Người ta vẫn thường nói “Nhập gia tùy tục” bởi quốc gia nào cũng có quy tắc, tập quán riêng cần chú ý. Khi đối chiếu điều này vào trong xã hội Nhật Bản, ta có thể thấy rằng trong những việc hàng ngày như cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thói quen ăn uống hay phong cách làm việc tại công sở, tùy từng khu vực hay tùy từng cửa hàng, doanh nghiệp sẽ có những quy định và những quy tắc ngầm hiểu khác nhau.
Trong số những quy tắc đó phải kể đến hợp đồng thuê nhà tại Nhật Bản với nhiều quy định đặc biệt và thường được cho là gây khó khăn cho người nước ngoài. Có không ít những bên cho thuê bất động sản từ chối cho người nước ngoài thuê nhà hoặc chỉ cho thuê nếu có sự bảo lãnh của người Nhật. Bài viết này sẽ đề cập đến 10 điểm mà người nước ngoài cần chú ý để tránh gặp phải sự cố không mong muốn khi kí hợp đồng thuê nhà tại Nhật Bản.
1. Có thể bạn sẽ không ký được hợp đồng thuê nhà và cần có sự bảo lãnh của người Nhật
Phần lớn các hợp đồng thuê nhà ở Nhật Bản đều yêu cầu có người bảo lãnh chịu trách nhiệm trong trường hợp bên thuê không trả tiền thuê nhà hoặc không liên lạc được. Vì người bảo lãnh sẽ là người để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, nên nhiều nơi yêu cầu người bảo lãnh phải là người đang sống tại Nhật Bản. Thông thường, người bảo lãnh sẽ là những người thân như cha mẹ hay anh chị em ruột; nhưng người thân của những người nước ngoài sống tại Nhật Bản hầu hết đều sinh sống ở nước họ.
Vì thế, nhiều người nước ngoài không thể thuê nhà tại Nhật vì không tìm được người bảo lãnh. Có nhiều trường hợp, vì không có người bảo lãnh là người Nhật nên phải ký hợp đồng thông qua công ty bảo lãnh trung gian. Vì chi phí trả cho công ty trung gian khá lớn nên có những trường hợp không thể thuê nhà. Vì không có người Nhật bảo lãnh và không muốn mất chi phí cho công ty trung gian nên nhiều người nước ngoài lựa chọn hoặc bắt buộc phải sống trong các nhà ở ghép hay còn gọi là “share house”.
2. Nhìn chung là tốn kém: chi phí ban đầu thuê nhà sẽ mất khoảng vài tháng tiền nhà?
Bạn có biết trung bình chi phí ban đầu khi thuê nhà tại Nhật Bản là bao nhiêu không? Tại Nhật, không bao giờ có chuyện ký hợp đồng xong, trả tiền thuê nhà là được vào ở ngay. Bạn sẽ phải trả những chi phí liệt kê dưới đây, tính theo tiêu chuẩn dành cho 1 người ở:
– Chi phí thuê nhà 1 tháng
– Tiền đặt cọc: khoảng 1 tháng tiền nhà
– Tiền lễ: khoảng 1 tháng tiền nhà
– Phí quản lý (phí dịch vụ chung): khoảng 3.000 yên
– Tiền môi giới bất động sản: khoảng 1 tháng tiền nhà
– Phí bảo hiểm hỏa hoạn: khoảng từ 3.000 đến 15.000 yên
– Tiền thay ổ khóa: khoảng từ 10.000 yên đến 20.000 yên
Như vậy, ngoài tiền thuê nhà, chi phí ban đầu của một hợp đồng thuê nhà còn bao gồm nhiều khoản phí khác nhau với tổng giá trị khoảng 4,5 ~ 5 lần tiền thuê nhà. Ngoài ra, như đề cập ở phần 1, có những trường hợp người thuê nhà phải trả thêm phí cho công ty bảo lãnh. Những chi phí ban đầu vô cùng tốn kém này là vấn đề đau đầu đối với không chỉ người nước ngoài mà còn cả chính những người Nhật nữa.
3. Một số nơi không chấp nhận người nước ngoài thuê nhà
Gần đây, tuy tình hình dần cải thiện vì ngày càng có nhiều người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản, nhưng nhìn chung hiện nay vẫn còn nhiều nơi không cho người nước ngoài thuê nhà. Lý do là vì chủ nhà lo không thể giao tiếp với người thuê vì rảo cản ngôn ngữ. Có những trường hợp vì sợ rằng không thể trao đổi rõ ràng về thủ tục hợp đồng hay thủ tục sau cư trú nên chủ nhà từ chối cho người nước ngoài thuê ngay từ đầu. Nhưng cũng có những trường hợp do từng gặp phải vấn đề với người nước ngoài nên từ đó trở đi người quản lý hoặc người chủ nhà quyết định không cho người nước ngoài thuê nữa.
Điều mà nhiều chủ nhà quan tâm là sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và nước ngoài. Điều này có thể gây ra nhiều rắc rối. Ở Nhật, để có thể hòa nhập, mọi người đều có xu hướng tuân theo những quy tắc ngầm. Ví dụ như hút thuốc ở ngoài hiên thì khói thuốc có thể bay lên tầng trên. Vì thế, người ta thường hút thuốc dưới máy hút mùi ở nhà bếp để không phiền đến người sống ở tầng trên, hay việc chú ý không để những tiếng ồn trong sinh hoạt như tiếng nhạc cụ hay tiếng trẻ con làm ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.
Ở Nhật, việc hành xử luôn cần phải xét tới những người xung quanh. Đây không phải là những hành vi mà pháp luật quy định; nhưng lại là cách ứng xử được cho là tất yếu. Để tránh khỏi những vấn đề phát sinh với người nước ngoài do không hiểu văn hóa Nhật Bản, có những chủ nhà quyết định không nhận người nước ngoài.
4. Chú ý tiếng ồn! Lý do bạn hay nghe thấy tiếng đập tường từ nhà hàng xóm?!
Cũng giống như các nước khác, nhà thuê ở Nhật cũng có đủ loại với mức giá từ thấp đến cao. Lẽ đương nhiên, nhà giá rẻ sẽ có những nhược điểm nhất định. Một trong những nhược điểm có thể kể tới là độ mỏng của tường nhà. Tường nhà mỏng thì âm thanh có thể dễ dàng truyền từ phòng này sang phòng khác.
Vì thế, khi gọi điện giữa đêm hay chơi nhạc cụ có thể làm ảnh hưởng đến phòng bên. Khi bị làm phiền, có người sẽ thể hiện sự tức giận bằng việc đập vào bức tường bên cạnh. Để tránh gặp phải những vấn đề như vậy, điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là để ý và tránh làm phiền những người sống xung quanh, đặc biệt là vào ban đêm. Đừng nghĩ rằng chỉ cần ở trong phòng mình thì có thể thoải mái làm những gì mình thích.
5. Căn phòng nhỏ hơn rất nhiều so với tưởng tượng? Chú ý hãy tới xem tận nơi khi chọn nhà thuê!
Ở quốc gia nào đi nữa thì việc giá thuê nhà ở thủ đô cao hơn là điều dễ hiểu. Vậy nên tuy cùng một mức giá nhưng nhà ở khu vực thủ đô và nhà ở khu vực nông thôn sẽ có độ rộng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chỉ quyết định thuê phòng dựa trên giá thuê và bản đồ sàn, cứ nghĩ rằng với mức giá như vậy thì căn nhà chắc rộng tầm này, nhưng trên thực tế lại chật hơn rất nhiều.
Thử tưởng tượng khi nhận phòng, bạn nhận được một căn phòng chật chỉ kê được mỗi giường, thậm chí còn không có chỗ để ngồi. Khi ấy chắc hẳn cuộc sống tại Nhật Bản của bạn có lẽ sẽ càng thêm phần căng thẳng. Khi chọn phòng, bạn nên nhờ công ty bất động sản hoặc chủ nhà dẫn đi xem tận mắt, thay vì chỉ quyết định dựa trên giá phòng và sơ đồ mặt sàn.
6. Mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Người Nhật làm thế nào để vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết?
Nhật Bản có bốn mùa, mùa hè thì nóng còn mùa đông thì lạnh. Dù cấu trúc của các căn nhà được thiết kế để điều hòa nhiệt độ và giữ cho không khí thông thoáng tới đâu, thì nếu thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng, sự chênh lệch nóng lạnh trong một năm quá khắc nghiệt cũng sẽ khiến ta khó lòng chịu được. Vì thế, hầu hết các căn nhà ở Nhật đều có lắp điều hòa hai chiều. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào điều hòa thì tiền điện hàng tháng cũng sẽ tăng cao. Hơn nữa, nhiều căn phòng cho thuê giá rẻ còn không được trang bị điều hòa.
Vào hè, quạt là thứ giúp ta vượt qua cái nóng và giúp bạn bớt lệ thuộc vào điều hòa. Quạt sẽ đỡ tốn điện hơn điều hòa nên nhiều hộ gia đình sử dụng quạt để tiết kiệm điện. Trong đó, còn có những người nghĩ ra cách dán đá khô làm lạnh lên quạt điện để làm mát. Còn đối với mùa đông, bạn nên sử dụng thiết bị sưởi ấm độc đáo của Nhật có tên “kotatsu”.
Kotatsu là thiết bị sưởi ấm gồm một chiếc bàn có gắn nguồn nhiệt và được phủ một lớp chăn lên trên để tránh mất nhiệt cho khoảng không gian dưới bàn. Thiết bị này cũng ít tốn điện hơn điều hòa. Tuy nhiên, thiết bị này hơi tốn diện tích. Vì thế khi lắp đặt, bạn có thể thực hiện một phương pháp đơn giản hơn là ngồi trên một tấm thảm điện cỡ tấm nệm ngồi thông thường rồi phủ chăn lên.
7. Có người đàn ông lạ mặt tới bấm chuông gọi cửa! Người của NHK đột nhiên tới mời chào là ai?
Chắc hẳn ở nước mình, bạn cũng từng bắt gặp nhân viên tiếp thị tới tận nhà phải không? Ở Nhật, người của một cơ quan sẽ đến gõ cửa từng nhà để thu phí xem truyền hình. Cơ quan đó chính là Đài phát thanh truyền hình Nhật Bản (gọi tắt là NHK). NHK là một tập đoàn thực hiện dịch vụ phát thanh – truyền hình công cộng tại Nhật Bản.
Về cơ bản, nhà nào có thiết bị thu sóng truyền hình đều có thể bắt được kênh của NHK. Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, dù không xem chương trình của NHK thì bất cứ ai, kể cả người nước ngoài, hễ có lắp đặt TV trong nhà thì đều có nghĩa vụ phải kí hợp đồng với NHK. Vì không có quy định về tiền phạt vi phạm khi không kí hợp đồng, người của NHK phải đi tới từng gia đình để mời ký hợp đồng và thu tiền phí truyền hình. Do ý thức cảnh giác của người Nhật, nên tình trạng bán hàng tiếp thị đang giảm. Vậy nên nếu đột nhiên có người lạ tới gọi cửa thì khả năng cao là người của NHK.
Phí truyền hình mặt đất là 2.520 yên/2 tháng, 7.190 yên/6 tháng, 13.990 yên/12 tháng. Phí truyền hình vệ tinh là 4.460 yên/2 tháng, 12.730 yên/6 tháng, 24.770 yên/12 tháng. Riêng đối với các nhà ngoại giao và lãnh sự, theo Luật tập quán quốc tế (những quy tắc chung được áp dụng trong cộng đồng quốc tế), dù có lắp đặt TV tại nơi làm việc hay nơi cư trú thì họ cũng không bị coi là đối tượng phải ký hợp đồng truyền hình.
8. Chú ý khi đổ rác: cách đổ rác phức tạp và những quy định phân loại nghiêm ngặt
Ở Nhật Bản đúng là có nhiều quy tắc hành xử. Trong đó, phức tạp nhất có lẽ là quy định về việc đổ rác. Tùy từng vùng mà cách phân loại rác có thể khác nhau. Có quy định rõ ràng, không chỉ phân loại “rác đốt được” với “rác không đốt được”, mà còn phải phân loại thành “vỏ lon/chai lọ”, “nhựa”, “báo/tạp chí”, v.v.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý về cách đổ rác. Ở Nhật, nhiều địa phương còn quy định bắt buộc đối với loại túi đựng rác. Nếu không sử dụng đúng loại túi mà địa phương quy định, bạn sẽ có thể bị trả lại rác. Thêm nữa, còn có quy định rõ mỗi loại rác sẽ được thu gom vào ngày thứ mấy trong tuần. Vì vậy, bạn không thể đổ rác một cách tự do mà phải đổ rác vào đúng ngày quy định. Ở Nhật, việc vứt rác không đúng ngày quy định được coi là một hành động khiếm nhã.
9. Không được nuôi thú cưng? Cần chú ý nếu bạn định sinh sống ở Tokyo hoặc Osaka
Cũng như ở các nước khác, nhiều hộ gia đình ở Nhật Bản cũng nuôi thú cưng trong nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà cho thuê ở đất nước này không cho phép nuôi thú cưng. Nguyên nhân của việc cấm nuôi thú cưng là để tránh những vấn đề nảy sinh giữa các cư dân trong cùng tòa nhà liên quan đến những việc như tiếng ồn do tiếng kêu hay mùi khó chịu do chất thải từ vật nuôi gây ra. Ở những thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, có nhiều nhà cho thuê không cho phép nuôi thú cưng. Vì vậy nếu muốn nuôi thú cưng, bạn phải lưu ý chọn thuê những nhà nào cho phép việc này.
10. Bạn có thể sẽ phải trả một khoản tiền lớn khi chuyển đi! Hãy chú ý giữ nhà sạch đẹp trong quá trình lưu trú
Tại Nhật, khi chuyển đi, bạn có thể sẽ phải trả một khoản phí tu sửa nhà. Đây là khoản phí để sửa chữa và dọn dẹp để chuẩn bị chào đón người thuê nhà tiếp theo. Thông thường, khoản phí này sẽ trừ vào khoản tiền đặt cọc mà bạn nộp trước khi nhận nhà. Tuy nhiên, nếu trong quá trình cư trú bạn không chú ý giữ gìn nhà cửa, dẫn tới khoản phí tu sửa tốn kém vượt số tiền đặt cọc thì sẽ phải trả thêm một khoản nữa để bù vào. Để đảm bảo khoản tiền bảo trì phòng ở mức thấp nhất, hãy giữ gìn nhà cửa sạch sẽ. Nếu bạn ở Tokyo, hãy tham khảo hướng dẫn về những điều cần lưu ý khi ký hợp đồng thuê nhà tại Tokyo.
Nhật Bản là đất nước rất tôn trọng quy tắc và lễ nghi. Có lẽ nhiều nét văn hóa đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản mà không có ở những nước khác. Điều này khiến nhiều người nước ngoài cảm thấy khó khăn trong quá trình sinh sống tại đây. Tuy nhiên, tất cả những quy tắc này đều là để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Qua thời gian, Nhật đã trở thành một nơi dễ sống và thuận lợi hơn với người nước ngoài. Hy vọng rằng đây sẽ là động lực để bạn lựa chọn một nơi sinh sống phù hợp tại Nhật.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố