7 loại gạo được yêu thích nhất ở Nhật Bản

gạo koshihikari

Gạo Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới vì độ ngon, dẻo và đóng vai trò quan trọng trong những món ăn của ẩm thực Nhật Bản. Các giống gạo của Nhật được yêu thích không chỉ trong nội địa mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nếu bạn sinh sống tại Nhật Bản và muốn lựa chọn loại gạo thơm ngon và giàu dinh dưỡng cho bữa cơm của mình và gia đình, hãy đọc bài viết dưới đây của chúng tôi để tìm hiểu những giống gạo ngon nhất và được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản. Danh sách này được Hiệp hội kiểm định ngũ cốc Nhật Bản (Japan Grain Inspection Association) lựa chọn và đánh giá dựa trên hình dáng, hương vị, độ dẻo và độ chắc mẩy của hạt gạo sau khi nấu chín.

Vị trí số 1: Gạo Koshihikari (こしひかり) 

japanese rice, koshihikari rice
ao nori/Shutterstock.com

Gạo Koshihikari là loại gạo nổi tiếng ở Nhật Bản. Loại gạo này được trồng lần đầu tiên vào năm 1956 ở tỉnh Fukui, sau này được đổi tên thành Koshi (Koshi là tên thời cổ của khu vực Echigo trong đó bao gồm tỉnh Fukui và Niigata ngày nay). Từ “Koshihikari” trong tiếng Nhật có nghĩa là “ánh sáng hy vọng của Koshi” và loại gạo này nổi bật với hạt gạo tròn, trắng bóng, khi nấu chín tạo ra những hạt cơm thơm dẻo, trông rất ngon mắt và có vị ngọt hậu đậm đà. Đây là sự lựa chọn tuyệt vời để ăn kèm rất nhiều các món ăn ngon của Nhật Bản.

Koshihikari chiếm hơn 1/3 tổng diện tích trồng lúa tại Nhật và được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trên nước Nhật, phổ biến ở Niigata, Fukui, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Toyama, Kagoshima và Miyazaki,… Trong đó nổi tiếng nhất là gạo Uonuma Koshihikari của tỉnh Niigata. Địa phương này có khí hậu đặc thù với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm cùng mùa đông kéo dài giúp cho đất được nghỉ ngơi một thời gian dài dưới lớp băng tuyết dày. Chính lớp đất màu mỡ phì nhiêu này đã góp phần tạo nên thương hiệu gạo Uonuma Koshihikari trứ danh với chất lượng tuyệt hảo và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với gạo Koshihikari được trồng ở các khu vực khác.

Vị trí số 2: Hitomebore (ひとめぼれ)

gạo Hitomebore
Ippei Suzuki/flickr.com

Đứng sau gạo Koshihikari về sản lượng sản xuất là giống gạo Hitomebore. Hitomebore trong tiếng Nhật nghĩa là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Năm 1993, Nhật Bản phải hứng chịu một đợt lạnh rất lớn. Chính vì vậy, họ đã cải tiến, lai tạo ra giống gạo Hitomebore từ một giống gạo địa phương sẵn có để thích ứng với điều kiện thời tiết giá lạnh. Giống gạo Hitomebore ban đầu được trồng ở tỉnh Miyagi sau đó mở rộng ra nhiều khu vực khác, chủ yếu là những vùng có thời tiết giá lạnh như tỉnh Akita, Fukushima và Iwate.

Gạo Hitomebore có đặc trưng là hạt gạo to, có độ bóng đẹp, hạt gạo khi nấu lên dẻo và thơm. So với các loại gạo khác, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, hương vị cân bằng nhẹ nhàng, phù hợp với bất kỳ món ăn nào.

Vị trí số 3: Akitakomachi (あきたこまち)

Gạo Akitakomachi
Fumitake Ishibashi/ Flickr.com

Tên gọi của gạo Akitakomachi được đặt theo tên của một nhà thơ nữ thời Heian, người được coi là một trong ba người phụ nữ đẹp nhất Nhật Bản. Gạo Akitakomachi có nguồn gốc từ tỉnh Akita, được lai giống từ gạo Koshihikari và giống gạo địa phương vào năm 1975. Việc lai giống này đã tạo ra loại gạo có khả năng chống chịu tốt với gió và sâu bệnh. Điều kiện tự nhiên thuận lợi như sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, cùng nguồn nước tinh khiết tại Akita đã góp phần làm nên hương vị thơm ngon được đánh giá cao của gạo Akitakomachi. Hiện nay, gạo Akitakomachi được trồng ở nhiều nơi trên nước Nhật trong đó có 2 vựa lúa chính là ở tỉnh Akita và Iwate .

Gạo Akitakomachi có hương thơm, hạt gạo bóng mẩy trông vô cùng hấp dẫn. Khi chín, hạt cơm trắng bông với hương vị tuyệt hảo sẽ kích thích cả thị giác và khứu giác của bạn. Những hạt cơm với vị ngọt đậm đà này lưu giữ được vị ngon ngay cả khi để nguội và thích hợp khi dùng với các món ăn có hương vị nhẹ nhàng. Đây là loại gạo hoàn hảo để chế biến món sushi.

Vị trí số 4: Haenuki (はえぬき)

Haenuki là một trong những giống gạo lâu đời nhất ở Nhật Bản. Giống lúa của loại gạo này được canh tác quy mô lớn ở tỉnh Yamagata từ năm 1992. Tên gọi Haenuki có nghĩa là “nguyên sinh” vì gạo được trồng ở khu vực bao quanh là núi non nên được hưởng lợi từ khí hậu tuyệt vời tại đây. Haenuki là giống gạo có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt cùng với năng suất ổn định nên nhanh chóng trở thành giống gạo chính được trồng ở tỉnh Yamagata. Gạo Haenuki có hương vị thơm ngon, kết cấu dẻo, vị ngọt dịu và mềm ngay cả khi ăn nguội nên thường được dùng để làm cơm nắm onigiri và cơm hộp bento cho bữa trưa. Giống gạo này được Hiệp hội kiểm định ngũ cốc Nhật Bản đánh giá cao trong nhiều năm nhưng lại ít được biết đến vì chủ yếu chỉ được trồng ở tỉnh Yamagata. Nếu bạn muốn thưởng thức loại gạo này bạn có thể tìm mua trên các trang bán hàng trực tuyến.

Vị trí số 5: Sasanishiki (ささにしき)

Sasanishiki là niềm tự hào của vùng Sendai tỉnh Miyagi. Giống lúa này bắt đầu được canh tác rộng rãi từ năm 1963 ở tỉnh Miyagi. Tuy nhiên do khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh kém nên từ năm 1993 diện tích trồng trọt của giống gạo này đã bị thu hẹp, do đó bạn sẽ khó bắt gặp loại gạo này ở các siêu thị nhỏ. Hiện giống gạo Sasanishiki chỉ được sản xuất với sản lượng nhỏ, chủ yếu ở vựa lúa Miyagi. Gạo Sasanishiki có hạt tròn, mẩy, cứng hơn các loại gạo khác. Cơm khi nấu chín có độ kết dính cao, thơm ngào ngạt, hạt cơm căng bóng đẹp mắt, vị ngọt đậm đà. Đây là một loại gạo lý tưởng để chế biến sushi và cơm nắm onigiri.

  • Giá: 2550 yên/ 5kg (chưa bao gồm thuế)
  • Cách nấu: tỷ lệ gạo/ nước là 1:1
  • Trang web (tiếng Nhật):https://www.sasanishiki.com/

Vị trí số 6: Tsuyahime (つやひめ)

cơm nấu từ gạo Tsuyahime
Yoshinori/Flickr.com

Tsuyahime là một giống lúa gạo được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt ở tỉnh Yamagata từ năm 2010, được cải tiến từ một giống gạo từ xa xưa có tên Kameno-o. Tên gọi Tsuyahime nghĩa là “công chúa tỏa sáng”. Giống gạo này dễ canh tác, có thể chịu được thời tiết nắng nóng tốt hơn các giống gạo khác. Kích thước hạt gạo Tsuyahime to hơn các loại gạo thông thường, màu trắng bóng, hương vị và mùi thơm ngọt dịu, cơm nấu lên có độ dẻo dính, thơm ngon ngay cả khi ăn nguội. Loại gạo này được Hiệp hội kiểm định ngũ cốc Nhật Bản xếp vào loại gạo cao cấp ngay từ lần đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 2010. Những người nông dân ở Yamagata đã dày công trồng trọt với mục tiêu đưa gạo Tsuyahime sánh ngang với loại gạo nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là gạo Koshihikari. Thực tế ngày nay, gạo Tsuyahime được những người sành ăn đánh giá cao hơn vì cam kết hàm lượng thuốc trừ sâu sử dụng ít hơn gạo Koshihikari gấp năm lần.

Vị trí số 7: Yumepirika (ゆめぴりか)

Gạo Yumepirika
chibipepebula/flickr.com

Trong tiếng Nhật, “Yume” có nghĩa là “giấc mơ” và “Pirika” trong tiếng của người Ainu có nghĩa là “đẹp”. Do vậy tên của loại gạo này có nghĩa là “giấc mơ đẹp”. Giống gạo Yumepirika được trồng chủ yếu ở Hokkaido và được xem là sản vật của vùng đất lạnh giá này sau nhiều năm nỗ lực cải tiến giống cây trồng. Quy trình sản xuất gạo được kiểm soát nghiêm ngặt để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo hương vị thơm ngon của giống lúa gạo. Gạo Yumepirika có màu trắng như tuyết, khi nấu lên cơm dẻo, dính và mềm ngon. Cơm nấu từ gạo Yumepirika có dư vị ngọt và thơm ngon ngay cả khi ăn nguội nên thường được sử dụng để làm sushi, cơm nắm onigiri hay cơm hộp bento. Loại gạo này còn được sử dụng trên các chuyến bay của hãng hàng không ANA Nhật Bản.

  • Giá: 2980 yên/ 5kg (chưa bao gồm thuế)
  • Cách nấu: tỷ lệ gạo/ nước là 1:1
  • Trang web (tiếng Nhật):http://yumepirika.com/

Gạo Nhật có vị ngon, dẻo và là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại gạo Nhật ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các trang web bán hàng trực tuyến. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn có thể tìm được loại gạo ưng ý để sử dụng hoặc nếu thích, bạn có thể thử lần lượt từng loại gạo nổi tiếng kể trên.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: