Quy tắc xã giao đóng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Trong đời sống thường nhật cũng như tại công sở, người Nhật có những luật bất thành văn trong cách cư xử mà người nước ngoài có thể không biết. Liệu bạn có biết cha mẹ ở Nhật Bản thường dạy con thế nào ở nơi công cộng hay không? Hãy đọc bài viết này của chúng tôi để trang bị thêm kiến thức cần thiết khi cả gia đình bạn chuyển tới Nhật Bản sinh sống nhé.
1. Nói nhỏ
Bạn có để ý thấy rằng không gian trên những chuyến tàu ở Nhật rất yên tĩnh hay không? Ngay cả bậc cha mẹ đi cùng trẻ nhỏ cũng sẽ cố gắng nói nhỏ nhất có thể. Vì lẽ đó, việc đứa trẻ gây nên tiếng ồn hoặc nghịch ngơm trong toa tàu hẳn sẽ khiến người khác cảm thấy phiên toái. Khi tới các nhà hàng cũng vậy, những bố mẹ để cho trẻ quậy phá sẽ bị coi là “vô trách nhiệm”. Một số địa điểm còn giới hạn độ tuổi để đảm bảo không gian thoải mái cho khách hàng dùng bữa. Vì thế, nếu bạn lo ngại rằng bé nhà mình có thể gây nên sự phiền toái cho mọi người, bạn có thể tới các nhà hàng dành riêng cho các gia đình để mọi người cùng được tận hưởng thời gian thoải mái và vui vẻ.
2. Phép lịch sự khi dùng xe đẩy
Xe đẩy là một thứ nhất định phải có của những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt là khi bạn có lịch trình di chuyển dày đặc. Có một vài điều bạn cần lưu ý khi sử dụng xe đẩy tại Nhật Bản, và quan trọng nhất là đừng sử dụng tàu làm phương tiện di chuyển vào giờ cao điểm nếu bạn có xe đẩy em bé. Vào thời điểm đó, các chuyến tàu thường rất đông đúc và điều này có thể gây ra những nguy hiểm cho em bé của bạn. Thêm vào đó, chiếc xe đẩy cồng kềnh sẽ làm tốn nhiều diện tích trong khoang tàu so với hành khách thông thường. Nếu bạn không thể tránh khỏi việc phải di chuyển vào giờ cao điểm, chúng tôi nghĩ bạn nên đợi một chút để đón những chuyến tàu vắng khách hơn hoặc gấp xe đẩy gọn vào để tránh làm phiên người khác.
Một lưu ý nữa là đừng sử dụng thang cuốn mà hãy dùng thang máy khi có xe đẩy. Hầu hết các ga tàu ở Nhật Bản đều có thang máy, ngoại trừ một số ga ở vùng nông thôn của nước Nhật.
3. Dọn dẹp sau khi dùng bữa ở nhà hàng
Sau khi trẻ nhỏ ăn xong, đồ ăn thường bị vương vãi và gây mất vệ sinh xung quanh. Do đó, sau khi dùng bữa tại nhà hàng, nhiều cặp cha mẹ Nhật Bản sẽ tự động dọn và lau qua khu vực bàn ăn và sàn nhà nơi mà mình dùng bữa. Nếu trẻ ăn quá bẩn vương vãi nhiều đồ ăn và bố mẹ không thể tự lau dọn được, thì họ sẽ thông báo với nhân viên ở quầy thu ngân về điều đó để nhà hàng được biết để lau dọn trước khi đón những thực khách sau đó.
4. Tháo giày
Điều hấp dẫn nhất với trẻ là quang cảnh bên ngoài cửa sổ khi tàu đang chạy. Sẽ rất khó để tránh được việc các em bé quỳ lên hoặc thậm chí là đứng lên ghế để nhìn rõ hơn những khung cảnh bên ngoài. Vì thế, ở Nhật Bản, bố mẹ thường tháo giầy của các em bé trong lúc đi tàu, để tránh việc em bé đứng lên ghế và làm bẩn chỗ ngồi. Sau đó, tới khi sắp đến nơi, bố mẹ lại đi lại giầy cho con. Quy tắc này cũng được áp dụng khi bố mẹ đưa con tới nhà hàng hoặc các địa điểm công cộng khác. Nhìn chung, ở Nhật Bản thì việc để cho trẻ giẫm lên ghế khi đang đi giày dép là điều bất lịch sự. Bạn hãy lưu ý điều này và thực hiện quy tắc này khi tới Nhật Bản nhé.
5. Những mẹo thay bỉm
Nếu muốn thay bỉm cho trẻ thì bạn phải vào các buồng thay tã riêng biệt chứ không phải tùy tiện thay bỉm cho con ở bất cứ địa điểm nào mình muốn. Nhiều nhà vệ sinh nữ đều có buồng thay bỉm cho trẻ và luôn có chỗ thay tã cho trẻ tại các phòng cho con bú. Người Nhật xem việc thay tã cho con kể cả cho trẻ sơ sinh tại nơi công cộng là điều bất lịch sự như việc bạn đi tiểu trên bàn ăn và điều này là không thể chấp nhận được.
Các cha mẹ Nhật thường mang theo các túi đựng bỉm bẩn để ngăn mùi khó chịu làm ảnh hưởng tới người khác. Nhiều người mang theo các túi này để cất những chiếc bỉm đã sử dụng trước khi bỏ những túi này vào thùng rác chứa bỉm.
Nếu không thể tìm thấy các thùng rác chuyên chứa bỉm, cha mẹ Nhật thường đem hết những chiếc bỉm bẩn này về và tự mình bỏ vào thùng rác tại nhà. Với họ, bỉm đã sử dụng là thứ mất vệ sinh và những thứ như vậy của gia đình mình thì họ phải tự mình xử lý. Vì các thùng rác chuyên đựng bỉm hiện nay chưa phổ biến lắm tại Nhật Bản, nếu bạn không tìm thấy những thùng rác kiểu này thì hãy cất những chiếc bỉm bẩn và đem về nhà nhé.
6. Cho bé bú ở phòng cho con bú
Hầu hết các mẹ người Nhật đều cho trẻ bú tại phòng dành riêng cho con bú, vì việc cho con bú tại các địa điểm công cộng không phải là một điều được chấp nhận rộng rãi trong nước Nhật. Cho con bú được coi là một hành động riêng tư và vì theo phép lịch sự nên người mẹ sẽ không làm điều này trước mặt người lạ. Đó là lý do vì sao những mẹ Nhật Bản khi đưa con đi chơi thường lựa chọn những nhà hàng gia đình, các cơ sở cho bé chơi, và các trung tâm thương mại có các phòng cho bé bú gần đó.
7. Cất đồ chơi về chỗ cũ sau khi chơi xong
Sau khi trẻ chơi xong ở khu vực dành cho trẻ em ở các nhà hàng gia đình hoặc các trung tâm thương mại, các cặp cha mẹ Nhật sẽ trả đồ chơi về đúng vị trí trước khi ra về. Bố mẹ thường yêu cầu trẻ lớn tự mình cất đồ chơi về chỗ cũ để đảm bảo khu vui chơi luôn sạch sẽ và ngăn nắp.
Việc để đồ chơi không đúng chỗ sẽ làm chỗ vui chơi bị bừa bộn và có thể làm trẻ khác bị trượt té. Đó là lý do vì sao các cặp cha mẹ Nhật thường dạy con mình đặt đồ chơi về đúng chỗ từ khi còn nhỏ.
8. Rửa sạch đồ chơi bị bé ngậm
Trẻ sơ sinh thường có thói quen cho mọi thứ lên mồm để ngậm, đó là một phần trong quá trình học hỏi và khám phá thế giới xung quanh của bé. Bạn sẽ chẳng thể nào và cũng không cần phải cấm bé không được liếm hay cắn đồ chơi. Tuy nhiên, sau khi trẻ chơi xong thì cha mẹ nên lau sạch đồ chơi bằng khăn ướt diệt khuẩn.
Một số địa điểm vui chơi cho trẻ sẽ tiệt trùng toàn bộ đồ chơi vào cuối ngày, còn những nơi khác sẽ yêu cầu cha mẹ bỏ những đồ chơi bị bé ngậm vào miệng vào một chiếc giỏ riêng để nhân viên xử lý. Tuy nhiên, các khu vui chơi ở các địa điểm công cộng thì sẽ không sạch sẽ như vậy. Vì thế, để đảm bảo vệ sinh công cộng, cha mẹ thường tự mình lau sạch đồ chơi sau khi con mình chơi xong để đảm bảo an toàn cho các trẻ khác.
9. Không đưa trẻ đang bị ốm tới những nơi công cộng
Đây là quy định chung trên toàn thế giới chứ không riêng gì Nhật Bản. Trẻ em thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn người lớn và thường không chịu đeo khẩu trang nên dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Các khu vực không thoáng khí như các nhà hàng gia đình, khu vui chơi trong nhà là các địa điểm tuyệt vời cho vi khuẩn truyền nhiễm sinh sôi. Vì lợi ích của con em mình và của các gia đình khác, bạn nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi nếu thấy trẻ có các biểu hiện ốm và đừng cho trẻ ra ngoài cho tới khi bé đã khỏi hẳn.
10. Luôn để ý quan sát bé
Các địa điểm vui chơi công cộng thường có trẻ ở mọi lứa tuổi tham gia vui chơi và vì thế mà rất dễ xảy ra tai nạn. Ví dụ như trẻ lớn chạy đùa nghịch có thể vô tình dẫm vào chân hoặc đẩy ngã các trẻ nhỏ còn đang chập chững đi, hoặc đôi khi các em bé sẽ tranh giành đồ chơi của nhau. Trong những tình huống này, cha mẹ cần phải can thiệp ngay lập tức khi xảy ra sự cố để dạy trẻ cách cư xử đúng mực, giải quyết mâu thuẫn và xoa dịu vết đau. Nghĩa vụ của cha mẹ là luôn để ý tới các con của mình để đảm bảo không gian vui chơi an toàn cho các bé cùng chơi.
Người Nhật vốn từ lâu đã nổi tiếng với tính kỷ luật và cách cư xử đúng mực, điều này cũng đúng với việc chăm sóc con cái. Chỉ cần bạn tôn trọng các quy tắc ứng xử của người Nhật, bạn và gia đình của mình sẽ có thể hòa nhập với cuộc sống ở Nhật Bản một cách dễ dàng.
Ảnh tiêu đề: KPG_Payless / Shutterstock.com
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố