lương hưu nếu vẫn trong thời hạn quy định. Bạn có thể tham khảo nội dung cụ thể trong phần tiếp sau đây.
※1: Hiệp định này được kí kết để giúp người dân tránh phải chịu phí bảo hiểm 2 lần ở Nhật và nước ngoài, đồng thời giúp họ dễ dàng đáp ứng các điều kiện cần thiết trong thời gian đăng ký để có thể nhận lương hưu.
※2: Là những đơn vị được yêu cầu tham gia bảo hiểm lương hưu và bảo hiểm sức khỏe theo quy định pháp luật. Danh sách này gồm có những đơn vị được chỉ định, những doanh nghiệp có từ 5 nhân viên trở lên hoặc là doanh nghiệp của Nhà nước và tổ chức pháp nhân.
▼Tham khảo bài viết: “Nghĩa vụ nộp thuế của người nước ngoài tại Nhật Bản – Hướng dẫn chi tiết về các loại thuế, bảo hiểm y tế và lương hưu”
Giải quyết vấn đề bất công về chính sách đãi ngộ của mỗi hình thức tuyển dụng. Áp dụng chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” từ tháng 4/2020
Chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” (同一労働同一賃金) đã được thực hiện nhằm xóa bỏ chênh lệch, đối xử bất công giữa người lao động chính thức (người lao động làm việc toàn thời gian, hợp đồng vô thời hạn) và người lao động không chính thức (người lao động được tuyển dụng có kì hạn, người làm việc bán thời gian, nhân viên phái cử) trong cùng một doanh nghiệp. Theo chính sách này, các doanh nghiệp đã có 3 thay đổi lớn như sau:
(1) Thiết lập các quy định nhằm xóa bỏ sự phân biệt chế độ đãi ngộ bất hợp lí với người lao động
(2) Tăng cường hoạt động giải thích cho người lao động về chính sách đãi ngộ của công ty
(3) Tư vấn và hướng dẫn các thủ tục hành chính, xây dựng các thủ tục tranh chấp ngoài tòa án (ADR hành chính)
Cụ thể là nhân viên chính thức và nhân viên không chính thức có cùng nội dung công việc và phạm vi phân công như nhau sẽ nhận được mức lương như nhau và mức đãi ngộ như nhau. Quy định này được ban hành dựa trên một dự luật liên quan đến cải cách phong cách làm việc, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 đối với các doanh nghiệp lớn và từ ngày 1/4/2021 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vậy các hình thức tuyển dụng này có điểm gì giống và khác nhau, cùng tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung dưới đây nhé.
Nhân viên chính thức
Hình thức tuyển dụng này không quy định thời hạn hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là bạn sẽ làm việc dài hạn với công ty trong thời gian làm việc theo luật định là 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần. Quy trình tuyển dụng có thể khác nhau tùy từng công ty; nhưng về cơ bản là các ứng viên sẽ phải gửi sơ yếu lí lịch và một bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc trong quá khứ, sau đó sẽ tham gia 1-2 vòng phỏng vấn. Khi làm việc tại công ty, tiền thuế thu nhập, thuế thị dân, bảo hiểm sức khỏe, quỹ lương hưu,… sẽ được khấu trừ trực tiếp từ lương.
Hiện tại, ưu điểm của hình thức tuyển dụng này là nhân viên được trả lương, hưởng các chế độ phúc lợi và ngày nghỉ phép có lương. Nhiều công ty còn có thêm tiền thưởng, và một số loại trợ cấp như trợ cấp thôi việc. Các công ty của Nhật thường áp dụng chế độ thâm niên, nghĩa là người nào làm việc tại công ty càng lâu thì lương càng tăng cao. Qua đó, có thể thấy các nhân viên chính thức thường có thu nhập ổn định và có mặt bằng lương chung cao hơn các hình thức khác. Không chỉ vậy, ngoài các chế độ phúc lợi theo quy định của luật pháp, nhiều công ty còn có thêm các chính sách phúc lợi khác như trợ cấp đi lại, trợ cấp nhà ở (hỗ trợ tiền thuê nhà), trợ cấp người phụ thuộc gia đình, trợ cấp khám sức khỏe, chi phí thi chứng chỉ,… cho nhân viên chính thức. Một lợi thế khác của việc trở thành nhân viên chính thức là bạn được công ty tin tưởng và được giao những công việc xứng đáng.
Tuy nhiên, ngược lại nhân viên chính thức sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn, nên bạn có thể phải làm thêm giờ tùy theo công ty và ngành nghề. Với nhiều người, mặc dù được trả lương làm ngoài giờ nhưng đây vẫn là một điểm bất lợi bởi nhiều người không thích làm việc ngoài giờ. Ngoài ra, bạn có thể bị thuyên chuyển công tác khi là nhân viên chính thức.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” có thể khiến cho chế độ phúc lợi và trợ cấp của nhân viên chính thức ở một số doanh nghiệp bị giảm xuống.
Nhân viên hợp đồng (hợp đồng lao động có thời hạn)
Điểm khác biệt lớn giữa hình thức nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng ngắn hạn là quy định về thời hạn hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng sẽ chấm dứt nếu doanh nghiệp và người lao động không thỏa thuận được với nhau khi gia hạn hợp đồng. Nhiều trường hợp thời gian làm việc và số ngày làm việc của nhân viên hợp đồng ngắn hạn giống với nhân viên chính thức, nhưng mức lương chỉ gần bằng. Nhân viên hợp đồng ngắn hạn cũng phải tham gia bảo hiểm xã hội như nhân viên chính thức. Thuế thu nhập, thuế lưu trú cũng bị khấu trừ từ tiền lương.
Ưu điểm của hình thức hợp đồng ngắn hạn là bạn không phải chịu trách nhiệm như nhân viên chính thức, còn mức lương và nội dung công việc hầu như không có nhiều thay đổi. Cụ thể, bạn không phải làm thêm giờ hoặc nếu làm thì cũng sẽ ít hơn so với nhân viên chính thức. Và trong hầu hết trường hợp, vị trí làm việc cũng được giới hạn và gần như không bị thuyên chuyển. Rất ít doanh nghiệp cấm nhân viên hợp đồng ngắn hạn làm thêm bên ngoài, nên đây có thể coi là ưu điểm của hình thức việc làm này, vì bạn có thể kết hợp làm thêm một công việc khác nếu thời gian linh hoạt. Ngoài ra, nhiều công ty có chính sách thăng tiến từ nhân viên hợp đồng ngắn hạn lên nhân viên chính thức. Nếu bạn muốn trở thành nhân viên chính thức của một công ty nào đó, bạn có thể làm việc dưới hình thức nhân viên hợp đồng ngắn hạn để tìm hiểu và cân nhắc trước khi quyết định.
Điểm bất lợi của hình thức hợp đồng này là bạn có thể không được gia hạn hợp đồng sau khi hết hạn. So với nhân viên chính thức thì nhân viên hợp đồng khó có công việc ổn định, cũng như khó có thể gây dựng sự nghiệp vững chắc. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất là bạn có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian hợp đồng, điều này khó có thể xảy ra với nhân viên chính thức.
Hiện nay, rất ít công ty trả thưởng cho nhân viên hợp đồng ngắn hạn; hoặc nếu có trả thì khoản thưởng cũng ít hơn so với nhân viên chính thức. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” có thể sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa nhân viên hợp đồng ngắn hạn và nhân viên chính thức cùng làm công việc giống nhau. Đồng thời, nhân viên hợp đồng ngắn hạn làm việc lâu năm sẽ nhận được trợ cấp thôi việc, mặc dù số tiền có thể nhỏ hơn nhân viên chính thức.
Nhân viên phái cử
Nhân viên phái cử là hình thức hợp đồng lao động gián tiếp duy nhất trong các hình thức hợp đồng được giới thiệu trong bài viết này. Trong khi nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng ngắn hạn, nhân viên thời vụ,… trực tiếp kí hợp đồng với chủ lao động thì nhân viên phái cử sẽ kí hợp đồng lao động với công ty phái cử, và được cử đến nơi làm việc phù hợp với kĩ năng và phương thức làm việc của bản thân. Mức lương và điều kiện làm việc cũng khác nhau tùy vào công ty phái cử và nơi đến làm việc; nên có nhiều người làm cùng công ty với cùng vị trí công việc nhưng có thể khác nhau về điều kiện làm việc do họ thuộc các công ty phái cử khác nhau. Nhân viên phái cử sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty phái cử.
Ưu điểm của hình thức lao động này là nhân viên sẽ được hưởng mức lương theo giờ cao hơn nhân viên bán thời gian và nhân viên thời vụ nếu tính theo giờ. Không chỉ vậy, nếu là người có kĩ năng làm việc, bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn mà nhân viên chính thức khó xin được việc. Điểm bất lợi của hình thức làm việc này là hợp đồng sẽ được gia hạn 3 tháng 1 lần và quy định không được làm việc quá 3 năm tại một đơn vị. Điều này được quy định trong luật phái cử nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng nhân viên chính thức. Đây chính là điểm bất lợi đối với những người muốn làm việc lâu dài tại một công ty.
Hiện nay, nhân viên phái cử cần đặc biệt lưu ý về những thay đổi đối với việc áp dụng Chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau”. Nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử về chế độ ưu đãi nhân viên, các công ty đang áp dụng 2 phương thức (phương thức bình đẳng và cân bằng tại nơi phái cử và phương thức thỏa thuận giữa lao động – quản lí) và mỗi công ty phái cử sẽ lựa chọn phương thức áp dụng khác nhau.
Khi áp dụng phương thức bình đẳng và cân bằng tại nơi phái cử, nhân viên phái cử sẽ được đối xử như nhân viên chính thức. Tức là dù bạn là nhân viên phái cử thì vẫn được nhận những khoản trợ cấp như nhân viên chính thức. Mặt khác, nơi phái cử khác nhau sẽ áp dụng các chính sách đãi ngộ khác nhau với nhân viên. Đối với phương thức thỏa thuận lao động – quản lí, chính sách đãi ngộ được quy định là mức lương phải bằng hoặc cao hơn mức lương bình quân của người lao động ở cùng vị trí và cùng ngành nghề do Bộ Y tế, Lao động & Phúc lợi Nhật Bản công bố hàng năm. Chính sách đãi ngộ ở nơi được phái cử đến không thay đổi nhưng có thể có sự phân biệt chế độ đãi ngộ so với nhân viên tại nơi làm việc. Hầu hết các công ty phái cử lớn thường áp dụng phương thức thỏa thuận lao động – quản lí, nhưng bạn cũng cần biết rằng việc áp dụng phương thức nào là do công ty quyết định, nhân viên phái cử không có quyền lựa chọn.
Ngoài ra, kể từ khi thực hiện chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau”, có một sự thay đổi lớn đối với nhân viên phái cử là họ đã được nhận trợ cấp đi lại – loại trợ cấp gần như chưa từng được trả cho nhân viên phái cử trước đây.
Nhân viên bán thời gian (nhân viên thời vụ, nhân viên làm thêm)
Công việc thời vụ và làm thêm hầu như không có sự khác biệt về mặt pháp lí. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người Nhật công việc thời vụ thường dành cho người nội trợ, công việc làm thêm thường dành cho sinh viên, và mỗi hình thức khác nhau cũng sẽ có những loại hình công việc khác nhau. Tính chất công việc của loại hình tuyển dụng này mang tính hỗ trợ nhiều hơn 3 loại hình công việc nói trên. Thời hạn hợp đồng cũng khác nhau tùy theo nhà tuyển dụng, nên đây là ưu điểm để người lao động có thể tùy ý lựa chọn thời gian muốn làm như “công việc làm thêm dài hạn” hay “công việc làm thêm ngắn hạn trong 4 tháng”.
Mặt khác, điểm bất lợi của loại hình này là những nhân viên này làm việc ở nhiều nơi với nội dung công việc khác nhau nên khó học hỏi được những kĩ năng mới dù làm việc lâu năm. Nếu làm trong lĩnh vực như quan hệ khách hàng, bán hàng,… thì bạn có thể được thăng cấp thành nhân viên chính thức; nhưng nếu làm việc trong các lĩnh vực khác và muốn trở thành nhân viên chính thức thì bạn nên chọn hình thức hợp đồng làm việc khác.
Khi làm việc theo hình thức làm thêm, thời vụ, bạn vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội. Điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
・Khi số giờ làm việc theo quy định trong một tuần và số ngày làm việc theo quy định trong một tháng bằng “3/4 thời gian trở lên” số giờ/ngày làm việc của người lao động thông thường.
・Nếu số ngày và số giờ làm việc “ít hơn 3/4” thì phải đáp ứng tất cả các yêu cầu dưới đây:
(1) Thời gian làm việc theo quy định trong một tuần từ 20 giờ trở lên;
(2) Lương tháng từ 88.000 yên trở lên;
(3) Thời gian làm việc được dự kiến là 1 năm trở lên;
(4) Không phải là học sinh, sinh viên;
(5) Là nhân viên của doanh nghiệp có số người tham gia bảo hiểm từ 501 trở lên
Những thay đổi kể từ khi áp dụng chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” cũng tương tự như các hình thức làm việc không chính thức khác. Tuy nhiên, nếu bạn làm việc toàn thời gian hoặc kí hợp đồng không kì hạn thì bạn không thuộc đối tượng áp dụng của chính sách này.
Nhân viên chính thức ngắn hạn
Nhân viên chính thức ngắn hạn là những người đáp ứng 2 yêu cầu dưới đây
① Kí hợp đồng lao động không quy định kì hạn (hợp đồng lao động vô thời hạn)
② Phương pháp tính lương cơ bản và trợ cấp thôi việc tương tự như nhân viên chính thức toàn thời gian phụ trách cùng công việc.
Điều bất lợi của loại hình hợp đồng này là lương thấp hơn do thời gian làm việc ngắn, chỉ khoảng 6 tiếng, nhưng lợi thế là họ vẫn được hưởng các chính sách phúc lợi như nhân viên chính thức. Tuy nhiên, từ góc độ công ty thì đây là loại hình tuyển dụng có nhiều nhược điểm do phí bảo hiểm và chi phí phúc lợi tăng lên. Một số công ty áp dụng hình thức ký hợp đồng này nhưng mà chỉ giới hạn trong thời gian chăm con nhỏ. Nếu bạn có ý định trở thành nhân viên chính thức hoặc đang là nhân viên chính thức thì hãy thử tìm hiểu xem công ty có đang áp dụng chế độ này hay không nhé.
Nhân viên chính thức ngắn hạn có chế độ phúc lợi được đảm bảo như nhân viên chính thức nên không có thay đổi nhiều khi áp dụng chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau”. Tuy nhiên, nếu bạn là nhân viên chính thức ngắn hạn được nhận mức lương cơ bản thấp nhưng vẫn phải đảm nhận lượng công việc như nhân viên chính thức thì bạn có thể yêu cầu công ty giải thích về chính sách đãi ngộ dành cho mình.
Nhân viên hợp đồng ủy thác công việc
Trong bối cảnh làm việc từ xa đang phát triển như hiện nay, người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng ủy thác ngày càng nhiều. Nếu bạn đang kí hợp đồng ủy thác với nhiều công ty thì công ty trả thù lao cao nhất phải đăng kí visa lao động cho bạn.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý có 2 hình thức ủy thác công việc là hợp đồng ủy quyền và hợp đồng khoán. Trong hợp đồng ủy quyền, bản thân công việc chứ không phải kết quả công việc là căn cứ đánh giá tiền công. Còn hợp đồng khoán yêu cầu phải có thành phẩm và giao hàng nhất định. Ví dụ như nếu là công việc văn phòng và lễ tân thông thường thì có thể chọn loại hợp đồng tùy ý, nếu là công việc thiết kế website, yêu cầu tạo ra sản phẩm là website thì thường sẽ là hợp đồng khoán.
Ưu điểm của hình thức việc làm này là bạn có thể làm công việc phát huy chuyên môn của bản thân và không bị ràng buộc bởi địa điểm làm việc. Nhược điểm là bạn không kí hợp đồng lao động với công ty nên bạn phải tự tính toán và kê khai thuế. Nếu khoản thu bạn nhận được lớn thì bạn có thể nhờ cán bộ tư vấn thuế, còn nếu mức thu nhập hạn chế thì bạn cũng có thể sử dụng phần mềm tự kê khai. Hiện tại, thị trường có một số loại phần mềm kê khai thuế để bạn tự trải nghiệm và thử so sánh khi sử dụng.
Người làm việc theo hợp đồng ủy thác công việc không kí kết hợp đồng lao động với công ty nên không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi về điều kiện việc làm của chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau”. Tuy nhiên, việc tăng lương của lao động phái cử sẽ là gánh nặng cho phía công ty nên ngày càng có nhiều đặt hàng ủy thác đối với những công việc đang được đảm trách bởi nhân viên phái cử.
Người làm việc tại nhà (người làm việc tự do)
Đây cũng là một hình thức làm việc theo hợp đồng ủy thác đã đề cập ở trên, trong đó, họ được gọi là nhân viên làm việc tại nhà khi sử dụng các thiết bị thông tin và liên lạc như máy tính cá nhân để làm việc. Những người này thường nhận các công việc trong những lĩnh vực mình thành thạo như kỹ sư, thiết kế, biên dịch,… Công việc không yêu cầu địa điểm làm việc cụ thể và bạn có thể sử dụng quán cà phê hoặc không gian làm việc chung cũng như nhà của mình.
Loại hình tuyển dụng này thu hút người lao động nước ngoài bởi chỉ cần có máy tính, họ có thể tiếp tục làm việc cho dù đang tạm thời về nước.
Mặc dù người làm việc tại nhà có ưu điểm về sự tự do làm việc nhưng bạn vẫn nên kiểm tra kĩ nội dung hợp đồng trước khi kí kết. Việc xác nhận hợp đồng là điều đương nhiên với mọi hình thức lao động, nhưng đối với người làm việc tại nhà, chỉ một lần kí kết thành công là hai bên sẽ tiếp tục kí hợp đồng với nhau; do đó nhiều trường hợp phát sinh các vấn đề như hạ giá sau khi giao hàng, không thể liên lạc được với công ty sau khi giao hàng,… Bạn cũng có thể sử dụng các website giới thiệu việc làm dành cho người làm việc tự do để không phải lo lắng việc không được trả lương sau khi đã hoàn thành công việc.
Chính sách “Công việc như nhau, mức lương giống nhau” cũng sẽ được áp dụng với người làm việc theo hình thức hợp đồng ủy thác.
Những điều cần chú ý khi tìm việc tại Nhật
Nếu bạn dự định xin visa lao động (tư cách lưu trú cho phép làm việc) để làm việc tại Nhật Bản, bạn hãy cân nhắc lựa chọn hình thức tuyển dụng và nội dung công việc sao cho có thể đáp ứng các yêu cầu xin visa lao động. Quá trình xét duyệt visa lao động dựa vào nhiều yếu tố sự ổn định, tính liên tục và lợi nhuận của công ty tuyển dụng. Nếu thời hạn hợp đồng lao động kí kết giữa bạn và công ty dưới 1 năm thì khả năng cao là bạn không được cấp visa lao động. Vì vậy, bạn hãy chọn hợp đồng dài hạn như nhân viên hợp đồng có thời hạn 1 năm trở lên. Ngoài ra, bạn cần biết rằng visa lao động sẽ dễ dàng được cấp phép cho người có học lực phù hợp với nội dung công việc họ muốn làm và có kinh nghiệm thực tế trong công việc đó.
Khi kí kết hợp đồng lao động, bạn cần trao đổi cụ thể về các điều kiện lao động như công ty tuyển dụng, hình thức hợp đồng, tiền lương, nội dung công việc và nhớ kí kết hợp đồng bằng văn bản thay vì hợp đồng miệng.
Ngoài ra, Luật Tiêu chuẩn Lao động và Luật Bảo hiểm Y tế cấm dựa vào quốc tịch của người lao động để quy định điều kiện làm việc. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cũng đã có văn bản hướng dẫn “khi người lao động nước ngoài yêu cầu thì công ty phải giải thích nội dung và lý do về sự khác biệt trong chế độ đãi ngộ của họ với người lao động bình thường”, nên nếu bạn thấy nghi ngờ việc mình bị phân biệt đối xử thì hãy hỏi trực tiếp công ty bạn đang làm việc nhé.
Cách thức thay đổi hình thức hợp đồng và những lưu ý
Người lao động nước ngoài cần lưu ý điều gì khi muốn thay đổi hình thức hợp đồng, chẳng hạn như từ nhân viên bán thời gian thành nhân viên chính thức và từ nhân viên hợp đồng sang người làm việc tại nhà?
Thứ nhất, khi hình thức tuyển dụng thay đổi thì bạn phải kí kết lại hợp đồng lao động cho dù vẫn làm việc tại cùng công ty. Bạn nên kí hợp đồng bằng văn bản, ngay cả ở nơi làm việc quen thuộc, vì nếu không nó có thể gây ra rắc rối sau này.
Mức đóng bảo hiểm xã hội có thể thay đổi do thay đổi hình thức tuyển dụng. Ví dụ, khi chuyển từ nhân viên hợp đồng thành người làm việc tại nhà, bạn sẽ không thể sử dụng bảo hiểm y tế sau khi rời công ty. Công ty sẽ thực hiện thủ tục báo giảm bảo hiểm xã hội của bạn nên bạn đừng quên gửi thông báo không thuộc đối tượng được bảo hiểm từ công ty và hoàn trả thẻ bảo hiểm. Kể từ sau ngày bạn nghỉ việc, bạn bắt buộc phải tham gia bảo hiểm toàn dân nên hãy đến văn phòng cơ quan hành chính địa phương để đăng kí tham gia bảo hiểm toàn dân.
▼Biết viết liên quan “Nghĩa vụ nộp thuế của người nước ngoài tại Nhật Bản- Hướng dẫn chi tiết về các loại thuế, bảo hiểm y tế và lương hưu”
Đọc đến đây bạn đã hiểu rõ sự khác biệt của các hình thức tuyển dụng chưa? Người lao động thường có xu hướng tập trung vào mức lương và nội dung công việc khi tìm việc mà ít khi chú ý đến hình thức lao động. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm vô cùng quan trọng khi cân nhắc làm việc tại đâu đó. Hy vọng sau khi nắm rõ được sự khác nhau của các hình thức tuyển dụng bạn sẽ đưa ra được những lựa chọn chính xác và hợp lý nhất trong quá trình tìm việc tại Nhật.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố