Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc những tiêu chuẩn để lựa chọn công ty khi xin việc tại Nhật Bản. Ngoài những yếu tố cơ bản như nội dung công việc, chế độ lương thưởng và văn hóa công ty, bài viết cũng sẽ giải thích cặn kẽ về những điểm nhất định phải chú ý đối với các công ty Nhật như chế độ phúc lợi hay thời gian làm thêm. Trước khi quyết định ứng tuyển, bạn hãy đọc kỹ bài viết này để không phải hối hận về quyết định của mình sau khi vào làm tại công ty mới nhé.
1. Mức lương
Một trong những yếu tố quan trọng cần kiểm tra là mức lương đưa ra có đảm bảo được những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của bạn hay không. Bạn có thể tham khảo mức lương trung bình của người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ở dưới đây:
Nhân viên khách sạn: trên dưới 3.000.000 yên/năm
Giáo viên dạy tiếng Anh giao tiếp (toàn thời gian cố định): trên dưới 3.500.000 yên/năm
Giáo viên dạy tiếng Anh giao tiếp (bán thời gian): khoảng 2.500 – 3.000 yên/buổi
Biên dịch viên: khoảng 3.000.000 yên – 8.000.000 yên/năm
Kỹ sư: khoảng 4.000.000 – 7.000.000 yên/năm
Điều dưỡng: trên dưới 3.000.000 yên/năm
Công nhân xây dựng: trên dưới 3.000.000 yên/năm
* Tất cả các mức lương trên có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm, ngành nghề, quy mô công ty, v.v.
Đối với những sinh viên người Nhật vừa tốt nghiệp và chuyển ra ở riêng, mức lương tháng thường rơi vào khoảng 200.000 yên, cộng thêm tiền thưởng thì thu nhập mỗi năm vào khoảng 3.000.000 yên. Những ngành nghề chủ yếu nêu trên đều có mức lương tương đương sinh viên người Nhật mới tốt nghiệp, tuy nhiên nếu nhận những việc làm không cố định thì lương sẽ tính theo giờ và không có thưởng. Tùy từng cách thức làm việc mà có thể bạn sẽ phải sống tiết kiệm hơn.
Khi xem thông tin tuyển dụng, bên cạnh loại công việc thì bạn cũng cần quan tâm tới việc vị trí đó có cố định hay không. Bạn cũng nên nhớ rằng phía công ty sẽ trừ phí bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập vào lương tháng, vì vậy mà phần thu nhập bạn nhận về thực tế có thể chỉ bằng khoảng 80% lương cơ bản. Khi phỏng vấn, bạn có thể hỏi cụ thể về mức lương để yên tâm hơn.
2. Chế độ phúc lợi
Chế độ phúc lợi là những chế độ hay dịch vụ mà công ty cung cấp cho nhân viên ngoài lương và thưởng. Chế độ này bao gồm phần phúc lợi theo quy định của pháp luật và phần phúc lợi do công ty tự đưa ra. Phúc lợi theo luật định thì công ty nào cũng giống nhau, bao gồm bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc dài hạn, bảo hiểm tai nạn cho người lao động, bảo hiểm hưu trí, v.v. Phần phúc lợi do công ty tự đưa ra có thể là những quyền lợi khác nhau tùy từng công ty như: trợ cấp nhà ở, trợ cấp phí đi lại, trợ cấp gia đình, thẻ hội viên câu lạc bộ thể thao, chuyến du lịch cho nhân viên, v.v. Trong đó, trợ cấp nhà ở (trợ cấp tiền thuê nhà) là loại rất phổ biến và đối với những nhân viên đang phải đi thuê nhà thì đây là một mức trợ cấp tương đương với việc tăng lương.
Ngoài ra, ở Nhật còn có những công ty đưa ra những chế độ phúc lợi đặc biệt như trợ cấp làm đẹp để hỗ trợ cho nhân viên một phần chi phí làm đẹp, hay hỗ trợ tiền mua game ở các công ty game. Ngày càng có nhiều công ty có khoản tiền mừng cho nhân viên vào các dịp đặc biệt như kết hôn hay sinh con. Chế độ phúc lợi là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bạn. Vì vậy, đừng chỉ quan tâm đến mức lương mà hãy xem xét cả yếu tố phúc lợi nữa nhé.
3. Quy mô công ty
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh mà định nghĩa về công ty quy mô lớn hay quy mô vừa và nhỏ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng công ty quy mô lớn sẽ có từ 1000 nhân viên trở lên, trong khi đó công ty vừa và nhỏ thì chỉ có từ 99 nhân viên trở xuống. Không có một tiêu chuẩn nào để đánh giá quy mô nào là tốt hơn. Điều quan trọng là bạn phải nắm rõ những ưu, nhược điểm của từng loại công ty để lựa chọn cho phù hợp. Dưới đây là những ưu, nhược điểm chính của từng loại công ty.
Một trong những ưu điểm phải kể đến đầu tiên của những công ty lớn là chế độ phúc lợi. Ngoài ra, ta cũng có thể kể tới các yếu tố như giá trị tên tuổi và uy tín trong xã hội, mức độ ổn định và tương lai của công ty, chế độ lương thưởng. Với quy mô và tiềm lực tài chính của những công ty này, nhân viên có thể hoàn toàn yên tâm khi làm việc.
Nhược điểm được kể đến nhiều nhất là về các mối quan hệ trong công ty. Ngoài ra có thể kể đến những yếu tố như văn hóa công ty, thời gian làm việc/ chế độ nghỉ phép, chế độ nhân sự (đánh giá/ thăng tiến/ đào tạo). Tại những công ty lớn với đông đảo nhân viên, mỗi người phải tạo dựng nhiều mối quan hệ với nhiều kiểu người khác nhau. Ngoài ra, các công ty lớn thường có văn hóa doanh nghiệp riêng với lịch sử lâu đời khó có thể thay đổi, do vậy những ý tưởng mới dù hay đến mấy cũng khó được thực hiện nếu không phù hợp với văn hóa vốn có của doanh nghiệp. Đối với những người mong muốn đưa ra sáng kiến mới mẻ, môi trường này có thể sẽ gây ra nhiều bất mãn. Đồng thời, do có nhiều chi nhánh ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài nên nhân viên ở những công ty này có thể sẽ phải luân chuyển công tác nhiều hơn. Đây vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm: được làm việc ở một chi nhánh nước ngoài theo nguyện vọng có thể là điều tốt, nhưng cũng có khả năng bị luân chuyển đến một chi nhánh ở địa phương khác trong nước và có lẽ đây là điều ít người mong muốn.
Ưu điểm đầu tiên của loại doanh nghiệp vừa và nhỏ là các mối quan hệ. Tiếp theo là nội dung công việc, thời gian làm việc và chế độ nghỉ ngơi. Tại các công ty vừa và nhỏ, số lượng nhân viên ít nên nhiều người có cảm giác như ở nhà, dễ dàng giao tiếp với mọi người hơn. Về nội dung công việc, khác với những công ty lớn khi nhiệm vụ được phân hóa rõ ràng theo chiều dọc, nhân viên tại những công ty vừa và nhỏ có cơ hội được đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công việc và đây là môi trường làm việc có phần thách thức hơn. Khoảng cách giữa quản lý và nhân viên gần hơn nên nhân viên có cơ hội được đề xuất và thực hiện ý tưởng của mình. Trong số những công ty này cũng có những công ty khởi nghiệp đòi hỏi tính tự chủ và khả năng thực hiện công việc cao ở nhân viên, tiền lương gắn liền với kết quả công việc nên nếu bạn thành công bạn có thể kiếm được thu nhập cao hơn so với ở những công ty lớn.
Những bất lợi có thể kể tới là tiền lương (bao gồm tiền thưởng và tăng lương), tương lai và tính ổn định của công ty. Chế độ lương thưởng có thể khác nhau tùy công ty, tuy nhiên nhìn chung nếu cùng một lĩnh vực thì những công ty vừa và nhỏ có mức lương thấp hơn so với các công ty lớn. Đó là chưa kể nhiều trường hợp không có nhiều hy vọng về tiền thưởng và tăng lương. Tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và phạm vi kinh doanh hạn chế, không ít nhân viên phải đối mặt với sự bất an về tương lai phát triển cũng như mức độ ổn định của doanh nghiệp.
Việc phân chia quy mô chỉ là tương đối, tùy từng công ty mà cách làm việc và nội dung công việc sẽ hoàn toàn khác nhau. Bạn hãy cân nhắc những phân tích trên để lựa chọn công ty phù hợp với nguyện vọng và cách làm việc của bản thân nhé.
4. Công ty liên doanh nước ngoài hay công ty Nhật Bản
Khi người Nhật đi xin việc hoặc chuyển việc, họ rất quan tâm tới việc công ty mới là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hay doanh nghiệp thuần Nhật. Những công ty liên doanh với nước ngoài là những công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài được thành lập tại Nhật Bản, và có nhiều tính chất khác với những doanh nghiệp Nhật Bản. Mỗi kiểu doanh nghiệp có những ưu và nhược điểm riêng nên cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau. Bạn hãy xem xét từ nhiều khía cạnh để lựa chọn công ty phù hợp nhất với mình.
Khác với những công ty Nhật Bản luôn có ý thức tự đào tạo nhân viên, các công ty liên doanh nước ngoài thường tuyển dụng những người có năng lực và kinh nghiệm làm việc. Họ tích cực thực hiện việc săn đầu người để mời những người có triển vọng vào công ty mình.
Ưu điểm của các công ty này là mức lương hay thu nhập hằng năm. Các công ty Nhật Bản có xu hướng trả lương theo thâm niên và tuổi tác, ít xét đến hiệu quả công việc hay năng lực. Ngược lại, nhiều công ty liên doanh nước ngoài coi trọng năng lực của nhân viên, nếu năng lực của nhân viên tốt thì sẽ được trả lương ở mức tương xứng. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng một nhược điểm của những công ty này là dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên nếu chính sách quản lý thay đổi hoặc tình hình kinh tế xấu đi.
So với các công ty liên doanh nước ngoài, ưu điểm của các công ty Nhật Bản là nhân viên chính thức không dễ dàng bị sa thải. Tuy nhiên, khi làm việc ở các công ty Nhật Bản, bạn sẽ phải chấp nhận hi sinh thời gian cá nhân ngoài giờ làm việc để tham gia các buổi tiệc rượu của công ty hay để làm thêm giờ. Gần đây, xu hướng coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng phần nào giúp giảm thiểu tình trạng này, tuy nhiên ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhân viên vẫn phải tự nguyện làm thêm vào sáng sớm, tối muộn hay cuối tuần trong những mùa bận rộn. Những phần làm thêm này không được trả thêm lương và có thể coi đây là một nhược điểm của công ty Nhật Bản. Đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ, bạn đừng quên hỏi rõ về thời gian làm thêm trung bình để xem xét có nên nhận việc hay không nhé.
5. Nội dung công việc
Tiếp theo, chúng ta cùng xét đến nội dung công việc. Tại các công ty Nhật Bản, nhiều khi nội dung công việc không được xác định rõ ràng vào thời điểm tuyển dụng. Thông thường sau khi bạn vào công ty và bắt đầu công việc, người ta mới dựa trên năng lực của bạn và hiện trạng công việc để quyết định về nội dung và khối lượng công việc giao cho bạn. Bên cạnh đó, ở nhiều công ty còn có chế độ luân chuyển sang công việc khác trong quá trình làm việc. Ưu điểm của chế độ này là bạn có thể trải nghiệm phạm vi công việc rộng hơn, nhưng đồng thời cũng có nhược điểm đó là khiến những ai mong muốn được phát triển chuyên sâu vào một lĩnh vực cảm thấy áp lực.
Đối với các công ty liên doanh nước ngoài, nôi dung công việc và mục tiêu cụ thể sẽ được liệt kê rõ ràng trong bản mô tả công việc khi tuyển dụng. Nhờ đó, công việc của bạn sau khi được nhận vào công ty sẽ không có nhiều khác biệt với kỳ vọng ban đầu, và bạn có thể dễ dàng lập kế hoạch sự nghiệp cho bản thân. Tuy nhiên, sau khi được nhận vào làm, bạn sẽ ít có cơ hội được luân chuyển sang lĩnh vực khác, ít có cơ hội được thử thách bản thân và phát triển sự nghiệp cũng như tăng lương trong chính công ty đó.
6. Thời gian làm việc
Điều cần quan tâm trong thời gian làm việc là thời lượng làm thêm. Trong mục điều kiện làm việc khi đăng tin tuyển dụng cũng sẽ đề cập đến số giờ làm thêm dự tính của vị trí đó, tuy nhiên lượng thời gian này sẽ thay đổi tùy vào vị trí công việc và thời kỳ cụ thể. Giờ làm thêm mang một ấn tượng tiêu cực nên có những trường hợp thường được nói giảm đi so với thực tế, hoặc thậm chí không được đề cập tới trong điều kiện làm việc nhưng đến khi vào làm việc tại công ty nhân viên vẫn phải làm thêm hàng ngày.
Để xác định mức thời gian làm thêm thực tế, không còn cách nào khác là bạn hãy hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Ngoài số giờ làm thêm, bạn hãy tưởng tượng ra những tình huống khi làm việc thực tế để chuẩn bị thêm những câu hỏi theo nhiều góc độ khác như: thời điểm bận rộn nhất là khi nào (theo mùa hay cuối tháng, đầu tháng, v.v.), có phải đi làm vào ngày nghỉ không, nếu có thì có được nghỉ bù vào ngày khác không, v.v.
7. Có luân chuyển công việc hay địa điểm làm việc hay không
Một việc nữa bạn cần xem xét là sau khi vào làm có bị luân chuyển công việc hay địa điểm làm việc hay không. Không như mô tả công việc, trong các công ty Nhật thường có kiểu vị trí “chức vụ tổng hợp” có thể bị luân chuyển công tác. Hơn nữa, ở những công ty lớn hay công ty liên doanh nước ngoài có nhiều chi nhánh trong nước và nước ngoài, có những trường hợp cứ 2 – 3 năm nhân viên lại bị chuyển công tác một lần.
Bạn có thể kiểm tra thông tin tuyển dụng xem công việc có yêu cầu luân chuyển công tác hay không, tuy nhiên để biết có bị luân chuyển trên thực tế hay không thì bạn nên hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Đồng thời, việc luân chuyển vị trí trong công ty thường không được ghi rõ nên bạn có thể đặt câu hỏi để được biết tình trạng cụ thể của công ty, có chế độ đó hay không và có được luân chuyển theo nguyện vọng hay không.
8. Tầm nhìn của công ty, cơ hội đào tạo
Mỗi công ty là một tập hợp của nhiều người, cùng nhau làm việc và hợp tác để hướng tới một mục đích chung. Chính vì vậy, tầm nhìn của công ty là yếu tố vô cùng quan trọng, là mục tiêu chung để mọi người cùng hướng tới. Việc một công ty có tầm nhìn rõ ràng để hoạch định kinh doanh hay không, và việc bạn có thể đồng cảm với tầm nhìn đó hay không sẽ tạo ra cảm giác tin tưởng sau khi chính thức được nhận vào làm việc.
Ngoài ra, một công ty tập trung nguồn lực vào phát triển nhân lực sẽ thường xuyên tiến hành đào tạo tại công ty hoặc hỗ trợ chi phí cho nhân viên đi học và kiểm tra trình độ để nâng cao kỹ năng. Vì những công ty coi trọng nhân viên thường tích cực hỗ trợ cho nhân viên nên đây sẽ là một yếu tố để xác định thái độ của công ty.
9. Văn hóa công ty, môi trường làm việc, quan hệ con người
Trong công việc, văn hóa công ty và môi trường làm việc cũng quan trọng không kém gì nội dung công việc. Các công ty Nhật thường tin rằng mối quan hệ thân thiết giữa đồng nghiệp sẽ góp phần giúp công việc trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn. Vì vậy mà nhiều công ty thường bỏ kinh phí ra để tổ chức những buổi tiệc rượu cũng như nhiều sự kiện trong năm như tiệc tất niên, tiệc mừng năm mới. Các sự kiện trong năm thường được đề cập trong thông tin tuyển dụng còn các buổi tiệc rượu thì không. Bạn có thể hỏi thêm về vấn đề này trong buổi phỏng vấn nếu thấy quan tâm.
Bên cạnh đó, quan hệ con người ở một công ty có tốt hay không còn tùy thuộc rất lớn vào quan điểm của từng người nên khó có thể đưa ra một nhận định chung. Tuy nhiên một tiêu chí bạn có thể hỏi để đánh giá chính là tỷ lệ nghỉ việc. Tại những công ty có môi trường làm việc không được tốt, tỷ lệ nghỉ việc nhìn chung thường cao hơn. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu lý do nếu công ty đó thường xuyên đăng tin tuyển dụng trên các trang tuyển dụng. Nếu lý do tuyển dụng là vì mở rộng kinh doanh thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu không ghi rõ lý do thì bạn cũng nên lưu ý vấn đề này.
10. Địa điểm văn phòng
Nếu công việc yêu cầu phải tới văn phòng hàng ngày thì vị trí văn phòng cũng là một tiêu chí bạn cần phải xem xét. Những công ty có văn phòng gần nhà ga sẽ thuận tiện cho việc đi lại, đỡ vất vả vào những ngày mưa gió nên được ứng viên rất quan tâm. Bạn cũng cần xem xét với vị trí văn phòng như vậy thì nên thuê nhà ở đâu cho thuận tiện, tránh tình trạng vào công ty rồi mới lo đi tìm nhà.
Đặc biệt ở Tokyo, vào giờ cao điểm buổi sáng, có những tuyến tàu có lượng khách vượt quá 120% tải trọng cho phép. Vì vậy, bạn nên chọn công ty sao cho không phải chuyển tàu nhiều hoặc tuyến từ nhà đến công ty không phải là tuyến đông người. Để yên tâm, bạn hãy hỏi xem có thể làm việc tại nhà khi xảy ra thiên tai hay dịch bệnh hay không.
Hiện trạng và những vấn đề mà người ngước ngoài gặp phải khi làm việc tại các công ty Nhật
Tại Nhật Bản và đặc biệt là các công ty 100% vốn nội địa Nhật luôn tồn tại thứ văn hóa “làm việc trọn đời”, nơi nhà tuyển dụng muốn nhân viên làm việc cho mình càng lâu càng tốt. Vì vậy mà trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhiều công ty sẽ xem xét khả năng hợp tác lâu dài của ứng viên, cụ thể là có thể thích nghi với văn hóa công ty hay không, có thể làm việc ăn ý với những nhân viên người Nhật khác hay không. Khi tuyển dụng người nước ngoài, thái độ hợp tác cũng được đánh giá ngang bằng với nội dung công việc hay thành tích. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn những ví dụ thực tế để minh họa về khả năng hợp tác và thích ứng của mình trong quá trình sinh sống ở Nhật Bản trước đó.
Về năng lực tiếng Nhật, hầu hết đều yêu cầu trình độ N2, N3 trở lên, song cũng tùy từng công việc mà có nơi chỉ yêu cầu N4 trở xuống. Việc này một phần phụ thuộc vào nội dung công việc thực tế, một phần khác là do mức độ có thể chấp nhận được theo đánh giá của từng công ty. Cũng có những trường hợp không quan tâm tới trình độ tiếng Nhật mà chỉ đánh giá dựa trên bản chất con người, vì vậy đừng chỉ tập trung tới kỹ năng tiếng Nhật mà còn cần phát huy những điểm mạnh và định hướng của bản thân.
Cùng với tiến trình toàn cầu hóa, trong những năm gần đây một bộ phận doanh nghiệp tiên tiến đã chuyển sang sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhưng nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều công ty giữ lối làm việc cũ, chưa sử dụng tiếng Anh nhiều. Khi quyết định làm việc trong một công ty Nhật, một điểm quan trọng cần cân nhắc là bạn có thể thích ứng với văn hóa và lề lối làm việc cố hữu của công ty đó hay không.
Các công ty Nhật Bản có những nét văn hóa và phong tục đặc trưng riêng. Việc coi đó là ưu điểm hay nhược điểm là tùy thuộc ở bạn. Bạn hãy tham khảo những điểm nêu trên trong tương quan với quan điểm sự nghiệp của bản thân để tìm được công việc phù hợp nhé.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Bài liên quan:
Văn hóa công sở! 10 quy tắc ứng xử cần biết trước khi làm việc ở công ty Nhật
7 điều khiến người nước ngoài ngạc nhiên khi làm việc tại Nhật Bản
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố