10 điều bạn cần biết để không vi phạm quy tắc ứng xử khi tham dự lễ cưới tại Nhật Bản

Khi được mời dự lễ cưới tại Nhật Bản, bạn sẽ có rất nhiều việc phải làm như trả lời thư mời, chuẩn bị quà mừng, chọn trang phục và kiểu tóc phù hợp,… Không chỉ vậy, bạn còn cần phải biết những quy tắc lễ nghi phức tạp, văn hóa ứng xử cần thiết khi tham dự sự kiện quan trọng này. Bài viết này sẽ giới thiệu những quy tắc ứng xử mà người tham dự lễ cưới tại Nhật Bản cần biết. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ đọc nội dung dưới đây để biết cách chúc mừng cô dâu chú rể đúng cách trong ngày trọng đại của họ.

Trả lời thư mời tham dự càng sớm càng tốt

thư mời dự đám cưới ở Nhật Bản

Có thể nói việc trả lời thư mời là khởi nguồn cho mọi công tác chuẩn bị đám cưới. Gia chủ sẽ không thể sắp xếp chỗ ngồi trong tiệc chiêu đãi, đặt đúng số lượng món ăn hay quà tặng khách nếu không biết chính xác số lượng người đến tham dự. Do đó, bạn cần trả lời ngay trong 2~3 ngày kể từ khi nhận được thư mời. Nếu bạn chưa rõ kế hoạch công việc trong thời gian tới thì cũng nên thông báo rõ điều này trong thời hạn trả lời thư mời. Bạn cần hiểu rằng nhận được thư mời có nghĩa là bạn là một phần quan trọng trong đám cưới của họ, vì vậy hãy cố gắng để cô dâu, chú rể không phải lo lắng quá nhiều về bạn.

Ngoài ra, cách trả lời thư mời cưới cũng có quy tắc riêng. Hiện nhiều đám cưới cho phép trả lời theo phong cách tự do, nhưng vẫn còn nhiều đám cưới giữ nguyên tắc trả lời truyền thống. Khi đó, trong nội dung trả lời, người được mời cần phải xóa những từ kính ngữ mà người tổ chức đã dành cho mình trong thư mời bằng cách gạch song song 2 nét lên đó. Cụ thể như trong tiếng Nhật, bạn sẽ phải gạch bỏ chữ “go (御/ご)” trong chữ “go shusseki (御出席)” hoặc “go kesseki (御欠席)”. Và nếu phần trả lời có khoảng trống cho phép ghi chép thì bạn có thể tự hiểu rằng người tổ chức muốn bạn ghi lời chúc mừng đám cưới ở đó.

Nhật Bản đang thịnh hành loại thư trả lời có kèm biểu tượng minh họa chúc mừng. Tuy nhiên, nếu đối tượng chúc mừng là lãnh đạo hoặc cấp trên thì những hình minh họa này có thể bị coi là thất lễ và thiếu trang trọng với gia chủ. Còn nếu là đám cưới của bạn bè thân thiết thì cách làm này đang trở thành một xu hướng, giúp người tham dự có thể truyền tải sinh động lời chúc mừng của mình.

Thông báo trước những món ăn bạn không thể ăn

bàn tiệc ở Nhật Bản

Một trong những điều thú vị tại tiệc chiêu đãi đám cưới là các món ăn. Nếu tiệc chiêu đãi được tổ chức tại khách sạn thì gia chủ thường chọn sẵn xuất ăn dành cho người tham dự. Vì vậy, bạn cần báo trước cho gia chủ về đồ ăn gây dị ứng hoặc món bạn không thể dung nạp… Nhiều cô dâu chú rể gần đây rất cẩn thận nên họ dành riêng nội dung ghi chú “thực phẩm gây dị ứng cho bạn” trong thư mời. Tuy nhiên, lưu ý bạn chỉ nên ghi những món ăn gây dị ứng cho bạn, chứ không nên ghi những món bạn không muốn ăn do sở thích cá nhân. Ngoài ra, nếu bạn không thể ăn được một số món ăn vì vấn đề tôn giáo thì cũng hãy ghi rõ trong mục này.

Nếu thư mời không có mục riêng dành cho ghi chú này, bạn có thể ghi vào phần để trống hoặc gọi điện trực tiếp cho cô dâu, chú rể để báo trước. Dị ứng đồ ăn là vấn đề rất nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có thể sẽ phá hỏng lễ cưới nên việc thông báo trước một cách rõ ràng được xem là việc hết sức quan trọng.

Đừng quên những món đồ cần thiết khi đi dự lễ cưới

trang phục đi dự tiệc ở Nhật Bản

Lễ cưới được coi là sự kiện chỉ có một lần trong đời đối với cô dâu chú rể. Khách mời tham dự cũng muốn có sự chuẩn bị cẩn thận và muốn chúc phúc cho cô dâu chú rể. Và để tham dự lễ cưới trong tư thế sẵn sàng nhất, bạn cần lưu ý những điều sau:

  1. Phong bì, quà mừng
  2. Khăn/Túi gói quà mừng (được dùng để gói quà mừng, có thể thay thế bằng khăn tay)
  3. Thư mời (nên mang theo vì có lễ cưới sẽ yêu cầu xuất trình để vào hội trường cưới)
  4. Khăn tay
  5. Điện thoại di động
  6. Máy ảnh
  7. Ví tiền
  8. Tất chân dự phòng (phụ nữ nên mang theo để cảm thấy yên tâm hơn nếu không may tất bị xước, rách)

Bạn có thể nhận được quà tặng từ gia chủ sau lễ cưới nên tốt nhất là hãy mang ít đồ nhất có thể. Nam giới thường đi tay không hoặc mang theo chiếc túi nhỏ. Ngay cả khi bạn đến từ một nơi xa thì cũng không cần phải quá lo lắng, vì bạn có thể gửi hành lí lớn như va li nếu hội trường cưới tổ chức tại các địa điểm có quy mô như khách sạn.
Ngoài ra, các lễ cưới tổ chức vào mùa đông đều bố trí chỗ gửi áo khoác và khăn choàng nên bạn sẽ không cảm thấy vướng víu trong suốt buổi lễ. Trong quá trình di chuyển đến nơi tổ chức lễ cưới, trang phục mùa đông có thể vướng víu nhưng là vật dụng cần thiết để giữ ấm cơ thể bạn.

Những quy tắc phức tạp về tiền mừng, cách viết lời chúc mừng và cách trao quà

phong bì mừng đám cưới ở Nhật Bản

Tiền mừng cưới

Ở các lễ cưới tại Nhật Bản, cách trao tặng quà để chúc mừng cô dâu chú rể thể hiện cách cư xử đúng mực. Tiền mừng cưới thường là 30.000 yên, con số tiền mừng là số chẵn mang ý nghĩa có thể chia tách (chia li) nên thường không được sử dụng. Tuy nhiên, trong ký tự số chữ Hán thì số 8 lại được cho là số may mắn. Những con số được cho là không may mắn như số 4 (chết) và số 9 (khổ) cũng không nên sử dụng.
Ngoài ra, khi chuẩn bị tiền mừng, bạn cũng đừng quên thể hiện thành ý bằng cách chuẩn bị những tờ tiền mới, chưa được sử dụng với ý nghĩa chúc mừng một sự khởi đầu mới. Điều này đòi hỏi quá trình chuẩn bị khá tỉ mỉ, tốn cả thời gian và công sức của người tham dự.
Nếu buổi lễ và tiệc chiêu đãi cưới được tổ chức khác ngày nhau, bạn có thể trao tiền mừng vào một trong hai ngày này.

Lựa chọn phong bì và cách viết lời chúc mừng

nút thắt mizuhiki trên phong bì ở Nhật

Khi lựa chọn phong bì đựng tiền mừng cưới, bạn cần chú ý đến biểu tượng “nút thắt mizuhiki” để không chọn nhầm. Mizuhiki là biểu tượng nút thắt được in trên phong bì. Người ta sử dụng “musubi-kiri” (ảnh trên cùng) hoặc “awaji-musubi” (ảnh ở giữa) đối với phong bì mừng cưới. Cả hai biểu tượng này đều mang ý nghĩa “kết hôn một lần”, và đó là sự ràng buộc mà khi đã một lần kết nối thì không thể tách rời. Ngược lại, “cho-musubi” (ảnh dưới cùng) không dành cho đám cưới vì nó nghĩa là có thể thắt nối lại nhiều lần, và nó được dùng cho những lễ kỷ niệm mà bạn muốn diễn ra nhiều lần.
Ngày nay, các cửa hàng bày bán nhiều loại phong bì mừng được thiết kế cao cấp với nhiều kiểu dáng, màu sắc và số lượng dây thắt của mizuhiki khác nhau. Nếu bạn đi với tư cách là bạn thân hay đồng nghiệp, người đã rất thân thiết với cô dâu, chú rể thì điều này không quá quan trọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm mất đi ấn tượng tốt đẹp về bạn trong mắt đối phương, vì vậy bạn cần cân nhắc đến mối quan hệ với người được nhận trước khi lựa chọn phong bì. Ngoài ra, phong bì có toàn bộ màu xám nhạt, nút thắt màu đen trắng và vàng là loại được dùng trong đám tang, do đó bạn tuyệt đối không được sử dụng loại phong bì này.

Trên phong bì mừng, việc sử dụng bút bi để viết tên, số tiền, địa chỉ là điều không nên; thay vào đó, bạn bắt buộc phải sử dụng bút lông hoặc bút mực đen nét đậm. Ngoài ra, mực nét mỏng chỉ sử dụng cho phúng viếng nên bạn phải sử dụng loại mực đen đậm, rõ ràng để viết phong bì cưới. Trên phong bì sẽ ghi tên sự kiện và tên người mừng. Tên sự kiện có thể ghi là “hỉ sự (寿)”, “chúc mừng (御祝)” hoặc “chúc mừng lễ thành hôn (御結婚御祝)”, còn nếu bạn tham gia tiệc chiêu đãi thì ghi “hỉ sự (寿)”. Ngày nay cũng có rất nhiều cửa hàng tạp hóa bán các loại phong bì được thiết kế đẹp, ghi sẵn tên sự kiện trên đó nên nhiều người thường mua loại này để sử dụng.

Cách gấp phong bì thể hiện ý nghĩa “cầu mong mang lại (không tuột mất) hạnh phúc”, và phần gấp bên dưới thường được dán đè lên phần gấp bên trên. Nếu bạn làm ngược lại, phần gấp trên ở phía trên thì sẽ chuyển thành nghĩa “mong cho nỗi đau nhanh chóng qua đi”, và loại này chỉ được dùng trong đám tang, nên tuyệt đối không được nhầm lẫn trong trường hợp này.

Bên trong phong bì chúc mừng sẽ có phong bì nhỏ để đựng tiền. Quy tắc khi cho tiền vào trong phong bì nhỏ là đặt phía hình mặt người trên tờ tiền hướng lên trên để có thể nhìn thấy đầu tiên. Trong lễ cưới, cô dâu, chú rể sẽ nhận được rất nhiều phong bì từ khách mời nên để tránh nhầm lẫn, bạn đừng quên ghi số tiền, tên, địa chỉ lên phong bì nhỏ nhé. Trên mặt trước phong bì nhỏ, bạn sẽ ghi “Tiền mừng … yên (金 ○○円)” và sử dụng ký tự số trong chữ Hán như một (壱), hai (弐), ba (参) để viết. Mặt sau của phong bì sẽ ghi địa chỉ và tên. Toàn bộ chữ viết trên phong bì chúc mừng phải được viết dọc.

Cách trao phong bì mừng cưới

Thông thường, mọi người sẽ trao phong bì mừng vào đúng ngày diễn ra lễ thành hôn và tại quầy lễ tân. Để tránh phong bì bị bẩn hoặc bị gấp mép, phong bì thường sẽ được gói trong một chiếc khăn lụa chuyên được dùng để gói đồ, có tên gọi là “fukusa”. Khăn fukusa có nhiều loại, những loại có màu sắc ấm nóng thường được sử dụng trong hỉ sự như đám cưới. Bạn lưu ý tránh sử dụng màu đen hoặc xám, vì nó được dùng cho đám tang. Chúng tôi khuyên bạn nên dùng khăn fukusa màu tím vì nó có thể dùng trong mọi hoàn cảnh. Dưới đây là hình minh họa cách gói khăn.

minh họa cách gói phong bì mừng cưới kiểu Nhật

Trường hợp bạn bận việc và không thể tham dự lễ cưới hoặc bạn không được mời nhưng vẫn muốn gửi quà mừng thì hãy trao món quà đó vào khoảng 1 tuần trước lễ cưới. Nếu bạn không tiện để trao tận tay thì có thể gửi qua bưu điện. Khi gửi tiền qua bưu điện, bạn cho tiền vào phong bì mừng rồi cho vào phong bì chuyên dụng của bưu điện để thể hiện thành ý chúc mừng. Việc đợi đến ngày cưới và gửi đến hội trường cưới sẽ không đúng quy tắc ứng xử nên bạn nhớ gửi trực tiếp cho cô dâu chú rể hoặc đến địa chỉ nhà riêng của họ.

Trường hợp không cần phong bì mừng

Gần đây, nhiều đám cưới quy định sẵn mức phí tham dự, được tính toán dựa trên chi phí tiệc. Hầu hết các đám cưới ở Hokkaido khách mời đều phải trả phí tham dự, khi đó bạn không cần chuẩn bị phong bì mừng. Có nhiều trường hợp thư mời không nhất thiết phải ghi rõ việc từ chối phong bì mừng, kiểu như “Vui lòng không gửi tiền mừng” nên bạn hãy chú ý khi tham dự.

Trang phục và kiểu tóc phù hợp đám cưới – rực rỡ nhưng không quá nổi bật

làm tóc đi dự tiệc tại Nhật

Lễ cưới là một dịp để chúc mừng. Khách mời cũng được yêu cầu mặc trang phục đẹp phù hợp với không khí buổi lễ trang trọng. Tuy nhiên, nhân vật chính của lễ cưới vẫn là cô dâu, chú rể. Do vậy, bạn không nên quá phô trương bằng trang phục quá nổi bật hay váy quá ngắn. Kiểu tóc cũng phải gọn gàng, phù hợp với sự kiện vui. Kiểu tóc thẳng của phụ nữ được cho là quá giản dị, nên bạn sẽ an toàn hơn với kiểu tóc uốn cụp.
Nam giới sẽ chọn bộ vest đen hoặc màu tối để làm nổi bật nhân vật chính. Nhưng cà vạt đen sẽ không phù hợp, vì nó sẽ bị liên tưởng đến đám tang. Bộ vest công sở cũng thiếu trang trọng nên sẽ là một hành xử không đẹp trong lễ cưới. Nếu bạn bắt buộc phải mặc vest công sở tham dự đám cưới thì hãy cố gắng tăng sự lộng lẫy bằng cách kết hợp thêm những món đồ phụ kiện.
Khách mời nam hay nữ đều nên tránh màu trắng – màu trang phục của cô dâu, chú rể. Bạn cũng cần cẩn thận khi sử dụng trang phục họa tiết da động vật, các sản phẩm da, lông thú… vì nó tạo cảm giác sát sinh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp một vài thông tin cho những người muốn tham dự tiệc cưới trong trang phục truyền thống của Nhật Bản. Nếu bạn là nữ (cho dù là độc thân hay đã có gia đình) và là đồng nghiệp hoặc bạn bè của cô dâu hoặc chú rể thì bạn nên mặc kimono loại “homon-gi”. Bạn có thể chọn loại “furisode” nếu chưa kết hôn. Tuy nhiên, nếu cô dâu mặc kimono dài tay (chiều dài tay áo khoảng 114cm) thì bạn nên hạ thấp áo kimono xuống vừa phải (chiều dài tay áo khoảng 100cm).
Nam giới phù hợp với trang phục “iromontsuki”, không có hoa văn và được nhuộm đơn sắc bởi các màu khác màu đen như xanh nước biển, xám, nâu. Việc chọn áo kimono hay haori cần lưu ý tránh họa tiết lòe loẹt, phải sử dụng loại vải đơn sắc, không nổi bật để làm nền cho nhân vật chính. Ngoài ra, bạn đừng quên mặc áo haori vì trong trang phục truyền thống Nhật Bản, nó giống như một chiếc áo khoác trang trọng.
Trang phục truyền thống có rất nhiều quy tắc khi mặc, vì vậy bạn nhớ hỏi kĩ người bán hàng ở cửa hàng bán/cho thuê kimono để biết cách sử dụng sao cho đúng nhé.

Xu hướng gần đây là các đám cưới được tổ chức theo phong cách riêng, rất cá tính; hội trường cưới được chuyển từ khách sạn sang nhà hàng. Trang phục, kiểu tóc được lựa chọn tùy theo thời gian, địa điểm và sự kiện tổ chức. Cùng với việc ghi nhớ các quy tắc ứng xử cơ bản, bạn cũng cần tìm hiểu trước phong cách lễ cưới, hội trường, khách mời tham dự, để chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp.

Những điều cần lưu ý tại hội trường cưới trong ngày tổ chức lễ cưới

hội trường đám cưới tại Nhật

Vào ngày cưới, bạn hãy tham gia như mình là một phần quan trọng làm nên sự thành công của lễ cưới và đừng quên chúc mừng. Hãy đến địa điểm cưới trước khoảng 20~30 phút để có đủ thời gian, không bị vội vàng. Đến nơi, hãy nói “Xin chúc mừng (omedeto gozaimasu)” khi gặp người phụ trách lễ tân và họ hàng, chứ không phải chỉ với cô dâu, chú rể. Bữa tiệc sẽ được tiến hành theo kế hoạch đã được lên từ trước, vì vậy khi bài phát biểu hoặc các tiết mục giải trí được bắt đầu, bạn hãy ngừng ăn uống, và hướng mắt về phía sân khấu để theo dõi nhé. Hãy tranh thủ đi vệ sinh (nếu cần) vào thời gian trò chuyện hoặc lúc cô dâu thay váy.
Vui vẻ nhiệt tình chúc mừng là điều tốt, nhưng người thân của cô dâu, chú rể cũng dự tiệc nên bạn cũng không nên quá suồng sã theo kiểu bạn bè. Nếu sau tiệc chiêu đãi còn có bữa tiệc nữa thì khi đó bạn có thể thoải mái, tự do hơn vì lúc này thường là bữa tiệc thân mật, không có người nhà tham dự.

Thời điểm trao quà tặng mừng đám cưới

hộp quà và hoa

Thông thường, bạn không cần tặng món quà riêng khi trao phong bì mừng lúc tham dự lễ cưới. Nhưng nếu bạn muốn tặng món quà gì đó cho cô dâu chú rể và món đồ đó có kích thước lớn thì bạn có thể gửi tại lễ tân trong ngày cưới; nhưng có lẽ cách gửi thẳng đến nhà riêng của cô dâu chú rể để khỏi phải mang theo sẽ tốt hơn cả. Các cô dâu, chú rể thường rất bận ngay trước lễ cưới nên nếu gửi quà thì có lẽ nên gửi sau lễ cưới (khoảng 1 tuần sau) khi công việc đã xong xuôi thì sẽ tiện hơn.

Điều bạn không nên làm nếu được yêu cầu thực hiện tiết mục giải trí

cầm micro

Tại tiệc cưới, lãnh đạo sẽ có bài phát biểu và bạn bè sẽ có tiết mục biểu diễn. Nếu cô dâu chú rể nhờ bạn làm điều này, hãy giữ phép tắc cơ bản và chuẩn bị thật kĩ càng cho tiết mục. Mọi nội dung diễn ra trong tiệc cưới đều rất quan trọng, chúng tôi mong rằng bạn sẽ cố gắng hết mức có thể để tránh xảy ra sai sót.
Ngoài ra, các nội dung trong buổi lễ được quy định trong vài phút nên bạn cần lưu ý thời gian để kết thúc đúng trong thời gian cho phép. Một điều quan trọng nữa là không nên đùa giỡn hay quá sa đà vào câu chuyện cá nhân, bạn nên nhớ rằng đây là bữa tiệc có rất nhiều khách, trong đó có họ hàng cô dâu, chú rể. Còn nếu bạn cần sử dụng máy móc trong hội trường tiệc để hỗ trợ nội dung thực hiện của mình như quay phim… thì bắt buộc phải tham dự tập thử trước đó. Máy móc luôn có những vấn đề bất ngờ mà đôi khi không phải lúc nào cũng giải quyết ngay được, nên bạn nhớ hỏi kĩ nhân viên của khách sạn xem video có ổn định không, chất lượng âm thanh hoặc âm thanh có đủ lớn không nhé.

Quy tắc cho bữa tiệc thứ hai – vui vẻ quá đà cũng không tốt

cụng ly chúc mừng

Sau phần tiệc cưới chính thức có sự tham gia của gia đình, các đám cưới ngày nay thường tổ chức bữa tiệc thứ hai dành riêng cho bạn bè thân thiết. Bữa tiệc thứ hai có thể có thêm thành viên mới, ngoài những người đã tham dự tiệc cưới trước đó. Bữa tiệc này thường theo kiểu đóng phí tham dự nên bạn không cần gửi quà mừng. Tiền phí tham dự cũng không nhất thiết phải là những tờ tiền mới. Đây là bữa tiệc giữa những người thân thiết để cùng vui vẻ với nhau nên trang phục có thể thoải mái hơn khi tham dự tiệc cưới, nhưng bạn cũng nên cân nhắc để lựa chọn cho phù hợp với nơi đến. Cũng giống như ở tiệc cưới chính thức, bạn nên tránh trang phục màu trắng hoặc trang phục quá hở hang.
Đây là bữa tiệc thành hôn của bạn bè thân thiết, nhưng đừng quên chúc mừng và cũng đừng để mọi thứ quá đà nhé.

Làm gì khi bạn đến muộn hoặc không thể tham dự

cô gái đang gọi điện thoại

Nếu bạn vắng mặt vì lý do nào đó, cách đúng đắn nhất bạn nên làm là thông báo điều này càng sớm càng tốt. Nếu bạn quyết định không thể tham dự trước khi trả lời lời mời, bạn chỉ cần viết thư trả lời giấy mời để thông báo; nhưng nếu bạn bận đột xuất sau khi đã thông báo tham dự lễ cưới với gia chủ thì ngoài việc viết thư hay gửi tin nhắn LINE, bạn hãy gọi điện trực tiếp nếu có thể và xin lỗi về điều này. Thông thường, trước lễ cưới vài ngày, gia chủ sẽ chốt lượng khách mời và đặt trước thực đơn, quà tặng khách,… nên nếu hủy tham dự ngay trước ngày cưới thì mọi người vẫn thường gửi phong bì mừng cưới.
Ngoài ra, nếu bạn gặp sự cố đột xuất vào đúng ngày cưới và không thể tham dự thì việc thông báo đến hội trường cưới là điều cơ bản cần làm. Cô dâu, chú rể sẽ rất bận trong ngày này nên không có thời gian trực tiếp trả lời thông báo của bạn, do đó việc thông báo trực tiếp cho những nhân vật chính vào ngày lễ cưới là điều không nên. Bạn có thể liên lạc với những người bạn bè tham dự đám cưới để thông báo, hoặc tốt hơn là thông báo cho nhân viên tại hội trường cưới để họ có thể cho bạn biết chính xác thời gian diễn ra tiệc cưới. Bên cạnh đó, việc chia sẻ chính xác lý do vắng mặt là điều nên làm nhưng cũng không nên nói về những điều không tốt đẹp kiểu như chuyện đáng tiếc đã xảy ra với mình. Sau đó, bạn nên gọi lại trực tiếp cho cô dâu chú rể vào ngày sau lễ cưới để gửi lời xin lỗi và chúc mừng họ cũng như gửi phong bì quà mừng. Gia chủ đã chuẩn bị tiệc và quà tặng cho việc bạn tham dự lễ cưới nhưng bạn lại không thể đến thì tiền mừng cũng giống như bạn đã tham dự (thường là 30.000 yên).

đám cưới ở Nhật Bản

Lễ cưới là một sân khấu rực rỡ ghi dấu kỉ niệm đặc biệt trong cuộc đời của cô dâu, chú rể và người thân. Để niềm vui này trở nên đặc biệt, trọn vẹn và là một sự kiện hoành tráng và có ý nghĩa, việc khách mời tham gia tuân thủ các nghi thức cơ bản là điều rất quan trọng. Bài viết này đã đưa những thông tin cơ bản để bạn hiểu rõ những quy tắc ứng xử khi tham dự cũng như có thể chuẩn bị kỹ càng để chúc phúc cho cô dâu và chú rể trong ngày trọng đại của họ.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: