Trong quá trình sinh sống ở “xứ người” Nhật Bản, có thể sẽ có lúc bạn gặp phải vấn đề về sức khỏe. Để có thể giải quyết trong những tình huống đó một cách bình tĩnh và nhanh chóng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể cách tìm cơ sở khám chữa bệnh có hỗ trợ tiếng nước ngoài, cách đi khám bệnh và những việc cần làm sau khi khám trong bài viết này nhé!
Một vài trang web hữu ích để tìm kiếm cơ sở khám chữa bệnh có hỗ trợ ngoại ngữ tại Nhật Bản
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, dù chúng ta có cẩn trọng đến đâu thì cũng sẽ có những lúc bị thương hoặc bị ốm. Trong những trường hợp như vậy bạn phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để đối phó với bất kỳ bất trắc nào xảy ra. Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn những việc cần thiết phải làm khi bị ốm hoặc bị thương. Dù thế nào thì bạn cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang, kích động để có thể giải quyết mọi việc một cách hiệu quả nhất khi đang ở nơi đất khách quê người.
Trước tiên, bạn cần quyết định xem sẽ tới cơ sở nào để khám chữa bệnh. Những ai đã giao tiếp thuần thục bằng tiếng Nhật thì có thể tới khám ở cơ sở y tế gần nhất, nhưng những người còn đang học tiếng và chưa đủ tự tin trong giao tiếp tiếng Nhật thì cần chọn những cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng nước ngoài.
Dưới đây là hai trang web rất hữu ích khi cần tìm kiếm cơ sở y tế hỗ trợ ngoại ngữ tại Nhật Bản:
■Medical Excellence JAPAN
Ngôn ngữ hỗ trợ: tiếng Anh, tiếng Trung giản thể, tiếng Nga
Trang web chính thức:https://medicalexcellencejapan.org/jp/
■Japan National Tourism Organization
Ngôn ngữ hỗ trợ: tiếng Anh, tiếng Trung giản thể, tiếng Trung phồn thể, tiếng Hàn
Trang web chính thức: https://www.jnto.go.jp/
Khám bệnh ở Nhật tốn khoảng bao nhiêu tiền? Khoản tự chi trả chiếm bao nhiêu phần trăm?
Tùy từng nước mà khoản chi phí do bệnh nhân tự chi trả sẽ khác nhau. Có quốc gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người dân, cũng có quốc gia trả một mức nhất định tùy vào loại hình bảo hiểm hoặc thu nhập. Vậy chính sách chi trả trong bảo hiểm y tế của Nhật Bản như thế nào?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về chế độ bảo hiểm của Nhật Bản. Tại Nhật Bản, toàn bộ người dân phải tham gia “Chế độ bảo hiểm quốc dân” để bảo vệ mình trong trường hợp bị thương hoặc bị bệnh. Toàn bộ những người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản trong thời gian trên 3 tháng phải tham gia loại bảo hiểm này. Sau khi tham gia bảo hiểm, bạn sẽ được hưởng những dịch vụ khám chữa bệnh như người Nhật với mức chi trả tương đương. Về cơ bản, mức tự chi trả cho chi phí y tế ở Nhật là 30%.
Bảo hiểm toàn dân được chia thành 5 loại như sau:
・Bảo hiểm sức khỏe (người lao động)
・Bảo hiểm sức khỏe quốc dân (du học sinh)
・Bảo hiểm phúc lợi xã hội
・Bảo hiểm dành cho thủy thủ
・Chế độ y tế cho người cao tuổi
Phần lớn người nước ngoài sinh sống tại Nhật bản sẽ tham gia Bảo hiểm sức khỏe hoặc Bảo hiểm sức khỏe quốc dân.
Khi tham gia bảo hiểm toàn dân, bạn sẽ được cắt giảm chi phí trong những trường hợp phát sinh chi phí điều trị tốn kém như phải nhập viện hay làm phẫu thuật. Hãy cùng tìm hiểu về 2 hệ thống cắt giảm chi phí y tế sau đây nhé.
Chứng nhận áp dụng hạn mức (đăng ký trước khi phát sinh)
Nếu biết trước mình cần nhập viện hay làm phẫu thuật, bạn nên đăng ký “chế độ chứng nhận áp dụng hạn mức”. Khi đó, mức phí mà bạn phải tự chi trả mỗi tháng sẽ được giới hạn trọng một hạn mức nhất định (tùy thuộc vào thu nhập theo tháng của bạn). Phần chi phí vượt hạn mức này sẽ do Hiệp hội Bảo hiểm sức khỏe toàn quốc chi trả.
Chế độ chi phí y tế cao (đăng ký sau khi phát sinh)
Chế độ này cũng giống với chế độ trên ở điểm là khoản chi phí vượt hạn mức sẽ do Hiệp hội Bảo hiểm sức khỏe toàn quốc chi trả. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ bạn sẽ phải bỏ tiền của mình ra để trả trước. Từ lúc phát sinh chi phí tới khi bạn được hoàn lại số tiền vượt hạn mức có thể mất tới vài tháng. Chế độ này áp dụng với trường hợp nhập viện hay phẫu thuật đột xuất.
Có cần đặt lịch trước khi tới khám tại các cơ sở y tế?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về các loại cơ sở khám chữa bệnh tại Nhật Bản
▼Cơ sở y tế quy mô nhỏ
・Cơ sở khám chữa bệnh quy mô nhỏ kiểu phòng khám (gọi là kurinikku, shinryousho hoặc iin).
・Số lượng giường bệnh từ 19 giường trở xuống.
・Chủ yếu khám chữa các loại bệnh nhẹ, vết thương và bệnh mãn tính.
・Nhiều cơ sở chỉ chuyên về một lĩnh vực điều trị như nội khoa, sản phụ khoa, v.v.
▼Cơ sở y tế quy mô vừa và lớn
・Đây là các bệnh viện có quy mô vừa và lớn.
・Số lượng giường bệnh từ 20 trở lên.
・Mỗi cơ sở bao gồm nhiều chuyên khoa khác nhau.
・Sử dụng trong trường hợp khám chữa bệnh ở mức độ chuyên sâu hơn phòng khám quy mô nhỏ hoặc trường hợp phẫu thuật.
Khi tới thăm khám tại các cơ sở quy mô nhỏ, bạn không cần đặt trước mà vẫn có thể được khám ngay. Tuy nhiên, nếu đi khám tại những cơ sở quy mô vừa và lớn, bạn nên hẹn trước vì nếu không thông thường sẽ phải đợi khá lâu. Hơn nữa, khi cơ thể đang có triệu chứng bất thường bạn sẽ càng cảm thấy bất an khi ở bệnh viện. Vì vậy, bạn nên đặt lịch trước để tới khám một cách bình tĩnh và suôn sẻ.
Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến mà nhân viên y tế sẽ hỏi khi bạn đặt lịch khám qua điện thoại. Hãy chuẩn bị để có thể trả lời được những câu hỏi này nhé.
Ví dụ về câu hỏi và câu trả lời thường gặp:
・Họ tên (namae), độ tuổi (nennrei), giới tính (seibetsu), số điện thoại (denwabango)
→ Hãy cung cấp những thông tin cá nhân của mình một cách chính xác nhất.
・Bạn có triệu chứng gì?
→ Ví dụ về câu trả lời: Tôi bị đau bụng (onaka ga itai);
Tôi bị sốt (netsu ga aru), v.v.
・Bạn có triệu chứng này từ khi nào?
→ Ví dụ về câu trả lời: Tôi bị sốt từ 3 ngày trước (mikkamae kara netsu ga arimasu)
Tôi bị đau bụng từ sáng nay (asakara onakaga itai desu), v.v.
・Bạn tham gia loại bảo hiểm toàn dân nào?
→ Ví dụ về câu trả lời: Bảo hiểm sức khỏe quốc dân (kokumin kenkou hoken desu), v.v.
・Bạn mong muốn tới khám vào thời điểm nào?
→ Ví dụ về câu trả lời: Tôi muốn khám vào sáng mai (ashita no gozenchuu ni onegaishimasu), v.v.
Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi 119 để gọi xe cứu thương. Lúc đó, bạn phải nói chính xác địa chỉ của mình, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ địa chỉ nơi mình đang sống.
Cách đăng ký khám khi tới cơ sở y tế
Việc đầu tiên bạn cần làm khi tới bệnh viện là đăng ký khám. Nếu đã hẹn trước, bạn chỉ cần cung cấp họ tên và nội dung khám. Nếu đây là lần đầu tới khám tại bệnh viên này, bạn sẽ phải điền đầy đủ thông tin cá nhân (như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại, địa chỉ, loại bảo hiểm, v.v.) vào một mẫu đơn được phát để làm thẻ khám bệnh.
Ngoài ra, cũng có trường hợp bạn được yêu cầu điền phiếu câu hỏi khám bệnh. Đây là một bản những câu hỏi về tình trạng sức khỏe và thông tin về dị ứng,… của người bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin này trong quá trình khám bệnh, vì vậy bạn nên ghi đầy đủ, chính xác.
Những câu hỏi thường gặp trên phiếu câu hỏi khám bệnh:
・Họ tên, tuổi, giới tính, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ
・Triệu chứng như thế nào?
* Thường trên phiếu đã in sẵn những triệu chứng thường gặp, bạn chỉ cần đánh dấu vào ô có ghi triệu chứng tương ứng.
* Bạn có thể tham khảo tên tiếng Nhật của các triệu chứng ở cuối bài.
・Triệu chứng xuất hiện từ khi nào?
・Bạn có đang trong quá trình điều trị bệnh hoặc đã từng điều trị bệnh gì trong quá khứ không?
* Thường trên phiếu đã in sẵn những tên bệnh thường gặp, bạn chỉ cần đánh dấu vào ô có ghi tên bệnh tương ứng.
・Bạn đã từng phẫu thuật bao giờ chưa?
* Bạn chọn「はい」 (rồi) hoặc「いいえ」(chưa).
Trường hợp chọn「はい」, ghi rõ là phẫu thuật gì.
・Hiện bạn có đang dùng thuốc gì không?
* Bạn chọn「あり」(có) hoặc「なし」(không).
Trường hợp chọn「あり」, ghi rõ tên thuốc đang uống.
・Có dị ứng với loại thuốc hay thực phẩm nào không?
* Bạn chọn「あり」(có) hoặc「なし」(không).
Trường hợp chọn「あり」, ghi rõ loại thuốc hoặc thực phẩm bị dị ứng.
・Bạn có hút thuốc không?
* Bạn chọn「はい」 (có) hoặc「いいえ」(không).
Trường hợp chọn「はい」, ghi rõ một ngày hút mấy điếu.
・Bạn có uống rượu không?
* Bạn chọn「あり」(có) hoặc「なし」(không).
Trường hợp chọn「あり」, ghi rõ mỗi tuần uống mấy lần, mỗi lần khoảng bao nhiêu.
・Bạn có đang mang thai không?
* Bạn chọn「あり」(có) hoặc「なし」(không).
Trường hợp chọn「はい」, ghi rõ thai bao nhiêu tuần. Câu hỏi chỉ dành cho nữ giới.
・Bạn có đang cho con bú không?
* Bạn chọn「あり」(có) hoặc「なし」(không). Câu hỏi chỉ dành cho nữ giới.
Có thể bạn sẽ cảm thấy phiền khi phải trả lời quá nhiều câu hỏi, nhưng vì đây là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho việc khám chữa bệnh nên bạn hãy chú ý trả lời thật chi tiết nhé.
Cuối cùng cũng tới lúc vào khám: hãy mô tả triệu chứng một cách chính xác nhất
Sau khi làm thủ tục đăng ký xong, bạn sẽ phải ngồi chờ tới lượt vào khám. Khi thấy gọi tới tên mình, bạn hãy vào phòng khám để buổi khám bệnh được bắt đầu. Nếu tới khám tại một cơ sở có hỗ trợ tiếng nước ngoài, bạn sẽ không phải lo lắng gì nữa. Tuy nhiên, nếu cơ sở này không có người nói được ngoại ngữ, bạn sẽ phải sử dụng tiếng Nhật để giải thích về triệu chứng của mình lúc đăng ký và trong quá trình khám bệnh. Để tránh gặp khó khăn trong lúc đó, hãy cố gắng học thuộc một số từ ngữ thường dùng để mô tả triệu chứng nhé.
Một số từ ngữ thường dùng để mô tả triệu chứng:
・痛い (itai): đau
・かゆい (kayui): ngứa
・咳 (seki): ho
・鼻水 (hanamizu): sổ mũi
・鼻づまり (hanazumari): ngạt mũi
・頭痛 (zutsuu): đau đầu
・腹痛 (fukutsuu): đau bụng
・だるい (darui): mệt mỏi
・苦しい (kurushii): đau đớn
・熱 (nestu): sốt
・めまい (memai): chóng mặt
・吐き気 (hakike): buồn nôn
Sau khi khám xong: thanh toán và nhận thuốc
Sau khi khám xong, hãy chờ ở quầy lễ tân tới khi được gọi tên. Khi nhân viên gọi tới tên bạn, bạn sẽ được nhận sổ khám bệnh và đơn thuốc, sau đó thanh toán tiền khám và ra về. Về cơ bản, bạn có thể lấy thuốc tại bất kỳ nhà thuốc nào có ghi「薬局」(yakkyoku) trên biển hiệu. Nhìn chung, các nhà thuốc đều ở vị trí khá gần cơ sở khám chữa bệnh, và bạn hoàn toàn có thể lấy thuốc từ các nhà thuốc lân cận ngay sau khi khám bệnh một cách dễ dàng.
Khi tới nhà thuốc, bạn phải xuất trình đơn thuốc và thẻ bảo hiểm. Ngoài ra, nếu đây là lần đầu tiên tới nhà thuốc, bạn sẽ phải điền và nộp một bản câu hỏi đơn giản về thông tin cá nhân. Sau khi hoàn thành thủ tục, chờ một chút là bạn sẽ được gọi để lấy thuốc. Khi nhận thuốc, dược sĩ sẽ giải thích cụ thể về từng loại thuốc, cách sử dụng và liều lượng, v.v. Hãy nghe cho thật kỹ và hỏi lại nếu có điểm nào chưa hiểu nhé. Sau khi đã nắm rõ về cách sử dụng thuốc, bạn thanh toán và ra về.
Trên đây là toàn bộ quy trình khám chữa bệnh từ lúc đặt lịch khám, đăng ký, khám bệnh, thanh toán cho tới khi lấy thuốc. Tùy vào từng cơ sở y tế mà quy trình sẽ có chút khác biệt, nhưng nhìn chung chỉ cần bình tĩnh tuân thủ quy trình cơ bản là sẽ không có vấn đề gì. Khi cần tới các cơ sở khám chữa bệnh, hãy tham khảo bài viết trên đây và bình tĩnh thực hiện theo đúng trình tự này nhé.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố